Kafka Tamura, nhân vật chính của truyện, bắt đầu cuộc hành trình “trở thành cậu bé mười lăm tuổi cứng cỏi nhất thế giới”, nhờ sự thúc đẩy của một cậu bé tên Quạ, cũng chính là bản ngã của cậu. Cậu rời nhà mình ở Tokyo và đi về hướng Tây đến Takamatsu ở Shikoku, một trong bốn hòn đảo chính của Nhật. Kafka đến thăm viếng Thư Viện Tưởng Niệm Komura , và gặp một thủ thư tên Osima, và cô quản lý Saeki, người có thể là mẹ của cậu. Họ quyết định để cưu mang và cho cậu ở lại thư viện.

Trong khi đó, một sự việc đặc biệt xảy ra dẫn đến chuyện một ông già tên Nakata, người có khả năng nói chuyện với mèo, cũng rời Tokyo và đi về hướng Tây. Ông đi nhờ một tài xế xe tải trẻ tên Hoshino và cũng như Kafka, ông dừng chân ở Shikoku.  Hai câu chuyện dần dần hòa quyện vào nhau.

Tựa sách, Kafka trên bãi biển, cũng là tên bản nhạc ăn khách mà cô Saeki đã viết từ rất nhiều năm về trước khi cô còn trẻ. Lời bài hát miêu tả một khung cảnh trong bức tranh được treo trong phòng khách nơi Kafka ở lại.

Ẩn bên trong tiểu thuyết này là bi kịch Hy Lạp. Lời phán về vua Pedipus và sự phi lý mang âm hưởng văn Kafka chính là chìa khóa để hiểu tác phẩm này của Haruki Murakami.

Trạm dừng Takamatsu

01 Takamatsu Station

Sau khi rời khỏi nhà mình ở Tokyo, Kafka đón chuyến xe buýt đêm, vượt một cây cầu lớn qua vùng nội địa Seto để đến đảo Shikoku. Cậu đến trạm dừng Takamatsu ở Quận Kagawa vào lúc 6:32 sáng. Cậu vào một quán ăn nhỏ gần đó, và ăn mì udon – một đặc sản của vùng này – đến no nê.

Ajisho là tên cửa hiệu mì udon ở trước trạm Takamatsu và họ mở cửa sớm thế, chỉ bán mì được vo bằng tay. Kafka thấy ấn tượng với udon của cửa hiệu. Những sợi mì đó ăn ngon hơn tất cả những thứ cậu từng ăn qua, và cậu gọi tô thứ hai.

 

Thư viện Tưởng niệm Komura

02 Komura Memorial Library

Thư viện Tưởng niệm Komura thật ra không tồn tại. Đây chỉ là một nơi hư cấu, như Murakami đã tự nói. Nhưng thật ra có một thư viện đã trở thành một bảo tàng gần trạm Takamasu phù hợp với những mô tả trong sách. Tôi cá là Thư viện Komura là sản phẩm từ trí tưởng tượng của Murakami khi thơ thẩn trong viện bảo tàng này, kết hợp với những ký ức của ông về Chi nhánh Uchide của Thư viện Thành phố Ashiya nằm ở quê nhà Kobe của ông.

Viện bảo tàng địa phương này nằm gần Trạm Sakaide, cách Trạm Takamatsu chừng 20 phút. Ban đầu nó được xây dựng thành một thư viện bởi một tổ chức do Katsutaro Kamada thành lập. Ông là một thương gia được sinh ra trong một gia đình bắt nguồn sự sản xuất nước tương vào cuối thế kỷ 18 trong thời đại Edo. Tương tự như thế, thư viện trong Kafka trên bãi biển được gia đình Komura thành lập, “một nhà sản xuất sake lớn từ thời đại Edo,” và hiện được một tổ chức do gia đình sáng lập ra để quản lý. Chắc chắn có những tương đồng song song giữa hai nơi.

Thư viện Komura có một bộ sưu tầm thư pháp và tranh vẽ ở tầng hai. Thư viện Kamada có một bộ sưu tầm tương tự được trưng bày, bao gồm những tư liệu cũ về lịch sử Quận Kagawa. Có nhiều cây cối và một hồ nước ở khu vườn trong thư viện, nơi “một lối đi trát sỏi vòng sang những bụi cây ngọn cỏ được tỉa tót cận thận,” như những miêu tả về Thư viện Komura trong trong sách.

