Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(13)
Nhân viên ở Deyo Plastics làm việc hai ca. Có tin đồn sẽ phải làm cả ba ca nếu NASA tăng yêu cầu đơn hàng lần nữa. Chẳng ai thấy phiền. Tiền lương làm thêm giờ quá tuyệt còn vốn tài trợ thì không giới hạn.
Những sợi carbon dệt với nhau chạy chầm chậm qua máy ép, nằm xen giữa hai tấm nhựa polymer. Vật liệu hoàn chỉnh sẽ được gấp lại bốn lần và dán lại với nhau tạo thành một tấm vật liệu dày, sau đó nó được bọc lại bằng nhựa resin mềm, và đem sang một phòng nóng để nung chặt lại.
******
Nhật trình: Sol 114
Giờ khi NASA có thể nói chuyện với tôi, họ chẳng chịu im mồm gì cả.
Họ muốn cập nhật thường xuyên cho tất cả các hệ thống trong căn Hab, và họ có cả phòng đầy người để quản lý từng li từng tí chuyện trồng trọt của tôi. Thật tuyệt vời khi có cả đống kẻ mắc dịch mắc gió dưới Trái đất chỉ cho tôi, một nhà thực vật học, làm thế nào để trồng cây.
Hầu như tôi lờ họ hết. Tôi không muốn tỏ ra hơi kiêu ngạo ở đây, nhưng tôi là nhà thực vật học giỏi nhất hành tinh này.
Một cái lợi lớn: Email! Cũng như những ngày trên Hermes, tôi được truyền dữ liệu. Đương nhiên họ gửi email từ bạn bè và gia đình, nhưng NASA cũng chọn lọc vài tin nhắn từ công chúng để gửi kèm theo. Tôi đã có email từ mấy ngôi sao nhạc rock, vận động viên, diễn viên và thậm chí là từ Ngài Tổng thống.
Bức đọc sướng nhất là từ trường học của tôi, Đại học Chicago. Họ nói một khi bạn đã gieo trồng cây trái ở đâu đó, bạn đã chính thức chiếm nó làm thuộc địa. Do đó, về mặt kỹ thuật, tôi đã chiếm sao Hỏa làm thuộc địa.
Sáng mắt ra chưa, Neil Armstrong!
Tôi sang con rover mỗi ngày năm lần để kiểm tra email. Họ có thể truyền tin nhắn từ Trái đất đến sao Hỏa, nhưng không thể đưa nó đi thêm 10 mét đến căn Hab. Nhưng mà này, tôi không thể càm ràm. Cơ hội sống sót của tôi trong vụ này giờ đã cao hơn nhiều rồi.
Lần cuối cùng nghe tin tức, họ đã giải quyết được vấn đề trọng lượng chiếc MDV của Ares 4. Khi nó hạ cánh xuống đây, họ sẽ bỏ miếng chắn nhiệt, và tất cả những thứ để duy trì sự sống khác, và một vài thùng xăng rỗng. Rồi họ có thể đem cả bảy người bọn tôi (đoàn Ares 4 và tôi) đi tuốt luốt đến Schiaparelli. Họ đã tính toán hết các nhiệm vụ bề mặt mà tôi sẽ phải làm rồi. Hay quá đi chứ?
Một tin khác nữa, tôi đang học mã Morse. Tại sao? Bởi vì đó là hệ thống liên lạc phòng hờ của chúng tôi. NASA cho rằng dùng một con tàu do thám hơn chục tuổi làm hệ thống liên lạc duy nhất chẳng phải là một điều lý tưởng lắm.
Nếu Pathfinder trở chứng, tôi sẽ đánh vần tin nhắn bằng sỏi đá, và NASA có thể nhìn thấy nó qua vệ tinh. Họ không thể trả lời, nhưng ít ra chúng tôi cũng có thể liên lạc được một chiều. Vì sao dùng mã Morse? Đó là vì dùng sỏi đá để tạo dấu chấm và gạch ngang thì dễ dàng hơn là viết thành chữ.
Đó thật là một cách rối rắm để liên lạc. Hy vọng không phải dùng đến.
