Người Sao Hỏa

Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho

Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)

Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.

martianedit_464

Mục Lục

1 – 2 3 456 – 789101112 – 131415161718 – 1920 212223 242526


 (7)

Nhật trình: Sol 63

Tôi đã tạo xong nước cũng được một thời gian rồi. Tôi không còn ngập trong nguy cơ sẽ tự mình làm mình nổ tanh bành nữa. Đám khoai tây mọc tươi tốt. Chẳng có thứ gì đang âm mưu ám hại tôi trong vài tuần qua. Và thật hơi đáng lo lắng vì mấy chương trình TV từ thời 1970 là giúp tôi giải khuây nhiều hơn tôi đã tưởng. Mọi chuyện ổn định trên sao Hỏa này.

Đã đến lúc nên tính chuyện lâu dài.

Ngay cả khi tôi tìm được cách báo cho NASA biết tôi còn sống, chẳng có đảm bảo nào trong việc họ sẽ có khả năng cứu được tôi. Tôi cần phải chủ động. Tôi cần phải nghĩ ra làm thế nào để lên được Ares 4.

Chẳng dễ đâu.

Ares 4 sẽ đáp xuống ở Miệng núi lửa Schiaparelli, cách đây 3.000 km. Thật chất, chiếc MAV của họ đã đến đó rồi. Tôi biết vì tôi đã chứng kiến Martinez hạ cánh cho nó.

Phải mất 18 tháng để MAV tạo năng lượng cho nó, cho nên đó sẽ là thứ đầu tiên NASA gửi lên. Gửi nó lên đây trước 48 tháng sẽ cho nó thêm thời gian phòng khi phản ứng năng lượng diễn ra chậm hơn dự định. Nhưng quan trọng hơn, điều này có nghĩa rặng một cú hạ cánh nhẹ nhàng chính xác có thể được phi công điều khiển từ xa trên quỹ đạo. Thao tác điều khiển từ xa trực tiếp từ Houston thì không phải là một sự chọn lựa; bọn họ cách nơi đây có thể từ 4 đến 20 phút ánh sáng.

Chiếc MAV của Ares 4 dành 11 tháng để lên đến sao Hỏa. Dùng ít năng lượng và đi quãng đường dài hơn thì nó đến đến đây cùng thời gian với chúng tôi. Như dự đoán, Martinez hạ cánh ngọt xớt. Đó là một trong những việc cuối cùng chúng tôi làm trước khi nhồi cả đám vào MDV để đáp xuống bề mặt. À ôi, những ngày tươi đẹp ấy, khi tôi còn có đồng đội ở bên cạnh.

Tôi may mắn. 3,200 km cũng không đến nỗi. Nó có thể lên đến chừng 10,000 km nữa không chừng. Và vì tôi nằm ở vùng đất nhất của sao Hỏa, địa hình của 650 km đầu thì dễ dàng bằng phẳng (Yay Đồng bằng trũng Acidalia!) nhưng đoạn còn lại thì eo ơi là gồ ghề, đầy mấy miệng núi lữa nhỏ đến là tởm.

Rõ ràng là tôi sẽ dùng một chiếc rover. Nhưng đoán thử xem? Chúng không được chế tạo để đi một đoạn đường bộ dài ngút ngàn.

Đây sẽ là một nổ lực nghiên cứu, với cả mớ lần thử nghiệm. Tôi sẽ phải trở thành NASA mini của mình, khám phá ra cách để đi thăm dò được những nơi cách xa căn Hab. Tin tốt là tôi có rất nhiều thời gian để mày mò cho ra. Gần 4 năm.

Vài chuyện rất hiển nhiên. Tôi sẽ dùng chiếc rover. Chuyến đi sẽ mất nhiều thời gian, nên tôi cần phải đem theo đồ dự trữ. Tôi phải sạc năng lượng trên đường đi, và rover không có pin mặt trời. Tôi phải chôm vài chiếc từ nông trại mặt trời của căn Hab. Suốt hành trình tôi phải thở, ăn và uống.

May cho tôi, tất cả các chi tiết kỹ thuật của mọi thứ đều nằm ngay trong máy tính.

Tôi phải tân trang một chiếc rover. Cơ bản là nó phải là một căn Hab di động. Tôi chọn Rover 2 là mục tiêu của mình. Chúng tôi đã có chút kết nhau, sau khi tôi ở lại với nó suốt nạn “Mối Sợ Hydrô Kinh Hoàng của Sol 37.”

Có quá nhiều thứ khỉ gió để phải nghĩ đến tất cả cùng lúc. Nên giờ phút này, tôi sẽ chỉ nghĩ đến điện.

Phi vụ của chúng tôi có một bán kính hoạt động 10 km. NASA biết chúng tôi sẽ không đi đường thẳng, nên họ đã thiết kế để rover có thể đi 35 km nếu bình sạc đầy điện.

Bước đầu là sẽ cướp pin từ Rover 1 và lắp ráp vào Rover 2. Ta đa! Tôi vừa mới nhân đôi công suất bình sạc của mình.

