Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(10)
Nhật trình: Sol 90
Bảy ngày từ khi có Pathfinder, và rút ngắn bảy ngày trên đường về nhà.
Như tôi đã hy vọng, dấu bánh xe đường đi của mình đã dẫn lối tôi về Thung lũng Lewis. Rồi sau đó là bốn sol lái xe dễ dàng. Những ngọn đồi bên trái khiến tôi không thể nào đi lạc được, và địa hình cũng bằng phẳng.
Nhưng mọi thứ tốt đẹp rồi cũng phải kết thúc. Tôi đã về đến Acidalia Planitia. Vết bánh xe trong chuyến đi trước của tôi đã biến mất từ đâu. Đã 16 ngày kể từ lần cuối cùng tôi ở đây. Ngay cả thời tiết bẽn lẽn nhất nhất cũng có thể xóa sạch chúng trong khoảng thời gian ấy.
Đáng lý lúc đi, tôi nên dựng một chồng đá ở những nơi tôi cắm lều. Mặt đất quá bằng phẳng tôi có thể thấy chúng rõ ràng cách tận mấy cây số.
Nhưng nghĩ lại, nhớ lại chuyện phải làm cái cầu chết tiệt kia… ôi chao.
Vậy là một lần nữa tôi là một kẻ lang thang trong sa mạc, dùng Phobos để định vị, và hy vọng mình chẳng đi lầm đường lạc lối quá mức. Tôi chỉ chần làm một điều duy nhất là đi vào bán kính 40km của căn Hab là sẽ có thể bắt được tín hiệu dẫn đường.
Tôi cảm thấy lạc quan. Lần đầu tiên tôi nghĩ rằng mình có khả năng sống sót rời khỏi hành tinh này. Với suy nghĩ ấy, tôi lấy mẫu đất và đá sỏi mỗi khi phải làm chuyến EVA.
Ban đầu, tôi cho rằng đó là nhiệm vụ của mình. Nếu tôi qua khỏi ải này, đám địa chất gia sẽ yêu tôi lắm đây. Nhưng rồi việc ấy trở nên thú vị hơn. Nên giờ mỗi khi lái xe, tôi lại mong ngóng đến hành động đơn giản là bỏ đá vào bao ấy.
Chỉ là thật dễ chịu khi lại trở thành một phi hành gia. Chỉ vậy thôi. Chẳng phải một anh nông dân miễn cưỡng, chẳng phải một chàng kỹ sư điện lực, và cũng chẳng một tay tài xế đường dài. Một viên phi hành gia. Tôi đang làm cái việc những phi hành gia thường làm. Tôi nhớ công việc ấy.
Nhật trình: Sol 92
Hôm nay tôi có 2 giây tín hiệu từ máy chỉ đường của căn Hab, rồi lại mất nó đi. Nhưng đó là một dấu hiệu tốt. Tôi đã đi ngờ ngợ về hướng Bắc-Tây Bắc cả hai ngày trời. Chắc hẳn tôi cách căn Hab chừng 100km chứ chẳng chơi; thật là một điều kì diệu nếu tôi mà bắt được cái tín hiệu nào. Chắc rằng đó là một khoảnh khắc của thời tiết hòan hảo.
Trong những ngày chán như con gián ấy, tôi đã luyện miết bộ phim truyền hình “The Six Million Dollar Man” từ trong bộ sưu tập vô tận những thứ vô vị thời 1970 của Chỉ huy Lewis.
Tôi vừa xem xong tập phim có Steve Austin đánh nhau với một tàu thăm dò sao Kim của Nga vô tình hạ cánh xuống Trái đất. Với tư cách là chuyên viên du hành xuyên hành tinh, tôi có thể cho bạn biết chẳng có điều phản khoa học nào trong câu chuyện ấy. Chuyện tàu do thám hạ cánh nhầm vào một hành tinh khác cũng thường xảy ra thơi. Ngoài ra, vỏ tàu to và bằng phẳng rất lý tưởng cho khí quyển có áp suất cao của Sao Kim. Và, như chúng ta đã biết, tàu do thám thường từ chối nghe theo lệnh cấp trên, thay vào đó chúng chọn vừa gặp là tấn công con người ngay.
Đến giờ, Pathfinder vẫn chưa giết tôi. Nhưng tôi vẫn để mắt đến nó.
Nhật trình: Sol 93
Hôm nay tôi nhận được tín hiệu từ căn Hab. Tôi có một hướng dẫn chắc chắn để đi theo. Chẳng còn có cơ hội để đi lạc nữa. Theo như máy tính thì tôi cách đó 24718 mét.
