Chat Sách đánh giá: ∗∗∗*/5
Tui hông phải là fan ruột của Nguyễn Nhật Ánh, đặc biệt là trong khoảng thời gian những năm gần đây khi được đọc Ngồi Khóc Trên Cây hay Chúc Một Ngày Tốt Lành. Vậy nên tui hông kỳ vọng nhiều vào Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình vừa mới được Trẻ xuất bản đây. Tui từng hỏi bạn tui, lứa thế hệ giữa 8X rằng giờ còn thích đọc Nguyễn Nhật Ánh nữa hông? Bạn tui bảo rằng xưa thì thích còn giờ thì hông, bởi văn phong của ông lẫn cả tình tiết diễn biến câu chuyện của ông dường như hông có gì thay đổi sau hơn 20 năm ròng rã. Những người đã lớn lên cùng những tác phẩm của ông như Bàn có ba chỗ ngồi, Buổi chiều window,… nay phần lớn đã thành gia lập thất, thế hệ mới 9X, những năm 2000 trở về sau đã thế chỗ vào đó nhưng những tác phẩm sau này của ông dường như vẫn còn kẹt mãi, loanh quanh mãi trong khoảng thời gian 8X đó, mãi không thoát ra khỏi được cái khung chật chội, cũ kỹ và quá đỗi quen thuộc ấy. Là do ông hông muốn thoát khỏi ký ức đẹp đẽ, giản dị ấy hay ông không thể hòa nhập vào dòng chảy thời gian?
Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình mở đầu bằng hình ảnh Phúc vô tình gặp gỡ cậu bé tên Su mò vào khu vườn ổi của ông Sáu Thôi (ba của Vinh) để chơi. Và bắt đầu từ đó là những chuỗi diễn biến xen kẽ giữa thời điểm trưởng thành và thời điểm còn là học trò của ba người bạn Vinh – Miền – Phúc. Mối tình tay ba này kéo dài cho đến ngày Phúc đột ngột biến mất để lại một câu hỏi lớn trong lòng mọi người và mầm sống trong bụng Miền. Tui khá là hụt hẫng khi khoảng thời gian sau khi Phúc rời đi, tác giả đã cho câu chuyện chạy marathon nhanh đến mức chóng mặt. Vèo một phát như tóm tắt những diễn biến chính một cách cô đọng nhất có thể để đến đoạn Phúc quay trở về. Mà trong khoảng thời gian vắng Phúc 8 năm ròng rã ấy, con người ta trưởng thành dần theo năm tháng, những chuyển biến tâm lý khi bước chân vào cuộc đời; rồi khi Vinh và Miền trở thành vợ chồng, cuộc sống giữa hai người như thế nào, tác giả chỉ đề cập một phần nhỏ. Rồi dồn lực chạy nước rút khi Phúc về. Bắt đầu từ đây tác giả đẩy diễn biến tâm lý của cả ba lên cao trào giống như của để dành một cách khô cứng.
