Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗∗/5

Ở hai diễn đàn về sách khác nhau mà tôi tham gia, đã hai lần tôi nhìn thấy, khi một nhóm bất đồng quan điểm về cách quản lý, và khi có một người đưa ra phương án bầu cử “dân chủ” lấy số đông làm quyết định, thì thay vì tìm cách thuyết phục số đông, một số người khác (những tưởng sinh hoạt ở một diễn đàn sách thì cho là họ có tri thức để đưa ra được ưu khuyết của vấn đề) lại chọn cách dùng câu nói của Gary Strand để mỉa mai khái niệm dân chủ: “Dân chủ là hai con sói và một con cừu vào bầu cử xem tối nay ăn gì?”

Theo suy nghĩ đơn giản của tôi, khi đánh giá một quốc gia dù với chế độ chính trị nào, thì người ta thường nhìn vào nền kinh tế và sự phát triển văn hóa, khoa học và xã hội của nó. Đa số những nước phát triển kinh tế hoặc đứng đầu về khoa học xã hội, đều có một nền dân chủ, dù là tương đối hay tuyệt đối. Do đó, tôi suy luận bừa rằng, có nền dân chủ thì quốc gia phát triển hơn về mặt kinh tế, khoa học và xã hội. Và nói sơ sài theo nghĩa đen, có bầu cử chỗ nào thì có dân chủ chỗ đó. Trung Quốc có bầu cử nên cũng có nền dân chủ, Việt Nam có bầu cử nên cũng có nền dân chủ. Nhưng nền dân chủ có thật sự “tốt” hay không, xin quay lại vấn đề chính, đó là bàn về quyển Animal Farm (Chuyện ở Nông Trại theo bản dịch của An Lý, cty. Nhã Nam, hoặc Trại Súc Vật, theo bản dịch của Phạm Minh Ngọc hoặc một số bản dịch khác lưu hành trên mạng). Câu chuyện của George Orwell phần nào nhắc đến chế độ dân chủ:

Ban đầu, mọi con vật trong truyện đều tin rằng chúng sống trong một nền dân chủ bình đẳng, như Old Major (Thủ Lĩnh) đã nói: “Mọi con vật đều bình đẳng.” Sau cuộc “cách mạng” và thiết lập nông trại, mỗi tuần chúng dành sáng chủ nhật để chào cờ, sau đó hội tụ lại để bàn việc cho tuần sau. Chỉ có bọn lợn đưa ra kiến nghị mà thôi. Những con khác chỉ biết biểu quyết chứ không kiến nghị gì bao giờ. Thế nhưng, có hai con lợn Snowball (Tuyết Hoa, Tuyết Tròn, Tuyết Cầu) và Napoleon (Nã Phá Luân) luôn luôn có ý kiến đối lập, con này nói 1 thì con kia phải nói 2. Ngay cả khi chuyện được quyết định rồi thì hai con lợn này lại đem chuyện khác ra cãi tiếp. Rồi dần dà, mọi con vật đều nhất trí rằng vì lũ lợn thông minh nhất nên sẽ chịu trách nhiệm về mọi đường lối chung của trại, nhưng quyết định của chúng cũng phải được thông qua với đa số tuyệt đối. Nghe thật hoàn hảo nhưng đó cũng là sự bắt đầu cho cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai con Snowball và Napoleon, đến cực điểm trong vụ cối xây gió khi ý tưởng của Snowball sắp được đa số đồng thuận, Napoleon dùng thủ đoạn và bạo lực để đá phăng Snowball khỏi guồng máy chính quyền ngay trước con mắt ngơ ngác của đám thú vật. Rồi Napoleon tự giao cho mình quyền lực tuyệt đối, thế là nền “dân chủ” trong nông trại chấm dứt từ đấy: Nó tuyên bố rằng từ nay các cuộc Họp vào ngày chủ nhật hàng tuần sẽ bị hủy bỏ. Nó nói rằng những cuộc Họp đó là vô bổ, chỉ mất thì giờ. Từ nay các vấn để liên quan đến công việc của trang trại sẽ do một ủy ban toàn lợn và chủ tịch là Napoleon giải quyết. Đấy sẽ là các cuộc Họp kín, nghị quyết sẽ được thông báo cho toàn trại sau. Sau khi Snowball bị lưu đày, Napoleon ăn cắp mọi ý tưởng của Snowball để “công nghiệp hóa” nông trại, và tuyên truyền rằng Snowball đã ăn cắp ý tưởng của nó. Cả lịch sử đánh Jones ở Chiến dịch Cowshed (Trận Chuồng Bò) của Snowball cũng bị đổi trắng thay đen. Đến lúc này thì Napoleon nói gì thì những con vật còn lại đều nghe theo cả, có con nghe vì tin, có con nghe vì nếu không nghe cũng bị cho “ra đảo” như Snowball. Luật thì cứ thay đổi xoành xoạch theo cách cư xử của lũ lợn. Trong khi đó, các con vật thì vẫn phải tận tụy làm việc và chiến đấu, còn lũ lợn thì được ăn trên ngồi trước, thậm chí bán cả xác Ngựa thồ Boxer để mua rượu uống. Dần dà đến cuối truyện, Napoleon và cái loa tuyên truyền Squealer (Mồm To) càng ngày càng giống người, riết rồi không ai còn nhận ra ai là người ai là lợn nữa. Và nền dân chủ của chúng đã trở thành: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con bình đẳng hơn những con khác.”

