Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(23)
Nhật trình: Sol 476
Tôi nghĩ mình có thể xử lý việc này được.
Tôi đang ở vành đai của cơn bão. Tôi không biết kích thước và hướng đi của nó. Nhưng tôi biết nó đang di chuyển, đó là một thứ tôi có thể tận dụng. Tôi không phải lang thang đi vòng qua nó. Nó sẽ đến chỗ tôi.
Cơn bão đơn thuần chỉ là bụi trong không khí; nó không hề nguy hiểm cho rover. Tôi có thể coi đây là tình huống “Mất phần trăm điện lượng.” Hôm qua tôi kiểm tra điện lực và hiệu suất tối đa của nó là 97%. Nên ngay lúc này đây, nó là cơn bão 3%.
Tôi cần xúc tiến hành trình và tôi cần tái tạo ôxy. Đó là hai mục tiêu chính của tôi. Tôi dùng 20% tổng điện lượng để tái tạo ôxy (khi tôi dừng vào Ngày Khí). Nếu tôi đi vào khu vự bão 81%, coi như tôi tiêu tùng thật. Tôi sẽ hết ôxy ngay cả khi tôi cống hiến tất cả điện lượng cho nó. Đó là tình cảnh đưa đến chỗ chết. Nhưng thật sự, chỗ chết đến sớm hơn thế nhiều. Tôi cần có điện để tiếp tục di chuyển nếu không tôi sẽ bị mắc kẹt cho đến khi cơn bão đi qua hoặc tự tan biến đi. Có thể mất đến mấy tháng chứ chả chơi.
Tôi có thể tạo ra càng nhiều điện, thì tôi có thể di chuyển càng nhiều. Khi trời quang đãng, tôi dùng 80% điện lượng tổng cổng để di chuyển. Bằng cách này tôi đi được 90 km mỗi sol. Hiện giờ, với 3% thất thoát, tôi mất 3.3 km.
Mỗi ngày mất một ít quãng đường cũng không sao. Tôi còn nhiều thời gian, nhưng tôi không thể để cho mình đi sâu vào trong cơn bão vì như thế tôi chẳng thể nào thoát ra được.
Ít nhất là tôi cần di chuyển nhanh hơn cơn bão. Nếu tôi có thể đi nhanh hơn nó, tôi có thể đi vòng qua nó mà không bị vùi dập trong đó. Tôi cần tìm hiểu cho ra xem nó di chuyển nhanh đến thế nào.
Tôi có thể làm được điều đó bằng cách ngồi lỳ ở đây cả sol. Tôi có thể so sánh điện lượng của ngày mai so với hôm nay. Tôi chỉ phải làm sao cho chắc rằng mình so sánh vào cùng thời điểm trong ngày. Thế thì tôi sẽ biết cơn bão di chuyển nhanh ra sao, ít nhất về phương diện phần trăm điện lượng bị thất thoát.
Nhưng tôi cũng cần biết hình dáng của cơn bão nữa.
Bão bụi rất to. Chúng có thể kéo dài hàng nghìn cây số. Nhưng khi tôi đi vòng qua nó, tôi cần biết mình nên đi hướng nào. Tôi muốn đi theo hướng vuông góc với hướng đi của cơn bão, và theo hướng ít bão hơn.
Vậy nên đây là kế hoạch của tôi:
Hiện giờ, tôi có thể đi 86 km (bởi vì hôm qua tôi không thể sạc pin đầy bình được). Tôi sẽ để một bảng pin ở đây và chạy 40 km về hướng Nam. Rồi tôi để một bảng pin ở đó và đi tiếp 40 km. Tôi sẽ có ba điểm tham khảo trong khoảng cách 80 km.
Ngày hôm sau, tôi sẽ quay lại để lượm lại các bảng pin và thu thập dữ liệu. Bằng cách so sánh điện lượng cùng thời điểm trong ngày ở ba vị trí đó, tôi sẽ biết về hình dáng của cơn bão. Nếu cơn bão dãy đặc hơn ở phía Nam, tôi sẽ đi vòng về hướng Bắc. Nếu nó dày hơn ở phía Bắc, thì tôi đi hướng Nam.
Tôi hy vọng đi về hướng Nam. Schiaparelli nằm ở hướng Đông Nam so với vị trí của tôi. Đi hướng Bắc sẽ thêm nhiều thời gian vào chuyến đi của tôi.
