TRÍCH ĐOẠN:
Thanh Kiếm Của Mùa Hè
Chương 2
Người đàn ông với chiếc áo xu chiêng bằng kim loại
Dinh thự gia đình thật chán ngấy.
Ồ, chắc thế rồi, bạn sẽ không nghĩ vậy. Bạn sẽ thấy một căn nhà kiểu brownstone[1] sáu tầng to đùng có máng xối nằm ngay góc mái ngói, có những ô cửa sổ kính màu, những bậc thang phía trước làm bằng cẩm thạch và tất cả mấy thứ khác bla bla bla, những chi tiết kiểu người-giàu-sống-ở-đây, và bạn sẽ tự hỏi vì sao tôi ngủ ngoài đường.
Hai chữ thôi: Cậu Randolph.
Đó là nhà của cậu. Là con trưởng, cậu được thừa hưởng từ ông bà ngoại tôi, họ mất trước khi tôi ra đời. Tôi chưa từng biết nhiều về mấy vở kịch ầm ĩ của gia đình, nhưng tôi biết có rất nhiều ác cảm giữa ba người con: Randolph, Frederick và mẹ tôi. Sau Cuộc ly giáo vào lễ Tạ ơn Vĩ đại, chúng tôi không hề quay lại căn nhà tổ đó nữa. Căn hộ của chúng tôi ở cách đó chừng nửa dặm, nhưng cậu Randolph có ở sao Hỏa thì cũng vậy thôi.
Mẹ tôi chỉ nhắc đến cậu nếu chúng tôi tình cờ lái xe ngang căn brownstone. Và mẹ sẽ chỉ trỏ về hướng nó kiểu bạn đang chỉ trỏ về một dốc đá nguy hiểm vậy. Thấy không? Nó đó. Tránh xa nó ra.
Sau khi tôi bắt đầu sống ngoài đường, thỉnh thoảng tôi đi ngang đó vào ban đêm. Tôi nhìn vào cửa sổ và thấy những hòm trưng bày rực rỡ nào gươm nào rìu, nào nón giáp và mặt nạ lủng lẳng trên tường chằm chằm nhìn tôi, bóng các pho tượng từ cửa sổ trên lầu trông như những con ma hóa đá.
Vài lần tôi có ý định đột nhập vào để soi mói chỗ này chỗ kia, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình thèm gõ cửa. Làm ơn đi, Cậu Randolph, con biết cậu ghét mẹ con và đã không gặp con cả mười năm rồi; con biết cậu quan tâm đến những món đồ sưu tầm cũ kỹ rỉ sét hơn là gia đình mình; nhưng con có thể sống trong ngôi nhà cao quý của cậu và được ăn vụn bánh mì còn dư của cậu được không?
Không, cảm ơn nhé. Tôi thà sống ngoài đường, ăn falafel[2] cũ mèm từ khu bán thức ăn bình dân.
Dù sao thì… Tôi kết luận rằng chuyện đột nhập vào cũng khá là đơn giản thôi, vào nhìn loanh quanh và xem thử có thể tìm thấy câu trả lời về những gì đang xảy ra. Nhân tiện khi ở đó, tôi sẵn tay lấy vài thứ đem đi cầm.
Tôi thấy có lỗi nếu điều này xúc phạm đến nhận thức đúng sai của bạn.
Ồ, chờ chút. Không. Tôi không thấy vậy.
Tôi không chôm của một người bất kì. Tôi chon mấy thằng chảnh chọe đáng ghét đã có quá nhiều thứ rồi. Nếu bạn lái một chiếc BMW và đậu xe ở chỗ dành cho người tàn tật mà không có thẻ dành cho người tàn tật, vậy thì, đúng thế, tôi chẳng có phiền muộn gì khi tôi nạy cửa sổ xe và lấy vài thứ từ chỗ để cốc nước trong xe bạn. Nếu bạn bước ra từ tiệm Barneys với một túi khăn tay lụa, quá bận rộn vì phải nói chuyện điện thoại và đẩy người khác tránh đường cho mình vì bạn không để ý, tôi sẽ ở đó chờ bạn, sẵn sàng để móc túi bạn. Nếu bạn có thể bỏ ra năm nghìn đô la mua khăn chùi mũi, bạn có thể bỏ tiền để mua bữa tối cho tôi.
