Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗∗/5
Gần đây rất xôn xao câu chuyện cậu bé 8 tuổi nói rằng giáo dục Việt Nam quá thối nát. Để tránh hiểu lầm vì thiếu ngữ cảnh, tôi xin trích nguyên văn:
“Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi.
Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được.
Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm.”
Mới vậy thôi mà sau một hai ngày báo chí từ giật tít “em học sinh lớp 8 sẽ là bộ trưởng bộ giáo dục tương lai”, tuy có vài bài viết ủng hộ, nhưng sau đó thì bà con tứ phương vào đáp trả, đến mức cho rằng em bị “người lớn” giật dây v.v… Và rồi những bài viết đó cũng không đưa ra được một giải pháp nào. Rốt cuộc thì chúng ta có hàng trăm giải thưởng quốc gia quốc tế mà làm gì, giáo dục Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới hơn cả Anh Mỹ thì làm sao? Để rồi chúng ta cũng đưa con em chúng ta đi ra nước ngoài học, nhiều khi chính chúng ta cũng không muốn trở về nữa.
Một đứa bé 14 tuổi còn đi học và cảm thấy cần sự cải cách thì đương nhiên một người có học vị hơn như TS Lương Hoài Nam cũng thế. Trong quyển sách mới Kẻ Trăn Trở của mình, ông đã dành nhiều thời gian nói về giáo dục của Việt Nam. Từ chương đầu tiên của sách Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về ‘Tây học’, tôi đã có hứng thú muốn nghe ông Lương Hoài Nam nói nhiều hơn. Tôi thích đọc văn của một số tác giả đã từng ra nước ngoài sống và làm việc hơn, vì họ thường có cái nhìn cởi mở tiên tiến hơn. Chúng ta có cái gì không bằng phương Tây? Đó chính là cái cách chúng ta không lắng nghe ý kiến người trong cuộc, như chúng ta không muốn nghe cậu bé 14 tuổi kia. Vậy có ai còn nhớ bài viết từng đăng trên giaoduc.net.vn ngày 01-10-2012 của ông Lê Hoài Nam hay không? Các bạn chê em 14 tuổi không biết gì, không trân trọng sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm qua, thì chúng ta hãy đọc lại bài viết Đổi mới toàn diện giáo dục, đừng chắp vá của ông Tiến Sĩ này, xem ông nói có khác cậu bé kia hay không?
Quay lại nói chuyện Á Âu, không liên quan đến việc giáo dục, nhưng bài viết Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về ‘Tây học’ tôi nghĩ đến cách người châu Á nói chung (trừ người Nhật) và người Việt nói riêng, thường khi họ nói “sống như Tây” là chẳng phải lời khen gì. Thế nhưng, chúng ta lại chẳng bằng một góc phương Tây. Đến đây, bạn đừng vội ngụy biện những điều bất cập chẳng bằng Tây của chúng ta vì chiến tranh, vì này vì nọ, nếu thế thì bạn có thể đọc bài viết Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt. Bằng chứng thực tế nhất để so sánh sự phát triển của một nền văn minh là trong khi phương Tây họ sắp đưa người đến sao Hỏa, thì ở đây chúng ta còn chưa dám đưa người ra xa tận 200 hải lý của biển đảo mình. Tất cả những thay đổi, muốn quán triệt đều phải có “cách mạng”, nếu không thì ngày xưa các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… lên tàu đi Tây đi Nhật để làm gì? Họ đã thấy điều gì bên Tây bên Nhật ấy để về đây “cách mạng” mà ngày nay chúng ta có internet sẵn đấy nhưng không thấy được? Và rồi chỉ sau vài ngày báo đài và facebook lắng xuống về chuyện bộ trưởng 14 tuổi, cũng như chuyện ngoài sự trăn trở của một kẻ lười biếng, thì chẳng còn mấy ai trăn trở chuyện giáo dục Việt Nam nữa.
Không chỉ đặt những câu hỏi và giải pháp về nền giáo dục trong nhiều bài viết khác nhau, Kẻ Trăn Trở Lương Hoài Nam còn đặt ra những câu hỏi khó trả lời cho các “nền” khác trong bài viết Nếu chúng ta muốn:
Nền kinh tế Việt Nam khó mà được chấn hưng, đặt lên đường ray phát trỉển khi rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế này cảm thấy mình kém cỏi, yếu thế và… nản.
…
Nền khoa học – kỹ thuật Việt Nam đang ở đâu? Nền giao thông Việt Nam đang ở đâu? Nền giáo dục, y tế Việt Nam đang ở đâu? Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu?
Bên cạnh đó, Lương Hoài Nam còn có một số bài viết về an toàn hàng không, ngành hàng không, sự kiện 9-11, việc cứu hộ MH370… thỉnh thoảng được “người trong ngành” nói về những vấn đề và sự kiện liên quan, đọc cũng thú vị lắm thay. Nhất là những bài viết về việc xây sân bay Long Thành, ông đã đưa ra nhiều chi tiết lịch sử và giải thích hợp lý trong bài viết Sân bay Long Thành: Hãy bàn nên đầu tư và vận hành thế nào, thay vì xây hay không. Bài viết khiến tôi suy nghĩ, nếu dân chúng được nghe những phân tích hợp lý từ sớm như vụ việc chặt cây Hà Nội hay xây sân bay Long Thanh, không ít người ủng hộ những điều hợp lý. Tuy nhiên, quần chúng nhân dân cũng đã quá quen thuộc cái thói ăn trên chặn dưới của các ông lớn bà to trong các “dự án”, nên cứ hở có xây dựng là chắc chắn có tham quan, nên cứ nghe xây dựng thì ai nấy ra sức phản đối. Thật sự nghĩ mãi tôi cũng không nghĩ ra lý lẽ nào cho những công trình xây tượng mẹ liệt sĩ 411 tỷ đồng hoặc xây tượng bác Hồ 1400 tỷ. Hành động tri ân đẹp và ý nghĩa? Hãy dành số tiền giúp đỡ người dân, sửa sang cầu đường, hoặc ít ra giúp các mẹ sống bớt khổ hơn: Khi còn vay vốn nước ngoài mà lại xài sang thì cũng chẳng khác gì… ăn cắp. Mở rộng du lịch? Hãy dùng số tiền đó chỉnh đốn các dịch vụ, dẹp bỏ nạn chặt chém, ăn xin, nói thách: Khi khách một đi không trở lại thì có thêm mấy cái quảng trường quảng đoản cũng chẳng làm được gì.
