Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗/5

Hôm nay Chủ Nhật Lễ Lá của đạo Công Giáo, tuần sau là Phục Sinh rồi, Name of the Rose (Tên Của Đóa Hồng) là quyển sách thích hợp để đọc trong thời điểm này. Dù không cảm nhận được những triết lý và lịch sử tôn giáo và kiến thức về chủ nghĩa tượng trưng (symbolism) thì có lẽ IQ cũng được tăng vài phần đơn giản chỉ vì vốn từ ngữ phong phú trong truyện. Umberto Eco quả là bậc thầy trong ngôn ngữ, ngay trong quyển sách đầu tay xuất bản năm 1980 không những đã chứng tỏ được tài năng chữ nghĩa của Umberto Eco, mà lại còn mở ra một phong cách viết mới của những tác giả bậc thầy về sau. Mãi đến khi đọc Tên Của Đóa Hồng, những chi tiết về tiểu họa và sách kinh trong Tên Tôi Là Đỏ mới trở nên dễ hiểu hơn với tôi.

Thật ra ngay chính người theo đạo như tôi cũng không nắm rõ được chi tiết về những dòng tu khác nhau trong Giáo hội Công Giáo, chưa kể Công Giáo chỉ là một nhánh trong Thiên Chúa Giáo, và Thiên Chúa Giáo xét cho cùng cũng chỉ là một tôn giáo bên cạnh Hồi Giáo, Phật Giáo, v.v. Cũng giống với cái cách mà Hồi Giáo đang vươn rộng khắp thế giới hơn so với những tôn giáo khác trong những năm gần đây thông qua người di cư, nhập cư, tị nạn, Thiên Chúa Giáo, đặc biệt là Công Giáo chính là trung tâm niềm tin của người Châu Âu từ thế kỷ 11 đến 14. Những quy luật trong Giáo hội được xem là nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực xã hội, và do đó, Giáo hội cũng có quyền hành như một nhánh chính trị riêng. Đó là một bối cảnh phù hợp cho câu chuyện trong Tên Của Đóa Hồng.

Vị tu sĩ nổi danh William xứ Baskerville dòng Francisca và tu sinh Adso xứ Melk được mời đến một tu viện dòng Benedict, một tu viện nằm đâu đó ở miền Bắc nước Ý hoặc miền Nam nước Pháp, để thăm dò tình hình dị giáo trong tu viện và khu vực. Khi vừa đến nơi, thầy trò William ngay lập tức phải đối mặt bài toán khó: một tu sĩ đã tự sát. Chẳng phải vô tình mà William lại đến từ Baskerville, một địa danh mà fan Sherlock Holmes nào cũng ấn tượng. Cũng với cách điều tra qua phương pháp khấu trừ và suy diễn, lần mò theo dấu vết của cái chết bí ẩn ấy và cả những cái chết liên tục trong vòng bảy ngày ngắn ngủi trọ tại tu viện, thầy trò William đã bóc trần sự thật đằng sau những con người mộ đạo là những cuộc đấu tranh âm thầm nhưng khốc liệt không khác gì chính trường. Và Adso xứ Melk trong vai trò Watson bên cạnh William, với tài văn chương của Umberto Eco, đã viết lại sự việc bên cạnh những giải thích cặn kẽ về tôn giáo và xã hội đương thời. Thật khó mà phân tích tất cả những kiến thức được Umberto Eco trình bày trong sách, nên tôi chỉ xin bàn về một vài điểm tôi thấy ấn tượng nhất, cả trong thời gian đọc chính quyển sách lẫn khi đọc những bài nghiên cứu xung quanh quyển sách:

 

Về việc Chúa Jesus (Giêsu) cười:

Dù đã đọc và nghe Kinh Thánh nhiều lần nhưng tôi chưa từng để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong Kinh Thánh như việc Thiên Chúa có cho phép loài người được cười lớn hay không. Cuộc tranh luận giữa William và vị tu sĩ già mù lòa Jorge xứ Burgos về tiếng cười là trung tâm của câu chuyện. William cho rằng thú vật không cười, tiếng cười là đặc quyền riêng của loài người. Còn Jorge khẳng định tiếng cười là tội lỗi, Chúa Jesus chẳng bao giờ cười. Một bên dẫn chứng Kinh Thánh, còn một bên dẫn chứng triết học Aristotle. Thật lạ lùng khi phải biện hộ cho một thứ tự nhiên như tiếng cười. Trẻ sơ sinh có thể chưa biết nói biết đi nhưng tiếng cười là một thứ bản năng. Nhưng càng lạ lùng hơn rằng những lý lẽ của Jorge không hề vô lý, tiếng cười che giấu nỗi sợ hãi, và nếu không có nỗi sợ hãi thì đức tin sẽ chẳng có nghĩa lý gì, con người chẳng còn phải e sợ Thiên Chúa và tôn giáo sẽ dần tan biến.

