Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗*/5
Hẳn không ít các độc giả đã từng đọc cuốn Túp Lều Bác Tom của Harriet Beecher Stowe hay xem bộ phim về nô lệ da đen như Nô Tì Isaura chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Bernardo Guimarães, hoặc gần đây là bộ phim 12 Năm Nô Lệ cũng được chuyển thể thành phim của Solomon Northup. Điều khác biệt là Túp Lều Bác Tom hay Nô Tì Isaura là những tác phẩm tiểu thuyết hư cấu, còn 12 Năm Nô Lệ, cuốn sách chỉ xuất bản sau Túp Lều Bác Tom một năm (1853), là cuốn tự truyện của Solomon Northup. Anh là một người Mỹ gốc Phi tự do bị bắt cóc và bán làm nô lệ suốt 12 năm ròng rã tại miền Nam nước Mỹ từ năm 1841 đến 1853.
Sinh ra và lớn lên là một con người tự do trên mảnh đất tự do tại thành phố New York. Trong một lần đi làm ăn, Solomon bị bắt cóc và đưa xuống miền Nam để bán làm nô lệ. Khi khẳng định với tên James H. Burch đang giam cầm mình rằng mình là một người hoàn toàn tự do tại New York, Solomon đã phải nếm trận đòn thừa sống thiếu chết bằng bàn vả và “mèo chín đuôi” để cảnh cáo anh rằng tại đây và từ rày về sau nếu còn nhắc đến New York hay tự do, thì trận đòn này chả thấm thía gì so với những gì anh sẽ phải hứng chịu đâu. Từ đấy, Solomon học cách im lặng đồng thời cũng tìm cách để thoát khỏi cái chế độ nô lệ tàn bạo nhất này. Những tưởng rằng sẽ nhanh thôi mình sẽ lại được tự do về với vợ con, vậy mà 12 năm đằng đẵng đã trôi qua đời anh, đến nỗi anh từng nghĩ rằng có lẽ mình sẽ mãi mục nát trong cái đầm lầy của nhánh sông Con Bò này mà không được ai tưởng nhớ thương tiếc.
Chế độ nô lệ là một chế độ tàn nhẫn trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dầu miền Bắc đã bãi bỏ chế độ nô lệ và khuyến khích công dân tự do tham gia vào hoạt động phát triển công nghiệp, nhưng miền Nam khi ấy vẫn còn tồn tại bởi ngành trồng trọt bông phát triển mạnh mẽ và chính chính quyền đã bắt tay duy trì chế độ này một cách triệt để nhất. Đó chính là địa ngục trần gian của những người nô lệ da đen, bị gọi là bọn mọi, thậm chí, tệ hơn nữa, họ bị đám chủ nô, cặp rằng coi là nhân súc.
Nếu bạn đọc 12 Năm Nô Lệ, thì chắc bạn sẽ dễ hình dung được sao lại gọi là nhân súc. Họ không có tài sản, không có bất cứ cái quyền cơ bản nào của một con người. Từ rạng sáng, họ đã phải thức dậy để bắt tay vào việc, ai dậy trễ là sẽ bị đòn roi nhừ tử. Làm quần quật từ sáng sớm cho tới lúc ăn trưa, nhưng phải ăn thật nhanh rồi lại tiếp tục công việc của mình. Ai có dấu hiệu hơi uể oải hay chậm chạp là sẽ bị đòn roi quất thẳng vào lưng ngay lập tức bởi những tên cặp rằng. Trên những cánh đồng bông mà Solomon làm việc cho tên chủ nô Edwin Epps, đó là một nỗi ám ảnh đối với nô lệ. Vào vụ thu gặt bông, đến cuối ngày mỗi người nô lệ sẽ đem cái rỗ bông mình hái về cân, nếu làm nhiều hơn năng suất của hôm trước thì được khen, nhưng qua hôm sau mà năng suất thấp hơn ngày hôm qua sẽ bị đánh. Vậy nên, dù họ làm nhiều hơn hay ít hơn, thì lúc nào tâm lý họ cũng nơm nớp lo sợ. Cái khoảnh khắc cân bông chính là khoảnh khắc ám ảnh và lo lắng nhất trong ngày của người nô lệ làm việc trên những cánh đồng bông ấy.