Ngày mai là tôi về đến nhà. Ngay cả khi con rover bị hư hỏng đến kinh thiên động địa thì tôi cũng sẽ không sao. Tôi có thể đi bộ từ đây về căn Hab.
Tôi không biết mình đã nhắc đến điều này chưa, nhưng thật sự tôi ngán con rover này đến tận cổ rồi đây. Tôi dành quá nhiều thời gian ngồi hoặc nằm, lưng tôi muốn quẹo cả rồi. Trong tất cả các bạn phi hành đoàn của mình, người tôi nhớ nhất lúc này chính là Beck. Cậu ta hẳn sẽ chữa cái lưng đau của tôi.
Dù cậu ta cũng sẽ cằn nhằn mấy điều ba xàm với tôi về chuyện ấy. “Vì sao cậu không tập thể dục giản cơ? Cơ thể của cậu quan trọng nhất! Ăn nhiều chất xơ, hay gì gì đó.
Đến lúc này đây dù là bài giảng về sức khỏe tôi cũng sẽ hoan nghênh.
Trong quá trình huấn luyện, bọn tôi đã phải tập tình huống khiếp đảm là “Lỡ mất Quỹ đạo”. Trong trường hợp hư hỏng cấp độ thứ hai trong lúc MAV cất cánh, chúng tôi sẽ bay theo quỹ đạo, nhưng ở độ cao quá thấp để có thể đến được Hermes. Chúng tôi sẽ phải lượn là là trong phần khí quyển phía trên, và quỹ đạo của chúng tôi sẽ giảm xuống đột ngột. NASA sẽ điều khiển Hermes từ xa và đem nó đến chỗ hẹn. Rồi chúng tôi sẽ cút ra khỏi đấy trước khi Hermes bị kéo lê quá nhiều.
Để tập tình huống này, họ bắt chúng tôi ở trong thiết bị mô hình hóa MAV suốt 3 ngày đau khổ ròng rã. Sáu người trong chiếc máy bay cất cánh vốn dĩ được thiết kế cho một chuyến bay chỉ mất 23 phút. Nó trở hên hơi chật chội. Và khi nói “hơi chật chội” là ý tôi muốn nói “Chúng tôi đã muốn giết nhau rồi đây.”
Khi chúng tôi thoát ra được, Chỉ huy Lewis đã hạ lệnh “chuyện xảy ra trong khóa Lỡ mất Quỹ đạo ở lại trong khóa Lỡ mất Quỹ đạo.” Có thể nó nghe có vẻ sáo, nhưng nó đúng. Chúng tôi bỏ chuyện trong đó lại sau lưng và trở về tình trạng bình thường.
Tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì chỉ để được năm phút của khóa luyện tập Lỡ mất Quỹ đạo ấy. Gần đây tôi thật sự cảm thấy cô đơn. Cho đến lúc bắt đầu chuyến đi này, tôi đã quá bận rộn để ủ rũ. Nhưng những ngày dài đăng đẳng chán chường không có việc gì làm đã khiến tôi nhận ra quá rõ ràng. Tôi xa con người ở một khoảng cách chưa ai từng đến.
Ôi thôi, tôi hy vọng mình có thể sửa cho Pathfinder hoạt động trở lại.
Nhật trình: Sol 94
Chỉ có nhà mình là nhất!
Hôm nay tôi viết từ căn Hab thênh thang đầy hang hóc của mình!
Việc đầu tiên tôi làm là vừa vẫy tay cuồng nhiệt vừa chạy vòng khắp nơi! Cảm giác thật là tuyệt! Tôi đã ở trong con rover chết bầm kia suốt 22 sol, và chẳng thể nào đi đâu mà không mặc áo du hành vào.
Tôi cần phải chịu đựng gấp đôi khoảng thời gian đó để đến Ares 4, nhưng đó là chuyện sau này.
Sau vài vòng ăn mừng quanh căn Hab, đã đến lúc phải làm việc rồi.
Đầu tiên, tôi mở máy lọc ôxy và máy điều hòa không khí lên. Kiểm tra mức độ của các khí, mọi thứ đều ổn cả. Vẫn còn CO2, nên đám cây cỏ vẫn chưa chết ngộp khi không có tôi ở đấy mà thở ra cho chúng dùng.
Đương nhiên tôi kiểm tra thấu đáo mùa vụ của mình, tất cả bọn chúng đều khỏe mạnh.
Tôi cho thêm túi phân của mình vào đống phân bón. Mùi hương thật đáng yêu, tôi có thể nói cho bạn biết vậy. Nhưng một khi tôi trộn đất vào, thì nó giảm dần xuống một mức độ có thể tha thứ được. Tôi đổ túi nước tiểu của mình vào máy lọc.
