Chat Sách đánh giá: ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐️/5
Chưa đọc hết quyển tự truyện thì tôi đã nghĩ, thật khó có thể viết một bài điểm sách xứng đáng với những dòng chữ tôi đang được đọc đây. Thế nên, trong bài viết này, tôi sẽ ghi chú những suy nghĩ lan man của mình khi bắt gặp những một hồi ức đáng được lưu ý của Orhan Pamuk.
Orhan Pamuk nói về những bức ảnh treo trên tường nhà Ottoman của gia đình mình:
Nhưng, dù cho vật lộn mãi với những nan đề – liệu khi bạn lấy ra một khoảnh khắc đặc biệt của cuộc sống rồi đóng khung, làm đông lạnh nó, thì bạn đang thách đố cái chết, sự lão hóa, bước đi của thời gian, hay là bạn đang quy phục trước nó?
~ Chương 2, Những bức hình trong viện bảo tàng ảm đạm
Nhiều người bạn của tôi bắt đầu nghiệp chụp ảnh thường nói họ muốn giữ gìn những khoảnh khắc của thời gian, nhìn cuộc đời qua một ống kính khác, một góc nhìn khác. Nhưng chưa có ai từng nói với tôi họ thích chụp ảnh vì họ đang muốn quy phục thời gian. Thật ra ai cũng biết chúng ta không thể chiến thắng thời gian và sự lão hóa. Nhưng nếu muốn “mô phạm” và “đúng đắn”, họ thường khuyến khích những lời như “hãy sống hết mình cho hôm nay, cho khoảnh khắc này”. Nghe ra có vẻ như con người chúng ta có thể nhìn về hướng tích cực, nhưng có mấy người dám nhìn nhận sự bất lực trước thời gian thật khiến họ “ngày càng chán nản bực bội với chúng.” Tôi chợt nghĩ đến cách đây không lâu, tôi có về thăm lại Dinh Bảo Đại 3 ở Đà Lạt. Nhìn những bức ảnh của cụ Hoàng oai vệ, tự nhiên tôi thấy buồn. Tôi không biết mình hoài niệm thời quân chủ (mà chính mình chưa từng trải qua) hay đơn thuần chỉ là từ những bức hình ấy, tôi nhìn thấy sự thay đổi của thành phố và đất nước qua những bức ảnh. Dù những bức ảnh có ý nghĩa gì, thì luôn luôn có một nỗi buồn tự gieo rắc khi chúng ta là nhân chứng của những bước đi của thời gian.
Orhan Pamuk nói về lần đầu xem phim:
Tôi còn quá nhỏ không đọc được những dòng phụ đề, và tôi để cho trí tưởng tượng lấp đầy các khoảng trống. (Ngay cả sau này, khi đọc thông suốt một cuốn sách, điều quan trọng nhất đối với tôi không phải là “hiểu” cuốn sách, mà là thêm vào ý nghĩa của nó những điều quái dị đúng đắn do sức tưởng tượng sáng tạo ra).
~ Chương 3, Tôi
Nếu như khi đọc Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót của Haruki Murakami, tôi học được cách đọc và tận hưởng lúc đọc, chứ không phải đọc để biết kết thúc truyện, thì khi đọc Orhan Pamuk, tôi nhận ra đọc còn có một cách đọc khác, đọc để đưa trí tưởng tượng của mình bay xa hơn. Tôi nghĩ đến quá trình dịch truyện Người Sao Hỏa của mình. Thật sự chỉ đến khi bắt đầu dịch sách, tôi mới cảm thấy mình đọc sách một cách tỉ mỉ hơn. Đôi khi còn có những sự tranh luận nho nhỏ với độc giả vì trí tưởng tượng của người dịch và người đọc về một miêu tả của tác giả hoàn toàn khác nhau. Quả thật điều đó khiến việc đọc trở nên thú vị hơn.
Orhan Pamuk nói về sự Tây phương hóa của thành phố:
Mong muốn Tây phương hóa, hiện đại hóa càng lớn lao bao nhiêu, thì mong ước làm sao dứt ra được khỏi hồi ức chua cay của một đế quốc sụp đổ càng thê lương tuyệt vọng bấy nhiêu, chẳng khác gì một người bị bỏ rơi vứt bỏ quần áo, đồ đạc, hình ảnh của một người thân yêu đã mất đi. Nhưng chẳng có gì, Tây phương cũng như địa phương, có thể lấp đầy sự trống rỗng, và chính cái sự hăm hở Tây phương hóa kia, chính cái sự hối hả tìm đủ mọi cách xóa nhòa quá khứ đó, khiến cho những gia đình như chúng tôi chẳng hạn, đúng ra là mừng rỡ vì những tiến bộ của nền Cộng hòa, thì lại biến căn phòng khách nhà mình thành một bảo tàng cho một nền văn hóa chưa từng trải qua. Cái điều mà sau này tôi hiểu như là một nỗi buồn man mác hoài hủy và như một huyền bí, thì hồi còn nhỏ, tôi lại coi là sự buồn chán, ủ ê, ảm đạm.
~ Chương 4, Phá hủy dinh cơ của các Pasha: nỗi buồn dạo phố
Khi mới ra nước ngoài sinh sống, tôi không thể hiểu vì sao chiến tranh đã qua đi gần 30 năm, họ vẫn giương cao lá cờ vàng ba sọc, họ vẫn oang oang chỉ trích chế độ mới, thế nhưng họ vẫn đua nhau trở về. Mãi sau này khi có dịp trở về tôi mới hiểu: chỉ vài năm mà thành phố đã thay đổi nhanh đến chóng mặt.
Một số ghi chú cá nhân về các điều tôi học được trong bản dịch của Nguyễn Quốc Trụ:
- Kính nhi viễn chi: Theo wikipedia, ngày nay thành ngữ này để chỉ thái độ bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó; hoặc thường dùng trong các trường hợp mỉa mai, châm biếm khi mình không muốn tiếp cận với một đối tượng nào đó. Ví dụ:
Nhìn những tòa dinh cơ của các pasha bị thiêu rụi thành tro than, gia đình chúng tôi giữ một thái độ kính nhi viễn chi – đây là cung cách mà chúng tôi áp dụng, khi phải nghe những câu chuyện về các ông hoàng khùng, những kẻ ghiền ma túy trong hậu cung, những đứa trẻ bị giam trong căn gác xép khóa cửa, những cô con gái xảo trá của sultan, những pasha bị lưu đày hay bị giết – và sau cùng là sự suy tàn và sụp đổ của bản thân đế quốc.
~ Chương 4, Phá hủy dinh cơ của các Pasha: nỗi buồn dạo phố
(To be continued….)
Photo Credit: TimesofIsrael, Turkey’s Nobel Winner Anxiously Observes His Changing Home
Hardcover: 400 pages
Publisher: Knopf (June 7, 2005)
Language: English
ISBN-10: 1400040957
ISBN-13: 978-1400040957
Product Dimensions: 6 x 1.5 x 8.7 inches
Tác giả: Orhan Pamuk
Dịch giả: Nguyễn Quốc Trụ
Nhà xuất bản liên kết: Văn học
Số trang: 550
Kích thước: 15 x 24 cm
Giá bìa: 110 000 VND
Ngày phát hành: 2010, tái bản 21-5-2015