Làm đầu tắt mặt tối như thế, đến tối khuya mới được về lán trại để nghỉ ngơi và nấu cơm ăn với món thịt muối đầy những con dòi ngọ nguậy, nhưng mà bữa nào tên chủ nô mất nết ấy muốn họ nhảy múa là dù cho mệt lả đến mấy họ cũng buộc phải nhảy múa mua vui cho vợ chồng hắn. Ai mà lơ là chậm chạp là cũng bị ăn roi và người, và cuộc vui đó kéo dài thâu đêm. Nhưng rạng sáng họ lại phải thức dậy và lặp lại chuỗi hoạt động như ngày hôm trước. Họ không có quyền nói, không có quyền phản bác, không có quyền lên tiếng bảo vệ bản thân dù rằng họ chả phạm phải lỗi nào, ngay cả khi chính là tên chủ nô mới là kẻ gây ra lỗi. Đó chính là trường hợp của Patsey, cô gái da đen yêu đời hoạt bát rơi vào tầm ngắm của tên chủ nô dâm dật Epps, nhưng lại gặp phải bà vợ ghen tuông chì chiếc. Vậy nên Patsey bị kẹt giữa hai vợ chồng tên chủ nô không cách nào thoát ra được mà cái lỗi ấy đâu phải do cô gây ra đâu chứ. Nhưng cô không có quyền lựa chọn nào khác bởi cô là nô lệ của hắn.
Bởi là nô lệ, nên họ lúc nào cũng có thể bị chủ nô giết chết mà không được chính quyền sở tại bảo vệ. Solomon từng đối diện vài lần với tử thần, hết tên Tibeats lại đến tên Epps, không thì đám chó săn săn lùng anh khắp đầm lầy ấy. Nhiều khi anh nghĩ quẩn, “… chết sẽ chấm dứt nỗi sầu khổ trần ai – rằng nấm mồ là nơi ngơi nghỉ cho thế xác mỏi mệt rã rời.” Nhưng sự cầu sinh trong cảnh cùng khốn ấy lại lần nữa trỗi dậy, “Sự sống là quý giá đối với mọi sinh linh; đến con giun trườn mình trên đất cũng vật lộn để sống. Bấy giờ, với tôi, kẻ đang lâm cảnh nô lệ và bị đối xử tàn tệ, sự sống đúng là quý giá.” Ừ, phải sống tiếp mới có hi vọng, sống tiếp mới có ngày anh đứng dậy, viết ra nỗi đau này, nói lên sự tàn bạo này để góp phần giải phóng chế độ nô lệ vào năm 1863 sau đó.
Bởi cái thảm cảnh ấy, cái địa ngục trần gian đó cùng với những tên chủ nô như Epps hay Tibeats mà không ít nô lệ đã chấp nhận liều mình chạy trốn khỏi nông trại của chủ nô. Thế nhưng, vây quanh người nô lệ đơn thân độc mã ấy là tầng tầng lớp lớp bọn sói khát máu nhe răng chực chờ cắn xé nát họ. Thời ấy, người nô lệ muốn đi đâu ra khỏi nông trại của chủ nô là phải có giấy thông hành của chủ nô cho phép đi đâu và khi nào về. Nếu không có cái giấy phép be bé ấy là sẽ mặc định bị xem là nô lệ bỏ trốn. Vậy nên từ đó bên cạnh cái chính quyền mục ruỗng chuyên bảo vệ lợi ích của bọn chủ nô lại xuất hiện thêm một đám chó săn lang bạc chuyên lùng sục nô lệ bỏ trốn để nhận tiền chuộc từ chủ nô. Nhưng khi bị chủ nô bắt lại, người nô lệ ấy mới chính thức bị phạt những hình phạt nặng nề nhất, bị đánh đến rách da nát thịt, thậm chí bị giết chết để răng đe những nô lệ khác đừng hòng hăm he bỏ trốn.