Chỉ một chuyện phức tạp. Sưởi ấm.

Một phần năng lượng đưa vào máy sưởi của rover. Sao Hỏa rất lạnh. Bình thường, chúng tôi chỉ dự định làm tất cả các chuyến EVA trong vòng 5 giờ. Nhưng tôi sẽ sống trong đó 24 giờ rưỡi mỗi ngày. Theo chi tiết kỹ thuật, thiết bị sưởi dùng 400 W. Bật máy sưởi suốt sẽ nuốt chừng 9800 Wh (Watt giờ) mỗi ngày. Hơn nửa số điện của tôi, mỗi ngày!

Nhưng tôi có nguồn nhiệt miễn phí khác: Tôi. Vài triệu năm tiến hóa đã cho tôi kỹ thuật “máu nóng”. Tôi có thể mặc vài lớp quần áo. Chiếc rover cũng có hệ thống cách nhiệt tốt. Phải được thôi; tôi cần tất cả lượng điện ít ỏi mình có.

Và vì dù sao thì tôi cũng cần độn người mình, tôi có thể tắt hẳn máy sưởi và dùng tất cả điện cho việc di chuyển (trừ một lượng nhỏ không đáng kể để cho máy tính, duy trì sự sống, vân vân).

Dựa theo máy bài tính chán phèo của tôi, con rover để di chuyển 1 km sẽ dùng 200 Wh, nên tổng cộng có sẽ cần hết 18.000 Wh để đưa đi một đoạn 90 km. Giờ thì may ra.

Thật ra tôi sẽ không bao giờ có thể đi đến 90 km sau một lần sạc duy nhất. Tôi phải đối mặt với mấy ngọn đồi, địa hình gập ghềnh, cát, vân vân. Nhưng cũng chừng cỡ đó. Điều này cho tôi biết sẽ mất ít nhất 35 ngày du hành mới có thể đến chỗ Ares 4. Có lẽ đúng hơn là 50. Nhưng có khả năng, ít ra là vậy.

Với tốc độ tên lửa 25 km/giờ tối đa, sẽ mất chừng 3 tiếng rưỡi để dùng cạn pin. Tôi muốn dùng thời gian còn lại trong ngày để sạc nó. Tôi có thể lái lúc trời chạng vạng, và dành phần sáng sủa của ngày để sạc. Ở thời điểm  này của năm tôi có được 13 giờ ánh sáng. Tôi phải ăn cắp vặt mấy bảng pin mặt trời từ nông trại Hab đây?

Cảm ơn những người dân Mỹ ưu tú đã đóng thuế, tôi có hơn 100 mét vuông bảng pin mặt trời mắc tiền nhất từng được chế tạo. Nó có một hiệu suất đến kinh ngạc ở mức 10,2%, đó là một chuyện tốt vì sao Hỏa không có nhiều ánh mặt trời như Trái đất. Chỉ từ 500 đến 700 watt mỗi mét (so với 1400 mà đám người địa cầu hư hỏng có được).

Nói ngắn gọn: tôi cần mang theo 28 mét vuông pin năng lượng. Đó tức là 14 bảng.

Tôi có thể sắp hai giàn mỗi giàn 7 bảng trên nóc xe. Chúng sẽ nằm nhô ra cạnh xe, nhưng miễn sao chúng nằm yên vị thì tôi thấy thỏa mãn rồi. Mỗi ngày, sau khi lái xe, tôi sẽ trải chúng ra để rồi… đợi cả ngày. Mèn ơi sẽ chán chết được.

Thôi thì cũng là một khởi đầu. Nhiệm vụ ngày mai: chuyển pin của Rover 1 sang Rover 2.

 

Nhật trình: Sol 64

Đôi khi mọi chuyện dễ dàng, đôi khi không. Lấy pin từ Rover 1 ra thì dễ. Tôi tháo hai chiếc kẹp dưới gầm xe và nó rơi ra ngay. Dây cáp cũng dễ để gỡ ra nữa. Chì vài chốt phức tạp thôi.

Gắn nó vào Rover 2, lại là chuyện khác. Chẳng có chỗ nào để chứa nó cả.

Cái vật này to sụ. Tôi gần như không kéo nó nổi nữa là. Và đó là với trọng lực trên sao Hỏa đấy.

Chỉ là nó quá to. Chẳng có chỗ dưới gầm xe để gắn thêm cái thứ hai. Cũng chẳng có chỗ trên nóc nữa. Chỗ đó dành cho pin mặt trời. Chẳng có chỗ bên trong buồng xe, và dù sao thì nó cũng không vừa để đi lọt qua cửa khóa khí.

Nhưng đừng sợ gì cả, tôi đã có giải pháp.

Để dành cho tình huống khẩn cấp chẳng liên quan gì đến tình huống này, NASA đã cung cấp thêm 6 mét vuông vải bạt dành cho căn Hab, và chất nhựa nào đó rất là ấn tượng nhé. Cùng loại nhựa đã cứu sống tôi vào ngày Sol 6 ấy (trong bộ thiết bị tôi dùng để vá lỗ thủng trên áo đấy).

