Chat Sách đánh giá: ☆☆☆☆☆/5


Giới thiệu sách:

Không gặp rào cản về sức khỏe hay trí tuệ, gia cảnh cũng không đến nỗi nghèo túng, lại sống nước Mỹ – nơi mà dường như cả thế giới đổ xô đến để học, vậy mà Tara Westover phải đợi đến năm 17 tuổi mới được cắp sách đến trường.

Cô từng phải lái xe ba tiếng đồng hồ để tìm người giảng cho mình vài bài lượng giác.

Cô đã phải vừa làm bảo vệ cho một tòa nhà, vừa đi lau dọn nhà thuế để trang trải chi phí ở trường đại học.

Có lúc, cô lại nhận ra thực tế phũ phàng rằng dù có nỗ lực qua được tất cả các môn, cô cũng không có tiền để học tiếp. Ấy vậy mà 10 năm sau ngày đầu tiên được – học, Tara Westover đã giành học vị Tiến sĩ ngành Sử học tại Đại học Cambridge danh tiếng.

Hành trình của Westover, như tạp chí Times nhận xét thì “từ một góc xa xôi hẻo lánh của miền Tây nước Mỹ tới một trong những vị trí cao quý nhất giới bọc thuật của thế giới quả thật là phi thường!”


Thường ở tuổi 32, có hai trường hợp xảy ra: Một là người ta bắt đầu nhận ra mình giống bố mẹ mình thế nào. Có thể đó là một thói quen bố mẹ bạn hay làm hoặc một câu nói bố mẹ bạn thường nói với bạn khi lúc còn bé; ở tuổi này bạn nhận ra mình cũng có một số thói quen như thế hoặc mình dùng chính những câu nói ấy với con cái mình. Nhưng cũng ở cái tuổi này, người ta nhận rõ ra mình không muốn sống giống bố mẹ mình, thế nên mình tìm mọi cách sống khác đi, đôi khi đến mức trái ngược hoàn toàn. Ở tuổi 32, Tara Westover xuất bản quyển hồi ký Educated (Được Học, NXB Phụ Nữ).

Những tưởng chỉ có ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì mới có những trẻ em “vùng sâu vùng xa” ít học, 6 7 tuổi đã đi mò cua bắt ốc, bán vé số, làm ruộng v.v. để giúp gia đình. Nhưng ngay chính ở nước Mỹ, nơi hàng trăm nghìn du học sinh từ khắp nơi đổ về để xin được học, thì gia đình Westover lại không đưa con cái đến trường. Khái niệm home-schooling thật ra không phải chuyện mới mẻ gì ở Mỹ, rất nhiều gia đình đều như thế. Có thể họ không tin vào giáo dục công cộng, hoặc họ không muốn con cái mình “bị dạy” theo một chiều hướng nào đó. Có rất nhiều sách vở home schooling để cha mẹ tự dạy cho con mình các môn khoa học và văn học căn bản, và đến một thời điểm nào đó, học sinh có thể thi một số kỳ thi cuối cấp hoặc SAT hoặc ACT để xin vào đại học. Thế nên, câu chuyện của Tara tuy ít người biết đến, nhưng thật sự không phải một trường hợp quá đặc biệt so với cộng đồng home schooling. Nhưng có lẽ nó ấn tượng hơn vì tuy không đi học mà cũng không được home schooling một cách chính thức, cô gái này lại có thể đạt được bằng cấp cao nhất ở những trường đại học danh tiếng nhất thế giới như Cambridge và Havard. Câu chuyện của cô cũng được “quảng cáo” khá rộng rãi với review thật oách từ cựu tổng thống Obama và tỷ phú Bill Gates. Và từ sự chú ý mang tính trào lưu, câu chuyện của cô cũng gây nhiều tranh cãi, nhất là từ phía một số thành viên trong gia đình cô.

Khi viết hoặc đọc một hồi ký, độc giả thường quên rằng câu chuyện chỉ được kể từ một góc nhìn, cho dù trong câu chuyện ấy có những dẫn chứng hoặc (thường là) những suy diễn từ những câu thoại, lời nói, thì nó cũng chỉ đưa ra được góc nhìn từ một chiều. Đó là câu chuyện của Tara Westoever. Như người anh Tyler Westover của cô nhận xét, câu chuyện của Tara được kể theo quy tắt 80/20 của khoa học, tức trong 100% sự thật thì chỉ có 20% là quan trọng và 80% là những chi tiết vụn vặt không rõ ràng. Thường những chi tiết 80% ấy được sàn lọc ra và chỉ những gì người ta ấn tượng nhất mới được ghi chép lại, một phần cũng vì có ai có thể hiểu rõ hết những diễn biến, suy nghĩ của từng đối tượng trong một sự kiện như Tara đã viết lại. Thế nên, Tyler cũng có những phản biện với Tara về cách nhìn của anh trong những sự kiện xảy ra trong gia đình và địa phương nơi họ cùng lớn lên. Tyler cho biết, bố chính là người cổ vũ hay định hướng giúp anh trong việc xin vào đại học; khác với những gì mà Tara kể lại về cách bố cô luôn phản đối việc học của mình. Có thể chính Tara cũng không biết đến những sự khác biệt này, vì cô luôn cho rằng mình và anh trai đều được/bị đối xử như nhau. Nhiều người cho rằng đây là cách đối xử phân biệt giữa con trai và con gái trong những gia đình cuồng tôn giáo, điều này cũng không lạ lẫm gì trong một số gia đình cổ hủ, gia trưởng kiểu châu Á “truyền thống”.

Còn nhiều những tranh cãi từ những chi tiết nhỏ lớn khác nhau trong câu chuyện Tara kể, nhưng tôi nghĩ không vì vậy mà quyển sách mất đi tính xác thực của nó. Mỗi người đều có quyển suy diễn sự kiện lịch sử theo ý kiến và cảm xúc riêng của mình. Sự thật hay hư cấu – có lẽ khi cả gia đình Westover ngồi lại với nhau cũng không tháo gỡ hết được những khúc mắc họ đang vướng vào. Sự thành công của quyển sách một phần là do đánh đổi với sự ghẻ lạnh của gia đình với mình. Trong câu chữ của cô, tôi nhận thấy cô vẫn yêu gia đình mình tha thiết, vẫn tìm cách thấu hiểu họ và mong muốn họ chấp nhận sự thay đổi của cô. Tôi thích sự trung lập trong những miêu tả tôn giáo Mormon, mọi lời tường thuật đều mang một tính trung lập, chỉ viết về những gì cô hồi tưởng lại, dù đúng hay sai, và chính cô cũng thừa nhận điều đó khi mở đầu quyển sách bằng câu nói của nữ sĩ Virginia Woolf:

The past is beautiful because one never realises an emotion at the time. It expands later, & thus we don’t have complete emotions about the present, only about the past.

—Virginia Woolf

 


Photo Credit: Instagram @maithi_jenny, @kennypaigehair

Originally published: February 20, 2018
Author: Tara Westover
Original language: English
Awards: Audie Award for Autobiography/Memoir, MORE
Nominations: John Leonard Prize, National Book Critics Circle Award for Autobiography, PEN/Jean Stein Book Award
Genres: Biography, Autobiography
Tác giả: Tara Westover
Tác phẩm: Được học – Educated
Thể loại: Hồi ký-Tự truyện;
Dịch giả: Nguyễn Bích Lan
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 4 năm 2019