******
Các phản ứng hóa học đã hoàn thành, và tấm vật liệu được tiệt trùng rồi đem đến một phòng sạch. Ở đó, một người công nhân cắt từng dải từ mép của nó. Anh ta chia những dải ấy thành những ô vuông nhỏ, rồi cho từng miếng vuông ấy trải nghiệm những chuỗi thí nghiệm khắc nghiệt.
Sau khi qua được khâu kiểm tra, tấm vật liệu được cắt thành hình dạng của nó. Phần méo được xếp lên, may lại và dán lại lần nữa bằng nhựa resin. Một người đàn ông với tấm bảng kẹp kiểm tra lại lần cuối cùng, xác định một cách độc lập lại tất cả kết quả đo lường, và duyệt cho nó được đem ra sử dụng.
******
Nhật trình: Sol 115
Đám thực vật học thích xen vào chuyện của người khác đã bất đắc dĩ thừa nhận rằng tôi làm rất tốt. Họ đồng ý rằng tôi sẽ có đủ thức ăn để sống đến Sol 900. NASA ghi nhớ điều đó, và đã làm rõ hết những chi tiết cho phi vụ đem đồ dự trữ lên.
Ban đầu, họ tính ra được một kế hoạch liều lĩnh đến chết để đưa tàu lên đây trước Sol 400. Nhưng tôi đã cho họ thêm 500 sol nhờ vào nông trại khoai tây của mình nên họ có thêm thời gian để làm.
Họ sẽ phóng tàu vào năm sau vào Thời điểm Chuyển giao Hohmann, và sẽ mất gần 9 tháng để đến được đây. Nó sẽ đến khoảng Sol 856. Và nó sẽ mang theo nhiều thức ăn, một máy lọc ôxy, máy lọc nước và hệ thống liên lạc. Đúng hơn là ba hệ thống liên lạc. Tôi đoán là họ không muốn làm liều điều gì, với cái kiểu tôi có thói quen ở gần mấy cái radio bị hư hỏng như thế.
Hôm nay tôi nhận được email đầu tiên từ Hermes. NASA bữa giờ đã giới hạn những liên hệ trực tiếp. Tôi đoán rằng họ sợ tôi sẽ nói mấy lời như “Tụi bây bỏ lại tao trên sao Hỏa hả đám chết dịch kia!” Tôi biết cả đoàn sẽ bất ngờ khi nghe tin tức từ Bóng Ma của Phi vụ Sao Hỏa, nhưng mà thôi đi chứ. Đôi khi tôi ước gì NASA đừng có như cô vú em vậy. Dù sao thì, cuối cùng học cũng cho phép Martinez gửi một email đến.
Watney thân mến: Xin lỗi đã bỏ anh lại, nhưng chúng tôi không thích anh. Anh là một kẻ hơi bị tinh tướng quá. Và trên Hermes này cũng rộng chỗ hơn khi không có anh. Chúng tôi phải thay phiên làm những nhiệm vụ của anh, nhưng chỉ là ba mấy cái thực vật học (vốn không phải môn khoa học thật sự) nên cũng dễ ẹc thôi. Sao Hỏa thế nào?
-Martinez
Trả lời của tôi:
Martinez thân mến: Sao Hỏa cũng thường thôi. Khi tôi cô đơn tôi nghĩ đến đêm nóng bỏng mà tôi đã được tận hưởng bên mẹ của anh. Mọi chuyện trên Hermes thế nào? Chật chội và sợ hãi sự ngột ngạt đúng không? Hôm qua tôi ra ngoài và nhìn đường chân trời bao la. Nói anh biết nha, Martinez, chúng đi đến vô tận vô cùng!
-Watney
******
Những công nhân cẩn thận xếp tấm vật liệu, và đặt nó lên một công ten nơ dùng để gửi hàng được chứa đầy khí argon và khóa chặt lại. Một người đàn ông với tấm bảng kẹp in ra một tấm giấy dán, và ịn nó vào cái thùng. “Dự án Ares-3; Vải bạt Hab; Mẫu AL102.”
Thùng hàng được đặt lên một máy bay chuyên dụng và bay đến Trạm Không Quân Edwards ở California. Nó bay ở một độ cao bất thường, tốn rất nhiều xăng dầu, để đảm bảo một hành trình êm ả.