Trong trường hợp căn Hab bị rách, mọi người sẽ chạy vào khu cửa khóa khí. Quy tắc đã định rằng thà để nó xì hơi còn hơn chết trong khi cố gắng phòng chống chuyện đó. Rồi, chúng tôi sẽ mặc áo phi hành vào và đánh giá tình trạng hỏng hóc. Khi tìm ra lỗ thủng, chúng tôi sẽ dán nó lại với vải bạt và nhựa. Sau đó bơm phồng nó lên lại và chúng tôi sẽ có căn Hab tốt như mới.

Sáu mét vuông vải bạt phòng hờ có kích cỡ vừa vặn 1 x 6 mét. Tôi cắt một dải rộng chừng 10 cm, rồi dùng chúng để làm một thứ dây cương.

Tôi dùng nhựa và dây để làm hai vòng có chu vi 10 m. Rồi tôi để một tấm vải bạt ở mỗi bên. Thế là giờ rôi có túi yên ngựa của người nghèo cho con rover của tôi.

Cái này càng ngày càng giống “Huấn luyện Xe bò”.

Nhựa gần như đóng cứng ngay lập tức. Nhưng nếu bạn đợi một tiếng thì chúng sẽ còn dính chắn hơn. Nên tôi làm thế. Rồi tôi mặc áo phi hành vào và đi ra chỗ rover.

Tôi lôi xềnh xệch cục pin đến bên hông xe rover và quấn một bên dây cương quanh nó. Rồi tôi ném đầu kia lên nóc xe. Đi qua phía đối diện, tôi đổ đầy túi nào là sỏi đá. Khi cân nặng của hai bên bằng nhau, tôi có thể kéo túi đá xuống để nâng cục pin lên.

Yay!

Tôi tháo điện cắm từ pin của Rover 2, rồi cắm vào pin của Rover 1. Sau đó tôi đi qua cửa khóa khí vào kiểm tra mọi hệ thống. Tất cả đều ok cả.

Tôi lái đi lòng vòng một chút để đảm bảo dây cương và túi yên đều an toàn cả. Tôi tìm thấy vài hòn đá hơi lớn để chạy qua, để xốc mọi thứ lên xem sao. Yên cương vẫn vững chãi. Tuyệt con mẹ nó vời nhé.

Đã có một lúc, tôi tự hỏi làm thế nào để nối cục pin thứ hai vào nguồn điện chính. Kết luận của tôi là “Thôi kệ mẹ nó.”

Chẳng cần phải có nguồn điện liên tục. Khi Pin 1 hết, tôi có thể nhảy ra, tháo Pin 1 và cắm Pin 2 vào. Sao lại không? Chỉ là một chuyến EVA dài chừng 10 phút, mỗi ngày một lận. Tôi sẽ phải thay pin lần nữa khi sạc, nhưng nói lại nhé: có sao cơ chứ?

Tôi dành thời gian còn lại phủi bụi khỏi giàn pin năng lượng mặt trời. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đánh cướp chúng nó.

 

Nhật trình: Sol 65

Pin năng lượng mặt trời dễ quản hơn pin thường.

Chúng mỏng, nhẹ, và chỉ nằm chình ình trên mặt đất. Và tôi có thêm một lợi thế: Tôi vốn là người đã cài đặt chúng lần đầu.

À, ok. Chẳng phải chỉ mình tôi. Vogel và tôi cùng làm việc ấy. Và ối trời chúng tôi khoan là khoan. Chúng tôi dành cả tuần chỉ làm mỗi việc khoan giàn pin. Rồi chúng tôi khoan tiếp mỗi khi họ cho là chúng tôi có thời gian rảnh rỗi. Việc này đã được định là cần thiết cho phi vụ. Nếu chúng tôi làm sai cái khỉ gì và làm hỏng đống pin hoặc khiến chúng trở nên vô dụng thì căn Hab sẽ không tự tạo điện được, và phi vụ sẽ kết thúc.

Có lẽ bạn đang tự hỏi những người còn lại trong đoàn đang làm gì. Họ đang dựng căn Hab. Nhớ không, mọi thứ trong đế quốc huy hoàng của tôi đều được đưa đến trong những chiếc hộp. Chúng tôi phải thiết lập mọi thứ vào ngày Sol 1 và Sol 2.

Mỗi bảng pin mặt trời đều được gắn trên hàng rào mắt cáo nhẹ cân ở một góc nghiêng 14 độ. Tôi thừa nhận tôi không biết vì sao nó phải là 14 độ. Đại khái gì đấy về việc tăng mức thu nhận năng lượng mặt trời lên mức tối đa. Nhưng dù sao thì, tháo gỡ mấy bảng pin này đơn giản thôi. Rồi đã đến lúc chất chúng lên chiếc rover.

Tôi chân nhắc việc tháo bỏ bao đựng các mẫu đá. Nó chẳng qua cũng chỉ là một túi vải bạt móc vào nóc xe. Quá nhỏ để chứa các bảng pin mặt trời. Nhưng sau khi lưỡng lự một hồi tôi để nó lại đó, cho rằng nó sẽ là một cái đệm khá tốt.