Murakami đã từng viết một bài luận văn về trải nghiệm ăn udon tại vài nhà hàng khác nhau ở Sanuku, tên truyền thống của Kagawa. Bài viết tựa đề “Sanuki: Cho Deep Udon Kiko” (Du hành sâu vào vùng Sanuki: quê hương món udon), được bao gồm trong tuyển tập bút ký của Murakamia, Henkyo Kinkyo (Những vùng hẻo lánh, những vùng lân cận). Trong chuyến đi đến Kagawa đó, hình như ông cũng đã có dịp thăm viếng vài nơi trong vùng Sakaide.

 

Rừng ở Kochi

03 Forest in Kochi

Oshima, thủ thư tại Thư viện Tưởng niệm Koruma, đề nghị Kafka làm ở lại làm việc phụ tá ở đó. Kafka quyết định nhận lời mời của Oshima. Trước khi làm việc tại thư viện, cậu sống ba ngày tại một cabin của Oshima nằm trong khu rừng ở Quận Kochi. Oshima lái chiếc Mazda Miata màu xanh lá đưa Kafka đến đó, đi về hướng Nam chừng hai tiếng rưỡi lái xe xuyên những ngọn núi.

Ở cabin đó, Kafka tìm thấy hàng trăm quyển sách, và cậu bắt đầu đọc quyển viết về vụ xet xử Adolf Eichmann, người đã bị phán tội tử hình vì hắn là một tội phạm Nazi chịu trách nhiệm cho cái chết của sáu triệu mấy người Do Thái. Trong quyển sách, Kafka tìm thấy tờ ghi chú chép lại bằng chữ viết của Oshima: “Tất cả chỉ là câu hỏi về trí tưởng tượng. Trách nhiệm của chúng ta bắt đầu từ quyền lực để tưởng tượng. Như Yeats đã nói: Giấc mơ bắt đầu trách nhiệm.” Những câu chữ này, khắc ghi vào tâm trí Kafka, làm cậu bắt đầu nghĩ đến trách nhiệm của chính mình.

Trong lúc đi dạo trong rừng, Kafka bắt gặp một khu đất trống hình tròn “trông như đáy của một cái giếng khổng lồ.” Nơi ấy cho cậu một cảm giác đặc biệt vì lý do nào đó. Kafka lấy trong túi ra một thanh sôcôla, cắn một miếng, và thưởng thức vị ngọt dịu lan tỏa trong miệng mình.

 

Nogata ở Phường Nakano

04 Nogata in Nakano Ward

Cốt truyện còn lại tập trung vào ông Nakata. Một người đàn ông lớn tuổi sống nhờ tiền trợ cấp xã hội, ở một khu chung cư tên Shoeiso trong khu Nogata thuộc Phường Nakano của Tokyo. Ông Nakata không biết đọc, nhưng ông có thể trò chuyện với mèo, một khả năng giúp ông trở thành “chuyên gia tìm mèo” cho những gia đình hàng xóm bị mất mèo. Trong lúc đi tìm con mèo đồi mồi tên Goma, Nakata gặp một con mèo đen lớn mà ông chọn tên gọi nói là Ngài Otsuka, nó bảo ông “từ bỏ việc kiếm mèo mất tích đi và nên bắt đầu tìm kiếm nửa chiếc bóng của ông đi.” Chiếc bóng của ông Nakata, như Ostuka nói, là “chỉ đen bằng nửa bóng của người thường.”

Cuộc tìm kiếm Goma đưa ông Nakata cuộc gặp gỡ tình cờ với bố của Kafka tên “Johnnie Walker”, cũng sống ở vùng Nogata thuộc Nakano. Là một nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới, ông ta đi khắp phố ăn mặc như hình tượng Johnnie Walker trên nhãn hiệu rượu whisky, và giết hết con mèo này đến con mèo khác. Chủ đề chính [trong những tác phẩm] của nhà điêu khắc này là “sự vô thức của con người,” tác phẩm nổi tiếng của ông  là nhờ vào “những biểu cảm không gò bó của trí tưởng tượng.”

