Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗∗/5

Chẳng hiểu vì sao ông Mắt Mèo có tên là ông Mắt Mèo, và thằng Út Đen có tên là Út Đen dù nó là con một. Má thằng Út Đen viết thư tình bị ông Mắt Mèo phát hiện, hai vợ chồng gây gỗ rồi má nó bỏ ba con nó đi xa. Thằng Út Đen thương má, nhưng nó ở lại với ba mà cũng không trách cứ gì ba nó. Ngược lại, nó ôm mộng được học chữ nhưng sợ ba nó rầy. Một đêm nọ, ông Mắt Mèo dắt nó “đi mần” đêm, nhưng xui rủi sao bị người ta bắt gặp, dí chạy thừa sống thiếu chết, ông Mắt Mèo bị thương ở chân và cuộc đời hai cha con thay đổi từ đó.

Đây vốn dĩ là một câu chuyện cũ thôi. Khi nhìn thấy sách bán, tôi nhớ mang máng mình đọc hồi nảo hồi nao rồi, nhưng trên trang sách mạng chỉ ghi là xuất bản năm 2013. Không thể nào, mua về thì rõ là sách tái bản từ bản in lần đầu năm 1993. Cái tên Mắt Mèo và Út Đen nghe quen thuộc biết bao, và cả giọng văn từ đầu những năm 1990, cái thời Nguyễn Nhật Ánh mới nổi, và Nguyễn Ngọc Tư còn là cô gái trẻ. Nhưng Nguyễn Thái Hải dường như không nổi bằng hai nhà văn kia, dù văn học của ông cũng thuần Việt vô cùng.

Một câu chuyện ngắn thôi, người lớn đọc không đến một giờ là xong, nhưng nó lại chứa đựng nhiều chi tiết thú vị về vườn sầu riêng, về ông Quan Công, về mấy chiêu xiếc võ thuật. Không dùng ngôn ngữ quá màu mè, cũng chẳng cần những tình tiết quá động trời, thế mà câu chuyện của Út Đen và ông Mắt Mèo để lại một sự lạc quan trong người đọc. Nhiều khi ước mơ nhỏ nhoi của trẻ con chỉ là được đi học và sống hạnh phúc bên ba (hoặc mẹ), được yêu thương. Nhân vật trong truyện từ ông Mắt Mèo, đến Út Đen, đến cả ông Lý hàng xóm và cả mấy cô chú bác sĩ trên bệnh viện cũng vô cùng thân thiện, chịu khó giúp đỡ lẫn nhau trong xóm nghèo, tự nhiên thấy chỉ mới hơn 20 năm mà những thứ tình người ấy thời nay kiếm không có nữa.


 

NXB Trẻ
Khổ sách: 12x20cm
Số trang: 110
Năm xuất bản: 1993, tái bản 04/2013
Giá bìa: 31.000 VNĐ