Các bảng pin chất lên nhau khá ổn (chúng được tạo để vận chuyển lên sao Hỏa), và hai chồng pin ngồi cạnh nhau trên nóc cũng được đấy. Chiếc rover có tay vịn bên ngoài gần phía trước và sau xe. Chúng được đặt ở đó để giúp chúng tôi khi cần phải đem sỏi đá lên nóc xe. Chúng hợp cho việc làm mấu neo giữ chặt dây chằng.

Tôi lùi lại để tự ngưỡng mộ thành quả của mình. Này, tôi đã nhọc công để làm được nó. Chưa đến giữa trưa mà tôi đã xong xuôi hết.

Tôi trở lại căn Hab, ăn bữa trưa, và làm việc đồng áng trong phần sol còn lại. Đã 39 sol từ khi tôi trồng khoai tây (tương đương 40 ngày Trái đất), vã đã đến lúc thu hoạch và gieo hạt lại.

Chúng mọc còn tốt hơn tôi dự tính. Sao Hỏa không có côn trùng, ký sinh, hoặc đám rệp vừng để tôi phải xử lý, và căn Hab lúc nào cũng giữ nhiệt độ và độ ẩm hoàn hảo cho vụ mùa.

Chúng nhỏ hơn so với loại khoai tây bạn thường ăn, nhưng cũng chả sao. Tôi chỉ cần nó đủ to để cấp dưỡng cho những cây non mới.

Tôi đào bới chúng lên, cẩn thận không để thân cây bị chết. Rồi tôi cắt chúng thành những mẩu nho nhỏ, mỗi mẩu một mắt, và gieo chúng lại vào đất mới. Nếu chúng tiếp tục mọc tươi tốt thế này, tôi sẽ có thể sống sót ở đây được một quãng thời gian dài.

Sau khi xong mấy việc lao động tay chân này, tôi đáng được được nghỉ ngơi. Hôm nay tôi lục lọi máy tính của Johanssen, và tìm thấy cả đống sách điện tử. Xem ra cô ấy là fan trung thành của Agatha Christie. Beatles, Christie… tôi đoán Johanssen là kẻ cuồng nước Anh hay gì đấy.

Tôi nhớ mình từng thích chương trình TV đặc biệt về Hercule Poirot khi tôi còn là đứa con nít. Tôi sẽ bắt đầu với quyển Vụ bí ẩn ở Styles. Hình như đó là quyển đầu tiên.

 

Nhật trình: Sol 66

Đã đến lúc (chèn nhạc nền đoạn cao trào báo hiệu điềm xấu) làm vài nhiệm vụ!

NASA có thể đặt tên cho mấy phi vụ của họ theo tên các vị thần này nọ, vậy thì sao tôi lại không được chứ? Thế nên, nhiệm vụ thử nghiệm rover sẽ được gọi là nhiệm vụ “Sirius”. Hiểu không nào? Mấy chú chó? À thôi nếu bạn không hiểu, kệ cha bạn chứ.

Ngày mai sẽ là ngày làm nhiệm vụ Sirius 1.

Nhiệm vụ: Bắt đầu với pin sạc đầy, và để pin mặt trời trên nóc, chạy đến khi tôi hết pin, xem tôi đi được bao xa.

Tôi sẽ chẳng làm tên ngốc đâu. Tôi sẽ không chạy mút đi xa khỏi căn Hab. Tôi sẽ chạy một đoạn nửa cây số, chạy đi rồi về. Như thế lúc nào tôi cũng trong khuôn viên để có thể đi bộ một đoạn đường ngắn là về nhà được.

Tối nay, tôi sẽ sạc cả hai cục pin để có thể sẵn sàng cho chuyến chạy thử ngày mai. Tôi ước chừng 3 tiếng rưỡi lái xe, nên tôi cần đem bộ lọc CO2 mới. Và với việc máy sưởi bị tắt, tôi sẽ mặc ba lớp quần áo.

 

Nhật trình: Sol 67

Sirius 1 hoàn thành!

Nói chính xác hơn, Sirius 1 bị hủy sau 1 giờ. Tôi đoán bạn có thể gọi đó là “sự thất bại” nhưng tôi thích cụm từ “kinh nghiệm học hỏi” hơn.

Mọi chuyện bắt đầu bình thường. Tôi từ căn Hab chạy đến một điểm bằng phẳng rồi bắt đầu chạy tới chạy lui quãng đường 500 mét ấy.

Tôi nhanh chóng nhận ra đây là một cuộc thử nghiệm tầm xàm. Sau vài vòng, tôi đã ép chặt đất đủ để tạo thành một con đường mòn rõ rệt. Mặt đất tốt và cứng là được sinh ra để dành cho hiệu suất năng lượng cao đến thất thường. Chẳng chút nào tương đồng với một cuộc du hành đường dài cả.

