Chat Sách đánh giá: ∗∗*/5

Trong bài phúc âm của thánh Isaiah trong cựu ước, phiên bản King James có một câu:
For thus hath the Lord said unto me, Go, set a watchman: let him declare what he seeth.
Vì Chúa phán cùng tôi như vầy: Hãy đi, sắp đặt vọng canh(*), thấy việc gì thì báo.
~ Isaiah 21:6
 
Đó được viết khi nhà tiên tri Isaiah đang tiên đoán về sự sụp đổ của thành Babylon, một nơi đầy rẫy tội lỗi và vô vàn những con người đạo đức giả. Chẳng phải vô tình mà một câu Kinh Thánh được chọn làm tên sách để ám chỉ sự suy đồi của thị trấn Maycomb, một thị trấn ở Alabama nằm trong vùng Bible Belt(**) của miền Nam Hoa Kỳ, cần một người canh gác để giữ cho đạo đức của thị trấn không bị lung lay. Theo một số nguồn, câu chuyện vốn là tập truyện trước của To Kill a Mocking Bird (Giết Con Chim Nhại), cũng được cô Jean Louise Finch (Scout) kể lại.
 
Jean Louise, nay đã 26 tuổi và không còn muốn được gọi là Scout nữa, từ thành phố New York trở về thị trấn Maycomb. Cũng chính trong thị trấn ấy nơi Atticus đã dạy cô về sự bình đẳng giữa mọi con người trước pháp luật, khiến ông trở thành người cha cô tôn thờ. Nhưng cũng chính tại Maycomb này, cô đã nhìn thấy một con người khác trong Atticus, không những ông không ủng hộ quyết định của tòa trong vụ Brown vs Board of Education ra lệnh cho trường học bãi bỏ việc phân chia học sinh theo màu da, mà còn có những biểu hiện phân biệt chủng tộc khác. Người vú già da đen Calpurnia làm việc cho gia đình Finch cũng khác hẳn, hóa ra bà ta chẳng yêu quý gì anh em Scout, mà chỉ làm bổn phận của mình…
 
Nhìn chung, quyển sách vẫn xoay quanh vấn đề chủng tộc, nhưng với một góc nhìn hoàn toàn khác hẳn so với To Kill a Mockingbird. Về mặt văn chương, Go Set a Watchman sẽ chẳng thể đạt một giải văn chương nào với câu cú dài ngắn lởm chởm lồng vào những đoạn hội thoại như những suy nghĩ của tác giả buộc miệng nói ra. Go Set a Watchman cũng có những câu triết lý có thể dùng làm trích dẫn sách hay như câu “Prejudice, a dirty word, and faith, a clean one, have something in common: they both begin where reason ends” (Định kiến, một từ nhơ nhớp, và niềm tin, một từ trong sạch, có một sự tương đồng: cả hai đều bắt đầu khi chân lý kết thúc.),  nhưng nó không được đặt vào một một hoàn cảnh nào đó để có thể gây ấn tượng, có lẽ vì về mặt cốt truyện, nó không có một vụ án để người ta chờ công lý cho anh chàng da đen Tim Robinson như To Kill a Mockingbird. Nó vốn chẳng có cốt truyện gì, nó chỉ quan sát và đưa ra kết luận theo một góc nhìn, chứ không cho người đọc một cảm giác hài lòng hả hê, chỉ có một cái bạt tai vào mặt Jean Louise làm người ta giật mình. Nói chung nếu là một quyển sách độc lập, thì nó chỉ ở mức trung bình, không có gì đáng kể, mặc dù có nhiều lời bình cho rằng nó thực tế hơn so với To Kill a Mockingbird, vì nó dám chỉ ra vẻ đạo mạo của giới da trắng trung lưu và thượng lưu (như Atticus hoặc Donald Trump chẳng hạn), chuyên mở miệng giành bình đẳng cho mọi người, nhưng đừng hòng mời họ ngồi cạnh một người da đen nhé. Chỉ có thể nói nó hợp thời khi được xuất bản ngay lúc cả nước Mỹ xôn xao tranh cãi vụ cảnh sát da trắng bắn chết một người da đen ở Ferguson, v.v.
 
 Thế nhưng, Go Set a Watchman vẫn đứng đầu các bảng xếp hạng bán chạy và được bình chọn là quyển sách số 1 năm 2015 trên goodreads. Đơn giản là vì nó là một quyển sách gây tò mò, gây tranh cãi. Kể từ khi xuất bản To Kill a Mockingbird, bà Harper Lee không còn xuất bản một quyển sách nào nữa, và theo những nguồn báo chí lan man trên mạng, trong một cuộc phỏng vấn năm 1964 (cũng là một trong những cuộc phỏng vấn cuối cùng của Harper Lee trước khi đi vào đời sống “ẩn dật”), bà đã cương quyết không viết thêm cuốn nào nữa. Nhưng hơn 50 năm rồi, có lẽ cách suy nghĩ của con người cũng khác đi, ở tuổi 89 khi tai gần như điếc và mắt gần như mù, chỉ vài tháng trước khi qua đời, bà quyết định xuất bản bản “nháp” Go Set a Watchman này. Cũng theo tin hành lang, chuyện xuất bản này là do luật sư Tonja Carter của bà lợi dụng sự suy yếu tuổi già của bà mà xuất bản quyển sách ngay sau cái chết của Alice Lee – người quản lý tài sản của Harper Lee, mặc dù tòa án không tìm được bằng chứng nào về việc này. Bên cạnh đó lại có lời đồn Alice Lee, người chị lớn hơn Harper Lee những 15 tuổi, đã chứng kiến thành phố quê hương mình bị vùi dập thế nào trong những năm 60, khi người ta cho rằng nó chính là thành phố Maycomb được nhắc đến trong sách; do đó, có lẽ chính bà Alice Lee đã giấu diếm quyển sách này cho đến ngày nay. Lời đồn này tôi cho là nhảm, vì không lẽ suốt 50 năm bà Harper Lee không tự viết lại một quyển khác được hay sao? Hơn nữa, quyển sách này cũng chẳng đưa ra một góc nhìn tiêu cực nào về Maycomb nhiều hơn so với quyển kia, có giấu có giếm cũng bằng thừa. Sở dĩ tôi không dẫn chứng những lời đồn này ở đâu, vì vốn dĩ tôi cũng chẳng biết chuyện nào mới là thật. Nhưng một sự thật mà tôi biết, khi nói đến quyển sách thứ 2 của Harper Lee, thì đó chính là cái mỏ vàng cho bất cứ nhà xuất bản nào may mắn được nhận nó: vừa quảng cáo đã nhận được gần 1 triệu đơn đặt hàng trước trên Amazon. Quả thật, để tìm ra chân tướng vụ này, mỉa mai thay, hãy đặt người canh gác trong ngành xuất bản ấy.

Ghi chú:

(*) Trong Kinh Thánh tôi xem thì được dịch là Hãy đi, sắp đặt vọng canh. Còn bản dịch của Nhã Nam sắp phát hành đặt tên truyện là Hãy đặt một người canh gác. Tựa sách của Harper Lee dùng là phiên bản King James, dịch từ tiếng Hebrew (Do Thái). Có một số bản dịch khác thì dịch là Go, station a lookout hoặc Go, post a guard, cũng có nghĩa tương tự.
(**) Bible Belt: Khu vực miền Nam nước Mỹ có nhiều người theo đạo Tin lành và vô cùng sùng đạo.
 
Photo Credit: EW
 
Hardcover, 278 pages
Published July 14th 2015 by HarperCollins