Keep on reading

Người Sao Hỏa (The Martian) by Andy Weir (24)

Người Sao Hỏa

Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho

Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)

Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.

martianedit_464

Mục Lục

1 – 2 3 456 – 789101112 – 13 1415161718 – 1920212223242526


 (24)

 

Các vị bộ trưởng nhìn chằm chằm vào những hình ảnh vệ tinh trên màn hình phóng to.

“Chúa ơi,” Mitch nói. “Chuyện quái gì vừa xảy ra?”

“Chiếc rover lật nghiêng,” Mindy chỉ tay vào màn hình và nói. “Toa xe tải lật ngửa. Những hình chữ nhật vương vãi chính là các bảng pin mặt trời.”

Venkat chống tay dưới cằm mình. “Chúng ta có thông tin gì về tình trạng của toa áp suất trong rover không?”

“Không gì rõ ràng cả,” Mindy nói.

“Có dấu hiệu Watney đang làm gì đó sau tai nạn không? Một chuyến EVA chẳng hạn?”

“Không có chuyến EVA nào,” Mindy nói. “Thời tiết quang đãng. Nếu anh ấy bước ra thì sẽ có dấu chân nhìn thấy được.”

“Đây là toàn cảnh khu vực tai nạn à?” Bruce Ng hỏi.

“Tôi nghĩ thế,” Mindy nói. “Ở phía trên cùng của bức hình, tức là về hướng Bắc, đó là những vết bánh xe bình thường. Ngay đây,” cô chỉ tay vào một chỗ hỗn loạn trên mặt đất, “tôi nghĩ chính là chỗ này là nơi đã xảy ra sự cố. Đánh giá theo vị trí của con mương, tôi cho rằng chiếc rover đã lăn và trượt từ chỗ đó. Cách ông có thể nhìn thấy vết rãnh nó để lại. Toa xe tải lật và nằm ngữa trên nóc của nó.”

“Tôi không nói là mọi chuyện vẫn ổn,” Bruce nói, “nhưng tôi nghĩ rằng nó không xấu như những gì chúng ta thấy.”

“Tiếp đi,” Venkat nói.

“Chiếc rover đã được thiết kế để chịu đựng tình huống lộn nhào,” Bruce giải thích. “Và nếu áp suất bị rút ra thì sẽ có những hoa văn như ngôi sao trên mặt cát. Tôi không thấy cái đó đâu cả.”

“Watney có thể bị thương bên trong,” Mitch nói. “Anh ấy có thể bị đập đầu hoặc gãy tay hoặc đại loại vậy.”

“Chắc thế rồi,” Bruce nói. “Tôi chỉ nói là rover có lẽ vẫn ổn.”

“Hình này chụp khi nào?”

Mindy kiểm tra đồng hồ của mình. “Mười bảy phút trước. Chúng ta sẽ có thêm hình trong vòng chín phút nữa khi quỹ đạo của MGS4 đưa nó vào tầm nhìn.”

“Điều đầu tiên cậu ấy sẽ làm là một chuyến EVA để đánh giá hỏng hóc,” Venkat nói. “Mindy, nhớ cập nhật cho chúng tôi ngay nếu có thay đổi gì.”

 

Nhật trình: Sol 498

Hừm.

Yeah.

Mọi chuyện không suôn sẻ lắm khi đi xuống Lưu vực Schiaparelli. Để cho bạn biết tình huống xấu đến cỡ nào, tôi đang với tay lên máy tính để đánh những dòng này. Bởi vì nó vẫn còn được đóng vào trên bảng điều khiển, và con rover đang nằm nghiêng.

Tôi bị nẩy đủ chỗ, nhưng tôi là một cái máy đã được nâng cấp trong những lúc khủng hoảng. Ngay khi con rover đổ nhào, tôi cuộn tròn người và co rúm lại. Tôi chính là loại anh hùng hành động kiểu đó.

Và cách đó cũng hiệu quả nữa. Vì tôi không bị thương.

Toa áp suất cũng còn nguyên vẹn, đó là một điều tích cực. Những cái van dẫn đến đường ống nối với toa tải đều tắt hết. Có lẽ có nghĩa là mấy ống dẫn đều bị tháo rời ra. Và điều đó có nghĩa là mấu nối toa tải đã bị gãy. Tuyệt vời.

Nhìn quan nội thất trong này, tôi không thấy có thứ gì bị vỡ cả. Và thùng nước vẫn còn kín mít. Chẳng có chỗ rò rỉ rõ ràng nào trên cách thùng khí. Phòng ngủ bị trải ra và nằm ở khắp mọi nơi, nhưng nó chỉ là vải bạt nên nó không thể bị thương tích gì nhiều đâu.

