Chat Sách đánh giá: ∗∗/5
Nhìn quyển sách này lại nhớ đến Istanbul của Orhan Pamuk, nhưng nội dung bên trong thì hoàn toàn khác hẳn…
Vẫn Istanbul cổ kính nằm giữa ranh giới Châu Âu và Châu Á, vẫn Istanbul im ỉm lặng lẽ, nhưng nó lại là Istanbul nổi sóng âm thầm của những người tị nạn và những tay gián điệp. Joseph Kanon đưa chúng ta trở về một Istanbul vào những năm tháng sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi Mỹ và Nga Xô đang mấp mé nơi bờ vực của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Leon Bauer, một thương nhân người Mỹ làm việc tay trong cho ai đó trong Đại Sứ Quán Mỹ. Với mô típ cũ, Joseph Kanon cho Leon một hứa hẹn “điệp vụ cuối cùng” để anh và người vợ liệt giường Anna của anh được có cơ hội về Mỹ sống và chữa trị. Đương nhiên, “điệp vụ cuối cùng” nào cũng gặp nạn lớn, và đương nhiên, đó là một nhiệm vụ mà anh thường nhắm mắt làm cũng có thể xong.
Những trang đầu sách khi chưa thể dẫn dắt câu chuyện đi quá xa, Joseph Kanon đã vẽ nên bức tranh Istanbul đẹp tuyệt vời như trong trí tưởng tượng của tôi: từ những cửa hàng tạp hóa thơm phức đồ gia vị, cho đến những đền thờ Hồi Giáo thiêng liêng (Mosqe of Suleyman the Magnificient) hay nhà thờ Thiên Chúa Giáo hoành tráng (Hagia Sophia), từ cây cầu những ngư phủ Galata cho đến eo biển Golden Horn, và cả những âm thanh hỗn tạp rất đặc trưng của Istanbul, tất cả tạo nên một cảm xúc nhè nhẹ như thể đang được đọc Istanbul của Orhan Pamuk. Có lẽ do những tên gọi của địa danh, hoặc những từ “địa phương” như pasha, simit, yali… Nhưng vì đây không phải là sách hướng dẫn du lịch, những đặc trưng đó không đủ để bù đắp câu chuyện nhập nhằng chẳng đâu vào đâu của anh chàng điệp viên amateur Leon Bauer, dù rằng khi bạn được nghe kể về cách anh ta có tình nhân hay người yêu (chưa kể chuyện anh ta đã có vợ), bạn cứ tưởng anh chàng là James Bond ấy chứ.
Leon được giao nhiệm vụ đưa Alexi về Mỹ. Ngay khi vừa nhận “hàng” thì một cuộc nổ súng không mong đợi xảy ra và từ những cuộc hội thoại sau đó anh phát hiện phe kia chính là Tommy – người đã giao nhiệm vụ này cho anh. Thật bất ngờ khi đây chính là lần đầu tiên anh bắn chết một người, nên tôi mới nói đây là điệp viên amateur (nghiệp dư). Hóa ra anh chàng Alexi này chính là một tay phát xít mà cả Romani và Nga Xô đều truy đuổi. Chỉ sau một lần gặp mặt, Leon đã không ngần ngại đưa thông tin cá nhân của mình và thông tin cuộc điều tra cho Alexi, trong khi đó, anh lại chẳng tin ai trong tổ chức của mình, dẫn đến những cuộc mèo vờn chuột chẳng có nguyên nhân rõ ràng, tôi cũng chả buồn nghĩ xem mình về phía ai, chỉ thấy nó chán chán.
Mọi việc điều tra sau đó được xây dựng qua những cuộc hội thoại. Nhiều cuộc hội thoại xảy ra vì rất có rất nhiều cuộc hội thoại trong tiệc tùng của đám expat (người ra nước ngoài làm việc) và đám diplomat (các nhà ngoại giao) hoặc những ambassador (đại sứ). Hoặc những đoạn trò chuyện là tất cả những gì tôi nhớ trong quyển truyện điệp viên ít hành động này. Không những thế, câu văn của Joseph Kanon rất ngắn, và dường như nhân vật nào cũng nói chuyện như thế, khiến tất cả các nhân vật đều na ná nhau và không ai để lại một ấn tượng sâu sắc nào. Và rồi mọi chuyện kết thúc, một sự phản bội (đương nhiên đó luôn là người được Leon tin tưởng nhất) và vài xác chết đáng lý là nên chết trong cuộc nổ súng ban đầu, Leon và Anna vẫn thế, mọi thứ trở về vạch xuất phát. Có lẽ câu chuyện sẽ không quá chán, nếu nó chỉ vỏn vẹn 300 trang và làm ơn cắt bớt những đoạn ve vãn nhăng nhít của Leon và mấy cô bồ vì vốn dĩ anh chẳng phải James Bond mà càng không phải chẳng phải Jason Bourne.