Chat Sách đánh giá: ***/5

Cái chết của một con ngựa hẳn không có gì đáng để các vị cảnh sát lưu tâm lắm mặc dù cái đầu nó bị treo lủng lẳng trên một cái cáp treo trong một đêm giá lạnh giữa một vùng tuyết trắng. Thế nhưng đây là con ngựa yêu thích nhất của một trong những người có ảnh hưởng về kinh tế chính trị nhất với nước Pháp thì cũng gay nhỉ, đến mức huy động cả lực lượng sĩ quan cảnh sát lẫn sen đầm vào cuộc liệu có quá lắm chăng?

Nhưng chỉ hai ngày sau, một người chạy bộ tập thể dục buổi sáng lại phát hiện một thi thể người đàn ông trần truồng bị treo cổ lủng lẳng dưới cầu, lưng khoác một chiếc áo choàng màu đen giang ra như đôi cánh và chân mang đôi ủng màu đỏ cộng với vài ngày sau chính vị sĩ quan Martin Servaz chứng kiến thêm một nạn nhân nữa bị giết thì cảnh sát và sen đầm không thể ngồi yên được nữa rồi.

Liệu hai vụ giết người này và vụ con ngựa bị chặt đầu treo trên cáp có gì liên quan với nhau không? Hay chỉ là hai vụ án hoàn toàn độc lập? Cảnh sát đau đầu, sen đầm cũng đau đầu, hai bên hợp tác với nhau để truy tìm ra hung thủ và mối liên hệ giữa vụ người ngựa ngựa người.

Mặc dù dày tới hơn 600 trang nhưng được cái văn phong tác giả không khô như ngói, mà ngược lại, Bernard Minier lại rất chú trọng tả cảnh, khung cảnh vùng núi tuyết phủ trắng xóa dường như hiện lên trước mắt người đọc. Cộng với nhịp truyện vừa phải, tăng dần đều đến cuối truyện, đề cập đến nhiều vụ án trong quá trình điều tra, như kẻ sát nhân hàng loạt Julian Hirtmann (kẻ mà sau này sẽ trở thành nhân vật đối đầu với Servaz trong #2), hay vụ ba đứa trẻ vị thành niên giết một người đàn ông vô gia cư, hay ký ức tăm tối của Servaz khi bị trói bên ngoài bất lực nghe tiếng người mẹ nức nở lịm dần khi bị hai thằng khốn nạn cưỡng bức đến chết và đặc biệt khơi lại những ký ức đau thương cách đây 15 năm khi trong vòng hơn một năm mà có tới bảy đứa trẻ vị thành niên có nam có nữ trong thị trấn treo cổ tự tử. Vụ trọng án mà đến tận giờ người ta vẫn không hiểu rõ được nguyên nhân dẫn đến thảm kịch ấy.

“… chẳng có lấy một bằng chứng dù là mơ hồ nhất để chứng minh. Không giả thuyết nào thực tế. Đó là bí ẩn lớn nhất trong toàn bộ sự nghiệp của tôi. Tôi cho rằng mọi thẩm phán và nhân viên điều tra đều sẽ có ít nhất một bí ẩn như thế, vụ án mà họ không lý giải nổi. Và nó sẽ ám ảnh họ đến cuối đời. Một vụ án để lại cho họ dư vị vĩnh cữu của tuyệt vọng, và hầu như bác bỏ tất cả những thành công khác.”

 

“Mỗi vụ án luôn có một yếu tố như thế (mảnh ghép không khớp), cứng đầu, không chịu khớp vào bức tranh toàn cảnh. Bỏ nó đi, mọi tình tiết đều có lý. Nhưng nó vẫn ở đấy. Không chịu biến mất. Nghĩa là một thứ gì đó, ở đâu đó, đã vuột khỏi tầm tay chúng ta. Đôi khi nó vô cùng quan trọng. Đôi khi lại không. Một số thẩm phán và điều tra viên đã quyết định tảng lờ, đây thường là nguyên nhân gây ra án oan.”

Tuy nhiên, điểm trừ của Minier lại xuất hiện ở gần cuối và cho đến hết câu chuyện. Thứ nhất, khi vào đầu truyện nhân vật nữ bác sĩ tâm lý Diane Berd được nhập truyện bằng một bản CV vô cùng ấn tượng, tôi những tưởng rằng cô ấy sẽ đóng một vai trò cực kỳ cực kỳ quan trọng trong quá trình phá án của sĩ quan Servaz. Ừ đúng, cô ấy quan trọng vì đã tìm ra được hung thủ đứng sau chuỗi án mạng ngựa người là ai nhưng mà không có cô thì Vincent cũng tìm ra được hung thủ, chỉ có điều hơi khó khăn hơn xíu thôi. Tôi nói tác giả Minier này, liệu ông kì thị hay quá thiên vị phụ nữ khi cho cô ấy quá ít đất diễn, thực sự là cực kỳ ít so với màn mở đầu ấn tượng, mà lại tìm được hung thủ một cách cực kỳ dễ dàng và đơn giản như thế chăng? Tôi đọc đọc mong coi chừng nào thì hai con người mà tôi nghĩ là 2 nhân vật trung tâm của câu chuyện Diane và Martin gặp nhau, nhưng ôi chao, đến gần cuối, thì họ mới được tiếp xúc lần đầu qua điện thoại. Thật khó mà chịu được.

Thứ hai, theo quan điểm của cá nhân tôi, việc đưa cựu thẩm phán vào trong câu chuyện là không cần thiết, nó như việc đánh dấu X cho mấy bạn đọc “Nè, ông này coi bộ không chỉ đơn thuần đóng vai ông bụt hiện ra giúp Tấm lau nước mắt thôi đâu nha.” Thế là nó làm cho câu chuyện kém phần hấp dẫn hơn (với tôi).

Thứ ba, chính là ả y tá trưởng Elizabeth Ferny, đến kết thúc câu chuyện mà tôi không biết số phận cô ả ra sao, đã chết, còn sống nhưng bị bắt hay còn sống nhưng đã mất tích? Không có chi tiết nào đề cập đến.

Thứ 4, là vụ án ba đứa trẻ giết người đàn ông vô gia cư, mặc dù chỉ là vụ án phụ không liên quan quái gì đến vụ án chính nhưng mà tôi cũng hy vọng tác giả đưa ra được cách giải quyết cho những gút mắc của vụ án. Vậy nhưng đáng tiếc, nó chìm nghỉm như tung tích của Lisa Ferny luôn.

Chính vì 4 điểm trừ trên nên tôi thực tình là đã thất vọng khi gấp cuốn sách lại. Không biết liệu qua cuốn thứ 2 Minier có đề cập gì đến số phận của Lisa và vụ án phụ hay không nhưng việc nó không được đề cập đến khi kết thúc câu chuyện Băng này khiến tôi rất không hài lòng.

“Con người là những tảng băng trôi. Dưới mặt nước là một khối khổng lồ những thứ họ không bao giờ nói với ai, một khối khổ đau và bí mật. Không có ai thực sự giống như vẻ ngoài của họ.”


NXB Văn Học
Cty Phát hành: Nhã Nam
Dịch giả: Hương Vũ
Năm xuất bản: 2016
Số trang: 628
Giá bìa: 175.000 VNĐ