Johnnie Walker giết mèo để lấy linh hồn chúng làm thành một ngọn sáo đặc biệt. Hóa ra, Goma cũng nằm trong đám mèo ông ta đã gom lại để giết. Ngay trước mắt Nakata, Johnnie Walker đã mổ bụng mèo, cắt trái tim ra, cho vào miệng, và lập lại quá trình đó. Ông ta nói, “Hoặc tôi giết đám mèo này hoặc ông giết tôi. Cái này hoặc cái kia.” Cuối cùng Nakata phải giết Johnnie Walker đế chấm dứt sự tàn bạo đó.

Ngày hôm sau ông kể lại với một cảnh sát khu vực về mọi chuyện xảy ra, nghĩ bụng sẽ tự thú, thì hai nghìn con cá mòi và cá thu rơi lã chã như mưa xuống một địa phận trong Phường Nakano, y như ông Nakata đã dự đoán. Hiện tượng này, được biết đến với cái tên “mưa động vật,” đã được đưa tin khắp thế giới từ lâu lắm rồi. Lời bài hát của cô Saeki, quản lý Thư viện Komura, có nói, “Cơn mưa rơi những chú cá be bé xuống từ bầu trời.” Sự kiện đó là dấu hiệu của những điều sắp xảy ra – sự liên thông giữa hiện thực và một thế giới song song khác.

 

Núi Shiramine ở Sakaide

05 Mount Shiramine in Sakaide

Ông Nakata và anh Hoshino, người tài xế xe tải trẻ tuổi, đến Takamatsu ở Quận Kagawa, để tìm kiếm một “hòn đá lối vào.” Một đên nọ, Hoshino ra ngoài đi dạo và gặp một tên ma cô ăn mặc như Đại tá Sanders. “Gã gà rán” nói với Hoshino nơi anh có thể tìm thấy hòn lối vào.

Thành phố Sakaide, nằm cạnh Takamatsu, rất có khả năng là vị trí của hòn đá. Nhật hoàng Sutoku đã bị lưu đày ở đó giữa thế kỷ 12 sau khi ông thất bại trong một cuộc đảo chính. Ông an vị ở Núi Shiramine, cách Trạm Sakaide chừng năm cây số.

Đền thờ Takabe nằm ở cửa vào của ngọn núi này có một “hokora”, một đền thờ nhỏ, và một hòn đá trông y chang một “ngôi đền nhỏ” và “hòn đá lối vào” được miêu tả trong sách. Đền thờ Takabe còn được biết đến với cái tên “đền thờ máu.” Truyền thuyết kể rằng, khi áo quan của Nhật hoàng Sutoku được đưa đến đỉnh Núi Shiramine, bỗng dưng một cơn giông kéo đến khiến những người khiêng  hòm phải trú chân lại ngôi đền này, và khi ở đó họ thấy máu chảy ra từ áo quan. (Cô Saeki đã từng nghiên cứu sấm chớp cho một quyển sách.) Murakami kể ông đến thăm lăng của Nhật hoàng Sutoku tại đỉnh núi khi làm nghiên cứu cho sách.

Có một hokora trong địa phận của Đền thờ Takabe, như một ngôi đền nhỏ được miêu tả trong sách, và gần bên nó là hòn đá mà áo quan của Nhật hoàng Sutoku đã dừng chân trong cơn bão. Hòn đá này hợp với miêu tả của Murakami  về hòn đá lối vào – trắng và tròn, như một chiếc bánh gạo, to cỡ chiếc đĩa hát LP.

Khi hòn đá lối vào mở cửa, Kakfa bước từ rừng sâu vào một thế giới khác, ở đó cậu gặp cô Saeki. “Mẹ,” cậu nói với cô, “con tha lỗi cho mẹ.” “Vĩnh biệt, Kafka Tamura,” cô nói, trước khi rời xa cậu. “Hãy quay lại nơi con thuộc về, và sống.”


 

Theo Ignition, tác giả Kunio Nakamura, bản dịch tiếng Anh của Matt Kamata
Photo Credit: Ignition
Người dịch: conruoinho