Tôi đã đi hơn ba tuần, và đã để căn Hab lại trong tình trạng khá là ẩm ướt bởi vì đám nông sản. Nhiều nước trong không khí như thế có thể gây ít nhiều vấn đề về mặt điện tử, nên tôi dành vài giờ đồng hồ sau đó kiểm tra toàn diện hệ thống của mọi thứ.
Rồi có thể nói là tôi nằm dài thơ thẩn một hồi. Tôi muốn dành hết thời gian còn lại của ngày thể thư giãn, nhưng tôi còn nhiều việc để làm.
Tôi mặc áo du hành vào, rồi ra con rover để lôi các bảng pin mặt trời xuống khỏi nóc xe. Vài giờ sau đó, tôi để chúng lại chỗ cũ, nối dây điện của chúng vào hệ thống điện của căn Hab.
Đưa máy Hạ cánh xuống nóc xe dễ dàng hơn đưa nó lên đó nhiều. Tôi tháo thanh chống từ bệ đứng của MAV và đem nó đến chỗ con rover. Cho nó dựa vào khung xe và chống đầu kia của nó sâu vào đất để giữ cho vững, thế là tôi có một cái cầu.
Đáng lý tôi đã nên đem theo thanh chống ấy với tôi đến khu vực của Pathfinder. Sống và học thôi.
Chẳng có cách nào để đưa máy Hạ cánh vào cửa khóa khí được. Nó to quá đi mất. Có lẽ tôi có thể tháo rời nó ra và đem từng mảnh một vào bên trong, nhưng có một lý do khá là thuyết phục tôi đừng làm thế.
Sao Hỏa chẳng có vùng điện từ, nên nó không có sự phòng vệ nào với phóng xạ khắc nghiệt từ mặt trời. Nếu tôi bị đưa ra hứng nắng, tôi sẽ mắc phải nhiều chứng chung thư, rồi chứng ung thư sẽ mắc chứng ung thư. Nên vải bạt của căn Hab che chắn cho tôi khỏi những làn sóng điện từ. Điều này có nghĩa là căn Hab cũng sẽ ngăn chặn tất cả mọi tín hiệu truyền tin nếu máy Hạ cánh nằm bên trong.
Nói đến ung thư, đã đến lúc nên bỏ chiếc RTG đi.
Tôi thật đau khổ phải leo tọt lại vào trong căn Hab, nhưng cần thì phải làm thôi. Nếu chiếc RTG bị vỡ một cái, nó sẽ cho tôi đi thăm ông bà ngay.
NASA quyết đinh rằng 4km là một khoảng cách an toàn, và tôi cũng chẳng có ý định nghi ngờ quyết định của họ. Tôi lái xe quay lại chỗ Chỉ huy Lewis đã bỏ nó, tôi ném nó lại trong cái lỗ cũ và lái về căn Hab.
Ngày mai tôi sẽ bắt đầu sửa chữa máy Hạ cánh.
Giờ thì đã đến lúc tận hưởng một giấc ngủ dài và khỏe khoắn trong một cái cũi thật sự. Với một sự hiểu biết thật an lòng rằng ngày mai khi tôi thức, nước tiểu buổi sáng của tôi sẽ đi thẳng vào trong cái toilet.
Nhật trình: Sol 95
Ngày hôm nay chỉ dành cho việc sửa chữa!
Nhiệm vụ Pathfinder kết thúc vì máy Hạ cánh có một lỗi nghiêm trọng. Một khi họ mất liên lạc với máy Hạ cánh, họ chẳng biết Sojourner ra sao nữa. Có lẽ nó vẫn còn hoạt động tốt. Có thể nó chỉ cần năng lượng. Và năng lương thì tự nó không lấy được khi các bảng pin mặt trời vô vọng vì bị phủ một lớp bụi dày như bánh kem.
Để nó xuống bàn làm việc của mình, tôi mở một tấm bảng ra và nhìn vào bên trong. Cục pin là loại lithium tionyl chloride không thể sạc lại nữa. Tôi kết luận điều đó từ vài manh khó nhận ra: hình dáng của các điểm kết nối, độ dày của phần cách nhiệt, và sự thật là nó có dòng chữ “LiSOCL2 NON-RCHRG” viết trên đó.
Tôi lau chùi các bảng pin mặt trời thật kỹ lưỡng, tôi chỉa một ngọn đèn nhỏ thẳng về hướng nó. Pin này đã chết lâu rồi. Nhưng tấm bảng có lẽ vẫn ổn, và Sojourner có thể hoạt động trực tiếp từ đó. Để xem coi có chuyện gì xảy ra hay không.
