Chat Sách đánh giá: ∗∗/5
Biết mình không thích đọc những bài tản văn của các tác giả trẻ gần đây, nhưng thấy bìa đẹp, tựa đề hấp dẫn thì vẫn cứ lao vào. Và kết quả thì lần nào cũng thế. So sánh Phan Ý Yên với Hamlet Trương và Iris Cao có lẽ hơi quá vì văn Ý Yên có phần nào sâu sắc và ít “tỏ vẻ nguy hiểm” hơn hai bạn kia, nhưng đọc mải miết những bài viết về tôi có chị bạn, tôi quen cô kia, v.v. tôi thấy nó cũng không khác gì với mấy quyển tạp văn kiểu Thương Nhau Để Đó. Nó cứ nói đến ai đâu đâu nên đọc hết rồi mà vẫn không thấy có chút kết nối nào với tác giả.
Khi tiến vào tuổi 30, hay 40, 50, hoặc thậm chí 25, 20, 18, v.v. phụ nữ thường hay có những cảm giác kiểu tôi phải làm điều gì đó để đánh dấu cột móc này. Dường như Khi Phụ Nữ Uống Trà Đàn Ông Nên Cẩn Thận là một trong quyển sách như vậy. Tôi nghĩ đến Những Người Bạn Của Mặt Trời của Lanka. Cũng một tác phẩm đánh dấu tuổi 30, nhưng nó bay bổng trẻ trung, nó vẫn dành cho độc giả một góc nào để thơ thẩn, để cảm nhận. Phụ Nữ Uống Trà thì không như thế, nó là tản văn thuần túy, nên nó huỵch tẹt ra tất cả những bài học, này chị chị nên làm thế, này em em nhớ này nhe, đại loại vậy. Tôi cũng ngấp nghé tuổi 30, nhưng tôi thấy Ý Yên cũng thuộc dạng xinh đẹp hơn, “may mắn” hơn, nên nghe cô chê người này, chỉ trích người kia, dùng những từ ngữ kiểu “Họ giống như một đám linh cẩu mất hết lý trí lao vào cấu xé nhau cho hả cơn giận” tôi thấy chẳng lọt tai. Vốn dĩ, tôi thấy những lời khuyên Ý Yên dành cho các chị em của mình có lẽ nên được Ý Yên ôn lại để cách sống cô miêu tả trong sách có chút tình người của tuổi 30 hơn. Có thể tôi cũng rơi vào tình trạng Ý Yên đã miêu tả “quá khó để chấp nhận thành công của ai đó”.
Tôi cũng không thích cái Ý Yên phân loại gái ngoan gái hư, dù hiểu ý của Ý Yên, nhưng tôi cũng không rũ bỏ cái cảm giám cô Y gái ngoan có chồng ngoại tình bị phê phán còn cô X gái hư sống tự do yêu hết mình giật chồng người ta được nâng niu. Tôi càng không thích những so sánh của Ý Yên về chuyện trước và sau khi có con của một chị bạn nào đó, và kết luận, hoặc nói đúng hơn là đặt ra câu hỏi “cái giá của đủ đầy theo định nghĩa của xã hội có đáng không?” Có lẽ những bài học câu hỏi này phù hợp với các bạn tuổi đầu 20 hơn là 30, hoặc cũng có thể tuổi 30 của tôi già trước Ý Yên, nên tôi thấy những bài học đúc kết thật non nớt và quá hiển nhiên, chẳng lẽ ở tuổi này lại không biết mà phải mua quyển sách về đọc để nghiệm ra? Với tôi, ở tuổi này, tôi chú trọng vào việc nhìn vào bên trong nhiều hơn là nhìn ra bên ngoài, do đó, tôi không nghĩ những chuẩn mực phóng khoáng hay những đánh giá hờ hững của của Ý Yên về cuộc đời người khác có gì đặc biệt cả.
Đọc suốt cả tập văn, tôi không ngừng có cảm giác đang nghe một bà tám ngoài chợ kể chuyện người này người nọ, đến cuối tập sách mới có một bài Những cơn choáng mùa hè bắt đầu nói chút gì đó về tác giả, dường như có chút khoe khoang về những ngày ở châu Âu của mình. Tôi lại nghĩ đến Bánh mì thơm, cà phê đắng của Ngô Thị Giáng Uyên, cũng là một trong những tác phẩm mang đến cho tôi cảm giác họ đang khoe khoang ấy. Tôi chán. Cũng may, sách ngắn, chỉ mất 1 giờ ăn trưa tôi đã đọc xong và trả sách thuê cho komo. Lòng tự nhủ đừng để những bìa sách đẹp đánh lừa. Có thể bên trong chỉ là những con chữ trống rỗng vô hồn. Rốt cuộc cũng chả hiểu vì sao đàn bà uống trà thì đàn ông nên cẩn thận.
PS: Định cho 1 sao, nhưng tặng thêm 1 sao cho hình minh họa đẹp. ^_^
Photo Credit: Phan Ý Yên Facebook
Công ty phát hành Phương Nam
Nhà xuất bản NXB Phụ Nữ
Kích thước 13.5 x 18.5 cm
Author Phan Ý Yên
Số trang 176
Ngày xuất bản 04-08-2015
ntcamtu
February 13, 2017 — 12:11 am
Mình có cùng suy nghĩ với bạn. <3