Chat Sách Rating: ☆☆*/5
Ở một thành phố không tên, một quốc đảo không tên, giữa những nhân vật không tên, người con giữa vô danh cặp kè với người giao sữa vô danh. Người con giữa cố tìm mọi cách che giấu mối quan hệ giữa cô và người giao sữa với tất cả những người xung quanh. Nhưng rồi khi anh rể cô phát hiện ra mối quan hệ ấy, người con giữa vốn sống âm thầm dưới cái bóng của người con cả và người con út, bỗng dưng trở thành trung tâm của vũ trụ. Nói cho đúng hơn, cô trở thành trung tâm của những lời đồn thổi, tất cả những hành động của cô trở thành tiêu điểm của mọi người. Ở cái xứ xở đầy tiêu chuẩn đạo đức này, “được” chú ý đến đồng nghĩa với việc “bị” chú ý đến. Mọi thứ trở nên thật nguy hiểm.
Câu chuyện được viết dưới bối cảnh thành phố Belfast vào cuối thập niên 1970, giữa đỉnh cao của thời kỳ The Troubles ở vùng Bắc Ireland* (Xung đột vũ trang tại Bắc Ireland). Bên cạnh xung đột giành độc lập cho Ireland, người ta còn nhớ đến những xung đột về tôn giáo giữa đạo Tin Lành (Protestant) và Thiên Chúa Giáo (Catholic). Cần phải có một chút kiến thức về thời kỳ này độc giả mới có thể hiểu rõ những căng thẳng được miêu tả trong Milkman. Chỉ bằng những quan sát và ghi chú về một mối quan hệ bình thường, Milkman đã có thể ghi nhận lại tất cả những cơn sóng ngầm đổ dồn vào xã hội Ireland vào thời kì này: bạo lực giữa hai bên tham chiến, nghi kị giữa cộng đồng, những quy định tôn giáo hoặc chuẩn mực xã hội khắc khe dành cho phụ nữ và những đàn áp ngột ngạt đang ve vãn cuộc sống của tất cả mọi người trong khu vực.
Về mặt văn chương, nghệ thuật và cả thời điểm xuất bản, thì quyển sách này hoàn toàn xứng đáng với giải Man Booker năm 2018. Cuối năm 2018, Bắc Ireland đưa ra đạo luật cấm phá thai, khiến hàng chục ngàn phụ nữ xuống đường phản đối. Ở đây tôi không bàn đến chuyện đúng sai của luật cho hoặc cấm phá thai, đó chỉ là một ví dụ về những luật được đưa ra ở những quốc gia “tiên tiến” nhưng ảnh hưởng đến nhân quyền. Nó đưa ra được một góc nhìn khác so với The Handmaid’s Tales của Margaret Atwood, không chỉ chú trọng vào quyền phụ nữ nói riêng, nhưng tổng quát hơn về nỗi sợ hãi khi sống trong một xã hội khuôn khổ một cách âm thầm, tấn công tinh thần ta từ mọi mặt nhưng không hề chính thức lên tiếng sai phạm của ta nằm ở đâu. Điều này ngày càng rõ rệt hơn trong những xã hội phương Tây, nơi dân nhập cư từ những tôn giáo khác nhau đổ về, người ta phân vân không biết đâu là chuẩn mực đạo đức cần được đưa thành luật, và đâu là chuẩn mực tôn giáo mà các giáo dân nên chú trọng vào chính cộng đồng và bản thân mình thay vì đưa nó ra làm chuẩn mực chung của những người theo thuyết vô thần.
At the time, age eighteen, having been brought up in a hair-trigger society where the ground rules were — if no physically violent touch was laid upon you, and no outright verbal insults were being levelled at you, and no taunting looks in the vicinity either, then nothing was happening, so how could you be under attack from something that wasn’t there?
Quyển sách là chắp và của những đoạn văn dài ngoằn ngoèo trang này sang trang khác, mỗi chương sách mất cả vài giờ đồng hồ độc giả mới đọc xong. Có thể nói Anna Burns có thể miêu tả và bình phẩm một dấu chấm một cách ly kì khiến người ta suy ngẫm đến cả vũ trụ. Nhưng những loại văn chương này mang tính hàn lâm nhiều hơn là tính cộng đồng. Có lẽ chính do tôi đã đọc và xem quá nhiều những phản ảnh xã hội như thế, nhưng những quyển sách như thế chưa thay đổi một chính sách nào… ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Nó ảnh hưởng đến một số tầng lớp trí thức, nhưng tầng lớp “ít đọc” chẳng bao giờ vớ đến những quyển sách như thế.
Photo Credit: Instagram @luxeterna21
*Ghi chú:
(1) Một số nguồn khác cho rằng bối cảnh của Milkman là vào đầu thập niên 1990 thay vì 1970
(2) Vùng Bắc Ireland (Northern Ireland) là một lãnh thổ thuộc về Vương Quốc Anh, khác với nước Cộng Hòa Ireland (Republic of Ireland) là một quốc gia độc lập.