Chuyện Loài Sứa

Tác giả: Ali Benjamin

Người dịch: Du Ca

Thể loại: Khoa học thiếu nhi

Truyện dịch chưa có được sự đồng ý của tác giả

Mục lục

1 – 2 


THI THOẢNG CÓ VÀI CHUYỆN XẢY RA

Bồ đã chết được tận hai ngày rồi mình mới biết tin dữ.

Hôm đó là vào một chiều cuối tháng Tám, đánh dấu chấm hết cho một mùa hè dài dằng dặc và cô đơn sau khi tốt nghiệp lớp Sáu. Má đã gọi mình ra ngoài, và mình biết có điều gì đó không ổn – rất, rất không ổn – chỉ bằng cách nhìn vào má mà thôi. Ngay sau đó mình đã sợ, mình lo rằng có chuyện gì đó đã xảy ra với ba mình. Nhưng kể từ ngày li dị, nó đã chẳng còn quan trọng với má nếu ông bị tổn thương nữa hay sao? Nhưng sau đó mình lại nghĩ lý nào lại có chuyện gì không hay vừa xảy ra với anh trai mình.

“Zu,” má mở lời. Mình nghe tiếng tủ lạnh kêu re re, tiếng vòi sen đang nhỏ giọt, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cũ kĩ trên chiếc lò sưởi, mà thời gian chạy của nó lúc nào cũng sai trừ khi mình nhớ lên giây cót cho nó.

Những vệt nắng dài chiếu xuyên qua cửa sổ, như những bóng ma nhảy múa trên bức tường. Chúng trải xuống mặt thảm và nằm yên ở đó.

Má nói một cách bình tĩnh, những lời má nói ra với một tốc độ bình thường, song mọi thứ có vẻ đã chậm dần, như thể thời gian tự bản thân nó đang trở nên nặng nề hơn. Hoặc có lẽ thời gian đã ngưng chuyển động lại hẳn.

“Franny Jackson chết đuối.”

Bốn từ. Có lẽ chỉ cần hai giây để thốt ra, nhưng chúng dường như mất tận nửa giờ đồng hồ.

Suy nghĩ đầu tiên của mình là: Chúng thật khó hiểu. Tại sao má lại dùng họ của Franny chứ? Mình không thể nhớ nổi là má đã bao giờ gọi họ của bồ chưa nữa. Với má thì bồ chỉ luôn luôn là Franny mà thôi.

Rồi sau đó mình nhận ra điều mà má nói sau cái tên của bồ.

Chết đuối.

Má nói bồ bị chết đuối cơ đấy.

“Con bé đang đi nghỉ,” má tiếp tục. Mình để ý cái cách má ngồi nghiêm túc, cách má co vai lại. “Một kì nghỉ ở bãi biển.”

Rồi má nói thêm, như thể bằng cách nào đó nó sẽ giúp cho điều mà má nói ra có chút ý nghĩa nào đó, “Ở Maryland.”

Nhưng mà tất cả những lời má nói ấy đúng là chẳng có nghĩa gì sất.

Có tới cả hàng triệu lý do để nó chẳng có nghĩa lý quái gì. Nó chẳng có ý nghĩa bởi mình vừa mới gặp bồ cách đây không lâu, và sau đó thì bồ vẫn sống sờ sờ như bất cứ ai. Những lời má nói chẳng có ý nghĩa quái gì bởi bồ tèo luôn là một vận động viên bơi giỏi, giỏi hơn cả mình ngay từ lúc tụi mình gặp nhau lần đầu.

Chúng chẳng có nghĩa bởi cách mà mọi thứ kết thúc giữa tụi mình không phải là cách mà chúng được chào đón. Đó chẳng phải là cách mà bất cứ chuyện gì từ trước đến giờ nên kết thúc.