Tôi là quan tòa, bồi thẩm đoàn, và là tên trộm. Và, nói đến những thằng chảnh chọe đáng ghét, tôi cho rằng tôi chẳng thể nào kiếm ra được ai khá hơn Cậu Randolph.
Căn nhà đối diện Đường Commonwealth. Tôi đi vòng về một con đường có cái tên nên thơ Hẻm Công Cộng 429. Chỗ đậu xe của Randolph trống rỗng. Có những bậc thang dẫn xuống cửa tầng hầm. Nếu có hệ thống báo động, tôi sẽ không thể phát hiện ra nó. Cánh cửa là một cái chốt đơn giản thậm chí còn không có cái khóa cóc. Thôi nào, Randolph. Ít ra phải khiến chúng có chút thử thách chứ.
Hai phút sau tôi đã ở bên trong.
Trong nhà bếp, tôi tự phục vụ cho mình vài miếng gà tây xắt lát, bánh quy muối và uống sữa từ trong hộp. Không có falafel. Khốn kiếp. Giờ thì tôi đang thèm vài cái đây, nhưng tôi tìm thấy một thanh sô cô la và nhét nó vào túi để dành ăn sau. (Sô cô la phải được tận hưởng, chứ không thể ăn vội vàng.) Rồi tôi tiến lên lầu đi vào một cái lăng tẩm đầy những nội thất bằng gỗ dái ngựa, thảm phương đông, tranh sơn dầu, sàn gạch cẩm thạnh và chúc đài thủy tinh… Thật là xấu hổ quá. Ai mà sống kiểu này chứ?
Lúc sáu tuổi, tôi không thể cảm thụ được những thứ này mắc mỏ thế nào, nhưng ấn tượng chung chung của tôi về căn dinh thự này cũng như vậy: tối tăm, ngột ngạt, rùng rợn. Thật khó mà tưởng tượng mẹ tôi đã lớn lên ở đây. Cũng dễ hiểu vì sao mẹ trở thành fan của khung cảnh tuyệt vời ngoài trời.
Căn hộ của chúng tôi gần nhà hàng BBQ Hàn Quốc bên khu Allston cũng khá là ấm cúng, nhưng mẹ tôi chẳng bao giờ thích ở trong nhà. Mẹ luôn nói nhà thật sự của mẹ chính là Đồi Blue. Chúng tôi thường đi bộ và cắm trại trong đủ loại thời tiết – khí trời trong lành, không tường không trần nhà, không ai đi cùng ngoài bọn vịt, ngỗng và sóc.
Căn brownstone này, đem ra so sánh, có cảm giác như một căn tù. Khi tôi đứng một mình trong hành lang, da tôi sởn gai ốc với những con bọ cánh cứng vô hình.
Tôi leo lên tầng tiếp theo. Thư viện nghe có mùi nước đánh bóng hương chanh và da, như tôi vẫn nhớ. Dọc một mảng tường là một tủ kính được thắp sáng, trưng đầy mũ giáp Viking rỉ sét của Randolph và mấy lưỡi rìu mòn ruỗng. Có một lần mẹ kể với tôi Randolph dạy lịch sử ở Havard rồi sau đó có một chuyện nhục nhã kinh khiếp nào đó khiến cậu bị sa thải. Mẹ không chịu kể chi tiết, nhưng rõ ràng là cậu vẫn còn là một tên cuồng những món tạo tác.
Con thông minh hơn cả hai cậu của con, Magnus à, mẹ từng nói với tôi. Với điểm số của con, con có thể vào trường Havard một cách dễ dàng.
