Đánh giá của tôi: ∗∗∗∗*/5

Có khi nào bạn đọc trúng một quyển sách mà bạn không thể chịu đựng nổi cách suy nghĩ và cư xử của bất cứ một nhân vật nào trong sách nhưng bạn vẫn tiếp tục đọc? Đối với tôi, Bóng ma ký ức là một trong những quyển sách như thế. Những nhân vật trong truyện, đặc biệt là nhân vật chính Libby Day, quá xấu xí nhưng lại quá lạc lõng trong cuộc đời này đến nỗi câu chuyện tưởng chừng như đã được hư cấu một cách thái quá lại trở nên chân thật một cách táo bạo.

Tạm kể sơ về nội dung của Bóng ma ký ức để bạn đọc dễ hình dung: Mới bảy tuổi đầu cô bé Libby đã chứng kiến cảnh gia đình mình bị tàn sát. Qua bao nhiêu năm trời cô vẫn nghĩ người anh trai của mình, Ben, là tên hung thủ mất hết nhân tính giết cả gia đình. Cô sống gần hai mươi lăm năm trong sự bố thí của một xã hội đã từng thương hại hoàn cảnh của cô, đến khi cô trở nên túng quẫn, cô đành đem câu chuyện của mình ra để xào nấu lên để tiếp tục kiếm chác. Nhưng cái cô đổi lại chỉ là một sự thật còn đen tối ám ảnh hơn những “sự thật” mà cô từng biết. Quá nhiều câu hỏi liên tục trổi lên trong trí óc người đọc mà chỉ khi đọc đến trang cuối cùng người ta mới vỡ lẽ, mới kinh hoàng, mới xót xa.

Bóng ma ký ức có tựa gốc tiếng Anh là Dark Places (tạm dịch: Những nơi đen tối). Tên tác phẩm đã phần nào nói lên nội dung của câu chuyện: Nó chứa đựng, nó diễn tả, nó reo rắc những thứ đen tối nhất của gia đình nhà Day và những gì xảy ra với họ. Người ta hay nói đừng nhìn sự việc trên bề mặt, đôi khi ngay cả những thứ mắt thấy tai nghe cũng chưa chắc là sự thật chứ đừng nói gì đến những thứ nghe được từ tai này ra từ miệng kia. Chúng ta chỉ có thể hy vọng đó là những thứ đen tối ấy được dựng lên để làm nơi ẩn náu một điều gì tươi sáng hơn, nếu không thì nó còn khủng khiếp hơn cả màn đen đặc đến nỗi khi ta đưa ngón tay của mình lên cũng nhìn không thấy? Tình yêu thương vô bờ bến là cái gì mà nó khiến người ta có can đảm làm những chuyện tồi tệ nhất với chính mình để hy sinh cho người khác? Nhưng chính sự ngu xuẩn lại khiến những hy sinh ấy trở nên vô nghĩa, biến nó thành một bi kịch không gì xóa nhòa được. Ở những nơi đen tối ấy, có cả hai thứ: tình yêu thương và sự ngu xuẩn. Một sự kết hợp chỉ có thể dẫn đến hậu qua tất yếu: thảm họa.

Cũng như trong Cô gái mất tích, mỗi nhân vật chính đều được có tiếng nói riêng của mình. Lối kể chuyện đan xen của từng nhân vật có lẽ là sở trường của tác giả Gillian Flynn. Lối dẫn truyện ấy hơi gượng gạo trong Cô gái mất tích bao nhiêu thì lại tự nhiên trong Bóng ma ký ức bấy nhiêu. Có lẽ nhờ xuất thân là dân báo chí rất am hiểu xã hội Mỹ, nên Gillian Flynn có thể dùng giọng văn vừa đậm tính đặc trưng vùng miền, vừa diễn tả được những thống khổ tuyệt vọng đến ngu xuẩn của con người trong cảnh nghèo đói, và thậm chí ngay cả những vấn nạn xã hội về việc tuổi teen thích thờ phụng ác quỷ vào thời đại 1980 cũng được lồng vào trong truyện khá là đặc sắc. Ấn tượng nhất là sự tàn độc của con người được vạch ra một cách trần trụi đến sởn tóc gáy qua ngòi bút của cô, khiến tôi cũng phải nghĩ như một độc giả trên goodreads đã nói: “Gillian Flynn scared the shit out of me!” (Gillian Flynn làm tôi sợ đến xịt cứt đi được!) Và đôi khi tôi cũng tự hỏi rằng ẩn sau gương mặt xinh đẹp của Gillian Flynn có những suy nghĩ đen tối gì mà có thể viết ra một tác phẩm như thế: kinh mà không dị.

“I have a meanness inside me, real as an organ. Slit me at my belly and it might slide out, meaty and dark, drop on the floor so you could stomp on it.”  (Tôi có một sự xấu xa bên trong mình, nó thật như thể nó là một cơ quan trong cơ thể tôi. Rạch bụng tôi một nhát không chừng nó sẽ lòi ra, thịt thà và đen tối, rơi xuống đất để bạn có thể dẫm đạp lên.)

bongmakyuc


Photo Credit: www.hungryhealthygirl.com

Thông tin sách:
Công ty phát hành Alphabooks & NXB Lao Động
Xuất bản tiếng Anh: Ngày 5 tháng 5, 2009 (Shaye Areheart Books)
Xuất bản tiếng Việt: Tháng 6, 2014
Kích thước: 15 x 23 cm, 439 trang
Tác giả: Gillian Flynn
Dịch giả: Ngọc Chiến
Giá bìa: 139.000 đồng