Nên tôi thay đổi không khí một chút. Tôi chạy tứ tung vòng quanh, nhưng vẫn đảm bảo mình không chạy khỏi khuôn viên một cây số cách căn Hab. Một thử nghiệm thực tế hơn.

Sau một tiếng, không khí trở nên lạnh lẽo hơn. Và ý tôi nói là lạnh đến thấu xương ấy.

Lúc bạn mới vào xe thì chiếc rover đã lạnh rồi. Khi bạn chưa ngắt máy sưởi thì lập tức nó sưởi ấm mọi thứ. Tôi đã dự trù nó sẽ lạnh, nhưng ôi Chúa Giêsu Kitô!

Tôi cũng chẳng hề gì một hồi. Thân nhiệt và ba lớp áo giữ ấm cho tôi và khả năng giữ nhiệt của rover là hạng nhất rồi. Nhiệt thoát khỏi thân người tôi chỉ có thể làm ấm buồng lái bên trong. Nhưng trên đời chẳng tồn tại thứ gọi là khả năng giữ nhiệt hoàn hảo, và cuối cùng thì nhiệt cũng thoát vào thiên nhiên hoang dã trong khi tôi càng ngày càng lạnh phát run.

Trong vòng một giờ, tôi tê cóng người và run cầm cập. Thế là đủ rồi. Chẳng thể nào mà tôi có để làm một chuyến du hành đường dài kiểu này được. Cuộc thử nghiệm kết thúc.

Bật máy sưởi lên, tôi chạy thẳng về căn Hab.

Khi trở về, tôi ủ rũ một hồi lâu. Tất cả những kế hoạch xuất chúng của tôi đã bị đánh bại bởi nhiệt động học. Entropy khốn kiếp!

Tôi đang bị cụt ý tưởng. Máy sưởi chết tiệt sẽ nuốt sạch pin của tôi mỗi ngày. Tôi cho là mình có thể vặn nó nhỏ lại. Hơi lạnh một chút chứ không đến nỗi chết cóng. Nhưng dù vậy tôi vẫn sẽ tổn hao ít nhất một phần tư năng lượng.

Chuyện này cần phải suy nghĩ nhiều hơn. Tôi hỏi bản thân mình… Hercule Poirot sẽ làm gì? Tôi phải bắt đám “tế bào chất xám be bé” của mình hoạt động để giải quyết vấn đề này.

 

Nhật trình: Sol 68

À cứt thật.

Tôi đã nghĩ ra giải pháp, nhưng… còn nhớ lúc tôi đốt năng lượng tên lửa trong căn Hab không? Kì này còn nguy hiểm hơn.

Tôi sẽ dùng RTG.

RTG ( Radioisotope Thermoelectric Generator – Máy tạo nhiệt điện phóng xạ đồng vị) là một cái thùng lớn chứa Plutonium. Không phải loại dùng trong bom nguyên tử. Không, không đâu. Chất Plutonium này nguy hiểm hơn nhiều!

Plutonium-238 là một đồng vị cực kỳ không bền. Chúng phóng xạ đến độ tự nằm chơi một mình chúng cũng tỏa sáng đỏ rực. Như bạn có thể tưởng tượng ra, một vật liệu có thể thật sự chiên chín quả trứng chỉ bằng cách phóng xạ thì khá là nguy hiểm.

Chiếc RTG chứa Plutonium, nhận chất phóng xạ dướng dạng nhiệt lượng, và chuyển hóa nó thành điện. Nó không phải là một lò phản ứng. Chất phóng xạ sẽ không tăng lên hay giảm xuống. Nó chỉ là một quá trình tự nhiên nguyên thủy xảy ra ở mức nguyên tử.

Xửa xừa xưa từ những năm 1960, NASA đã dùng RTG để cấp điện cho những tàu do thám không người điều khiển. Nó không bị bão ảnh hưởng, làm việc suốt ngày đêm; nó nằm hoàn toàn bên trong, cho nên bạn không cần bảng pin đặt vòng quanh bên ngoài tàu do thám của bạn.

Nhưng họ không bao giờ dùng những chiếc RTG lớn trong những nhiệm vụ có người cho đến chương trình Ares.

Tại sao không? Đã quá rõ con mẹ nó ràng vì sao không rồi chứ! Họ không muốn đặt mấy nhà phi hành gia nằm kế quả bóng đỏ lòe nóng rực của cái chết phóng xạ!

Tôi nói hơi quá một chút. Chất Plutonium nằm trong những viên đạn tròn, mỗi hạt đều được dán kín và cách nhiệt để ngăn không cho chất phóng xạ rỉ ra ngoài ngay cả khi vỏ bọc bên ngoài bị thâm nhập. Cho nên đến chương trình Ares, họ quyết định mạo hiểm.

Một phi vụ Ares chỉ hoàn toàn tập trung vào con MAV. Nó là một bộ phận duy nhất có tầm quan trọng nhất. Nó là một trong những hệ thống ít ỏi không thể thay thế hoặc sửa chửa. Nó là bộ phận duy nhất có thể làm cho cả phi vụ tiêu tùng nếu nó không hoạt động.