Thế rồi đã đến lúc để kiểm tra bố của chiếc Sojourner. Tôi mặc đồ du hành vào và đi ra ngoài.
Trong đa số các máy hạ cánh thì điểm yếu chính là pin. Đó là bộ phận mong manh nhất, và khi nó chết rồi thì chẳng cách nào cứu sống nó được.
Máy Hạ cánh chẳng thể nào tự tắt máy và chờ khi pin yếu đi. Các thiết bị điện tử sẽ không hoạt động trừ khi chúng ở một nhiệt độ tối thiểu. Cho nên chúng có máy sưởi để giữ ấm cho các thiết bị điện tử. Đó là vấn đề ít khi gặp phải ở Trái đất, nhưng này. Sao Hỏa nhé.
Sau một thời gian, các bảng pin mặt trời bị phủ đầy cát bụi. Mùa đông còn đem lại nhiệt độ lạnh hơn và ít ánh sáng ban ngày hơn. Tất cả mọi thứ này tập hợp lại thành một cái “chết mày chưa” của sao Hỏa dành cho máy hạ cánh của bạn. Cuối cùng thì nó phải dùng nhiều điện lượng để giữ ấm hơn nguồn chúng nhận được lượng ánh sáng ban ngày ít ỏi đã len lỏi xuyên qua được lớp bụi.
Một khi pin cũng hết sạch, các thiết bị điện tử bị lạnh đến độ không hoạt động được, thế là cả hệ thống cùng chết. Các bảng mặt trời sẽ sạc pin phần nào đó, nhưng chẳng có gì bảo hệ thống khởi động lại. Nếu có bất cứ thứ gì có thể quyết định được điều đó thì chính là những thiết bị điện tử, nhưng chúng chẳng hoạt động. Rồi thì những cục pin không được sử dụng sẽ dần mất cả khả năng giữ năng lượng.
Thường đó chính là nguyên nhân chết. Và tôi hy vọng chắc rằng đó chính là thứ đã giết chết Pathfinder.
Tôi chồng chất vài bộ phận dư thừa của chiếc MDV thành một chiếc bàn và cầu tạm thời. Rồi tôi kéo lê máy Hạ cánh lên bàn làm việc ngoài trời mới của mình. Làm việc trong bộ đồ du hành EVA là đã khó chịu lắm rồi. Nghiêng người qua cả ngày sẽ là cực hình lắm đây.
Tôi đem thùng dụng cụ của mình ra và bắt đầu mò mẫm. Mở tấm bảng bên ngoài chẳng khó gì mất và tôi dễ dàng nhận ra cục pin. JPL dán nhãn lên tất cả mọi thứ. Wow. Thật sự ngày xưa họ thiết kế cho những thứ này hoạt động được mà chẳng cần gì nhiều.
Tôi tháo pin rời ra và quay vào bên trong. Tôi dùng dụng cụ điện tử của mình để kiểm tra, và quá rõ ràng là nó chết ngắc chết ngoải rồi. Tôi chỉ cần lê chân qua thảm vài cái cũng giữ được nhiều điện hơn nó rồi.
Và tôi biết nó cần gì. 1.5 Volt.
So với mấy thứ vớ va vớ vẩn tạm thời mà tôi dán keo lại từ bữa sol 6 đến giờ thì chuyện này dễ như bèo. Tôi có bộ điều khiển điện áp trong thùng đồ nghề của mình. Tôi chỉ mất 15 phút là có thể đặt một bộ điều khiển vào nguồn điện dự trữ, rồi thêm một tiếng ra ngoài để nối dây vào vị trí vốn thuộc về pin năng lượng.
Sau đó là vấn đề nhiệt. Giữ cho các thiết bị điện tử trên -40C thật là một ý kiến hay. Nhiệt độ bên ngoài hôm nay trong lành ở -63C.
Cục pin to và dễ dàng nhận ra ngay, nhưng tôi chẳng biết máy sưởi nằm chỗ nào. Dù tôi có biết thì cũng quá liều lĩnh nếu cứ thế mà nối chúng trực tiếp vào nguồn điện. Tôi có thể dễ dàng chiên xù cả hệ thống ấy chứ.
Cho nên thay vào đó, tôi đến con Rover 1, người bạn giữ đồ phụ tùng trung thành, và chôm máy sưởi của nó. Tôi đã luộc gần hết con rover tội nghiệp ấy, trông nó cứ như tôi đậu xe trong một khu phố kém an ninh nào đó vậy.
Tôi đem máy sưởi đến “bàn làm việc” của mình rồi nối nó vào nguồn điện của căn Hab. Rôi tôi đặt nó vào vị trí pin của máy Hạ cánh.