Đó là khi mẹ còn sống, tôi còn đi học, và tôi có lẽ đã có một tương lai xa xôi hơn bữa ăn sắp tới.
Nằm trong một góc phòng làm việc của Randolph là một tảng đá lớn trông giống một cái bia mộ, phía trước nó được chạm trổ và sơn hoa văn uốn éo phức tạp màu đỏ. Ở chính giữa có một bức vẽ thô sơ hình một con quái thú gầm gừ – có lẽ là con sư tử hoặc con chó sói.
Tôi rùng mình. Thôi đừng nghĩ đến chó sói.
Tôi tiến về bàn làm việc của Randolph. Tôi đã hy vọng tìm thấy máy tính, hoặc sổ ghi chép với những thông tin hữu ích – bất cứ thứ gì có thể giải thích lý do họ đang tìm kiếm tôi. Thay vào đó, trải dài ngang mặt bàn là những mảnh giấy da mỏng và vàng như vỏ củ hành. Trông chúng như bản đồ mà đám học trò thời trung cổ tạo ra cho mấy môn xã hội học: những phác thảo mờ nhạt của một bờ biển, vài điểm được đánh dấu bằng những ký tự mà tôi không biết. Có một cái túi da nằm trên chúng như một cái chặn giấy.
Tôi nín thở. Tôi nhận ra cái túi ấy. Tôi tháo dây gút và lấy một con domino ra… nhưng nó không phải là con domino. Đứa trẻ sáu tuổi trong tôi cho rằng đó là thứ tôi và chị Annabeth đã cùng chơi với nhau. Sau nhiều năm, ký ức tự củng cố lại chính nó. Nhưng, thay vì những đốm nhỏ, những hòn đá này được sơn lên những biểu tượng màu đỏ.
Hòn trong tay tôi có hình như một nhánh cây hoặc một chữ F méo mó:
Tim tôi đập thình thịch. Tôi không chắc vì sao. Tôi tự hỏi đến nơi này có phải là một ý hay hay không. Những bức tường như đang đóng kín lại. Trên tảng đá to trong góc phòng, bức hình con quái thú như đang chế nhạo tôi, những đường viền màu đỏ của nó sáng lấp lánh như máu tươi.
Tôi di chuyển đến cửa sổ. Tôi nghĩ nhìn ra ngoài có lẽ sẽ có ích. Dọc theo giữa con đường chạy dài Khu thương mại Commonwealth – có một dãy đất đầy cây cối bị tuyết phủ lấp. Những cái cây trơ trọi được treo đầy đèn Giáng sinh trắng sáng. Cuối con đường, bên trong một hàng rào sắt, bức tượng đồng thiếc Leif Erikson đứng sừng sững trên bệ, tay ông ta cụm lại quanh mắt mình, Leif đăm đăm nhìn về hướng cầu vượt Charlesgate như thể muốn nói Nhìn, tôi khám phá ra một xa lộ!
Mẹ và tôi thường hay đùa về Leif. Áo giáo của ông hơi bị thiếu vải: một cái đầm ngắn và một mảng áo trên ngực trông như cái xu chiêng Viking.
Tôi hoàn toàn không biết vì sao cái tượng ấy lại nằm giữa lòng Boston, nhưng tôi cho rằng chuyện Cậu Randolph nghiên cứu về Viking từ nhỏ chẳng thể nào là một sự trùng hợp. Cậu sống ở đây cả cuộc đời mình. Có lẽ mỗi ngày cậu đều nhìn Leif từ cửa sổ. Có lẽ khi còn là một đứa trẻ Randolph đã nghĩ, Một ngày nào đó, mình muốn nghiên cứu về Viking. Đàn ông mặc xu chiêng thật là bảnh!
Mắt tôi dời xuống nền của bức tượng. Ai đó đã đứng đó… nhìn lên về hướng tôi.