Thật tôi không biết George Orwell đang mỉa mai chế độ dân chủ, hay ông đang mỉa mai những con vật chịu để những con lợn lên cầm quyền. Phải chăng Orwell cho rằng nhân loại chưa đủ tinh khôn, chưa đủ đạo đức để đạt được một nền dân chủ? Nhưng tôi cũng không dám chắc Orwell ủng hộ một chế độ chuyên chế khi chính quyền luôn giám sát mọi hành động của nhân dân, như ông đã “tiên đoán” trong tác phẩm 1984 của mình. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng hình thức dân chủ là hoàn hảo, cũng như số đông không bao giờ đúng hoàn toàn. Một quyết định đạt được bằng cách biểu quyết dân chủ không có nghĩa là quyết định đó đúng, mà là quyết định thỏa mãn được nguyện vọng (và có khả năng sẻ bảo vệ được quyền lợi) của đại đa số. Thật chất, không gì đúng hoàn toàn và không gì sai hoàn toàn, như con bạn tôi viết vào lưu bút, “Ngay cả cái đồng hồ chết mà còn đúng 2 lần trong ngày.”  Một nghiên cứu năm 2003 đăng trên tạp chí New York Times cũng cho thấy, ngay cả trong thiên nhiên, nhiều giống loài động vật như nai, ong, trâu nước, v.v. cũng dùng hình thức “dân chủ” để lấy quyết định chung cho bầy đàn của chúng. Ví dụ khi một đàn nai đang nghỉ ngơi mà hơn 60% các con nai đứng dậy muốn đi chỗ khác, thì cả đàn sẽ đứng dậy đi theo; hoặc khi loài ong muốn chia tổ hoặc tìm nơi lấy mật, chỉ cần đủ số đông là chúng sẽ toại ý theo (đương nhiên có một số ngoại lệ, như loài mèo thì chả cần biết số đông hay số đếch gì cả). Dù sống trong một chế độ kinh tế nào: xã hội, cộng sản hay tư bản, lịch sử cũng chứng minh rằng tiếng nói của người dân vô cùng quan trọng: Có nhiều cuộc biểu tình trên thế giới dẫn đến sự thay đổi tích cực như biểu tình của Martin Luther King năm 1963 dẫn đến việc nước Mỹ trao quyền bình đẳng cho người da đen; có những cuộc biểu tình dẫn đến thảm sát cả nghìn người, dù chính quyền không chịu công nhận như biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989; và có cả những cuộc biểu tình mất thời gian và gây “mất trật tự” mà rốt cuộc chính quyền cũng không làm gì như cuộc biểu tình Occupy Wallstreet năm 2011; hoặc có những cuộc biểu tình “vô hình” ở Việt Nam mà ai ai cũng biết, chỉ có báo chí là không đăng tin, không bàn đến, không bình luận như một chuyện hoàn toàn không hề xảy ra, như thể khi người ta thể hiện tiếng nói dân chủ của mình ngay cả trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì nó là một điều cấm kỵ, một thứ “bại hoại thuần phong mỹ tục” nào đó mà họ vẫn hay kiểm duyệt để cắt bỏ trong sách báo.

Thế đấy, nhưng mỗi khi có người lên tiếng về vấn đề dân chủ ở Việt Nam, thì sẽ có người lại sẽ bảo đừng có ở đó nói suông, và họ dẫn chứng câu nói của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy dùng trong bài diễn văn nhậm chức: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc.” Không bàn đến những người lính cầm súng (dù vì lý tưởng nào) trong thời chiến vì cống hiến của họ quá rõ ràng, nhưng trong thời bình, làm gì cho tổ quốc mới là “có làm”, mới được lên tiếng? Phải chăng đó phải là một cái gì đó vẻ vang cho tổ quốc thì mới được, chẳng hạn như Nghệ sĩ Nhân Dân Đặng Thái Sơn thành danh và đang làm việc ở Canada, hay Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học thế giới đang làm việc ở Mỹ…rồi thỉnh thoảng họ trở về nước làm vài quyển sách, tham gia vài buổi hòa nhạc, vẻ vang như thế mới là cống hiến? Tôi không phủ nhận những đóng góp của những người nổi tiếng, nhưng tôi tự hỏi, vì sao những người dân thường sống ở đó, đóng thuế mỗi ngày cho nhà nước, tham gia vào đội ngũ lao động để phát triển kinh tế, nuôi chính quyền, lại không được xem là có đóng góp? Và nếu như câu nói trên là đúng, thì chẳng lẽ những người dân đóng thuế ấy chưa làm gì cho tổ quốc và do đó không có quyền đòi hỏi tổ quốc làm gì cho họ? Chẳng lẽ ta phải đợi đến lúc xác ta bị bán như ngựa thồ Boxer thì mới được cho qua vòng gửi xe để lên tiếng?


Nguồn tham khảo: NYTimes, Econlog.econlib.org

Photo Credit: Artstation.com