Chỉ có một vấn đề nho nhỏ với kế hoạch của tôi: Tôi không có phương pháp nào để “ghi nhận” điện lượng từ những bảng pin tôi để lại đó. Tôi có thể dễ dàng theo dõi và ghi chú điện lượng từ máy tính của rover, nhưng tôi cần thứ gì tôi có thể để lại với bảng pin. Tôi không thể nào vừa lái vừa xem chỉ số. Tôi cần xem chỉ số của cùng thời điểm ở những vị trí khác nhau.
Nêu tôi dành hôm nay để thực hiện vài trò khoa học điên rồ. Tôi phải làm thứ gì đó có thể lưu lại điện lượng. Thứ gì tôi có thể để lại với mỗi bảng pin.
Đằng nào thì tôi cũng kẹt lại ở đây một ngày, tôi để bảng pin ra ngoài sạc. Tại sao lại không sạc pin cho đầy chứ.
Nhật trình: Sol 477
Phải mất cả ngày hôm qua lẫn hôm nay, nhưng tôi nghĩ mình đã sẵn sàng để đo lường cơn bão này rồi.
Khi đóng đồ cho chuyến đi, tôi đã nhớ đem theo tất cả dụng cụ thiết bị. Để phòng khi cần sửa chữa con rover trên đường đi.
Tôi dùng phòng ngủ đề làm phòng thí nghiệm. Tôi chất mấy thùng đồ đạc thành một cái bàn, và dùng hộp chứ mẩu vật làm ghế.
Tôi cần một phương tiện để theo dõi thời gian trong ngày và điện lượng của bảng pin mặt trời. Chỗ khó chính là ghi chú lại thông tin đó. Và giải pháp chính là dùng bộ áo EVA phụ mà tôi đã đem theo.
Cái hay của áo EVA là nó có máy quay phim ghi lại tất cả những thứ nó nhìn thấy. Chiếc máy quay nằm trên cánh tay phải (hoặc tay trái nếu phi hành gia thuận tay trái), và một cái nữa nằm trên khuông che mặt. Giờ giấc được ghi nhận lài ngay trên góc trái của hình ảnh, giống như mấy video rung rung mà bố tôi từng thu hình.
Bộ đồ nghề điện tử của tôi có vài đồng hồ đo điện. Nên tôi kết luận: Cần gì phải chế tạo hệ thống ghi nhận thông tin? Tôi chỉ cần quay phim đồng hồ điện cả ngày thôi.
Nên đó là hệ thống tôi đã tạo ra.
Trước tiên, tôi tháo máy quay từ áo EVA phụ ra. Tôi phải cẩn thận; tôi không thể làm hỏng bộ áo. Đó là bộ áo phòng hờ duy nhất mà tôi có. Tôi phải tháo các máy quay và những dây nhợ dẫn đến con chip bộ nhớ của chúng.
Tôi đặt đồng hồ điện vào một cái hộp mẩu thử nghiệm nhỏ, rồi dán máy quay bên dưới nắp hộp. Rồi tôi dán kín hộp lại, máy quay ghi nhận chỉ số hiển thị trên đồng hồ điện.
Để thử nghiệm, tôi dùng điện của con rover. Làm thế nào mà nó có điện sau khi tôi bỏ nó ngoài bề mặt chứ? À thì, hóa ra nó sẽ được nối kết vào pin mặt trời to 2 mét vuông. Vậy là nhiều rồi. Sau đó tôi bỏ một pin sạc vào thùng để nó dùng vào ban đêm (cái này cũng lấy từ áo EVA luôn).
Vấn đề tiếp theo là nhiệt, nói đúng hơn là thiếu nhiệt. Ngay khi tôi đem nó ra khỏi rover, nó sẽ bắt đầu lạnh đi ngay lập tức. Nếu lạnh quá thì thiết bị điện tử sẽ chết ngắt ngay.
Nên tôi cần một nguồn nhiệt. Và bộ đồ nghề điện tử của tôi đã đưa ra giải pháp. Điện trở. Tôi có nhiều lắm. Máy quay và đồng hồ điện chỉ cần một chút điện tạo ra từ pin mặt trời là đủ. Điện lượng còn lại tôi dồn hết vào đống điện trở.
