Chat Sách đánh giá: ∗∗*/5
I’ll Give You the Sun là câu chuyện của hai chị em song sinh, Jude và Noah, sống ở vùng biển Lost Cove với bố mẹ, Benjamin – giáo sư dạy khoa học và Diane Sweetwine – giáo sư dạy nghệ thuật. Do đó, cả hai chị em được nuôi dạy trong một môi trường tràn ngập kiến thức và nghệ thuật. Mẹ họ khăng khăng rằng chị em họ phải được đi học ở trường trung học tư thục chuyên về nghệ thuật California School of the Arts (CSA), với đầu vào khắc khe không khác gì dân Sài Gòn cố vào được Lê Hồng Phong hay Năng Khiếu. Cuộc đời song sinh êm ả cho đến năm họ 13 tuổi, đó là khi câu chuyện bắt đầu. Jude kể câu chuyện của mình khi cô bé 16 tuổi còn Noah kể câu chuyện của mình khi cậu 13 tuổi. Trong hai người thì Noah là người nghệ sĩ tài năng hơn, còn Jude thì được bạn bè trong lớp yêu thích hơn. Noah đồng tính trầm mặc, Jude sôi động lẳng lơ. Cả hai bắt đầu xích mích khi cậu bạn Brian chuyển trường đến, và sự cạnh tranh của cặp song sinh được đưa lên cao trào khi phải cùng nhau giành một ghế trong ngôi trường mơ ước. Cũng trong thời gian đó, họ phát hiện mẹ mình ngoại tình và gia đình mình trên đà tan vỡ và mọi chuyện kết thúc khi bà mẹ lái xe đâm xuống vực trong một đêm mưa. Câu chuyện không phải để khám phá điều đen tối gì đã làm chị em họ xa cách, nhưng là một cuộc hành trình họ đã một mình tự vượt qua nỗi đau của mất mát và phản bội để tìm lại tình thân.
Không biết có phải tôi đã chai sạn không mà trong khi I’ll Give You the Sun nhận được trăm lời tán tụng thì tôi đọc thấy nó thật giả tạo và buồn ngủ. Sự thật tôi đã đọc nó hai lần, lần đầu đọc được phân nửa thì bỏ ngang vì quá văn từ dài dòng ngán đến cổ, lần thứ hai tôi cố đọc cho hết để xem có khi nào nửa sau hay hơn nửa đầu, kết quả vẫn như vậy. Văn chương của Jandy Nelson rất hoa mỹ, cảm xúc được miêu tả như những câu thơ. Dường như mọi thứ đều là một ẩn dụ nào đó, ngay cả trong cái tên (Sweetwine? Lost Cove?) Nhưng chính vì thế tôi thấy nó không thú vị, nhất là khi đặt bên cạnh thiên hướng nghệ thuật của gia đình nhà Sweetwine, cứ như Jandy Nelson mặc định rằng khi ném Jackson Pollock và Van Gogh vào một tác phẩm với lời văn bay bướm thì tự dưng nó thành văn học, và mặc định rằng chỉ có những người làm nghệ thuật (vẽ, điêu khắc, v.v.) mới thực sự có cảm xúc. Và khi phong cách mơ màng ấy cứ lặp đi lặp lại, tôi nhìn quanh vòng tròn bạn bè người quen của mình để tìm kiếm một người, dù chỉ một người thôi, nói chuyện như đang lim dim trong mộng ảo như các nhân vật của Jandy Nelson.
“If only the heart listens to reason, right?… What is bad for the heart is good for art, the terrible irony of our lives as artists.”
“Giá mà con tim nghe theo lẽ phải nhỉ?… Những thứ không tốt cho con tim thì lại tốt cho nghệ thuật, một sự trớ trêu trong cuộc đời làm nghệ sĩ của chúng ta.”
“When I draw it, I’m going to make my skin see-through and what you’ll see is that all the animals in the zoo of me have broken out of their cages.”
“Khi tôi vẽ, tôi sẽ vẽ cho da mình trong suốt và bạn sẽ thấy hết những động vật bên trong sở thú của tôi đã đào thoát ra khỏi cái chuồng của chúng.”
Có lẽ điều mình thấy… nhột nhất khi đọc chính là sự quá trưởng thành của hai nhân vật chính về mặt tình dục. Một điều rõ rệt nhất, nhưng Jandy Nelson đã miêu tả đúng: Con trai thường phát triển chậm hơn con gái ở tuổi này, trong khi Noah còn đang ao ước được hôn cậu bạn thì Jude đã vượt rào về đích từ kiếp nào. Cứ cho là tôi bảo thủ, nhưng thật sự ngay cả mối quan hệ đồng tính của Noah và Brian cũng không làm tôi thấy khó chịu bằng những mối quan hệ khi tuổi của nhân vật chỉ mới 13. Đúng là ở tuổi này sự tò mò giới tính mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng khi nghe tả cảnh Jude trần truồng bên cạnh Zephyr ngoài bãi biển, tôi tự hỏi: Có thể nó phản ánh sự thật rằng thiếu nhi (vâng, thiếu nhi chứ chưa được thiếu niên) cấp 2 thời nay đã quá rõ sex là gì, nhưng những cảnh ấy có cần thiết hay không? Ngay cả khi cô hối hận ngay lập tức việc mình đã làm, chính những lời tự thuật của cô về hoàn cảnh ấy trước và sau sự việc hoàn toàn không khiến tôi thấy thông cảm.
Bên cạnh đó, những vấn đề mà Jude và Noah trải qua chẳng phải to tát gì. Ok, mất mẹ là một chuyện lớn, nhưng cha mẹ ly dị vào thời buổi này có thật là cú sốc lớn đến thế hay không với hai đứa trẻ già trước tuổi này? Nhưng sự ích kỷ bên trong con người Jude và cả tâm trạng vô thần bốc đồng của cô khiến tôi phát chán. Đúng, cô chính là “that girl” mà cô nằng nặc không muốn trở thành. Còn Jude, một thất bại nhỏ trong cuộc đời khiến cậu bỏ mặc tất cả, vứt hết những tác phẩm mình đã dày công làm để xin vào CSA. Có đáng không Noah, khi việc nộp đơn lại có thể được bắt đầu lại bất cứ khi nào? Ngay cả khi quyển sách có một kết thúc dịu dàng, thì sự chán chường với văn chương lòe loẹt của Jandy Nelson đã không còn hứng thú tôi nữa. Nói tóm lại, cảm xúc của tôi khi đọc quyển sách này có thể tóm tắt bằng chính lời văn của Jandy Nelson:
“Mom picks up a knife and thrusts it into his gut, twists. Dad forges on, oblivious.”
“Mẹ cầm con dao lên và đâm thẳng vào bụng bố, xoay một cái. Bố cứ thế mà lao vào, chẳng hay biết gì.”
Photo Credit: The Writing of an Imaginary Girl