Những Lá Thư Tình Cho Người Chết

Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗/5


 

Giới thiệu nội dung:

Năm lớp 9 của Laurel bắt đầu với một bài tập về nhà là viết một lá thư cho một người quá cố. Laurel chọn Kurt Cobain, vì đó là ca sĩ yêu thích của chị gái May vừa qua đời của cô. Anh ta cũng chết trẻ như May vậy. Dần dà, Laurel tiếp tục viết cho những người nổi tiếng khác nữa như Janis Joplin, Heath Ledger, Amelia Earhart, Amy Winhouse, v.v. dù cô vẫn chưa nộp một lá nào cho giáo viên của mình, và vẫn chưa viết cho người chị gái yêu thương. Cô viết về trường trung học mới, những người bạn mới, tình yêu đầu đời mới, và cả sự đau đớn trước cái chết của May. Nhưng, làm sao ta có thể thương khóc cho một người mà ta chưa thể tha thứ? Chỉ khi Laurel có thể viết ra sự thật đã xảy ra thì cô mới có thể chấp nhận được những gì đã xảy đến với May. Và chỉ khi cô bắt đầu nhìn thấy chị của mình như một con người thật sự thay vì một nàng tiên cô vẫn ngưỡng mộ – một con người đáng yêu nhưng cũng đáng trách – thì cô mới có thể bắt đầu khám phá ra con người trong chính mình.


Vài dòng bình luận:

Thật khó mà ngó lơ Love Letters to the Dead khi nó được người bạn thân Stephen Chbosky của tác giả Ava Dellaira đã giới thiệu với mọi người rằng: “Đơn giản là tôi yêu quyển sách này. Love Letters to the Dead còn hơn cả một quyển tiểu thuyết đầu tay. Nó là lời thông báo của một giọng văn táo bạo mới.” Tôi không thể nói rằng tôi đồng tình với Stephen Chbosky rằng tôi “yêu” quyển sách này và tôi cũng không nghĩ rằng giọng văn ấy “táo bạo”, nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã không cảm thấy phí thời gian khi đọc nó. Cách viết một câu chuyện dạng nhật ký đóng sổ như Ava Dellaira làm trong sách này thật ra cũng không mới mẻ, chỉ khác cái nó viết cho mấy người nổi tiếng. Ai đã từng (hoặc đang đi) qua tuổi mộng mơ dán đầy hình ca sĩ diễn viên trong phòng ngủ (có tôi giơ tay đây!) thì sẽ chẳng thấy lạ lùng khi cô bé Laurel chọn viết cho những người nổi tiếng ấy thay vì chị gái mình. Nên tôi thích nó, và nếu không vì chương cuối cùng (và vài đoạn văn lẻ tẻ) hơi… sến rặc thì tôi đã cho nó 5 sao.

Nếu có điểm nào đặc biệt nhất với quyển sách này thì tôi nghĩ là đáng lý nó đã được nên xuất bản kèm theo một CD với những bản nhạc được nhắc đến trong sách. Dù ít nghe nhạc Nirvana nhưng tôi có thể hình dung ra được giọng hát khàn khàn của Kurt Cobain, đặc biệt là bài hát About a GirlHeart-shaped Box khi nghe Laurel trút bầu tâm sự về những thứ đang xảy ra xung quanh mình. Và gu nhạc này của Laurel khiến tôi nghĩ quyển sách phù hợp với những người từng lớn lên vào thời 90 hơn là những teenager hiện nay (có lẽ họ thích nghe One Direction hay Ed Sheeran hơn Nirvana va Guns n’ Roses), cũng có thể nó có khả năng kết nối với một vài người trẻ ngày nay vẫn còn thích Amy Winehouse hay Heath Ledger.

Khi nghĩ về những người nổi tiếng ấy, tôi chợt nhận ra họ đều có một điểm chung rằng họ chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Những câu chuyện của họ được sống lại qua ngòi bút của Ava Dellaira khiến một người đọc từng chứng kiến cái chết của họ qua sách báo (đương nhiên trừ vài người “già hơn” như Amelia Earheart hay John Keats, v.v.) có lại cái cảm giác day dứt và nuối tiếc cho những cuộc đời ấy. Như cuộc đời của May vậy. Bạn có thể nói rằng tôi hơi mềm lòng khi nghe nói đến những cái chết trẻ, nhất là khi họ còn tuổi thanh thiếu niên. Tôi thấy thương họ nhiều hơn là trách họ. Khi nhìn vào cuộc sống của họ trước khi họ ra đi, chẳng mấy ai trong chúng ta nhìn thấy “dấu hiệu” ám chỉ chuyện họ sắp sửa đánh mất cuộc đời mình. Tôi thấy quyển sách đã thành công trong việc khiến người đọc thấy mơ hồ hơn khi nghĩ về những cái chết ấy. Do đó, cũng như với Clay Jensen trong Thirteen Reasons Why (13 Lý Do Tại Sao) những cái chết ấy để lại sự bối rối hỗn loạn cho Laurel.