Điện trở tỏa ra nhiệt. Đó là cách làm hoạt động của nó. Đó sẽ là nguồn nhiệt của tôi.
Tôi làm và thử hai hệ thống “ghi chú điện lượng,” và xác định những hình ảnh được quay phim lại đàng hoàng.
Rồi tôi làm một chuyến EVA. Tôi tháo hai bảng pin và kết nối chúng vào hệ thống ghi chú điện lượng. Sau đó tôi để chúng ngồi ung dung ở đó một giờ đồng hồ, rồi đem chúng lại vào bên trong để kiểm tra kết quả. Chúng hoạt động thật tuyệt.
Đêm sắp xuống rồi. Sáng mai, tôi sẽ để hệ thống ghi chú điện lượng lại và đi về hướng Nam.
Trong khi tôi làm việc, tôi để máy tạo ôxy tiếp tục chạy (sao lại không chứ?). Vậy nên giờ tôi đã có đủ lượng ôxy cho chuyến đi.
Hiệu suất của pin năng lượng hôm nay là 92.5%. So với hôm qua ở mức 97%. Vậy hiện tại, cơn bão đang đi với vận tốc 4.5% mỗi sol. Nếu tôi ở đây thêm 16 sol nữa, trời sẽ đủ tối để giết chết tôi.
Cho nên tôi sẽ không ngủ lại.
Nhật trình: Sol 478
Hôm nay mọi thứ tiến triển như kế hoạch. Không trục trặc nào cả. Tôi không thể biết được mình có đang đi sâu vào tâm cơn bão hay là đang đi ra ngoài. Khó mà nhận ra ánh sáng xung quanh có ít hơn hoặc nhiều hơn ngày hôm qua. Bộ não của con người hoạt động tích cực để trừu tượng hóa điều đó.
Tôi để hệ thống ghi chú điện lượng lại rồi bắt đầu đi. Sau khi đi được 40 km, tôi làm một chuyến EVA ngắn ngủi để thiết lập một hệ thống nữa. Giờ tôi đã đi đủ 80 km, và dựng các bảng pin mặt trời lên để sạc, và ghi chú lượng điện.
Ngày mai, tôi sẽ đi hướng ngược lại để thu nhặt các hệ thống. Có thể hơi nguy hiểm; tôi sẽ đi thẳng vào khu vực đã biết trước là nó bị ảnh hưởng của bão. Nhưng đó là một rủi ro đáng để chấp nhận.
Ngoài ra, tôi đã nói rằng tôi ớn ăn khoai tây đến mức nào chưa? Bởi vì, Chúa ơi, tôi ớn ăn khoai tây quá. Nếu tôi có thể trở về Trái Đất, tôi sẽ mua một ngôi nhà nhỏ ở miền Tây Úc. Bởi vì dưới Trái Đất thì miền Tây Úc nằm hướng ngược lại với tiểu bang khoai tây Idaho[1].
Tôi nhắc đến chuyện này vì hôm nay tôi đã dùng một phần ăn. Tôi để dành năm phần ăn cho những dịp đặc biệt. Tôi ăn phần đầu tiên vào 29 sol trước khi tôi lên đường đi Schiaparelli. Tôi quên béng luôn việc ăn phần thứ hai khi đi được nửa chặng đường vào 9 sol trước. Nên giờ tôi đang ăn phần ăn trễ của mình.
Dù sao đi nữa thì có lẽ ăn hôm nay mới đúng dịp hơn. Ai mà biết còn bao lâu tôi mới có thể đi vòng tránh được cơn bão này. Và số phận an bài tôi mắc kẹt trong cơn bão và chết ở đây, tôi chắc chắn sẽ ăn nốt mấy phần còn lại.
Nhật trình: Sol 479
Bạn đã bao giờ đi nhầm lối vào đường cao tốc bao giờ chưa? Bạn sẽ phải đi tuốt lên lối ra kế tiếp rồi từ đó mới đi vòng lại được, nhưng bạn ghét đoạn đường đi ấy đến từng centimet một vì càng lúc bạn đi càng xa mục tiêu của mình.
Hôm nay tôi cảm thấy như vậy đó. Giờ tôi trở lại điểm khởi đầu của ngày hôm qua. Ôi chao.
