Chat Sách đánh giá: ∗∗*/5
Kể từ khi nghe về thể loại “magical realism” (thực tế kỳ ảo) được Gabriel Garcia Marquez dùng trong Trăm Năm Cô Đơn, ít khi nào tôi nghe nói đến một tác phẩm theo thể loại đó, cho đến khi tôi đọc Bone Gap, nói đúng hơn là đọc những lời bình của báo chí về Bone Gap của Laura Ruby. Bone Gap là một thị trấn nhỏ ai cũng biết ai, nhưng chẳng ai biết ai cả.
Bone Gap kể về câu chuyện của Finn O’ Sullivan, một chàng trai 18 tuổi, sống với anh trai Sean. Mẹ họ đã bỏ họ đi lấy chồng khác sau khi cha họ qua đời. Sean bỏ ước mơ học trường Y để ở lại chăm sóc Finn cho đến khi cậu tốt nghiệp trung học. Finn từ nhỏ đã được gọi là “Người Không Gian”, “Kẽ Lơ Đễnh” hoặc “Mặt Vô Hồn” vì chẳng bao giờ cậu nhìn ai đó thẳng vào mắt của họ. Sean hy sinh cho em trai mình, nhưng dường như anh cũng chẳng vui sướng vì điều đó.
Bone Gap kể về câu chuyện của Roza, một cô gái Ba Lan xinh đẹp. Một ngày kia, Sean và Finn phát hiện cô bị thương trong chuồng ngựa của họ. Họ cứu giúp cô và cô ở lại với anh em họ suốt một năm. Rồi lại đến một ngày kia, sau khi làm cho cả hai anh em đảo điên với vẻ đẹp và sự vui tươi của mình, cô lại biến mất, cũng bí ẩn như cái cách cô xuất hiện. Finn chứng kiến và nhìn thấy người đàn ông đã bắt cóc cô, nhưng cậu không thể miêu tả người đàn ông trông thế nào, cậu chỉ có thể nói về dáng đi của ông ta “nhưng một ngọn ngô lung lay trong gió.”
Bone Gap còn kể về câu chuyện của Priscilla, một cô gái xấu ma chê quỷ hờn. Cô thích người ta gọi mình là Petey. Cô sống với mẹ trong một nông trại nuôi ong cạnh nông trại ngựa của Finn. Không ai “nhìn thấy” cô cả, ngoại trừ Finn. Ban đêm họ cưỡi con ngựa bí ấn qua những vách núi kỳ lạ giữa những cánh đồng bắp.
Sự tương phản của Roza và Petey có lẽ là chủ đề chính của câu chuyện: Cái đẹp chưa chắc đã đem lợi ích cho chủ nhân của nó mà cái xấu cũng chưa hẳn đã phá hủy hoàn toàn cuộc đời của một con người. Nhưng nếu Finn không mắc chứng bệnh lạ, liệu cậu có nhìn những người xung quanh một cách khác đi? Đó là điều tôi không thích ở câu chuyện: Nó ép người ta phải là một trường hợp ngoại lệ mới có được quyền hưởng ích lợi từ những điều tự nhiên nhất như yêu một người chỉ ta có thể hiểu người ấy.
Công bằng mà nói thì Bone Gap có rất nhiều điều mới mẻ: Nó kể lại huyền thoại Hy lạp của Persephone trong một thế giới hiện đại. Nữ thần Demeter có một đứa con gái tên Persephone bị Hades, chúa tể của địa ngục, bắt cóc. Sau khi Persephone mất tích, thế giới trở nên u ám buồn bã. Demeter sau đó biến thân thành một con ngựa có cánh màu đen và sinh ra hai đứa con vị chúa tể của đại dương, Poseidon. Nhưng thật khó mà nói Roza có phải là hiện thân của Persephone và người mẹ của Finn & Sean có phải là hiện thân của Demeter hay không. Và rồi đâu đó trong thế giới của một ngôi trường trung học bình thường, những tòa lâu đài và những con quái thú ẩn ẩn hiện hiện. Có lẽ tôi sẽ đánh giá cao hơn về quyển sách này nếu tôi hiểu được câu chuyện của loài ong? Ngoài việc nhân vật Petey thích nuôi ong và cô cho rằng mình “xấu như một con ong to lớn” thì nó chẳng ăn nhập vào đâu cả. Thỉnh thoảng tôi nghĩ không biết phải Laura Ruby muốn liên kết chứng “mù gương mặt” của Finn với chứng “mù màu” của loài ong? Thế nhưng khi một mối liên kết chưa hình thành thì câu chuyện đã được chuyển sang một giọng kể khác của một nhân vật khác, và câu chuyện đó có thể hoặc không có thể nào liên quan với nhau. Có lẽ nếu câu chuyện có thể đi sâu hơn vào một điều gì đó mà thôi để cường điệu hóa sự bí ẩn, hoặc đi lan man đến mức người đọc như vào mê cung không có lối ra thì tôi nghĩ nó sẽ thành công hơn. Nói tóm lại, tôi không tiếc thời gian đã đọc sách, nhưng tôi thấy chưa được thỏa mãn với Bone Gap.