Khi đến nơi, thùng hàng được cẩn thận một đoàn hộ vệ đặt biệt vận chuyển nó đến Pasadena. Đến đó, nó được mang đến Phòng Trắng JPL để lắp ráp vào con tàu. Trong vòng 5 tuần tới, các kỹ sư trong những bộ đồng phục toàn thân màu trắng lắp ráp Tàu Dự Trữ 309. Nó chứa AL102 cũng như 12 thùng Vải Bạt Hab khác.
******
Nhật trình: Sol 116
Đã sắp đến kỳ thu họach thứ hai.
A lế a lê.
Tôi ước gì mình có một cái mũ rơm và một vài sợi dây đeo quần.
Những củ khoai tây được gieo hạt lại mọc rất tươi tốt. Tôi bắt đầu thấy rằng trồng trọt trên sao Hỏa cực kỳ sai quả, nhờ vào những thiết bị duy trì sự sống đáng giá hàng tỷ đô là xung quanh tôi. Bây giờ tôi có 400 cây khoai tây xanh tươi, mỗi cây tạo sẽ tạo ra những viên khoai tây đầy calorie cho tôi tận hưởng. Chỉ trong mười ngày nữa thôi chúng sẽ chín đến nơi!
Vào thời điểm này, tôi không trồng hạt của chúng lại. Đây là nguồn lương thực của tôi. Tất cả đều là khoai tây sao Hỏa tự nhiên, hữu cơ. Bạn chẳng nghe điều đó mỗi ngày, đúng không nào?
Bạn có lẽ đang tự hỏi tôi sẽ dự trữ chúng thế nào. Tôi không thể chất nó thành đống; phần lớn bọn chúng sẽ hư mất trước khi tôi kịp ăn chúng. Cho nên, tôi làm việc mà nếu ở dưới Trái đất thì sẽ chẳng thể nào làm được: Ném chúng ra ngoài.
Phần lớn lượng nước bên trong sẽ bị hút ra ngoài trong tình trạng gần như chân không; những gì còn lại sẽ đông lạnh cứng ngắt lại. Bất cứ tên vi trùng nào đang dự tính làm mục rữa mấy củ khoai của tôi sẽ chết không kịp ngáp.
Còn một tin khác, tôi có email từ Venkat Kapoor:
Mark, vài câu trả lời cho những câu hỏi trước của cậu:
Không, chúng tôi sẽ không nói với Đội Thực vật học của mình “Tụi bây đi chết đi.” Tôi biết rằng anh đã một thân một mình khá lâu rồi, nhưng giờ chúng tôi đã có mặt đây,và tốt nhất là anh nghe những gì chúng tôi muốn nói.
Đội Chicago Cubs mùa bóng này nằm chót giải NL Central.
Vận tốc chuyển dữ liệu không đủ để gửi những tệp tin âm nhạc, ngay cả khi chúng được nén lại. Cho nên yêu cầu “GÌ CŨNG ĐƯỢC nhưng Chúa ơi đừng gửi Disco” của anh đã bị từ chối. Hãy thưởng thức mấy ‘ca khúc bất hủ’ của anh đi nhá.
Ngoài ra, một điều vặt hơi khó chịu nữa… NASA đang thành lập một hội đồng. Họ muốn xem xét coi có lỗi nào đã có thể tránh được nhưng lại dẫn đến chuyện anh bị mắc kẹt. Cảnh báo cho anh biết trước thôi. Sau này họ có thể có câu hỏi dành cho anh.
Nhớ cho chúng tôi biết những hoạt động của anh.
-Kapoor
Thư trả lời của tôi:
Venkat, nói với hội đồng điều tra rằng bọn họ có thể làm một cuộc săn thần bắt quỷ mà không có mặt tôi. Và nếu họ cứ vậy mà đổ lỗi cho Chỉ huy Lewis thì nên nhớ rằng tôi sẽ chối đây đẩy trước công chúng nhé.
Còn nữa, làm ơn nói với mỗi người bọn họ rằng mẹ của họ là những con gà móng đỏ.
-Watney
PS: Cả chị em gái của họ nữa.
******
Những chiếc tàu gửi đồ dự trữ cho Ares 3 xuất phát trong 14 ngày liên tục vào thời điểm Chuyển giao Hohmann. Tàu đồ dự trữ 309 là chuyến thứ ba khởi hành. Hành trình 251 ngày đến sao Hỏa chẳng có biến cố nào, ngoại trừ hai lần điều chỉnh đường đi nho nhỏ thôi.