 

Về kiến thức và khát khao nắm giữ kiến thức của con người:

Thật mỉa mai khi toàn bộ câu chuyện xoay quanh quyển sách bị thất lạc của Aristotle, tương truyền nằm trong mê cung của thư viện bên trong tu viện. Quyển sách khơi dậy sự tò mò trong tất cả mọi người, kẻ muốn giữ kín nó, kẻ muốn đưa nó ra ánh sáng cho mọi người cùng nghiên cứu. Nhưng rốt cuộc thì mọi thứ, bao gồm cả quyển sách quý đều cháy rụi trong ngọn lửa đêm đốt cả tu viện. Trong lịch sử đã có bao nhiêu lần thay đổi chính sự đều đi cùng những ngọn lửa đốt đi tất cả sách vở, đốt đi tri thức và lịch sử của một nhóm người hay một dân tộc. Có nhiều quyển sách quý không còn tồn tại, nhưng loài người vẫn phát triển, và ký ức về tri thức vẫn tồn tại, và trí tưởng tượng của họ càng mở rộng đường chânt rời tri thức của nhân loại hơn. Như quyển sách của Aristotle, tuy không mấy ai rõ về sự tồn tại của nó nhưng Umberto Eco đã miêu tả nó như chính mắt ông từng nhìn thấy nó và chính bàn tay ông từng chạm vào nó. Và khi người ta càng cố che giấu nó bao nhiêu, như Jorge cố che giấu quyển sách ấy đến nỗi ông bỏ độc vào nó để giết những kẻ chạm tay vào nó thì người ta càng khao khát khám phá về những ghi chép trong đó hơn.

 

Về tên quyển sách Tên Của Đóa Hồng:

Có nhiều phân tích xung quanh lý do Umberto Eco đã đặt tên cho quyển sách là Tên Của Đóa Hồng dù trong sách chẳng đề cập đến những đoá hồng nào. Có giả thuyết cho rằng đó là tượng trưng cho quyển sách về hài kịch của Aristotle, người ta chỉ còn nhớ đến cái tên của nó; hay nó tượng trưng cho thư viện uy nghi nay đã rụi tàn.

Stat rosa pristina nomine, nomina nuda tenemus.

Bông hồng xa xưa còn tồn tại nhờ cái tên, và chúng tôi chỉ giữ lại mỗi cái tên mà thôi. 

Nhưng tôi nghĩ tôi tin vào giả thuyết thứ ba. Hầu hết những nhân vật xuất hiện nhiều trong truyện đều có tên, chỉ trừ cô thôn nữ nghèo bán thân mình cho các tu sĩ “thanh tịnh” để đổi lấy những bữa cơm thừa. Nhưng khi Tòa án dị giáo tra hỏi, họ đưa cô ra chịu tội như một con quỷ dữ quyến rũ bọn họ. Ngay cả những người biết rõ sự thật như tu sĩ William và cả Adso “kẻ đồng phạm” cũng chẳng dám lên tiếng. Sự hiện diện của cô chẳng mấy chốc rơi vào lãng quên trong tâm trí của những tu sĩ khác nhưng với Adso, cậu mãi mãi vẫn ghi nhớ cô ấy – một đóa hồng thật sự giữa tội lỗi và quyền lực trong tu viện thiêng liêng.

 

 


Hardcover, 514 pages
Published June 9th 1983 by Harcourt Brace Jovanovich (NYC) (first published 1980)
Original Title: Il nome della rosa
Literary Awards: إمبيرتو, Premio Strega (1981), Edgar Award Nominee for Best Novel (1984), PEN Translation Prize (1984), Premio Anghiari (1981), Premio Il Libro dell’anno (1981), Prix Médicis Etranger (1982), Kono Mystery ga Sugoi for Best Translated Mystery Novel of the Year in Japan (1991)
Công ty phát hành Nhã Nam, Nhà xuất bản NXB Văn Học
Kích thước 15 x 24 cm, số trang 556
Ngày xuất bản 04-2013