Since she’s been gone, it’s hard to be myself, because I don’t know exactly who I am. But now I’ve started high school, I need to figure it out really fast.

***

Từ khi chị ấy ra đi, thật sự khó khăn để tôi là chính mình, vì tôi không biết chính xác mình là ai nữa. Nhưng giờ đây tôi đã bắt đầu vào trung học rồi, tôi cần khám phá ra điều đó nhanh thật nhanh.  

Nói về Laurel, thật ra thì đây chẳng phải là một nhân vật “nữ chính” mạnh mẽ như Katniss Everdeen, cũng chẳng bất cần đời như Hazel Grace Lancaster, thậm chí có thể nói Laurel hơi trẻ con đến là yếu đuối nhạt nhẽo. Tình yêu của cô dành cho Sky cũng rất trẻ con, một anh chàng bảnh trai ngồi ở một góc căn tin lọt vào mắt cô, thế là yêu. Tình bạn của cô với Hannah, Natalie, Kristin và Tristan cũng thế, họ cho cô gia nhập nhóm của họ, thế là thân. Cô chẳng có một tính cách nào đặc biệt, chẳng phải quá xinh đẹp, học quá giỏi hay một tài năng xuất chúng nào khiến các bạn trong trường phải ngưỡng mộ. Nói đúng hơn, cô chính là hình ảnh của người thanh thiếu niên rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày: mỗi ngày qua ngày, dù làm những hành động nào, họ cũng đang tìm kiếm chính mình vì đơn giản rằng họ không biết mình là ai. Nhưng dù còn rất trẻ, thì họ cũng biết rằng họ đang cùng nhau trưởng thành, cùng nhau tìm kiếm một thứ gì đó để loại bỏ sự nhạt nhẽo mà họ đang nếm trải, như Tristan đã nói trong một đêm giao thừa, kèm thêm một câu trích của Guns n’ Roses:

‘Experiencing us is like having the fountain of youth.’ My intention is that it will always be that way, as long as we live. We’ll get old, but my intention is that we’ll never sell out. That we’ll never get too old to remember who we are right now, together.

***

‘Trải nghiệm chính chúng ta giống như có một vòi nước của tuổi trẻ.’ Ý định của mình là nó sẽ mãi mãi như thế, chừng nào chúng ta còn sống. Chúng ta sẽ già đi, nhưng ý định của mình là chúng ta sẽ chẳng bao giờ bán rẻ những thứ ấy. Rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở nên quá già cỗi để nhớ con người của chúng ta vào thời điểm này, bên cạnh nhau.

Có lẽ điều tôi thích trong quyển sách này là nó đã dám chạm đến những vấn đề gai góc như tình dục ở tuổi vị thành niên – ở một khía cạnh ngây thơ như mối quan hệ của Laurel và Sky, cũng như khía cạnh chua chát của May và Paul, những trống rỗng bỏ lại đằng sau cho con cái sau một cuộc chia ly của bố mẹ, bạo hành trong gia đình và cả tình yêu đồng giới nữa. Đôi khi tôi cũng thấy Ava Dellaira đã đưa quá nhiều những vấn đề nan giải vào cùng một năm học ngắn ngủi, có lẽ đó là tham vọng của một tác phẩm đầu tay, nhưng tôi nghĩ điều đó không làm mất đi nét đẹp trong câu chuyện. Mọi thứ đều quy về một mối, đó là niềm tin chúng ta dành cho nhau trong tình yêu thương, liệu nó có lớn hơn nỗi sợ hãi hay không?

I know that it can be hard to believe that someone loves you if you are afraid of being yourself, or if you are not exactly sure who you are. It can be hard to believe that someone won’t leave.

***

Tôi biết thật khó có thể tin được rằng ai đó yêu thương bạn nếu bạn sợ phải là chính mình, hoặc nếu bạn không chắc mình là ai nữa. Thật khó có thể tin rằng ai đó sẽ không ra đi.


Về tác giả:

Ava Dellaira tốt nghiệp ở Trường viết Iowa. Cô lớn lên ở Albuquerque bang New Mexico. Cô tin rằng mình đã được khơi nguồn cảm hứng để viết quyển sách này khi nghe đĩa nhạc In Utero của Nirvana khi viết nhật ký của chính mình.


Photo Credit: Book cover stock photo

Hardcover, 336 pages
Published April 1st 2014 by Farrar, Straus and Giroux (first published January 1st 2014)
Original title: Love Letters to the Dead (Những lá thư tình cho người chết)