Sau vài thao tác thắng trong không khí để đi chậm lại, nó làm cú hạ cánh cuối cùng về hướng Acidalia Planitia. Đầu tiên, nó chịu đựng giai đoạn trở về khí quyển nhờ tấm chắn chống nhiệt. Sau đó, nó thả dù và tự tháo rời khỏi tấm chắn đã không còn dùng được.
Khi ra-đar trên tàu nhận thấy rằng nó chỉ còn cách mặt đất 30 mét, nó sẽ cắt dù và thổi phồng bong bóng xung quanh vỏ tàu. Nó rơi lấc cấc xuống bề mặt, bậc nẩy lên xuống rồi lăn quay ra đó cho đến khi nào dừng lại mới thôi.
Máy tính trên tàu làm xẹp những quả bóng, rồi báo cáo lại với Trái Đất rằng nó đã hạ cánh thành công.
Rồi nó chờ 23 tháng.
******
Nhật trình: Sol 117
Máy lọc nước lại trở chứng nữa.
Sáu người sẽ dùng 18 lít nước mỗi ngày. Cho nên máy được thiết kế để lọc 20 lít. Nhưng gần đây, nó chẳng làm nổi nhiêu đó nữa. Nhiều nhặn lắm là 10 lít thôi.
Mỗi ngày tôi có thể tạo ra 10 lít nước không? Không, nhưng tôi cũng chẳng phải là nhà tiểu tiện vô định. Chính là đám nông sản. Độ ẩm bên trong căn Hab giờ cao hơn hẳn định mức nó được thiết kế để chịu đựng, cho nên máy lọc liên tục chắt lọc nước từ không khí.
Tôi không lo lắng vì điều đó. Nước là nước thôi. Cây cỏ dùng nước, tôi dùng nước. Nếu cần, tôi có thể tè trực tiếp lên cây luôn. Nó sẽ bốc hơi và đọng lại trên tường. Tôi chắn rằng mình có thể tạo ra một thứ gì đó để thu thập nó. Vấn đề là, nước không thể đi đâu được cả. Đây là một hệ thống kín. Hơn nữa, tôi đã tạo ra 600 lít nước từ nhiên liệu của MDV (bạn còn nhớ sự kiện “vụ nổ căn Hab” chứ?). Tôi có thể tắm vài bồn nước mà vẫn còn thừa lại cả mớ ấy chứ.
Tuy nhiên, NASA đang quýnh quáng cả lên. Họ xem máy lọc nước là một nhân tố quyết định cho sự sống còn. Chẳng có gì để dự phòng, và họ nghĩ tôi sẽ chết không kịp ngáp nếu không có nó. Đối với họ, hệ thống hư hỏng là một điều khiếp hãi. Đối với tôi, đó là một ngày “thứ ba” như bao ngày khác thôi.
Cho nên thay vì chuẩn bị thu họach vụ mùa, tôi phải làm thêm vài chuyến đi tới đi lui đến chỗ con rover để trả lời những câu hỏi của họ. Mỗi tin nhắn mới lại có hướng dẫn tôi thử vài giải pháp và báo cáo kết quả.
Đến giờ chúng tôi đã kết luận đó không phải do điện tử, điện lạnh, trang thiết bị chung chung, và nhiệt độ. Tôi chắc rằng nó hóa ra là một cái lỗ nho nhỏ đâu đó, rồi NASA sẽ có một cuộc họp dài bốn tiếng đăng đẳng trước khi kêu tôi dùng băng keo chuyên dụng dán nó lại.
******
Lewis và Beck mở thùng Presuppy 309. Họ cố gắng hết sức khi phải làm việc trong bộ đồ EVA cồng kềnh, họ trải ra những phần khác nhau của vải bạt căn Hab và đặt chúng xuống đất. Có đến tận ba chuyến tàu gửi đồ dự trữ chỉ dành riêng cho căn Hab thôi.
Họ làm theo quy trình đã tập luyện cả trăm lần, lắp ráp từng mảnh một cách đầy hiệu năng. Những dải băng dán đặc biệt giữa các mảnh vải bạt lớn đảm bảo các mối vải được kín hơi.