Tuy nhiên, theo Solomon, không phải chủ nô nào cũng ác độc, tàn bạo, khát máu. Vẫn có những chủ nô tốt, xem gia nhân của mình là một con người, đối xử với họ bằng lòng trắc ẩn, sự quan tâm như ông chủ William Ford đã “cố hết sức an ủi chị – dặn chị không cần làm việc nhọc lắm; bảo chị có thể ở lại với Rose và giúp bà các việc nội trợ.” khi chị Eliza bị chia cắt với hai đứa con, hoặc việc ông thường xuyên tập hợp hết nô lệ lại rồi đọc và giảng Kinh thánh. Còn cô chủ đồn điền Norwood hàng xóm hiền lành tốt bụng Mary McCoy thì đã chiếm trọn trái tim đám nô lệ bởi:
“Không đâu trên nhánh sông lại có nhiều tiệc tùng hội hè như ở đồn điền của tiểu thư McCoy.”
“… ba trăm người đã tụ tập trong chiếc lán dài mà tiểu thư cho dựng lên để nô lệ nhảy múa. Những sản vật địa phương bày kín mặt bàn, tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người chứng tỏ đây là bữa ăn được mong đợi nhất năm.”
Họ là những người tử tế, yêu quý gia nô của mình, trân trọng và đánh giá cao công sức đóng góp của những người nô lệ. Khi Solomon có sáng kiến cho tàu bè đi lại lạch sông để giảm thiểu chi phí vận chuyển gỗ xẻ, Ford đã đồng ý để anh thử nghiệm và khi thành công, ông đã giao hẳn việc này cho anh quản lý đến khi hết hợp đồng vận chuyển. Đối với họ, Solomon chấp nhận phục vụ họ suốt đời bằng sự tận tụy nhất của bản thân.
Nhưng con số chủ nô tốt bụng ấy quá hiếm hoi, bé nhỏ, nên cuộc đời của đại bộ phận người nô lệ da đen vẫn ngập ngụa trong cùng cực của tủi nhục, hèn mọn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong tận sâu trong thâm tâm họ, họ vẫn mãi ước ao về một thiên đường tự do: tư do đi lại, tự do làm việc, tự do kiếm tìm hạnh phúc, tự do như một con người đúng nghĩa với bản tuyên ngôn năm 1776 đã xướng lên “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thậm chí, có rất nhiều nhiều người nô lệ chưa bao giờ được hưởng một phút tự do ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, vậy nên đối với họ, thiên đường chính là:
“Tôi không đòi thiên đường trên cao,
Với săn sóc, trông nom bị giày xéo,
Thiên đường duy nhất tôi đi theo
Là nghỉ ngơi, nghỉ ngơi mãi mãi.”
Solomon Northup không cầu gì hơn khi đồng ý viết lại cuốn tự truyện này cùng với giọng văn thấm đẫm sự nguyện cầu nhằm mong người đọc có cái nhìn toàn cảnh như chính mắt anh từng chứng kiến và trải nghiệm. Sau khi được giải cứu, cũng trong năm đó anh đã viết lại cuốn tự truyện này và dành thời gian để đứng lên nói hàng chục bài diễn thuyết về chế độ nô lệ tàn bạo ấy nhằm đánh thức lương tri của những người lương thiện, nhưng cuộc đời sau này của anh như thế nào, không ai biết được. Ngay cả anh đã sống ở đâu và chết như thế nào, mộ phần ở đâu cũng là một câu hỏi khó cho các nhà nghiên cứu đến tận ngày nay.
Publisher Derby & Miller, Auburn, New York[1]
Publication date: 1853
Media type Print (Hardcover)
ISBN 978-1-84391-471-6
NXB Phụ Nữ
Cty phát hành: Phụ Nữ
Năm xuất bản: 06/2014
Số trang: 315
Giá bìa: 82.000 VNĐ