Chuyện về Sứa

Tác giả: Ali Benjamin
Người dịch: Du Ca
Thể loại: Khoa học thiếu nhi
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả

Mục lục


TRÁI TIM MA

Một con sứa, nếu bồ quan sát kỹ thì từ từ sẽ trông nó như một trái tim đang đập. Không quan trọng nó thuộc loài nào: sứa Atolla đỏ màu máu với những ánh sáng như đèn báo động, trông như một cái mũ hoa xếp nếp, hoặc sứa mặt trăng gần như trong suốt, gọi là Amelia aurita. Đó chính là nhịp đập của chúng, là cách để chúng nhanh chóng co lại , rồi phóng đi. Như một trái tim ma vậy – một trái tim mà bồ có thể nhìn xuyên thẳng vào một thế giới khác nơi ẩn chứa mọi thứ bạn từng đánh mất.

Dĩ nhiên là sứa thậm chí chẳng có trái tim – không tim, không não, không xương, không máu nốt. Nhưng mà quan sát chúng một lúc đi, bồ sẽ thấy chúng đang đập đấy.

Cô Turton nói rằng nếu bồ sống đến tám mươi tuổi, thì trái tim của bồ sẽ đập được ba tỉ lần. Mình đã suy nghĩ về điều đó, thử hình dung ra một con số thật lớn. Ba tỉ. Quay ngược lại mốc thời gian về ba tỉ giờ trước, con người hiện đại còn chưa tồn tại – chỉ có những người hoang dã sống trong hang động, mình đầy lông lá và ú ớ không thành tiếng rõ ràng. Ba tỉ năm, và chính sự sống còn chưa từng tồn tại. Thế nhưng trái tim của bồ đây này, lúc nào cũng mải miết công việc của nó, đập rồi lại đập, dần dần lên tới ba tỉ lần.

Nhưng đó là nếu bồ được sống lâu đến mức đấy kìa.

Nó đập khi bồ ngủ, khi bồ xem ti vi, khi bồ đứng trên bãi biển với các ngón chân chùi sâu vào trong cát. Có thể trong lúc đứng đó, bồ đang nhìn vào ánh sáng trắng xóa lấp lánh trên đại dương tối tăm, đắn đo xem liệu có đáng để cho tóc lại ướt lần nữa hay không. Có thể bồ để ý thấy hai quai áo tắm của mình chỉ hơi siết chặt trên đôi vai rám nắng của mình hay là mặt trời quá chói chang trong mắt bồ.

Bồ nheo mắt một chút. Ngay tại giây phút này đây, bồ vẫn sống như bao người.

Cùng lúc đó, các đợt sóng biển vẫn vỗ vào chân bồ, sóng sau xô sóng trước (như nhịp đập trái tim, gần như vậy – bồ có cảm nhận được hoặc không), còn hai quai áo thì đang ấn sâu vào trong da, và có lẽ thứ mà bồ nhận ra, hơn cả mặt trời hay những chiếc quai áo tắm, chính là làn nước lạnh cóng đến nhường nào, hay cách các con sóng tạo ra những khoảng trống trên mặt cát ướt mẹp dưới bàn chân của bồ. Má bồ đâu đó bên cạnh bồ; bà ấy đang chụp ảnh, và bồ biết là mình nên ngoảnh đầu về phía bà và mỉm cười.

Nhưng bồ không làm thế. Bồ không quay lại, bồ không cười, bồ chỉ nhìn về phía biển cả xa xăm, và cả hai người bọn bồ không hề biết khoảnh khắc này có ý nghĩa thế nào, hay chuyện gì sắp sửa xảy ra (làm sao bồ có thể?).

Và trong toàn bộ khoảng thời gian đó, trái tim bồ vẫn cứ đập đều đặn. Nó làm việc mà nó cần làm, một nhịp rồi lại một nhịp, cho đến khi nó nhận được tín hiệu rằng thời gian đã điểm, có thể sẽ xảy ra trong vài phút tới, đến cả bồ còn chẳng hay biết gì nữa.

Vì vài trái tim chỉ đập được khoảng 412 triệu lần mà thôi.

Cái này nghe có vẻ nhiều nhỉ. Nhưng sự thật là, nó chưa cho bồ được tới mười hai năm.


PHẦN 1

Mục đích

Không quan trọng là các em đang viết một báo cáo thí nghiệm trường trung học hay một báo cáo khoa học thực thụ. Hãy bắt đầu bằng một lời giới thiệu mục đích của các thông tin được trình bày. Chúng ta hi vọng phát hiện được điều gì từ cuộc nghiên cứu này? Nó liên quan thế nào đến mối quan tâm của nhân loại?