Dọc đường đi, tôi thu nhặt các hệ thống ghi chú điện lượng tôi đã bỏ lại ở nửa đường. Mới đây thôi tôi vừa đem vào một hệ thống ở chỗ này.
Cả hai hệ thống đều hoạt động như tôi hy vọng. Tôi tải video ghi hình của mỗi hệ thống vào máy tính laptop rồi tua nhanh đến giữa trưa. Cuối cùng tôi đã có chỉ số hiệu suất của pin mặt trời ở ba vị trí dọc đường thẳng dài 80 km, vào cùng một thời điểm.
Vào giữa trưa hôm qua, điểm cực bắc ghi chú hiệu suất thất thoát là 12.3%, điểm chính giữa 9.5%, và con rover ở điểm cực nam chỉ mất 6.4%. Nó vẽ lên một bức tranh khá rõ ràng: Mũi trước cơn bão đi từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam. Và tôi đã biết nó đang đi về hướng Tây rồi.
Cuối cùng, cũng có một tin tốt! Hướng Nam là hướng tôi muốn. Tôi sẽ không mất quá nhiều thời gian.
Thở dài… Ngày mai tôi sẽ phải lái cùng quãng đường chết tiệt ấy lần thứ ba.
Nhật trình: Sol 480
Tôi nghĩ mình đang đi trước cơn bão.
Tôi đi dọc theo Đường Cao tốc sao Hỏa số 1 cả ngày, và trở lại khu cắm lều ngày hôm qua. Ngày mai, tôi sẽ có tiến triển thật sự. Tôi đã lái xe và dựng lều xong trước khi mặt trời đứng bóng. Hiệu suất thất thoát ở đây là 15.6%. So với hiệu suất thất thoát hôm qua là 17%, điều này có nghĩa tôi có thể chạy nhanh hơn cơn bão miễng tôi tiếp tục đi về hướng Nam.
Hy vọng là vậy.
Cơn bão có lẽ hình tròn. Thường chúng là như thế. Nhưng có thể tôi chỉ đang lái vào một vùng gió nhẹ thôi. Nếu là trường hợp đó, thì tôi chỉ chết mẹ tôi thôi, được chưa nào? Tôi chỉ có thể làm được bấy nhiêu.
Sớm muộn gì tôi cũng sẽ biết kết quả. Nếu cơn bão hình tròn, hiệu suất của tôi mỗi ngày sẽ càng tăng và không sớm thì muộn tôi cũng được lại 100 %. Một khi được 100% rồi có nghĩa là tôi đã hoàn toàn ra khỏi khu nam của cơn bão và tôi có thể bắt đầu đi về hướng Đông trở lại. Để chờ xem sao.
Nếu không có cơn bão, tôi sẽ đi trực tiếp về hướng Đông Nam. Còn bây giờ chỉ đi về hướng Nam, nên không đi được nhanh như trước. Trôi đi được 90 km mỗi sol như thường lệ, nhưng tôi chỉ đi thêm được 37 km về hướng Schiaparelli. Bởi vì Pythagoras[2] là một tên khốn. Tôi không biết khi nào mình mới thoát khỏi cơn bão hoàn toàn để có thể lại đi một đường thẳng đến Schiaparelli. Nhưng một điều chắc chắn duy nhất: Kế hoạch đến nơi vào sol 495 của tôi đã bị phá sản.
Sol 549. Đó là ngày họ đến đón tôi. Nếu tôi lỡ chuyến bay, tôi sẽ sống cuộc đời ngắn ngủi còn lại của mình ở chốn này. Và tôi vẫn còn những cải tiến cho MAV cần làm trước ngày đó.
Rầu ơi là sầu.
Nhật trình: Sol 482
Ngày Khí. Đã đến lúc thư giãn và dự đoán.
Để thư giãn, tôi đọc 100 trang truyện Evil Under the Sun của Agatha Christie, nhờ sự tài trợ của bộ sưu tập truyện ebook của Johanssen. Tôi nghĩ Linda Marshall chính là hung thủ.
Về mặt dự đoán, tôi đoán khi nào tôi sẽ ra khỏi cơn bão chết tiệt này.
Tôi vẫn còn đi về hướng Nam mỗi ngày; và vẫn còn chịu sự thất thoát hiệu suất (mặc dù tôi vẫn đi trước nó). Mỗi ngày đi kiểu chán chường này thì tôi chỉ đi thêm được 37 km đến gần MAV thay vì 90. Làm tôi bực chết đi được.