Sau khi dựng lên cấu trúc chính của căn Hab, họ lắp ráp ba cửa khóa khí vào. Tấm AL102 có một cái lỗ vừa vặn cho Cửa khóa khí 1 (Airlock 1). Beck kéo tấm vải căng ra trên dải băng dán đặc biệt nằm bên ngoài cửa khóa khí.
Khi tất cả các cửa khóa khí đã đâu vào đấy, Lewis thả ngận không khí vào căn Hab và đó là lần đầu AL102 cảm nhận được áp suất bên trong. Họ đợi một giờ. Không bị mất áp suất; việc dựng trại đã hoàn thành mỹ mãn.
******
Nhật trình: Sol 118
Cuộc đối thoại của tôi với NASA về máy lọc nước chán như con gián và nói những chi tiết kĩ thuật khó hiểu. Cho nên để tôi giản dịch lại cho bạn:
Tôi: “Rõ ràng đây là một vụ tắc nghẽn. Hay là tôi tháo từng bộ phận của nó ra để kiểm tra các ống dẫn bên trong?”
NASA: (Sau 5 tiếng đồng hồ suy tính thiệt hơn) “Không. Anh sẽ làm sai be bét và ngủm ngay.”
Thế nên tôi tháo nó ra.
Vâng, tôi biết. NASA có rất nhiều người thông minh xuất chúng siêu đẳng và tôi rất là nên làm theo lời họ nói. Và tôi quá ư là đáng ghét, nhất là khi họ dành cả ngày tìm cách để cứu mạng tôi.
Nhưng chỉ là tôi thấy ngán ngẩm vì cứ được chỉ dẫn làm thế nào để tự lau mông của mình. Tự lập là một trong những tư chất họ tìm kiếm khi lựa chọn phi hành gia cho Ares. Đó là một phi vụ kéo dài 13 tháng, và phần lớn thời gian là ở nơi cách Trái Đất và vài phút ánh sáng. Họ muốn người đó có thể tự hoạt động theo chủ kiến, nhưng cùng lúc đó cũng nghe lời Chỉ huy của họ.
Nếu Chỉ huy Lewis ở đây, tôi sẽ làm bất cứ điều gì cô ấy yêu cầu, chẳng vấn đề gì cả. Nhưng một hội đồng quan liêu không mặt không mũi tuốt dưới Trái Đất? Xin lỗi, tôi thấy chuyện đó thật khó mà thuận theo được.
Tôi đã rất cẩn thận. Tôi dán nhãn cho tất cả những miếng tôi gỡ ra, và đặt chúng lên bàn. Tôi có sơ đồ sẵn trong máy tính, nên cũng chẳng có gì bất ngờ với tôi.
Và ngay như tôi dự đóan, có một ống dẫn bị nghẽn. Máy lọc nước được thiết kết để thanh lọc nước tiểu và vắt hết độ ẩm ra khỏi không khí (lượng nước bạn thở ra cũng nhiều bằng lượng nước bạn tiểu ra). Tôi trộn nước với đất, biến chúng thành một nước khoáng. Khóang chất tích tụ lại trong máy lọc nước.
Tôi lau chùi sạch sẽ chiếc ống dẫn và ráp mọi thứ lại như cũ. Nó hoàn toàn giải quyết vấn đề ấy. Một ngày nào đó tôi phải làm chuyện này lại lần nữa, nhưng chắc cũng phải 100 sol không chừng. Chẳng vấn đề gì cả.
Tôi nói cho NASA biết mình làm gì. Đoạn hội thoại (được giản dịch) của chúng tôi như sau:
Tôi: “Tôi tháo nó ra, tìm ra vấn đề, sửa nó xong rồi.”
NASA: “Đồ chết bầm.”
******
AL102 run lập cập trong cơn bão kinh khiếp. Nó chịu đựng những lực đập và áp suất cao hơn nhiều so với thiết kế vốn có, nó phập phồng mạnh bạo dọc theo dải băng dán đặc biệt của cửa khóa khí. Những bộ phận khác của tấm vải bạt cũng dập dờn theo, như thể chúng là một mảnh vải lớn, nhưng AL102 thì không như thế. Cửa khóa khí thậm chí còn không nhúc nhích chút xíu nào, khiến cho AL102 phải gánh hết tất cả những sự giận dữ mạnh bạo của cơn bão.