Thế nhưng đây là má mình mà, má đang ở ngay trước mặt mình, và má đã nói ra bốn từ. Và nếu như những lời má nói là sự thật, nếu như má đúng về điều mà má đang kể cho mình nghe đây, thì nó có nghĩa là ý niệm cuối cùng mà mình có cùng bồ – bước đi trên hành lang vào ngày cuối cùng của lớp Sáu, mang theo nào những chiếc túi đựng những bộ đồ ướt nhẹp và khóc lóc – sẽ là chuyện cuối cùng mà mình từng có cùng bồ.

Mình nhìn chằm chằm vào má. “Không, bồ ấy không chết,” mình đã phản bác lại.

Bồ không chết. Bồ không thể chết. Mình chắc chắn như thế.

Má nói gì đó, rồi lại im lặng.

“Bồ ấy không chết đâu,” mình nhắc đi nhắc lại, lần này mình còn gào to hơn nữa.

“Hôm đó là thứ Ba,” má nói. Giọng má trầm hơn trước, như thể tiếng gào to của mình đã hút hết sức mạnh từ hơi thở của má. “Chuyện xảy ra vào hôm thứ Ba. Má chỉ vừa mới biết đây thôi.”

Bây giờ đã là thứ Năm.

Những hai ngày đã trôi qua.

Bất cứ khi nào mình nghĩ về hai ngày đó – về khoảng cách giữa cái chết của bồ và việc biết tin của mình – Mình lại nghĩ về những ngôi sao. Bồ có biết ánh sáng từ những ngôi sao gần chúng ta nhất phải mất tới bốn năm để chiếu tới được chúng ta không? Điều đó có nghĩa là khi chúng ta thấy nó – khi chúng ta thấy bất kì ngôi sao nào – thì thực ra chúng ta đang nhìn nó ở quá khứ. Tất cả những ánh sáng lấp lánh đó, mỗi một ngôi sao trên bầu trời kia, đều có thể đã bị tàn lụi cách đây vài năm rồi – toàn thể bầu trời đêm có thể sẽ trống rỗng trong vài phút này, và chúng ta thậm chí không bao giờ biết điều đó cả.

“Bồ ấy biết bơi mà,” mình nói. “Bồ ấy là một người bơi giỏi, má nhớ chứ?”

Khi má không nói gì, mình hỏi lại má, “Nhớ chứ, má?”

Má đành nhắm mắt lại và dùng hai tay ôm lấy đầu mình.

“Không thể,” mình nhắc lại. Tại sao má mình lại không thấy chuyện này là chuyện không thể chứ?

Khi ngẩng đầu lên, má nói một cách chậm rãi, như thể má đang thực sự cố gắng để chắc chắn rằng mình sẽ nghe được từng lời má nói. “Ngay cả những vận động viên bơi giỏi cũng có thể chết đuối, Zu à.”

“Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Làm sao bồ ấy có thể…?”

“Chẳng có gì có ý nghĩa cả Zu à. Thi thoảng sẽ có chuyện gì đó xảy ra thôi.” Má lắc đầu và hít một hơi thở sâu. “Thậm chí cả chuyện này chẳng có vẻ gì là thật cả. Má cũng không tin được luôn con à.”

Rồi sau đó má nhắm mắt lại khoảng vài giây. Khi má mở mắt ra lần nữa, gương mặt má co rúm ró lại một cách đau khổ. Những giọt nước mắt bắt đầu rơi xuống má. “Má rất tiếc,” má nói. “Má thực sự rất tiếc.”

Má trông rất kì cục, gương mặt má hoàn toàn suy sụp. Mình ghét phải thấy má như thế. Mình đưa mắt dòm chỗ khác, những lời nói vô nghĩa đó vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu mình.

Bồ đã chết đuối.

Đang bơi ở Maryland.

Hai ngày trước.

Không, nó chẳng có ý nghĩa gì sất. Không khi ấy, cũng không phải đêm khuya hôm đó khi mà Trái đất đã chìm vào những vì sao. Không phải sáng mai khi bóng tối lui lại nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời lần nữa.