— Cô Turton, giáo viên Khoa học đời sống lớp 7

Trường Trung học Eugene Field Memorial,

South Grove, Massachusetts

TIẾP XÚC

Trong suốt ba tuần đầu của lớp Bảy, tôi đã học một điều có tầm quan trọng hơn hết thảy: Một người có thể trở nên vô hình bằng cách đơn giản là hoàn toàn im lặng.

Tôi luôn cho rằng quan sát là cách mà con người ta cảm thụ được bằng mắt của họ. Nhưng đến khi Trường Trung học Eugene Field Memorial có một chuyến dã ngoại mùa thu đến công viên hải dương, thì tôi, Suzy Swanson, đã hoàn toàn biến mất. Hóa ra, quan sát thì dùng tai nhiều hơn là mắt.

Chúng tôi đang đứng trong phòng chứa bể tiếp xúc, lắng nghe người nhân viên có râu quai nón của công viên hải dương nói vào micro. “Hãy giữ thẳng bàn tay các cháu,” chú ấy nói. Chú ấy giải thích rằng nếu chúng ta đặt tay mình vào trong bể chứa và giữ yên chúng ở đó, các con cá mập nhỏ xíu và cá đuối sẽ sượt qua lòng bàn tay bạn như những con mèo nhà một cách thân thiện. “Chúng sẽ đến với các cháu, nhưng các cháu phải giữ cho lòng tay mình nằm yên như thế.”

Tôi muốn cảm nhận con cá mập sượt qua các ngón tay mình. Nhưng mà quá đông người ở bể chứa, lại quá ồn ào nữa. Tôi chỉ có thể đứng quan sát từ tận phía sau trong căn phòng.

Để chuẩn bị cho chuyến du khảo này, chúng tôi đã nhuộm áo sơ mi theo phong cách tie-dye ở lớp nghệ thuật. Chúng tôi đã nhuộm bàn tay mình bằng những màu xanh cam chói lọi, và giờ thì mặc những chiếc áo sơ mi ấy như một bộ đồng phục tạo ảo giác. Tôi đoán ý tưởng này nhằm để chúng tôi dễ nhận ra nhau nếu có ai đó bị lạc mất. Vài cô bạn xinh xắn – mấy đứa con gái như Aubrey LaValley và Molly Sampson và Jenna Van Hoose – đã buộc vạt áo sơ mi thành những chiếc gút ngang hông tụi nó. Còn của tôi thì lủng lẳng ngoài quần jean như một chiếc áo choàng nghệ thuật cũ kĩ.

Đã tròn được một tháng kể từ ngày Điều Tồi Tệ Nhất xảy ra, và gần như lâu bằng khoảng thời gian tôi bắt đầu không-nói-chuyện. Đó không phải là sự cự tuyệt không nói chuyện, như mọi người vẫn nghĩ. Đó chỉ là quyết định không cần lấp đầy thế giới bằng lời nói nếu bạn không buộc phải thế. Đó là sự đối nghịch với việc nói-tía-lia, điều mà tôi đã từng hay làm, và nó tốt hơn hẳn việc nói xã giao, điều mà mọi người mong tôi làm như thế.

Nếu như tôi nói xã giao, có lẽ ba má tôi đã không khăng khăng đòi tôi đi gặp vị bác sĩ để con có thể nói chuyện, cuộc hẹn mà tôi sẽ phải thực hiện vào chiều nay, sau khi kết thúc chuyến tham quan ngày hôm nay. Thẳng thắn mà nói, các lý do lý trấu mà họ đưa ra chẳng hợp lý gì cả. Ý tôi là, nếu một người không nói chuyện – nếu đó chính là điểm mấu chốt – thì có thể vị bác sĩ mà con có thể nói chuyện mới chính là người cuối cùng mà tôi phải gặp.

Ngoài ra, tôi biết hàm ý của cụm từ vị bác sĩ mà con có thể nói chuyện nghĩa là gì. Tức là ba má tôi nghĩ rằng não tôi có vấn đề, và đó không phải là loại vấn đề về khó khăn trong việc học hành như làm toán hay tập đọc. Mà họ nghĩ rằng tôi mắc các vấn đề về thần kinh, loại mà Franny sẽ gọi là man man, là từ viết tắt của từ mát mát, tức chữ mát trong mất mát ấy, nghĩa là “thiếu thiếu cái gì đó.[1]

Tức là tôi bị thiếu thiếu cái gì đó.

