Chat Sách đánh giá: *****/5
Dành lời khen cho cuốn sách Totto-chan thì có lẽ là hơi thừa vì giá trị của cuốn sách này đã được các bạn đọc khắp nơi khẳng định và yêu mến qua suốt hơn 30 năm kể từ ngày xuất bản trên khắp thế giới rồi.
Vậy nên, trong bài viết ngắn này, tôi chỉ muốn nói đến vấn đề Đọc Totto-chan, nhìn lại nền giáo dục 40 năm đổi mới của Việt Nam tính từ năm 1976.
Rất may mắn khi Totto-chan có cơ hội bị đuổi học ngay khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa tiểu học, ngưỡng cửa đầu tiên của tất cả mọi em bé được cắp sách tới trường cùng bạn bè, nhưng em lại quá hiếu động, lại hay đãng trí đến mức trường phải cho em nghỉ học vì cô giáo không thể quản được em. Tuy rằng đây là một chuyện rất rất buồn, nhưng chắc chắn sau này Totto-chan, mãi đến năm 12 tuổi mới thực sự biết rằng đây là một cơ hội rất rất rất may mắn đối với em để có dịp được gặp gỡ thầy Kobayashi Sosaku, và được học chung với các bạn Takahashi-kun, Sakko-chan, Tai-chan, Oe-kun hay Yasuaki-chan,… dưới sự hướng dẫn và quan tâm của thầy trong suốt những năm học tại trường Komoe đáng yêu.
Nếu muốn trẻ yêu thích việc học, hãy biến nơi đó thành tình yêu của trẻ. Komoe chính là ngôi trường như thế. Komoe có lớp học không phải là những dãy phòng ốc khô khan với bốn bức tường vuông vức bằng gạch vôi vữa, mà là những toa xe lửa được sử dụng lại thành lớp học. Nếu như ngày nay tất cả những trường tiểu học – nơi ấn tượng đầu tiên của các em đối với ngôi trường – có các phòng học đều được xây dựng thành những hình ảnh dễ thương, gần gũi với các em như các toa xe lửa, hình quả bí ngô khổng lồ, hình vỏ sò hay ngôi nhà Hobbit ở xứ Wales hay hình vỏ ốc hoặc căn phòng hình tròn với màu sắc rực rỡ, thì việc được học trong đó sẽ khác nào các em được bước vào xứ sở thần tiên cổ tích.
“Đúng là xe điện thật, cả một đoàn gồm sáu toa giờ không còn chạy nữa, đang được xếp trong sân trường để làm lớp học. Totto-chan thấy như mình đang nằm mơ. Lớp học xe điện…”
Nếu như trường học ngày nay, thay vì những tờ thời khóa biểu cứng nhắc và chạy theo giờ cho kịp giáo án, mà sẽ được bắt đầu một buổi học bằng những môn mà các em yêu thích, thì năng lượng của ngày hôm đó có thể sẽ tràn trề đến cuối buổi học, có khi còn muốn kéo dài mãi không thôi ấy chứ.
“Lớp học nào cũng có cảnh tượng như thế này: bạn nào thích làm văn thì ngồi làm văn, trong khi đó ở phía cuối lớp, bạn nào thích vật lý lại châm đèn cồn để đun sôi ống nghiệm, chuẩn bị làm nổ tung cái gì đó…”
“Bạn thì tập viết chữ cứng. Bạn thì vẽ tranh. Bạn thì đọc sách. Có bạn còn đứng tập thể dục nữa… Totto-chan thấy cái gì cũng lạ nên phấn chấn lắm, chẳng thế nào bắt đầu học luôn như các bạn được.”
Nếu như trường tiểu học ngày nay, thay vì các em bắt buộc phải ngồi theo một chỗ cố định suốt một năm học, mà cho các em muốn chọn chỗ nào ngồi tùy thích theo từng ngày trong lớp học, thì các em sẽ thích biết bao. Bởi rằng các em vẫn còn bé lắm, vẫn còn thích những gì tự do không bị gò bó, thì khi được như thế, các em sẽ không xem việc đến lớp là một khuôn khổ nào đó chán ngắt từ ngày này qua ngày khác.
“Nhưng ở đây, các bạn có thể ngồi bất cứ chỗ nào mình thích, tùy theo điều kiện và tâm trạng ngày hôm ấy.”
Nếu như trường tiểu học ngày nay, thay vì phải ngồi cố định trong lớp cả hai buổi học, thì các em chỉ cần học một buổi sáng thôi, còn lại buổi chiều, các em sẽ được cô giáo thầy giáo dẫn ra ngoài vườn hay khung cảnh thiên nhiên, để quan sát các sinh vật xung quanh gần gũi với cuộc sống của các em, hoặc đến thăm chùa chiềng ngắm phong cảnh, được nói chuyện thỏa thích, thì việc vừa học vừa chơi ấy vui thú sẽ là những chuyến thám hiểm phiêu lưu, như Alice lạc vào xứ sở thần tiên vậy.