Tôi cân nhắc việc bỏ qua Ngày Khí. Tôi có thể đi thêm vài ngày trước khi hết hẳn ôxy, và đi càng xa cơn bão là điều khá quan trọng. Nhưng tôi quyết định không làm thế. Tôi đi trước cơn bão một quãng đường đủ để tôi có thể dành một ngày không di chuyển gì cả. Và tôi không biết nếu thêm được vài ngày có giúp gì không. Ai mà biết cơn bão đi xa bao nhiêu về hướng Nam?
À thì, chắc NASA biết. Và có lẽ cả mấy kênh truyền hình dưới Trái Đất cũng đang chiếu đi chiếu lại. Và có lẽ có cả một trang web như www.xem-mark-watney-chet.com chẳng hạn. Và có chừng trăm triệu người biết chính xác cơn bão đi bao xa về hướng Nam.
Tôi không phải là một trong số bọn họ.
Nhật trình: Sol 484
Cuối cùng cũng được!
Cuối cùng tôi cũng vượt qua được cơn bão khốn kiếp. Hôm nay điện lượng trở lại 100%. Không còn hạt bụi nào trong không khí. Cơn bão đi hướng vuông góc với hướng đi của tôi, điều này có nghĩa tôi ở điểm cực Nam của đám mây (cho là đó là đám mây bụi tròn đi. Còn không thì mẹ kiếp nó.)
Bắt đầu ngày mai là tôi có thể đi trực tiếp về hướng Schiaparelli. Đó là một chuyện tốt, vì tôi đã mất quá nhiều thời gian. Tôi đi 540 km về hướng Nam để tránh cơn bão ấy. Tôi đi chệch đường đến là thê thảm.
Nhưng nói cho bạn nghe, cũng không thế nỗi nào đâu. Giờ tôi ở tuốt sâu trong Terra Meridani, và việc lái xe cũng dễ dàng hơn đi qua khu địa hình hiểm trở của Arabia Terra. Schiaparelli gần như nằm thẳng hướng Đông, và nếu kính lục phân và tính toán Phobos của tôi chính xác, tôi còn chừng 1030 km để đến đó.
Tính luôn cả những ngày khí và 90 km di chuyển mỗi sol, tôi sẽ đến đó vào sol 505. Không hẳn là chuyện xấu. Cơn bão Xém-Giết-Được-Mark rốt cuộc chỉ làm tôi trì trệ 7 sol.
Tôi vẫn còn 44 sol để làm bất cứ việc chỉnh sửa MAV nào mà NASA đang dự tính.
Nhật trình: Sol 487
Tôi có một cơ hội thú vị ở đây. Và khi tôi nói “cơ hội”, ý tôi nói là Cơ hội.
Tôi đã đi chệch hướng khá là xa, đến nỗi giờ tôi cách rover thăm dò sao Hỏa Cơ hội (tàu Opportunity) không xa gì mấy. Chỉ chừng 300 km thôi. Thật sự tôi có thể đến đó chỉ trong vòng 4 sol.
Mẹ kiếp thật bị cám dỗ quá đi. Nếu tôi có thể sửa cho radio của Cơ hội hoạt động lại được, tôi sẽ được liên lạc với nhân loại lần nữa. NASA sẽ liên tục cập nhật vị trí chính xác và hướng đi tốt nhất cho tôi, cảnh báo tôi nếu có một cơn bão nào đang trên đường đến, và nói chung là sẽ dõi theo trông chừng tôi.
Nhưng nếu tôi thành thật mà nói, đó không phải là lý do tôi nghĩ đến chuyện đó. Tôi chán ngán cảnh một thân một mình quá rồi, khốn nạn thật! Khi tôi đem Pathfinder về sửa cho nó hoạt động trở lại, tôi bắt đầu quen với việc được trò chuyện với Trái Đất. Tất cả những thứ đó tan biến khi tôi dựa máy khoan sai chỗ, và giờ tôi lại đơn thân độc mã lần nữa. Tôi có thể kết thúc chuyện đó chỉ trong vòng bốn sol.
Nhưng đó là một suy nghĩ phi lý và ngốc nghếch. Tôi chỉ cách MAV mười một sol. Tại sao phải bỏ công phí sức đi đào lên một con rover hư tanh bành để dùng làm một radio tạm thời trong khi tôi có thể có một hệ thống mới toanh, hoạt động hoàn hảo chỉ trong vòng vài tuần.