Tầng tầng lớp lớp của tấm nhựa lớn liên tục bị uốn cong, duy chỉ lực ma sát thôi cũng đủ làm nhựa resin bị nóng dần lên. Môi trường mới lạ khiến những sợi carbon tách rời dễ dàng.
AL102 cứ thế mà giãn ra.
Không nhiều lắm. Chỉ 4 milli mét thôi. Nhưng những sợi carbon ấy, thường chỉ cách nhau 500 micron, ở đâu đó trên người chúng giờ lại có một khoảng cách dài gấp tám lần khoảng cách bình thường.
Sau khi cơn bão qua đi, người phi hành gia đơn độc còn lại tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện cho căn Hab. Nhưng anh không để ý thấy có điều gì bất thường. Phần suy yếu của tấm vải bạt được che dấu dưới mảnh băng dán đặc biệt.
AL102 được thiết kế cho một phi vụ chỉ kéo dài 31 sol, nhưng nó đã tiếp tục nhiệm vụ quá hạn sử dụng của mình nhiều ngày lắm rồi. Hết sol này rồi đến sol khác, người phi hành gia đơn độc ra ra vào vào căn Hab gần như mỗi ngày. Airlock 1 nằm gần trạm sạc điện của rover hơn, nên người phi hành gia ấy thích dùng cửa ấy hơn hai cửa kia.
Khi có áp suất, cửa khóa khí hơi giãn ra; khi giảm áp suất, nó teo lại. Mội lần người phi hành gia ấy dùng cửa khóa khí, AL102 cứ giãn ra, rồi lại căng lên.
Kéo, duỗi, giãn, yếu dần đi…
******
Nhật trình: Sol 119
Tối qua tôi thức giấc trong sự rung động của căn Hab.
Cơn bão cấp trung kết thúc bất ngờ như sự bắt đầu của nó. Chỉ là một cơn bão cấp 3 với sức gió 50km/giờ. Không có gì đáng lo ngại. Nhưng, tôi vẫn có một chút luống cuống vì nghe tiếng gió hú, nhất là khi tôi đã quen thuộc với sự tĩnh mịch hoàn toàn.
Tôi lo lắng về Pathfider. Nếu cơn bão làm hư hỏng nó, tôi sẽ mất liên lạc với NASA. Theo logic thì tôi không nên nghĩ ngợi. Nó đã nằm trên bề mặt cả vài thập kỷ. Một chút gió hiu hiu chẳng làm được gì nó cả.
Khi tôi ra ngoài, tôi xác định được rằng Pathfinder vẫn còn hoạt động bình thường trước khi tiếp tục phần công việc phiền não đẫm mồ hôi của ngày hôm đó.
Vâng, mỗi cơn bão cát đem đến một nhiệm vụ chẳng trốn đi đâu được đó là Phủi bụi các bản pin mặt trời. Đó là một truyền thống được những Người Sao Hỏa nồng nhiệt chân thành như tôi luôn trân quý. Nó gợi tôi nhớ lại thời gian lớn lên ở Chicago và phải xúc tuyết. Tôi sẽ nói lời cảm tạ đến bố tôi; ông không bao giờ lập luận rằng những việc đó để xây dựng tính cách con người tôi hoặc dạy dỗ tôi giá trị của việc lao động cật lực.
“Máy thổi tuyết quá mắc tiền,” ông thường hay nói thế. “Còn mày thì miễn phí.”
Có một lần, tôi muốn ‘kháng cáo’ lên với mẹ. “Đừng có mà nhõng nhẽo,” mẹ tôi đáp.
Còn một tin tức khác, chỉ bảy ngày nữa thôi là đến ngày thu hoạch, và tôi vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng. Trước hết, tôi cần phải tạo ra một cái cuốc. Ngoài ra, tôi cần phải xây thêm một cái chòi bên ngoài để chứa khoai tây. Tôi không thể cứ thế mà chất chồng chúng ngoài kia được. Cơn bão kế tiếp sẽ dẫn đến Cuộc di cư lớn của Khoai Hỏa tinh mất.
