Chat Sách đánh giá: ☆☆☆/5
Thật khó mà hiểu nổi vì sao quyển sách này lại mang tên An American Marriage (tạm dịch: Cuộc hôn nhân Mỹ) vì nó chẳng giống một Giấc mơ Mỹ hay mang đậm một cá tính nào của nước Mỹ. Có thể do theo thống kê 40% các cuộc hôn nhân Mỹ đều đi đến ly hôn, hoặc cũng có thể nó mang hơi hướm Giết Con Chim Nhại khi bắt đầu câu chuyện một người da đen bị hàm oan vì tội hãm hiếp?
An American Marriage kể về câu chuyện của ba nhận vật chính người da đen ở miền Nam nước Mỹ: Roy, Celestial và Andre. Roy và Celestial đám cưới được chừng một năm rưỡi, một cuộc hôn nhân êm ấm xen lẫn với những khúc mắc thường ngày như bao cuộc hôn nhân khác. Một ngày kia trên đường đi công tác xa về, Roy và Celestial gây gổ một chuyện không hẳn là vặt vãnh nhưng đủ khiến Roy bỏ ra ngoài một khoảng thời gian ngắn. Khi Roy trở về hai người làm lành với nhau nhưng đó cũng là khi tan vỡ bắt đầu. Roy bị buộc tội hãm hiếp một người đàn bà ở cùng khách sạn và bị kết án mười hai năm tù. Trong thời gian Roy ở tù, công việc làm ăn của Celestial phất lên và những áp lực xung quanh cuộc hôn nhân hữu danh vô thực đưa đẩy Celetial và Andre đến với nhau.
Tác giả Tayari Jones dẫn dắt câu chuyện với ngòi bút văn chương đầy cảm xúc, từ những lá thư Roy và Celestial viết cho nhau đến những đoạn độc thoại miêu tả tâm trạng của ba người khi Roy được tha bổng sau năm năm nhờ sự kiên trì chống án của luật sư Bank. Nhưng văn chương hay vẫn không xoá được cảm giác oán ghét dành của tôi cho hai nhân vật Celestial và Andre.
Có lẽ câu chuyện có thể kết thúc từ chương 2 khi Celestial nhận thấy mình không còn có thể đảm nhận vai trò làm vợ một tù nhân sau hai năm, cho dù cô tin anh vô tội. Cô không đưa đơn ly dị cũng không liên lạc với Roy suốt ba năm ròng cho đến lúc Roy ra tù. Cô vui hưởng cuộc sống tự do của mình với Andre nhưng khăng khăng mình không làm gì sai trái với Roy. Chẳng ai có thể trách một người vợ không đủ sức đi hết mười hai năm cô đơn không chồng, nhưng ác độc hơn chính là khi không dứt khoát khiến người khác nuôi hy vọng ở một nơi chỉ có nỗi tuyệt vọng làm bạn tình.
Nhiều người đánh giá cao quyển sách này vì đan xen trong câu chuyện tình lắt léo là thực trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Không biết là vô tình hay cố ý nhưng dựa theo cách nói chuyện của nhân vật hoặc bối cảnh sự việc, độc giả dễ dàng nhầm lẫn mình đang đọc một câu chuyện xảy ra vào thập niên 1950, nhưng dùng một cái ở đâu đó có tiếng điện thoại di động reng lên để độc giả tự nhận ra chuyện này xảy ra cũng gần đây thôi. Tác giả không nói rõ chủng tộc của người đàn bà buộc tội Roy nhưng ít nhất 7/10 độc giả sẽ tự phán đoán rằng người đàn bà ấy da trắng. Ngay chính người cha trong tù của Roy cũng nhìn nhận rằng một người đàn bà da đen như Celestial khó mà thành công nếu tên tuổi của cô gắn liền với một tù nhân như anh. Tất cả những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra với một người da đen ở xứ Mỹ đều trở thành hiện thực của Roy va Celestial trong văn chương.
Thật khó mà nói quyển sách đã thành công hay không trong việc truyền tải tính nhân bản của các nhân vật. Nhiều độc giả sẽ thấy cảm thông với cả ba nhận vật đối mặt những lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhưng nếu độc giả đã quen với sự trắng đen thì mảng xám này có thể đem đến cảm giác u ám khi đọc xong An American Marriage.
Photo Credit: What Meg Reads
308 pages. First published January 29, 2018.