“Với các bạn học sinh, cuộc đi dạo này là khoảng thời gian được vui chơi thỏa thích, nhưng các bạn không biết, thực chất đây là một giờ học bổ ích về khoa học, lịch sử và sinh vật.”
Nếu như trường tiểu học ngày nay, các em thay vì chăm chú học từ sáng tới tối, từ ngày này qua ngày khác, mãi chẳng biết thú vui của đến trường là như thế nào, thì lâu lâu lại được thầy hiệu trưởng và các giáo viên cắm trại, dù trong hội trường của trường học hay đi suối nước nóng, hoặc được chính bác nông dân chỉ dạy cho các em cách trồng lúa như thế nào, thì một năm đi học của các em sẽ có bao nhiêu điều phong phú và bổ ích thực tế.
“Không chỉ dạy cho các bạn cách trồng rau, thầy giáo nông dân còn dạy cho các bạn rất nhiều điều thú vị về sâu bọ, chim muông, bươm bướm và thời tiết.”
“Ruộng rau của các bạn lớn rất nhanh. Hàng ngày các bạn lần lượt đến kiểm tra rồi về báo cáo với thầy hiệu trưởng và các bạn khác.”
Nếu như thay vì đến trường cạnh tranh thứ hạng điểm số, các em được tham gia các trò chơi cùng cha mẹ hoặc người thân, thì đối với các em việc học nhẹ nhàng biết chừng nào.
“Khán giả nhất thiết không được lơ là, đang ngồi trên ghế hay trên chiếu, nghe thấy tiếng gọi là phải đứng dậy ngay, xin phép đi qua các bậc phụ huynh khác, máu chóng tới nắm tay bạn kia và chạy về đích.”
Nếu như trường tiểu học ngày nay, đa phần các giáo viên chạy theo thành tích, mà không quan tâm đến sự phát triển nhân cách và phẩm chất của các em, thì Komoe lại ngược lại. Thầy Kobayashi đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, để đảm bảo sao cho các em có được một sự phát triển thế chất và tinh thần phong phú và hài hòa nhất. Thầy không phân biệt các em khỏe mạnh hay khuyết tật. Với thầy, mọi em đều đáng yêu đáng quý và đáng được tin tưởng tất thảy. Vậy nên, chỉ sau một năm mà Totto-chan đã trở nên ngoan ngoãn và đầy lòng yêu thương bè bạn. Hay Takahashi-kun, cậu bé có đôi chân vòng kiềng năm nào, vẫn luôn tự tin vào cuộc sống và bản thân, để rồi sau khi trưởng thành, Takahashi-kun đã có thể nói rằng bạn ấy không tự ti chút nào về khuyết tật trên cơ thể của mình…
Biết thêm một chút về trường Komoe, tôi tự hỏi đến khi nào thì các trường tiểu học ở Việt Nam sẽ được hưởng thụ một nền giáo dục đẹp đẽ và trong sáng và bổ ích như thế này? Đến khi nào thì nền giáo dục Việt Nam sẽ chấm dứt cái vòng cải cách luẩn quẩn của mình, để bước ra khỏi căn phòng xấu xí và đầy chán ghét? Đến khi nào, thì trẻ em Việt Nam xem việc đi học về là một sự tiếc nuối như phải chia tay một người bạn thân thiết và việc đến trường là một sự háo hức mong chờ vào sớm mai? Đến khi nào, trẻ em Việt Nam có được nhiều nhiều thầy cô giáo Kobayashi tâm huyết, xem sự nghiệp giáo dục là một tình yêu, một nhiệm vụ thiêng liêng và trên hết, thấu hiểu được đến từng bước nhảy của các em? Đến chừng nào, chúng ta xây dựng được nhiều nhiều ngôi trường Komoe ngay trên đất nước Việt Nam, để cho các em được tung tăng tới trường với niềm vui trong sáng nhất và hạnh phúc nhất?
Cảm ơn Kuroyanagi Tetsuko (Totto-chan) đã cho tôi đọc được một câu chuyện đẹp về giáo dục, về tình yêu, về con người, về một Nhật Bản bình dị. Đây là một cuốn sách đẹp, đẹp cả hình thức lẫn nội dung. Vậy nên, tôi viết ra những dòng này, ngoài hi vọng Việt Nam sẽ có bước tiến trong giáo dục bắt đầu từ cấp tiểu học, tôi còn hi vọng những bạn chưa có cơ hội đọc Totto-chan sẽ đọc Totto-chan, để thấy Komoe, thầy Kobayashi và những con người bình dị nơi ấy đáng yêu và đáng ngưỡng mộ biết chừng nào.
Originally published: 1981
Author: Tetsuko Kuroyanagi
Page count: 232
Publisher: Kodansha
Công ty phát hành Nhã Nam, Nhà xuất bản NXB Văn Học
Kích thước 14 × 19 cm, 355 trang
Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko
Dịch Giả: Trương Thùy Lan
Ngày xuất bản 12-2013