Pin năng lượng mặt trời thì tốt khi dùng trong thời gian ngắn, và nó hiệu quả trong thời gian dài nếu có con người ở đó để phủi bụi. Nhưng chiếc MAV thì âm thầm lặng lẽ nằm đó vài năm trời chỉ để tạo năng lượng, rồi ngồi đuổi ruồi cho tới khi phi hành đoàn đến. Ngay cả khi chẳng động tay chân, nó cũng cần đến điện, để NASA có thể theo dõi nó từ xa và chạy các chương trình tự kiểm tra.

Viễn cảnh phải hủy toàn bộ phi vụ chỉ vì một bảng pin mặt trời bị dơ thật không thể chấp nhận. Họ cần một nguồn điện đảm bảo hơn. Nên chiếc MAV được trang bị với một chiếc RTG. Nó có 2,6kg Plutonium-238, có thể tạo ra 1500 W nhiệt lượng. Nó có thể chuyển hóa chúng thành 100 W điện. Con MAV dùng lượng điện đó cho tới khi phi hành đoàn đáp xuống.

100 Watt không đủ để giữ máy sưởi hoạt động, nhưng tôi không quan tâm đến hiệu suất điện. Tôi chỉ muốn nhiệt. 1500 W nhiệt lượng là ấm đến nỗi tôi sẽ phải xé toạc bộ phận cách nhiệt khỏi chiếc rover để giữ cho nó khỏi nóng quá.

Ngay khi dỡ hàng và kích hoạt xong mấy chiếc rover, Chỉ huy Lewis có được niềm vui trong nhiệm vụ đem RTG đi bỏ. Cô tháo nó khỏi chiếc MAV, chạy một đoạn 4 km, và chôn nó. Dù nó an toàn đến đâu, cốt lõi của nó vẫn là chất phóng xạ và NASA không muốn nó nằm gần các nhà phi hành quá.

Những thông số của phi vụ không đưa ra một vị trí nhất định để bỏ RTG lại. Chỉ ghi rằng “ít nhất cách đó 4 km”. Nên tôi phải tìm nó.

Tôi có hai lợi thế. Thứ nhất, tôi đã lắp ráp các bảng pin mặt trời với Vogel khi Chỉ huy Lewis lái xe đi, và tôi thấy cô ấy đi về hướng Nam. Thêm vào đó, cô gắn một cây cột cao 3 mét có một lá cờ màu xanh lá chói lọi nơi cô chôn nó. Màu xanh lá cây cực kỳ phản chiếu giữa địa hình sao Hỏa. Điều đó để tránh chúng tôi đến gần, trong trường hợp sau đó chúng tôi đi lạc trên chiếc rover trong một chuyến EVA nào đó.

Cho nên kế hoạch của tôi: Đi 4 km về hướng Nam, dò tìm cho đến khi nhìn thấy một ngọn cờ màu xanh lá cây.

Vì đã phá hoại chiếc Rover 1 đến độ không còn dùng được, tôi phải dùng chiếc Rover Đột biến gen cho chuyến đi này. Tôi có thể dùng nó làm một phi vụ thử nghiệm. Tôi có thể xem coi dây cương buộc pin có vững chắc cho một chuyến du hành thật sự không, và các bảng pin mặt trời có được cột chặt trên nóc xe không.
Tôi gọi chuyến này là Sirius 2.

 

Nhật trình: Sol 69

Đã tìm thấy RTG.

Chẳng khó khăn gì mấy. Tôi lái 4 cây số về hướng nàm và nhìn thấy ngay lá cờ.

Chỉ huy Lewis đã chôn nó ngay trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ. Có lẽ cô ấy muốn chắc chắn rằng mọi người đều có thể nhìn thấy nó, và quả thật là hiệu quả! Ngoại trừ việc thay vì tránh nó, tôi phóng thẳng đến đó để đào xới nó lên. Không hẳn là chuyện mà cô đã dự trù.

Chiếc RTG là một cái ống trụ với một lớp trao đổi nhiệt bọc quanh nó. Tôi có thể cảm nhận được hơi ấm tỏa ra thấu tận xuyên qua bao tay áo du hành của mình. Điều đó thật đáng ngại. Nhất là khi bạn biết nguồn gốc của nhiệt chính là chất phóng xạ.

Chẳng có ích gì nếu phải để nó trên nóc xe; đằng nào thì kế hoạch của tôi là nó phải nằm trong khoang rồi. Nên tôi đem nó vào trong với mình, tắt máy sưởi đi, rồi lái về căn Hab.

Trong khoảng thời gian mười phút lái về nhà, ngay cả khi máy sưởi không hoạt động, bên trong con rover nóng lên đến mức hơi khó chịu ở nhiệt độ 37C. RTG chắc chắn sẽ có khả năng giữ ấm cho tôi.

Chuyến đi này cũng chứng minh được cách lắp ráp của tôi có hiệu lực. Pin mặt trời và pin dữ trữ nằm yên ổn ngay hàng thẳng lối tại vị trí của chúng khi được di chuyển suốt 8 km trên địa hình bất kỳ.