Tôi nghĩ tâm đắc nhất đối với tôi khi đọc những bài viết trong sách này là Lương Hoài Nam đã chỉ ra được những yếu kém của ta so với Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết R&D (nghiên cứu – phát triển) thực sự là như thế nào, khi có một sáng kiến nào ra đời vừa được chút tiếng tăm như Flappy Bird là chúng ta lao vào dìm cho nó chết. Trong khi đó, chẳng nói đâu xa xôi, ngay trong diễn đàn sách tôi thường tham gia và một số bờ lóc liếc tôi hay thấy trên facebook feed, những người trẻ tuổi khi sức sống họ còn mãnh liệt nhất thì họ dành cái thời gian của mình để tranh cãi nhau ỏm tỏi về tác giả truyện sex Ân Tầm, bênh vực những tác giả đạo truyện như Đường Thất, Fresh Quả Quả mà bên Trung Quốc họ đã tẩy chay; các bạn trẻ “thích đọc sách” có thể dành thời gian để tranh cãi với Cục xuất bản về vấn đề tạm ngưng dòng sách ngôn tình đam mỹ Trung Quốc, và cùng lúc họ có thể oang oang chửi nền giáo dục Việt Nam đã “dạy” họ Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em. Trong khi chúng ta ở đây chờ được hưởng “rác” từ Trung Quốc thải về như sách sex trá hình, hoa quả tẩm độc, đồ dùng kém chất lượng, thì Trung Quốc họ đã dành thời gian xây thêm vài tàu chiến đưa ra biển Đông.
Như trong bài Hoa hậu, bóng đá và nỗi nhục chẳng liên quan, ông có viết:
“Trong khi chúng ta đang ồn ào tranh luận về cuộc thi hoa hậu và các trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, Trung Quốc lặng lẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP tính theo sức mua (PPP) là 17.600 tỷ USD, so với 17.400 tỷ USD của Mỹ. Họ lặng lẽ mua 49,99% cổ phần của sân bay Toulouse ở Pháp, đại bản doanh của các tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và ATR, gây nên một cơn chấn động trên chính trường Pháp. Trước đó, họ đã lặng lẽ mua mảng sản xuất máy tính của IBM (Mỹ), các tập đoàn sản xuất ô-tô Volvo (Thụy Điển), Peugeot (Pháp), nhiều tập đoàn công nghiệp khác trên khắp thế giới. Mỗi ngày họ lặng lẽ chi gần 1,0 tỷ USD cho nghiên cứu – phát triển, xếp thứ hai thế giới (sau Mỹ). Mỗi năm họ lặng lẽ đăng ký hơn 12.000 phát minh sáng chế PCT, xếp thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản).
…
Tôi nghĩ ta nên giảm bớt sự quan tâm, năng lượng, thời gian dành cho những thứ phù phiếm đi, dành tâm trí, năng lượng, thời gian cho những thứ thiết thực, có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của mỗi người và cho toàn xã hội.
Ít ra là khi nhà đang còn nhiều khó khăn, nên hạn chế tham gia đàn ca sáo nhị, bia bọt rượu chè cho phải đạo.
Còn với Trung Quốc, tôi nghĩ ta cũng nên thay sự ghét bỏ bằng nỗi nhục yếu kém. Sự ghét bỏ chẳng giải quyết được gì, đôi khi lại còn làm cho ta mụ mị và đần độn đi. Nỗi nhục thì khác: nó có thể giúp ta thức tỉnh và hành động có mục đích, có trí tuệ.”
Xét cho cùng thì quyển sách chỉ là tập hợp những bài báo ông đã viết trong gần 5 năm vừa qua, bạn chịu khó dò tìm trên internet là ra hết. Nhưng nếu bạn để ý, những bài viết hay đáng suy ngẫm ít khi nào được share được like trên facebook, còn mấy chuyện giải trí, cãi vả xấu hổ thì tràn lan cả triệu like, triệu người có ý kiến. Do đó, tôi nghĩ đúc kết nó lại thế này là một cách hay, vừa giữ lại được những bài viết hay, vừa có thể thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ của tác giả qua thời gian. Nói là sự trưởng thành không phải để chê tác giả Lương Hoài Nam suy nghĩ trẻ con, nhưng cốt ý tôi chỉ muốn nói rằng con người ở bất cứ tuổi tác nào cũng có thể mỗi ngày trưởng thành hơn một chút.
Photo Credit: book stock photo
Tác giả: Lương Hoài Nam
Giá: 98.000đ
Số Trang: 458 trang
Nhà xuất bản: Thế giới, 2015
Khổ: 14×20.5cm