Cho nên, dù rất bị cám dỗ khi ở trong phạm vi với tới được một con rover khác (khỉ thật, chưa gì chúng ta đã xả rác tứ tung trên hành tinh này rồi nhỉ?), đó thật không phải là một hành động sáng suốt.
Hơn nữa, tôi phá hoại bấy nhiêu di tích lịch sử tương lai là đủ rồi.
Nhật trình: Sol 492
Tôi cần suy nghĩ thêm về phòng ngủ.
Hiện giờ, tôi chỉ có thể bung nó lên khi tôi ở bên trong rover. Nó được gắn vào cửa khóa khí, và tôi không thể ra ngoài nếu nó ở đó. Trong chuyến đi thì điều đó không sao cả, vì dù sao thì mỗi ngày tôi cũng phải cuộn nó lại. Nhưng một khi tôi đến MAV, tôi sẽ không phải lái vòng vòng nữa. Mỗi lần phình nó lên xì nó xuống như thế thì các đường may bị giãn nở ra (vất vả lắm tôi mới học được bài học đó khi căn Hab nổ tung) nên tốt hơn hết là tôi cần tìm một cách để nó được yên vị.
Ôi trời. Tôi mới nhận ra mình thật sự tin rằng mình có thể đến được MAV. Thấy tôi làm gì chưa? Tôi ngẫu nhiên nói về những việc mình sẽ làm sau khi đến MAV. Nhưng đó chẳng là gì cả. Chẳng phải chuyện to tát gì. Tôi chỉ đi ngang đến Schiaparelli và vui chơi với MAV ở đó.
Tuyệt.
Dù sao đi nữa thì tôi không có một cửa khóa khí nào khác. Tôi có một cái trên rover và một cái trên toa tải, chỉ thế thôi. Chúng kiên quyết ở yên chỗ đó, nên tôi cũng chả thể tháo một cái ra rồi gắn vào phòng ngủ.
Nhưng tôi có thể hoàn toàn dán kín phòng ngủ. Thậm chí tôi còn không cần phải làm mấy việc nửa vời trên đó. Mấu nối cửa khóa khí có một vạt tôi có thể mở ra và dán cửa lại. Bạn có nhớ tôi chôm mấu nối cửa khóa khí từ một cái lều bật. Đó là một cấu trúc khẩn cấp khi mất áp suất lúc ở trong rover. Nó sẽ khá là vô dụng nếu nó không thể tự dán kín mình lại được.
Không may, đó là một thiết bị khẩn cấp, và nó không được thiết kế để có thể sử dụng lại. Nó để cho phi hành gia tự đóng kín mình lại trong lều bật, và phi hành đoàn còn lại dùng con rover kia lái xe đến chỗ con rover bị hỏng và cứu hộ. Đoàn phi hành gia bên con rover còn tốt sẽ tháo lều bật từ con rover bị thủng và kết nối nó với con rover của họ. Rồi họ cắt xi dán để đưa đồng đội ra ngoài.
Để đảm bảo có thể làm được việc này, luật phi vụ bắt buộc mỗi rover không được chứa hơn ba người, và cả hai con rover phải còn hoạt động hoàn hảo nếu không thì chúng tôi không được động đến nó.
Cho nên đây là kế hoạch xuất chúng của tôi: Tôi sẽ không dùng phòng ngủ làm phòng ngủ nữa khi đến chỗ MAV. Tôi sẽ dùng nó để chứa máy tạo ôxy và máy điều hòa không khí. Rồi tôi sẽ dùng toa tải làm phòng ngủ của mình. Thông minh chưa, hả?
Toa tải có khá nhiều chỗ trống. Tôi đã làm đủ thứ việc để tạo ra điều đó. Bong bóng sẽ cho tôi nhiều độ cao bên trong. Không nhiều diện tích mặt sàn, nhưng vẫn rất nhiều chỗ trống trải về chiều dọc.
Ngoài ra, phòng ngủ có vài lỗ van trong phần vải bạt của nó. Nhờ thiết kế của căn Hab mà tôi mới có nó. Phần vải bạt tôi chôm có lỗ van (thật ra là ba lỗ luôn ấy). NASA muốn đảm bảo rằng căn Hab có thể được tiếp khí từ bên ngoài khi cần.