Bạn có biết cảm giác khi bạn gặp ai đó trong một khung cảnh khác và phải mất vài giây mới nhận ra được họ? Dưới bóng Leif Erikson có một người đàn ông cao lớn da tai tái vận một chiếc áo khoác da, quần da để đi xe máy, và mang bốt mũi nhọn. Tóc đinh ngắn vàng đến mức gần như trắng cả ra. Màu sắc duy nhất trên người ông ta là chiếc khăn choàng sọc trắng và đỏ quấn quanh cổ, tràn cả ra vai ông như thanh kẹo cây gậy bị tan chảy.
Nếu tôi không quen ông, tôi hẳn đã đoán rằng ông ta đang cosplay nhân vật hoạt hình nào đó. Nhưng tôi có biết ông ta. Đó là Hearth, ông bạn vô gia cư của tôi và cũng là “mẹ” thay thế của tôi.
Tôi thấy hơi ớn lạnh, và hơi bị xúc phạm. Có phải ông ấy đã thấy tôi trên đường và đi theo dõi tôi? Tôi chả cần một người rình rập đỡ đầu chăm sóc tôi.
Hearth làm một cử chỉ như thể ông ấy đang bứt cái gì đó từ nắm tay của mình và ném nó đi. Sau hai năm chơi chung với ông ấy, tôi bắt đầu đọc ngôn ngữ kí hiệu khá rành rọt.
Ông ấy đang nói ĐI RA ĐI.
Trông ông không hoảng hốt, nhưng cũng khó mà đọc được Hearth. Ông chẳng bao giờ để lộ ra nhiều cảm xúc. Bất cứ khi nào chúng tôi ở bên nhau, thường ông chỉ nhìn tôi với đôi mắt xám nhạt như thể ông đang đợi nổ tung ra vậy.
Tôi mấy vài giây quý giá cố đoán xem ông ấy có ý gì, vì sao ông ấy ở đây khi đáng lý ra ông ấy phải ở Quảng trường Copley.
Ông ấy ra cử chỉ lần nữa: hai tay chỉ về phía trước với hai ngón tay, nhúng lên nhúng xuống lai lần. Nhanh lên.
“Tại sao?” Tôi hỏi lớn.
Đằng sau lưng tôi, một giọng nói trầm vang lên, “Chào, Magnus.”
Tôi giật mình nhảy dựng như muốn bay ra khỏi đôi giày của mình mình. Đứng ngay cửa thư viện là một người đàn ông có lồng ngực như cái thùng, có một bộ râu trắng tỉa tót gọn gàng và một cái mũ chỏm có tóc bạc. Ông ta mặc một chiếc áo khoác len cashmere màu kem, bên dưới là một bộ đồ vét bằng len màu tối. Bàn tay đeo găng của ông ta nắm chặt tay cầm của một cái gậy gỗ bóng loáng có một đầu bằng sắp. Lần cuối cùng tôi gặp ông ta tóc của ông ta vẫn còn đen, nhưng tôi nhận ra giọng nói đó.
“Randolph.”
Ông ta nghiên đầu một milimet. “Thật là một sự bất ngờ thú vị. Cậu mừng là con đến đây.” Nghe như ông ta chẳng có ngạc nhiên mà cũng chẳng có mừng gì cả. “Chúng ta không có nhiều thời gian.”
Sữa và thức ăn trong bụng tôi bắt đầu khuấy tung lên. “Nh-nhiều thời gian… trước khi cái gì chứ?”
Đôi mày ông ta chau lại. Mũi ông nhăn khịt như thể ông vừa đánh hơi được một mùi hôi hơi khó chịu. “Hôm nay con mười sáu tuổi, phải không? Bọn họ sẽ đến giết con.”
[1] Brownstone: nhà đá cát màu nâu trong các khu vực đắc tiền
[2] Falefel: bánh chiên hoặc nướng của vùng Trung Đông, làm từ đậu gà.
Photo Credit: US Book stock photo
Người dịch: conruoinho
son
December 3, 2015 — 3:41 am
ad oi sao ko dich nua?