Giờ thì tôi chờ. Và hy vọng.
Nhật trình: Sol 96
Tôi thật sự đã hy vọng tràn trề rằng khi thức giấc mình sẽ có ngay một máy Hạ cánh sẵn sàng hoạt động, nhưng đời làm gì may mắn thế. Ăng-ten khuếch đại của nó vẫn nằm chình ình ngay chỗ tôi nhìn thấy nó lần cuối. Tại sao đó lại là điều đáng quan tâm? À thì, tôi sẽ nói bạn nghe…
Nếu máy Hạ cánh cải tử hoàn sinh (và chữ NẾU đó cũng to đùng đó nha) thì nó sẽ cố thiết lập liên lạc với Trái đất. Vấn đề là chẳng có ai đang lắng nghe cả. Cũng chẳng phải đội Pathfinder rảnh rỗi mà ngồi chơi ở JPL chỉ chờ trường hợp máy do thám chết yểu được sửa chữa bởi một tay phi hành gia ương ngạnh.
Đài Deep Space và SETI là hai cơ hội cá cược lớn nhất của tôi cho khả năng bắt sóng tín hiệu. Nếu một trong hai đài nhà họ có thể bắt được một tiếng bíp từ Pathfinder, họ sẽ nói cho JPL biết.
JPL sẽ nhanh chóng nhận ra chuyện gì đang xảy ra, nhất là khi họ có thể truy theo đường truyền về vị trí hạ cánh của tôi.
Họ sẽ cho máy Hạ cánh biết Trái đất nằm chỗ nào, và nó sẽ chĩa mũi ăng-ten khuếch đại một cách hợp lý. Đấy, chính là vị trí đấy của ăng-ten, nhờ nó mà tôi sẽ biết nó có liên lạc được hay không.
Đến giờ vẫn chưa có trò mèo nào.
Vẫn còn hy vọng. Có vô vàn lý do có thể dẫn đến mọi việc bị trì hoãn. Máy sưởi của rover được chỉ đỉnh sưởi không khí ở 1 atm. Khí quyển mỏng manh trên sao Hỏa làm vướng víu khả năng hoạt động của nó một cách trầm trọng. Thế nên thiết bị điện tử có lẽ cần thêm thời gian để khởi động.
Ngoài ra, Trái đất chỉ có thể nhìn thấy được vào ban ngày. Tôi (hy vọng là) đã sửa chữa máy Hạ cánh tối qua. Giờ là buổi sáng, nên phần lớn thời gian hoạt động là ban đêm. Không có Trái đất.
Sojourner cũng chẳng cho thấy nó có dấu hiệu nào của sự sống. Không khí cả đêm của căn Hab vừa ấm áp vừa dễ chịu, có nhiều ánh sáng chiếu vào pin mặt trời sạch đến lung linh của nó. Có lẽ nó đang chạy một chương trình tự kiểm tra mở rộng, hoặc vẫn ở yên đó cho đến khi nó nhận được tín hiệu từ máy Hạ cánh hay sao ấy.
Giờ tôi phải tạm ngừng suy nghĩ về việc này thôi.
NHẬT TRÌNH PATHFINDER: SOL 0
CHUỖI KHỞI ĐỘNG BẮT ĐẦU
THỜI GIAN: 00:00:00
PHÁT HIỆN MẤT ĐIỆN, NGÀY/GIỜ KHÔNG CHÍNH XÁC
ĐANG TẢI OS…
HỆ THỐNG ĐIỀU HÀNH VXWARE (C) HỆ THỐNG WIND RIVER
KIỂM TRA PHẦN CỨNG:
NHIỆT ĐỘ B.TRONG: -34C
NHIỆT ĐỘ B.NGOÀI: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
PIN: ĐẦY
TĂNG ÍCH: OK
GIẢM ÍCH: OK
CẢM ỨNG GIÓ: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
KHÍ TƯỢNG: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
ASI: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
THU HÌNH: OK
CẦU ROVER: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
SOLAR A: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
SOLAR B: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
SOLAR C: KHÔNG HOẠT ĐỘNG
KIỂM TRA PHẦN CỨNG HOÀN THÀNH
TÌNH TRẠNG PHÁT SÓNG
LẮNG NGHE TÌM TÍN HIỆU TỪ XA…
LẮNG NGHE TÌM TÍN HIỆU TỪ XA…
LẮNG NGHE TÌM TÍN HIỆU TỪ XA…
TÍNH HIỆU NHẬN ĐƯỢC
Photo Credit: Fox Movie photo, xkdc.com