Cuối cùng, tôi sẽ có phòng ngủ dán kính với máy tạo ôxy và máy điều hòa không khí ở bên trong. Nó sẽ được kết nối với toa tải bằng vòi dẫn để chia nguồn khí quyển, và tôi sẽ chạy một nguồn điện đi qua một trong những vòi dẫn ấy. Con rover sẽ đảm nhiệm chức vụ nhà kho (bởi vì tôi sẽ không cần phải dùng đến bàn điều khiển lái xe nữa), và toa tải sẽ hoàn toàn trống trơn. Rôi tôi sẽ có một phòng ngủ cố định. Thậm chí tôi còn có thể dùng nó để làm khu làm việc cho bất cứ những chỉnh sửa MAV trên những bộ phận có thể đi lọt qua cửa khóa khí.
Đương nhiên, nếu máy tạo ôxy và máy điều hòa không khí có vấn đề, tôi sẽ phải cắt phòng ngủ ra để vào sửa chúng. Nhưng tôi đã ở trên này 492 sol và chúng vẫn hoạt động bình thường suốt thời gian ấy, nên rủi ro này tôi chấp nhận được.
Nhật trình: Sol 497
Ngày mai là tôi đến cửa vào của miệng núi lửa Schiaparelli!
Cho rằng không việc gì sơ sảy, cho là vậy đi. Nhưng này, mọi chuyện đã thật suôn sẻ suốt phi vụ này, đúng không? (Nói mỉa mai đó nha.)
Hôm nay là một Ngày Khí và lần đầu tiên tôi không muốn dùng nó. Tôi đã quá gần Schiaparelli đến nỗi tôi có thể nếm hương vị của nó rồi. Tôi đoán có lẽ nó có vị cát, hầu như là vậy, nhưng đó không phải là ý chính.
Đương nhiên, đó sẽ không phải là kết thúc của cuộc hành trình. Còn đến ba sol là đến cửa vào khu MAV, nhưng ôi trời ơi! Tôi gần đến đó rồi!
Tôi nghĩ thậm chí mình có thể nhìn thấy rìa Schiaparelli. Nó ở một khoảng cách xa con mẹ nó vời vợi và chắc nó chỉ nằm trong trí tưởng tượng. Xa tận 62 cây số, nên nếu tôi có thể thấy nó, tôi chỉ hơi hơi thấy nó mà thôi.
Ngày mai, khi đến Miệng Cửa Vào, tôi sẽ đi về hướng Nam và đi vào Lưu vực Schiaparelli qua “Cầu Cửa Vào.” Tôi làm vài tính toán nháp, và độ dốc của nó cũng khá là an toàn. Sự thay đổi độ cao từ lưu vực lên miệng núi là 1.5 km, và Cầu dài ít nhất 45 km. Vậy độ dốc đó chỉ 2 độ mà thôi. Không vấn đề.
Đêm mai, tôi sẽ chìm vào một nơi thấp hơn hẳn mọi nơi!
À, để tôi nói lại…
Đêm mai, tôi sẽ ở điểm thấp nhất!
Không, vậy nghe cũng chẳng hay ho cho lắm…
Đêm mai, tôi sẽ đến cái lỗ được Giovanni Schiaparelli thích nhất!
Ok, tôi thừa nhận nãy giờ mình chỉ đang giỡn chơi thôi.
***
Hàng triệu năm nay, miệng núi lửa thường xuyên bị các cơn gió tấn công. Chúng xói mòn các chỏm đá như một con sông cắt ngang ngọn núi. Qua nhiều thời đại, cuối cùng nó cũng phá vỡ được vách núi.
Áp suất cao bên trong khu vực được những cơn gió tạo ra giờ đã có chỗ để thoát ra. Chỗ nứt càng ngày càng rộng theo từng thiên niên kỷ. Khi chúng mở rộng ra, bụi và cát bị sự xói mòn cuốn theo trôi về lưu vực bên dưới.