Ba nhân vật thi nhau dằn vặt bản thân, suy nghĩ như chưa hề suy nghĩ, đấu tranh như chưa hề đấu tranh, để rồi cuối cùng ai cũng đưa ra quyết định của riêng mình. Tới chỗ này đây, khi ba nhân vật đã được đoàn tụ, rồi sau khoảng thời gian vài ngày thì Vinh đi đường Vinh để trốn chạy hiện thực tàn khốc. Phúc đi đường Phúc sau hai giờ đồng hồ tự vấn lương tâm, cắn rứt lòng dạ khi ngồi trên rễ cây to để rồi quyết định lên xe đi vào Nam. Miền cũng có quyết định cuối cùng của mình, sau khi bị Phúc quay cho choáng váng mặt mày, bị dắt đi qua đồi hương này đến rừng hoa kia, choáng ngợp với quá nhiều màu sắc rực rỡ mà Phúc vẽ ra cho họ rồi những giây phút cuối cùng mới nhận ra một thứ tình cảm khác dành cho Vinh. Thế là hết. Cả ba nhân vật của chúng ta đã vượt qua cám dỗ của bản thân, cám dỗ của dục vọng để hông phá vỡ cục diện hiện tại. Chiến thắng bản thân, tốt rồi. Vậy là đã đạt được ý muốn truyền đạt của tác giả chăng? Trong một xã hội Việt Nam như hiện nay, yêu hông được, chém nhé! Tỏ tình hông được đáp lại, chém nhé! Phụ nghĩa bạc tình, đốt à! Thậm chí, cặp giò vợ mình nó đẹp quá, đốt đi! Thì cách hành xử của Vinh, Miền, Phúc quá cao thượng, đặc biệt là Vinh, như các trang ảnh hùng võ hiệp ngày xưa trong tiểu thuyết Kim Dung vậy. Điều này khiến cho tâm lý nhân vật như bị tác giả dắt mũi chứ hổng phải tự nhiên nó thế. Và tui hổng thích điều ấy.
Miền quá mờ nhạt, như một cái bóng luẩn quẩn giữa Vinh và Phúc. Miền được miêu tả là có nét duyên ngầm và tốt nết. Ngoài ra không còn gì nữa. Cuộc đời của Miền từ chuỗi ngày ngồi ghế nhà trường hay khi vấp ngã rồi khi ra đời thậm chí thành gia lập thất, tất tần tật đều được người khác cầm cương kéo đi, không có chính kiến, không có chút cá tính hay chút ấn tượng nào đó trong tui.
Phúc xuất hiện với tính cách nghĩa hiệp, hào sảng, sẵn sàng đứng ra bênh vực lẽ phải và chút mánh lới tuổi học trò. Thế rồi khi trưởng thành thì vừa được miêu tả là chính chắn nhưng khi hành động thì lại bồng bột, bốc đồng và đặc biệt là chả tí đẹp nào cả đối với tình bạn thân thiết với Vinh. Phúc trong mắt tui như một quả bom xịt, mờ dần theo thời gian.
Vinh, như tui đã nói ở trên, Vinh như bị tác giả đóng khuôn vô một hình mẫu có sẵn, một mẫu hình đàn ông rất lý tưởng để làm chồng, làm cha. Yêu vợ, thương con, rộng lòng tha thứ tất thảy mọi lỗi lầm. Vinh như một vị thánh sống trong lòng tui vậy.
Có lẽ tui khá khắt khe trong những tác phẩm sau này của Nguyễn Nhật Ánh nên lần nữa tui hổng đánh giá cao cuốn này dù rằng nó được đầu tư hình thức rất công phu và văn phong của chú Ánh bao nhiêu năm vẫn gần gũi với biết bao bạn đọc.
Tuy nhiên, đối với các fan cuồng của chú Ánh hoặc nếu bạn không quá khắt khe thì có thể cuốn sách này đã đáp ứng được sự mong chờ của các bạn rồi. Một câu chuyện tình học trò nhẹ nhàng, thêm chút gia vị, chút điểm nhấn cho tác phẩm và một cái kết trọn vẹn cho các nhân vật. Cuối cùng ai cũng được hạnh phúc, nhẹ nhàng như khi đọc tên câu chuyện lên, Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình.
P/s: Có một lỗi biên tập là thông tin về chiếc bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê), theo Wikipedia thì bánh xuất hiện thời vua Lý Anh Tông, do vua Lý Anh Tông đặt tên, trong truyện cũng ghi thế ở trang 101, nhưng qua trang 115 thì lại ghi là Lê Anh Tông. Chắc là nhầm lẫn, hi vọng lần tái bản tới thì NXB sẽ sửa lại thông tin.
NXB Trẻ
Năm xuất bản: 9/2016
Số trang: 334
Giá bìa: 200.000 VNĐ (bìa cứng) | 115.000 VNĐ (bìa mềm)