Tôi tuyên bố Sirius 2 là một đặc vụ thành công!

Tôi dành thời gian còn lại trong ngày để phá hoại phần nội thất của con rover. Khoang áp suất được xây bằng kim loại. Ngay bên trong là lớp cách nhiệt, được bao bọc bởi lớp nhựa cứng. Tôi dùng một biện pháp tinh vi để tháo lớp nhựa (dùng búa), rồi cẩn thận tháo gỡ lớp xốp cứng cách nhiệt (lại dùng búa nữa).

Sau khi xé bươm mớ cách nhiệt, tôi mặc áo du hành vào và đem chiếc RTG ra ngoài. Chẳng mấy chốc, con rover lạnh trở lại, và tôi đem nó vào trong. Tôi quan sát nhiệt độ chầm chậm tăng lên. Chẳng bằng một góc tốc độ tăng nhiệt trong chuyến đi về từ nơi nó đã được chôn.

Tôi cẩn thận gỡ bỏ thêm vật liệu cách nhiệt (bằng búa) và kiểm tra lại lần nữa. Sau vài lần như vậy, tôi đã tháo đủ lớp cách nhiệt để chiếc RTG gần như không thể theo kịp nữa. Trên thực tế, đó là một cuộc chiến thảm bại. Sau một thời gian, nhiệt dần bị hút mất đi. Cũng không sao. Tôi có thể bật sưởi lên một chốc nếu cần.

Tôi đem vật liệu cách nhiệt vào căn Hab với mình. Sử dụng kỹ thuật xây dựng tiên tiến (băng keo đa dụng) tôi lắp ráp lại một phần vật liệu ấy thành một hình vuông. Tôi kết luận rằng nếu trời chuyển thật lạnh, tôi có thể dán nó vào một mảng trống nào đó trong con rover, và chiếc RTG sẽ chiến thắng trong “cuộc chiến nhiệt lượng” này.

Ngày mai, Sirius 3 (cũng là Sirius 1 thôi, nhưng không bị lạnh cóng).

 

Nhật trình: Sol 70

Hôm nay, tôi viết cho bạn từ con rover. Tôi đã đi nữa đường của chuyến Sirius 3 và mọi việc vẫn ổn cả.

Vừa hửng sáng là tôi lên đường và lái vòng quanh căn Hab, cố đi trên những bề mặt chưa từng được đụng đến. Bảng pin thứ nhất chỉ dùng được chưa đến hai tiếng. Sau một chuyến EVA nhanh chóng để thay day nối, tôi chui vào lái tiếp. Sau khi hoàn thành mọi thứ, tôi đã lái tổng cộng 81km trong vòng 3 tiếng 27 phút.

Đó thật sự rất tốt! Nói cho bạn biết, vùng đất xung quanh căn Hab rất bằng phẳng, và cả vùng Acidalia Planitia cũng vậy. Tôi hoàn toàn không biết được hiệu suất của mình sẽ là bao nhiêu trên đoạn đường càng kinh tởm hơn để đến Ares 4.

Tôi đã có thể đi xa hơn, nhưng tôi cần những nguồn sống khác trong khi sạc pin. Khí CO2 thì được hấp thụ qua một quy trình hóa học, nhưng nếu chiếc quạt để đẩy luồng khí ấy không hoạt động, tôi sẽ bị mắc nghẹn. Máy bơm ôxy cũng khá là quan trọng.

Tôi dựng bảng pin mặt trời lên. Thật là việc mệt nhọc, lần trước còn có Vogel giúp tôi. Chúng cũng chẳng nặng nề gì, nhưng chúng hơi kềnh cồm. Sau khi dựng được một nửa, tôi thấy rằng mình có thể kéo lê chúng thay vì khiêng chúng lên và nhờ vậy mà có thể làm việc này nhanh hơn.

Giờ tôi chỉ đợi pin sạc. Tôi thấy chán, nên tôi cập nhật nhật trình này. Tôi có hết mấy quyển sách về Poirot trong máy tính của mình. Điều đó cũng có ích. Dù gì cũng phải mất đến 12 tiếng để sạc pin.

Bạn mới nói gì? 12 tiếng là sai? Nãy tôi mới nói 13 tiếng? Này, bạn của tôi, để tôi nói cho bạn rõ đây.

Chiếc RTG là một cái máy phát điện. Chỉ một chút năng lượng nhỏ nhoi, so với lượng điện con rover tiêu thụ, nhưng cũng không phải là không có gì. Nó được 100 Watt. Nó sẽ giúp giảm bớt một tiếng trong thời gian sạc pin của tôi. Vậy tại sao lại không dùng nó chứ?

Tôi tự hỏi NASA sẽ nghĩ thế nào về việc tôi phá chiếc RTG như thế này. Có lẽ họ sẽ trốn dưới gầm bàn và ôm ấp thước loga của mình cho thấy yên bụng.