Sau cùng, một điểm cân bằng đã đạt được. Cát chất cao đến nỗi chúng ngang bằng với mặt đất bên ngoài miệng núi lửa. Giờ nó không mọc cao thêm mà nó trải ra bên ngoài. Con dốc kéo dài đến khi đạt được một điểm cân bằng khác, một điểm được hình thành bởi sự tương tác phức tạp giữ hàng hà sa số những hạt nhỏ ti li và khả năng tạo thành một góc nhọn của chúng. Cầu Cửa Vào được sinh ra từ đó.
Thời tiết đem đến những đụn cát và địa hình gồ ghề. Những va chạm của miệng núi lửa gần đó đem đến đá sỏi và đá tảng. Hình dáng chúng trở nên không bằng phẳng.
Lực hút làm nhiệm vụ của nó. Cầu bị nén sau một thời gian dài. Nhưng nó không bị nén đồng đều. Mật độ phân bổ khác nhau dẫn đến tỉ lệ sụt lún khác nhau. Có chỗ cứng như đá nhưng có chỗ vẫn còn mềm như bột đá tan.
Trong khi tạo ra một con dốc nhỏ trung bình để đi vào miệng núi lửa, chính cây cầu cũng khá là nhấp nhô và gập ghềnh khủng khiếp.
Khi đến Miệng Cửa Vào, dân cư sao Hỏa duy nhất quay đầu xe đi về Lưu vực Schiaparelli. Địa hình khó khăn của cây cầu khiến anh bất ngờ, nhưng trông nó không tệ hơn với những nơi anh thường đi qua là bao.
Anh đi vòng qua những đụn cát nhỏ và cẩn thận trèo qua những đụn to hơn. Anh lưu ý mỗi khúc quẹo, khúc lên hoặc khúc xuống ở những chỗ tăng độ cao khác nhau, và cả mỗi tảng đá trên đường đi nữa. Mỗi hướng đi anh đều suy nghĩ kĩ và cân nhắc những đường đi khác nhau.
Nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ.
Chiếc rover trong khi đi xuống một con dốc trông có vẻ bình thường, đã lao thẳng xuống một mỏm đá vô hình. Đất cứng dày đặc bỗng dưng nhường đường cho bột đá mềm. Khi cả khu vực đều bị bao phủ bởi lớp cát bụi dày ít nhất năm phân, chẳng có dấu hiệu nào báo trước cho sự thay đổi đột ngột cả.
Bánh xe trước của chiếc rover bị lún xuống. Độ nghiêng bất ngờ làm bánh xe sau phía bên phải hoàn toàn bị hất lên khỏi mặt đất. Mọi sức nặng lập tức đổ dồn vào bánh xe sau bên trái, khiến nó trơn tuột khỏi điểm tựa bấp bênh và cũng lao theo vào khu bột đá.
Trước khi nhà du hành kịp phản ứng, chiếc rover lăn rồi ngả sang một bên. Khi ấy, những bảng pin mặt trời sắp xếp ngay ngắn trên nóc xe bay xuống rải rác khắp nơi như những lá bài vừa được chia.
Toa xe tải, thứ đang được kết nối với chiếc rover bằng một bàn kẹp kéo xe, cũng bị lôi theo. Sức xoắn của kẹp bẻ gãy hợp chất rắn chắc như đang bẻ gãy một nhánh cây giòn sụm. Những ống dẫn nối hai toa xe cũng tháo tung ra. Toa xe tải lao đầu thẳng xuống lớp đất mềm và lật ngược mình nằm lên nóc xe bong bóng của nó, rung rẩy một phát rồi dừng hẳn.
Chiếc rover thì không may mắn như thế. Nó tiếp tục loạng choạng đi xuống đồi, bậc nảy kẻ du hành lên như quần áo quay vòng trong máy sấy. Sau hai mươi mét, bột đá mềm nhường chỗ cho cát đặc cứng hơn rồi mới chịu rùng mình và ngưng lại.
Nó đã chịu nằm nghiêng người nghỉ ngơi. Van dẫn đến chỗ ống dẫn phát hiện ra sự giảm áp bất ngờ liền lập tức đóng lại. Xi dán áp suất vẫn chưa bị rách.
Hiện giờ nhà du hành vẫn còn sống.
[1] Idaho: Tiểu bang trồng khoai tây nổi tiếng của Hoa Kỳ.
[2] Pythagoras là nhà toán học đã tìm ra định luật Pythagore về mối tương quan giữa các cạnh của hình tam giác (a2 + b2 = c2).

Photo Credit: Century Fox Movie