Chat Sách đánh giá: 3/5*

Bao nhiêu người khuyết tật có được cuộc sống phong phú, đầy màu sắc và rạng rỡ như bà Helen Keller – Một người phụ nữ bị mù, câm và điếc, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20? Để làm được những điều như bà làm trong khoảng thời gian ấy, không hề dễ, tôi phải nói là cực kỳ khó vì khi đó thực sự có quá nhiều rào cản đối với người khuyết tật, đặc biệt là những người bị mù-câm-điếc. Sự hạn chế về giáo dục, về phương tiện, về hoàn cảnh, về cái nhìn của xã hội đối với người khuyết tật còn quá lớn. Nhưng Helen Keller, nhờ sự giúp đỡ không lời nào tả xiết của cô giáo Ann Sullivan, cùng với nghị lực và ý chí phi thường, bà đã làm nên những điều không tưởng.

Sự lạc quan trong suy nghĩ của bà luôn có khả năng truyền cảm hứng sang cho người bên cạnh. Bà không hề nghĩ mình là một người khuyết tật đáng thương, mà luôn nghĩ mình quả thật may mắn. May mắn vì có gia đình chăm lo. May mắn nhất là được sự dìu dắt và giúp đỡ vĩ đại của cô giáo Ann Sullivan. May mắn vì được nhiều người yêu quý và có nhiều sự hỗ trợ từ mọi người trên thế giới. Sự chìm đắm trong u tối chỉ tồn tại trong bà trong 8 năm đầu đời, còn lại là những chuỗi ngày bà khám phá, chinh phục thử thách, làm những điều có ích cho xã hội, cho mọi người. Nơi đâu cần sự giúp đỡ của bà, dù về tinh thần hay vật chất, bà đều luôn sẵn lòng. Tôi tự hỏi, nếu như Helen không bị những khuyết tật đó hạn chế, thì bà có thể làm được những gì nữa? Hay cũng sẽ là một cô gái bình thường như bao cô gái ngày ấy? Có lẽ có, có lẽ không. Nhưng quan trọng là khi khó khăn, Helen biết chấp nhận hoàn cảnh và sống vui với hoàn cảnh ấy. Không những vui, mà là rất rực rỡ, rất màu sắc dù mắt bà chỉ toàn bóng tối. Tràn ngập tiếng cười dù bà bị câm. Biết lắng tai nghe dù bà không nghe được. Sự mạnh mẽ của bà, cộng với vấn đề khuyết tật càng làm cho ý chí sắc đá ấy, tinh thần kiên cường ấy phát huy hơn lúc nào hết. Bà như một cây xương rồng nở hoa giữa sa mạc. Khó khăn không làm bà lùi bước, mà chính nó mới là chất xúc tác giúp bà tiến về phía trước. Thậm chí, dù câm nhưng bà đã cố gắng tập nói, dù âm tiết không phát âm rõ ràng nhưng mà bà đã có thể nói được, bằng sự kiên trì có thể nói là suốt cuộc đời mình, không ngưng nghỉ. Khoảnh khắc mà bà đứng trước cô giáo Ann và cô giáo Fuller, nói rành rọt:

“Em-không-còn-câm-nữa!”

Thực sự khiến tôi rất xúc động và nghẹn ngào khi đọc tới dòng này. Cảm giác giống như mình cũng đang đứng trong căn phòng đó, chứng kiến khoảnh khắc đó vậy.

Tuy nhiên, điều tôi tiếc ở cuốn truyện này, là Lorena chỉ thành công ở 1/3 đầu truyện. Còn lại về sau, dường như bà chỉ tường thuật lại những sự việc và thử thách và thành tựu mà Helen và Ann cùng vượt qua. Do đó, cảm xúc của tôi theo mạch truyện cũng giảm dần và tới càng sau càng chán. Nhưng ai quan tâm về cuộc đời bà thì vẫn có thể trải nghiệm thử, vì cuốn truyện cũng mỏng à, chỉ có 222 trang khổ nhỏ. Còn nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về tâm tư của bà nữa thì có thể đọc thêm cuốn Chuyện Đời Tôi do chính tay bà viết và được xuất bản vào năm bà học năm thứ 3 đại học Radcliffe College. Cũng có thể xem thêm phim tài liệu nổi tiếng về cuộc đời bà để có cái nhìn chân thực hơn.

Và điểm trừ cho cuốn sách này nữa là NXB Phụ Nữ làm gáy cuốn này quá ẹ. Tôi mới đọc có một lần mà tờ cuối đã muốn rớt ra rồi trong khi sách mỏng te.

Đoạn video bà nói chuyện (Nguồn: Youtube)


NXB Phụ Nữ

Công ty Phát hành: Phụ Nữ

Người dịch: Trần Thanh Ngọc

Năm xuất bản: 2017

Số trang: 222

Giá bìa: 60.000 VNĐ