Nhật trình: Sol 71

Như dự đoán, mất 12 tiếng để sạc đầy pin. Tôi đi thẳng về nhà.

Đã đến lúc lên kế hoạch cho Sirius 4. Và tôi nghĩ đây sẽ là một chuyến đi dã ngoại vài ngày.

Có vẻ như vấn đề về điện và sạc pin đã được giải quyết. Thức ăn cũng không phải là vấn đề; có nhiều chỗ để trữ đồ. Nước lại càng dễ dàng hơn thức ăn. Tôi chỉ cần 2L mỗi ngày để giữ cho người được thoải mái.

Trong chuyến dài hạn thì tôi sẽ mang theo máy tạo ôxy. Nhưng nó to và tôi chẳng muốn làm hỏng hóc nó lúc này. Nên tôi sẽ đặt niềm tin của mình vào bộ lọc O2 và CO­2 trong chuyến Sirius 4.

CO2 không phải là vấn đề. Tôi bắt đầu chuyến du hành vĩ đại này với bộ lọc dùng được đến 1500 giờ, và thêm 720 giờ phòng hờ nữa. Tất cả các hệ thống đều dùng bộ lọc chuẩn (Apollo 13 đã dạy chúng ta một bài học quan trọng). Kể từ lúc đó, tôi mới dùng có 131 giờ cho vài chuyến EVA. Tôi còn 2089 giờ. Tức 87 ngày. Quá nhiều.

Con rover được thiết kế để chuyên chở 3 người đi suốt 2 ngày, thêm vài thứ dự trữ cho an toàn. Nên bình O2 ­của nó có thể giữ một lượng khí giúp tôi sống sót 7 ngày. Không đủ.

Sao Hỏa có 1/90 áp suất không khí của Trái đất. Bên trong con rover áp suất là 1 atm. Nên bình ôxy nằm bên trong (để có ít sự chênh lệch áp suất hơn). Vậy thì sao chứ? Điều này có nghĩa là tôi có thể đem thêm vài bình ôxy, và trung hòa chúng với bình trong con rover mà không phải làm một chuyến EVA.

Thế nên hôm nay, tôi tháo một trong hai bình ôxy 25L trong căn Hab và đem nó vào trong rover. Theo NASA, một người cần 588L ôxy mỗi ngày để sống. Dung dịch ôxy lỏng bị nén thì dày đặc hơn khí ôxy trong môi trường bình thường gấp 1000 lần. Nói tóm lại là: với bình của căn Hab, tôi có đủ khí để sống sót 42 ngày. Thế mới là nhiều.

Sirius 4 sẽ là một chuyến đi kéo dài 20 ngày.

Nghe có vẻ hơi lâu, nhưng tôi có một mục tiêu nhất định trong đầu. Ngoài ra, chuyến đi đến Ares 4 của tôi sẽ mất ít nhất 40 ngày. Đây sẽ là một mô hình với tỷ lệ khá tốt.

Trong khi tôi đi xa, căn Hab có thể tự lo cho chính nó, nhưng đám khoai tây là một mối lo. Tôi sẽ làm ngập đất với gần hết lượng nước tôi có. Rồi, tôi sẽ tắt hệ thống điều hòa không khí, để nó không thu hồi nước lại từ nguồn khí. Sẽ ẩm thấp đến khiếp được, và nước sẽ cô đọng ở khắp mọi bề mặt. Nhưng nó sẽ giữ cho đám khoai đủ nước trong lúc tôi đi vắng.

Vấn đề lớn hơn là khí CO2. Đám khoai cần phải thở. Tôi biết bạn đang nghĩ gì. “Mark, anh bạn già! ANH có thể tạo ra khí carbon! Đó là một phần tất yếu của vòng tuần hoàn tự nhiên huyền diệu này!”

Vấn đề là: Tôi sẽ để nó ở đâu chứ? Đương nhiên, tôi có thể tuôn ra CO2  với từng hơi thở nhưng tôi không có cách nào để trữ chúng. Tôi có thể tắt máy tạo ôxy và máy điều hòa không khí và chỉ cần thở để lấp đầy căn Hab trong một khoảng thời gian. Nhưng CO2 ­là khí độc với tôi. Tôi cần phải xả ra một mớ rồi lập tức bỏ chạy.

Có nhớ chiếc MAV là một máy tạo nhiên liệu hay không? Nó thu thập CO2 từ khí quyển sao Hỏa. Vụ mùa be bé của tôi thì không đòi hỏi như tôi, nên một thùng 10L CO2 lỏng nén, thả hơi vào căn Hab, là đủ cho vụ này rồi. Cái này chỉ mất chưa đến một ngày để chế tạo.

Đó là mọi thứ rồi đấy. Một khi tôi cho khí CO2 thoát vào trong căn Hab, tôi sẽ tắt máy điều hòa và máy lọc ôxy, đổ một đống nước lên đám cây, rồi đi.

Sirius 4. Một bước tiến lớn cho nghiên cứu rover của tôi. Và ngày mai là tôi có thể bắt đầu.


Photo Credit: EVA suit by artofjokinen