Nó chẳng có nghĩa khi mà vũ trụ có thể quay lại để chiếu sáng lần nữa.

Trong suốt khoảng thời gian này, mình đã tin rằng câu chuyện của tụi mình chỉ là: câu chuyện của tụi mình. Nhưng hóa ra bồ đã có câu chuyện của riêng mình, mình cũng có câu chuyện của riêng mình. Những câu chuyện của chúng ta có thể khớp với nhau vào một thời điểm nào đó – đủ lâu để chúng còn trông có vẻ là cùng một câu chuyện. Nhưng thực ra chúng tách biệt nhau.

Và điều đó giúp mình nhận ra rằng: Mỗi người có một câu chuyện khác nhau, luôn như thế. Không ai thực sự sống mãi bên nhau, dù cho trong một khoảnh khắc nào đó trông họ có vẻ như thế.

Đó là khoảnh khắc khi má mình biết chuyện gì đã xảy ra với bồ, là khi sức nặng của chuyện đó hoàn toàn đè bẹp bà và mình chỉ vừa chạy xuyên qua cánh đồng cỏ như bao ngày. Và đó là khoảnh khắc khi ai đó khác biết nhưng má chẳng biết. Và là khoảnh khắc khi má bồ biết tin nhưng hầu hết chẳng ai khác trên hành tinh này hay tin cả.

Và điều đó có nghĩa là có một khoảng thời gian khi bồ đã không còn nhưng chẳng ai trên Trái đất này biết cả. Chỉ có mình bồ, với tất cả sự cô đơn, tan biến vào trong làn nước biển mà thậm chí chẳng một ai băn khoăn lo lắng cả.

Và đó chính là sự cô độc đến đáng sợ mỗi khi mình nghĩ đến nó.

Thi thoảng vài chuyện sẽ xảy ra, má đã nói vậy. Đó thực sự là một câu trả lời thậm tệ, rất rất thậm tệ.

Cô Turton nói rằng khi chuyện gì đó xảy ra mà chẳng ai có thể giải thích được, nghĩa là bạn đã chạm vào ranh giới sự hiểu biết của nhân loại. Và đó là khi bạn cần đến khoa học. Khoa khọc là cách thức để tìm ra những lời giải thích mà chẳng ai khác có thể đưa cho bạn.

Mình cá là bồ còn chưa bao giờ gặp cô Turton nữa.

Thi thoảng vài chuyện sẽ xảy ra không phải là một lời giải thích. Nó chẳng có mảy may tính khoa học nào cả. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, đó là tất cả câu trả lời mà mình có được.

Cho đến khi mình đứng trong căn phòng ở tầng hầm này và đang nhìn vào con sứa ở phía bên kia tấm kính.

VÔ HÌNH

Tại khu triển lãm sứa, nằm bên dưới phòng chứa bể tiếp xúc, nơi mà những bạn học lớp Bảy còn lại của tôi đã té nước vào bạn khác, gần như vắng tanh. Ở đó đã hoàn toàn yên tĩnh trở lại, thật nhẹ cả người.

Căn phòng chứa đầy những bể sứa. Tôi thấy những cái xúc tu của nó còn mềm hơn cả tóc; công viên hải dương phải chiếu ánh sáng tràn vào trong bể, bởi vì nếu không thì mấy con này sẽ không chịu đổi màu. Ở vị trí cách đó không xa, trong một cái bể khác, tôi nhìn vào những con sứa với các xúc tu xoắn lại như mái tóc của một cô gái nổi lền bềnh trên mặt nước. Trong cái bể thứ ba, các xúc tu của con sứa quá to và thẳng khiến nó trông có vẻ như những con vật bị giam trong chính nhà tù của chúng. Thậm chí còn có cả một bể chứa đầy những con sứa be bé mới sinh; trông như những bông hoa trắng li ti mong manh mềm mại.

