Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗/5
Bài bình luận này được viết theo thứ tự đọc từng tản văn. Đương nhiên, với tổng cộng mấy chục bài tản văn trong cuốn sách thì tôi không thể bình luận từng bài được, nhưng với bình luận ngắn này tôi nghĩ cũng đủ để bạn quyết định có nên đọc tiếp sách hay không.
Lớn và nhỏ
Ấn tượng đầu tiên với quyển tạp văn này là… quá lan man. Khi đọc xong phần giới thiệu của nhà phê bình Huỳnh Như Phương ở đầu sách, tôi nghĩ ngay đến quyển tạp văn Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Rằng Nguyễn Nhật Ánh cũng mượn chuyện này nói đến chuyện kia. Nhưng thật đúng như Huỳnh Như Phương nhận xét, Nguyễn Nhật Ánh không đi sâu vào chuyện thời sự hay chuyện đại sự nào mà chỉ chú trọng vào những chuyện đời sống hằng ngày. Mà nếu ai để ý kĩ sẽ thấy, chuyện hằng ngày thường không có mục đích nào, nó cứ lan man, kiểu nghĩ gì viết đấy. Thế nên, cũng khó mà kết luận được Nguyễn Nhật Ánh đang nhỏ hay đang lớn trong tập tản văn này.
Đằng sau những cái nốt ruồi
Đây là một mẩu tản văn đầy những thành kiến một chiều. Nếu trong bài Lớn và Nhỏ khó có thể kết luận được quan điểm của tác giả, thì trong bài viết này nó lại đi quá xa về một hướng nhất định, kiểu như “thấy mặt mà bắt hình dong”, “hãy cho tôi biết anh thần tượng ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”. Có lẽ Nguyễn Nhật Ánh không cực đoan như thế, nhưng giọng văn khiến người khác (tôi) cảm nhận như thế. Bài viết được viết vào năm 1993, nhưng có vẻ như nó đang được viết vào những năm gần đây khi bạn có thể biết được tất cả những thông tin về một thứ gì đó từ internet? Vào những năm đầu thập kỷ 1990, tôi nhớ cả xóm chỉ vài người có cái tivi, cho nên tôi không biết các fan có biết chuyện Ruud Gullit chống phân biệt chủng tộc hoặc Madonna ủng hộ luyến ái tự do?
Sống với lịch một năm
Trích dẫn từ trong sách: “Bạn hãy cho tôi biết nhà bạn treo loại lịch gì, tôi sẽ nói bạn là người thế nào.”
Bình luận: Đến cuối năm, người mua lịch thường mua làm quà tặng nhau. Không biết người người nhà nhà có tự mua lịch hay không, nhưng gia đình tôi mấy năm nay vẫn thế, được tặng lịch nào thì treo lịch nấy.
Ngổn ngang phố xá
Một chút hài hước về Sài Gòn mà sâu lắng, khiến tôi nghĩ đến thời gian gần đây kỷ niệm 40 năm ngày 30/4, nhiều người của thế hệ cũ liên tục đưa hình ảnh Sài Gòn huy hoàng những năm 1960 so sánh với Sài Gòn ngày nay, lổn nha lổn nhổn xe máy khói bụi. Ngay cả một kẻ xa xứ, cứ vài năm về Sài Gòn càng thấy nó chật chội, xô bồ, ô nhiễm. Những tòa nhà xưa cũ nay được trùng tu đổi mới khiến những con đường tôi từng đi mỗi ngày trở nên xa lạ. Đúng như tác giả nói, biết trách ai bây giờ, khi ta không ở đó để xây dựng nó thì nó sẽ đi theo hướng của những người đang và sẽ sống ở đó.
Đồ giả
Bài tản văn này cũng đã được viết khá lâu, cũng từ năm 1993, nhưng cái nạn hàng giả này đã hơn 20 năm vẫn còn tồn tại. Không những thế, nó còn phát triển mạnh hơn, ngày xưa người ta giả cái gì có giá trị, ngày nay thì cái gì cũng giả. Đây là một trong những bài có chút phê phán thời sự khi tác giả nói đến “những bản án giả, những ông quan giả”, và cũng có chút tươi tắn để xóa bớt cái không khí ảm đạm khi tác giả nói đến những cái “giả” có lợi cho nhân loại như “răng giả, chân giả” v.v. Quả là một góc nhìn khá thú vị và bất ngờ ở vài dòng cuối cùng của bài viết.
Người Quảng ăn mì Quảng, Buồn gì đâu, v.v.
Những bài viết này thì hơi na ná giống nhau. Giọng văn khi vui khi buồn, khi thì tưởng nhớ mì Quảng, khi thì chuông gió, khi thì chỉ mấy thứ vẩn va vẩn vơ, vân vân và mây mây. Nó cũng gợi cho tôi một số cảm xúc, nhưng không nhiều. Vì hoài niệm thì ôi nói mãi chả hết, hoặc cũng có thể hai người ở hai thế hệ khác nhau hoài niệm những thứ khác nhau. Nhưng tôi nghĩ có cái Nguyễn Nhật Ánh đã sai, vì không chỉ có người Quảng mới hay lằng nhằng chuyện ăn mì Quảng thế nào cho đúng, mà người Việt xa xứ nào cũng vậy, dù cách vài con thôn, vài dòng sông, hay cả đại dương, thì họ cũng không tìm thấy được những món như món mẹ nấu món bà nấu. Những hương vị ấy, như muối mặn trong ký ức, mà thời gian là nước làm loãng nó đi, không biết khi nào chúng ta sẽ quên đi những mùi vị thân thuộc ấy.
Tản mạn về những con rồng trong phim Tàu
Có lẽ đây là những đoạn tôi thấy tâm đắc nhất trong sách. Thật ra cũng không có gì đặc biệt, nhưng tôi thấy nó khá gần gũi. Đương nhiên rồi, ai mà không biết Lý Tiểu Long, Thành Long, và phim Ngọa Hổ Tàng Long. Nhưng những bài luận phim, bình diễn viên này của Nguyễn Nhật Ánh khá là đặc sắc, kết nối Đông sang Tây, đến nỗi cả khi không có dây mơ rễ má gì với Hồng Kông Đài Loan thì ta cũng thấy có chút tự hào.
Photo Credit: Book stock photo