Dù sao thì những chuyện đó cũng phải chờ thôi. Hôm nay tôi có đủ việc cho cả ngày. Sau khi lau chùi các bảng pin, tôi phải kiểm tra tổng thể cả dàn pin để đảm bảo cơn bão đã không gây hư hại nào. Rồi tôi phải làm y chang vậy cho con rover.
Tôi nên bắt đầu thôi.
***
Airlock 1 chầm chậm giảm áp suất xuống còn 1/90 atm. Watney trong bộ áo EVA của mình đang chờ đợi cho xong xuôi. Anh đã làm việc này cả trăm lần. Nếu anh đã từng có sự e dè nào vào ngày Sol 1 thì nó cũng đã ra đi từ lâu rồi. Giờ nó thỉ là một việc vặt chán chường trước khi đi ra ngoài.
Trong khi sự giảm áp suất tiếp tục, khí quyển trong căn Hab đè nén cửa khóa khí và AL102 giãn ra một lần cuối cùng.
Vào Sol 119, căn Hab bị thủng lỗ.
Một vết xước ban đầu dài chưa đến 1 millimet. Những sợi carbon nằm hướng trực giao đã có thể phòng ngừa vết rách càng toạc to ra thêm. Nhưng vô số những lần lạm dụng đã khiến nó giãn đến độ những sợ dọc bị thưa thớt hẳn và những sợi ngang suy yếu không còn có thể dùng được.
Toàn bộ khí quyển của căn Hab trào qua lỗ thũng. Chỉ trong vòng một phần mười giây, vết rách đã dài cả mét, chạy song song với băng dán đặc biệt. Nó lan truyền một vòng cho đến khi gặp lại điểm bắt đầu. Cửa khóa khí giờ đây không còn dính vào căn Hab nữa.
Khi căn Hab bùng nổ, áp suất không gì ngăn cản liền hung tợn phóng cửa khóa khí như phóng một viên đại bác. Bên trong, kẻ đang kinh ngạc, Watney, bị lực thải ném văng vào cửa sau của cửa khóa khí.
Cửa khóa khí bay 40 mét rồi mới rơi xuống đất. Watney vẫn chưa kịp hoàn hồn sau cú sốc thứ nhất, liền phải chịu ngay một cú sốc nữa khi anh văng đập mặt vào cửa trước.
Miếng che mặt của áo anh chịu mũi giùi của cú đập, kiếng an toàn vỡ toang thành trăm mảnh nho nhỏ. Đầu anh đập mạnh vào bên trong của nón bảo hiễm khiến anh choáng váng.
Cửa khóa khí loạng choạng lăn vòng trên bề mặt thêm 15 mét nữa. Phần đệm dày cộm trong bộ áo của anh đã cứu anh khỏi gãy thêm vài cái xương sườn. Anh cố gắng hiểu xem tình hình là như thế nào, nhưng anh đang trong tình trạng gần như bất tỉnh.
Cửa khóa khí cuối cùng cũng xong với việc lăn cù mèo, nó nằm nghiêng nghỉ ngơi trong đám bụi mù mịt.
Watney nằm ngửa ra, đăm đăm nhìn vô hồn phía trên qua cái lỗ nhỏ trên miếng che mặt đã vỡ vụn của mình. Một vết cắt trên trán anh nhiễu từng giọt máu xuống gương mặt.
Anh dần dần khôi phục chút tỉnh táo, và định hình lại phương hướng của mình. Anh quay đầu sang một bên, nhìn xuyên qua cửa sổ trên cánh cửa phía sau. Căn Hab đã bị sụp đổ đang bay phấp phới ở xa xa, một bãi tha ma đầy những mảnh đổ nát vương vãi khắp địa hình trước mặt nó.
Rồi, một tiếng huýt gió vang vọng đến tai anh. Anh cẩn thận lắng nghe, và nhận ra nó không phải đến từ bộ áo của mình. Đâu đó trong căn khóa khí to bằng cái buồng điện thoại này, một lỗ thủng nhỏ đang để khí thoát ra ngoài.
Anh chăm chú nghe tiếng rít. Rồi anh chạm tay vào miếng che mặt bị vỡ của mình. Rồi anh nhìn ra cửa sổ lần nữa.
“Mày đang đùa với tao ấy à?” Anh nói.
Photo Credit: Reddit Fanart