Những sinh vật lạ như thế, tất cả bọn chúng – trông gần giống như những sinh vật ngoài hành tinh. Những sinh vật ngoài hành tinh duyên dáng. Những sinh vật ngoài hành tinh im lặng. Như những nữ diễn viên múa ba lê ngoài hành tinh đang nhảy múa mà không cần đến bất cứ điệu nhạc nào.

Ngay gần góc phòng có một tấm bảng ghi MỘT SINH VẬT VÔ HÌNH BÍ HIỂM. Tôi biết bí hiểm nghĩa là gì – má cũng hay nói tôi như vậy, đặc biệt là những khi tôi nhúng trứng rán vào trong nước ép nho hay cố ý mang những chiếc vớ kiểu chiếc đực chiếc cái. Bí hiểm nghĩa là “sự kỳ bí”. Tôi lại bị hấp dẫn bởi những điều kỳ bí, nên tôi bước tới đọc tấm bảng đó. Một bức ảnh trên tấm bảng cho thấy có hai ngón tay đang cầm một cái bình bé ti hi. Bên trong cái bình, gần như trong suốt ấy, nổi lềnh bềnh một con sứa cũng trong suốt có kích thước cỡ bằng một cái móng tay.

Dòng chữ giải thích rằng cái bình chứa thứ gì đó gọi là một con sứa Irukandji, nọc độc của nó thuộc một trong những thứ nguy hiểm nhất thế giới. Thậm chí một vài người cho rằng nọc độc của nó mạnh gấp một ngàn lần nọc độc của nhện đen vùng Nam Âu.

MỘT VẾT CHÍCH CỦA CON IRUKANDJI SẼ GÂY RA MỘT CƠN NHỨC ĐẦU HẾT SỨC KINH KHỦNG CỘNG VỚI SỰ ĐAU ĐỚN VỀ THỂ XÁC, NÔN MỬA, TOÁT MỒ HÔI, LO LẮNG, TIM ĐẬP NHANH MỘT CÁCH NGUY HIỂM, XUẤT HUYẾT NÃO, VÀ TRÀN DỊCH MÀN PHỔI. KHI ĐÃ BỊ NÓ CHÍCH, BỆNH NHÂN SẼ CẢM NHẬN ĐƯỢC CÁI CHẾT ĐANG ĐẾN GẦN; MỘT SỐ BỆNH NHÂN CHẮC CHẮN RẰNG CÁI CHẾT SẮP XẢY ĐẾN NÊN HỌ ĐÃ KHẨN CẦU BÁC SĨ HÃY KẾT LIỄU HỌ ĐỂ HỌ CÓ THỂ “CÓ CÁI CHẾT ÊM ÁI”.

Ái chà, nghe có vẻ đáng sợ thật, tôi đọc tiếp:

ĐÚNG VẬY, CÓ CÁC BÁO CÁO SỐ LIỆU VỀ CÁI CHẾT ĐẾN TỪ HỘI CHỨNG IRUKANDJI, MÀ NGƯỜI TA KHÔNG HỀ BIẾT RẰNG NHỮNG CÚ CHÍCH IRUKANDJI MỚI LÀ NGUYÊN NHÂN THỰC SỰ GÂY RA NHỮNG CÁI CHẾT CHỨ KHÔNG PHẢI BỞI NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHÁC. CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐANG CỐ GẮNG TÌM HIỂU NHIỀU HƠN VỀ NỌC ĐỘC, VÀ VỀ NGHI VẤN ẢNH HƯỞNG THỰC SỰ CỦA VẾT CHÍCH LOÀI IRUKANDJI CÓ LỚN HƠN NHIỀU SO VỚI NHỮNG HIỂU BIẾT TRƯỚC ĐÂY HAY KHÔNG.