“Hãy giữ thẳng bàn tay các cháu,” chú nhân viên công viên hải dương nói, không đặc biệt với riêng ai cả – điều đó cũng chả sao, bởi dù gì cũng chẳng có ai đang lắng nghe chú ấy. “Thực tế thì mấy con vật này có thể cảm nhận được các nhịp tim trong căn phòng này, nên các cháu không cần ngọ nguậy các ngón tay của mình đâu.”

Justin Maloney, một tên nhóc vẫn hay mấp máy môi khi đọc, cứ cố gắng túm lấy cái đuôi của con cá đuối. Chiếc quần dài của nó lỏng le đến nỗi mỗi lần nó chúi mình xuống nước, tôi có thể thấy vài phân quần con của nó. Tôi để ý thấy chiếc áo nhuộm của nó lộn ra ngoài. Một con cá đuối khác lại vụt qua, và Justin chồm tới nhanh như cắt đến nỗi nó té nước lên cả người Sarah Johnston, một con nhóc mới nhập học đang đứng bên cạnh nó. Sarah lau nước biển trên trán mình và lùi lại vài bước tránh xa Justin ra.

Sarah rất trầm lặng, tôi thích thế, và nhỏ đó đã mỉm cười chào tôi vào ngày đầu tiên đến trường. Nhưng rồi Molly bước qua và bắt chuyện với nhỏ, rồi sau đó tôi bắt gặp nhỏ ấy nói chuyện với Aubrey ở khu tủ khóa, còn bây giờ thì tôi thấy áo sơ mi của Sarah cũng được gút lại ở thắt lưng, y như mấy đứa kia.

Tôi hất mớ tóc ra khỏi mắt mình và cố gắng vén nó ra sau tai – Mizz Frizz, đám tóc không chịu yên. Nó lập tức xõa xuống mặt tôi lần nữa.

Dylan Parker rón ra rón rén đằng sau Aubrey. Nó chộp lấy vai nhỏ ấy và lắc chúng. “Cá mập kìa!” nó thét lên.

Đám con trai vây quanh cậu ta cười nắc nẻ. Aubrey ré lên, và mấy con bé xung quanh nó cũng thế, nhưng tất cả bọn nó đều cười khúc khích theo cái cách mà đám con gái thỉnh thoảng hay làm khi ở bên bọn con trai.

Và tất nhiên chuyện đó khiến tôi nhớ đến Franny. Bởi vì nếu có mặt ở đó hẳn bồ ấy cũng sẽ cười khúc khích như thế.

Rồi sau đó tôi lại cảm thấy một cơn ớn lạnh, y chang cái cảm giác tôi có bất cứ khi nào tôi nghĩ tới Franny.

Tôi nhắm nghiền mắt lại. Trong khoảng vài giây đó, bóng tối chính là sự giải thoát. Nhưng ngay sau đó một hình ảnh chui tọt vào đầu tôi, và nó chẳng phải là một hình ảnh đẹp đẽ gì cho cam. Tôi tưởng tượng ra cảnh bể tiếp xúc bị vỡ, tụi cá đuối và đám cá mập con văng ra vương vãi khắp sàn nhà. Thế rồi tôi thắc mắc những con vật đó có thể sống bao lâu trước khi nó bị chết đuối ở ngoài trời.

Chúng sẽ cảm thấy xung quanh thật lạnh lẽo, inh tai và chói mắt. Rồi sau đó các con vật sẽ ngưng thở mãi mãi.

Tôi mở mắt ra.

Thi thoảng bạn cũng rất muốn thay đổi vài thứ, thậm chí thực tế là bạn còn chẳng thể đứng chung phòng với điều đó nữa.

Ở phía góc xa xa, có mũi tên chỉ xuống một cầu thang dẫn đến một khu triển lãm khác, SỨA, ở tầng dưới. Tôi bước về phía các bậc thang, rồi liếc nhìn lại phía sau xem liệu có ai chú ý tới mình hay không. Dylan đập nhẹ cho nước bắn vào người Aubrey, thế là cô nàng lại thét lên lần nữa. Một trong những giáo viên giám thị bước về phía bọn chúng để nhắc nhở.

Ngay cả khi tôi mặc chiếc áo nhuộm màu neon, thậm chí cả mái tóc Mizz Frizz của tôi nữa, thì có vẻ như chẳng ai trông thấy tôi cả.

Tôi bước xuống các bậc thang, hướng về phía khu triển lãm SỨA.

Không một ai chú ý tới. Không ai sất.


[1] Nguyên bản: cray cray, crazy và craze. Người dịch xin phép được phỏng dịch từ “craze” thành mất mát để giữ nguyên ý và cách dùng từ liên kết với nhau của tác giả.