TRONG KHI PHẦN LỚN NHỮNG CON IRUKANDJI SỐNG XA BỜ BIỂN NƯỚC ÚC, THÌ HỘI CHỨNG IRUKANDJI CŨNG XUẤT HIỆN Ở CÁC HÒN ĐẢO NHỎ Ở VÙNG BIỂN BẮC CÁC NƯỚC ANH, VÀ Ở HAWAII, FLORIDA, VÀ NHẬT BẢN. THEO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, NHIỀU NHÀ NGHIÊN CỨU TIN RẰNG LOÀI IRUKANDJI CÓ THỂ DI CƯ RA XA KHỎI NƯỚC ÚC QUÊ NHÀ CỦA NÓ. KHI CÁC ĐẠI DƯƠNG ẤM DẦN LÊN, MÔI TRƯỜNG ĐÓ PHÙ HỢP VỚI LOÀI IRUKANDJI, CŨNG NHƯ VỚI CÁC LOÀI SỨA KHÁC, CHÚNG SẼ TIẾP TỤC DI CƯ VƯỢT QUA NHỮNG ĐOẠN ĐƯỜNG LỚN HƠN NỮA.

Khi đã đọc xong đoạn viết đó, tôi đọc lại lần nữa.

Rồi tới lần thứ ba.

Tôi nhìn vào bức ảnh, nhìn vào loài sinh vật nhỏ bé trong suốt đó. Chẳng ai có thể thấy được nó trong nước cả. Nó hoàn toàn vô hình.

Tôi quay trở lại với lời giải thích. Tôi nhìn chăm chú vào những từ ngữ đó một lúc lâu.

Báo cáo số liệu về những cái chết…

Di cư vượt qua những đoạn đường lớn hơn…

Đầu tôi ong lên, và tôi cảm thấy choáng váng mặt mày. Cảm giác như là chẳng có gì tồn tại trong thế giới này ngoài tôi và những lời giải thích đó cùng những sinh vật im lặng đang cựa quậy xung quanh tôi.

Không phải bởi những nguyên nhân khác…

Tôi ngó lom lom vào những lời đó lâu đến nỗi chúng bắt đầu trông thật xa lạ, như điều gì đó được viết bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác.

Và khi thở hắt ra tôi mới biết nãy giờ mình vẫn đang nín thở.

Rồi sau đó tiếng nói chuyện huyên thiên của các bạn học cùng lớp đã quay trở lại với tôi, và tôi lật đật leo lên cầu thang để trở về phòng bể chứa mà mình đã rời đi lúc nãy.

Nhưng trên cầu thang, mọi thứ giờ đã khác hẳn. Người nhân viên râu quai nón của công viên hải dương đã được thay đổi bằng một người phụ nữ với mái tóc đuôi gà màu vàng hoe. Cô ấy nói những điều giống như lúc nãy vào chiếc micro – đặt tay lên mặt nước, giữ im đó. Chiếc áo sơ mi phong cách tie-dye của đám bạn cùng lớp tôi cũng không thấy đâu nữa; phòng chứa bể tiếp xúc bây giờ chật ních những đứa trẻ trong những bộ đồng phục kaki và kẻ sọc ô. Tất thảy đây đều là nhóm của một trường học khác.

Tôi băn khoăn không biết liệu các bạn học mình có quay về trường Trung học Eugene Field Memorial mà không có tôi hay không.

Tôi bước vào sảnh chính của công viên hải dương và nhìn quanh quất. Chẳng mất thời gian để tôi phát hiện những chiếc sơ mi phong cách tie-dye đó. Tụi nó lượn lờ quanh một cái bể đại dương khổng lồ như một đàn cá lốm đốm, những con cá màu neon.

Tụi nó thậm chí còn chẳng thèm đến thăm khu triển lãm sứa. Chúng chẳng biết gì về Irukandji. Có khi chúng còn chả bao giờ muốn biết nữa là.

Sau đó tôi hiểu ra rằng: Chẳng có ai muốn biết cả. Không ai ngoại trừ tôi.