Các điều khiển lái xe vẫn ổn, giờ cái máy tính định vị mới nói với tôi con rover đang nằm ở “một góc nghiêng nguy hiểm không thể chấp nhận được.” Cảm ơn mày nhé, máy!

Tôi lăn, vậy rồi sao. Cũng chẳng phải thế giới tận thế đến nơi. Tôi còn sống và rover không sao. Tôi lo lắng hơn cho mấy bảng pin mặt trời, việc đó có lẽ mới khiến tôi ngã lăn luôn. Và vì toa tải đã bị tháo rời có khả năng cao là nó cũng te tua rồi. Mấy bong bong trên nóc không thể gọi là bền vững gì, và mấy thứ bên trong chắc bị bắn tung tóe tứ phía và tôi phải đi tìm chúng. Đó là hệ thống duy trì sự sống quan trọng của tôi.

Nói về hệ thống duy trì sự sống, con rover đã chuyển sang dùng thùng chứa trong xe khi các van đóng lại. Giỏi lắm, rover! Thưởng mày miếng bánh này.

Tôi còn 20 lít ôxy (đủ để tôi thở thêm 40 ngày) nhưng  nếu không có máy điều hòa (hiện đang nằm trong toa tải) tôi sẽ trở về với việc hấp thụ hóa chất CO2. Tôi còn đầu lọc đủ dùng cho 312 giờ. Thêm 171 giờ từ đầu lọc CO2 trong áo EVA nữa. Tổng cộng chúng sẽ dùng được 483 giờ, vậy là gần 20 sol. Cho nên tôi phải sửa cho mấy cái máy hoạt động trở lại.

Tôi thật rất gần với MAV rồi. Chỉ còn 220 km. Tôi không thể để những chuyện như vậy cản bước tôi đến đó được. Và tôi không cần mọi thứ hoạt động ở mức tối ưu gì nữa cả. Tôi chỉ cần con rover chạy thêm 220 km và hệ thống duy trì sự sống chạy thêm 51 sol nữa. Chỉ vậy thôi.

Đã đến lúc mặc áo vào và đi tìm toa tải.

 

Nhật trình: Sol 498 (2)

Tôi đã làm một chuyến EVA và mọi chuyện cũng không đến nỗi nào. Nhưng nói cho bạn biết chứ, chúng cũng chẳng tốt đẹp mấy.

Tôi bỏ 3 pin mặt trời. Chúng nằm dưới rover và thân hình chúng nát như tương rồi. Có lẽ chúng vẫn còn khả năng nhả ra vài watt, nhưng tôi chẳng hy vọng gì nhiều. Tôi đã đem theo một bảng pin phòng hờ. Tôi cần 28 bảng cho những hoạt động thường ngày và tôi đem theo 29 bảng (14 nằm trên nóc rover, 7 trên nóc toa tải và 9 nằm trên hai cái kệ tự chế tôi đóng vào hai bên xe).

Tôi cố đẩy con rover lật qua, nhưng tôi không đủ sức. Tôi phải làm cái gì đó để đòn bẩy nó lên. Ngoài chuyện nó nằm nghiêng người, tôi không thấy có vấn đề gì cả.

À, đó không phải sự thật. Cái móc kéo xe bị hư đến độ không thể sửa chữa gì nữa. Phân nữa của nó nứt toạc ra. May thay, toa tải cũng có một móc kéo xe, nên tôi có một cái phòng hờ.

Toa tải đang trong tình huống hiểm nghèo đây. Nó nằm chổng chân lên trời trên cái nóc xe vẫn chưa xì hơi. Tôi không chắc vị thần thánh nào đang mỉm cười với tôi và ngài đã giữ cho cái bong bóng ấy không bị nổ, nhưng tôi thấy thật biết ơn. Điều quan trọng nhất bây giờ của tôi là sửa nó. Nó đặt trọng lượng lên cái bong bóng đó càng lâu thì càng nhiều khả năng nó sẽ nổ sớm.

Khi ở ngoài đây, tôi thu về hết 26 bảng pin mặt trời chưa bị con rover đè bẹp dí và dựng chúng lên để sạc pin. Sẵn làm luôn, đúng không?

Cho nên hiện giờ, tôi có vài vấn đề để giải quyết: Đầu tiên, tôi cần lật toa tải lại. Hoặc ít nhất là giảm sức nặng bên trên bong bóng. Tiếp theo, tôi cần đẩy con rover đứng lên. Sau cùng, tôi cần thay thế móc kéo của con rover với móc bên toa tải.

Ngoài ra, tôi nên đánh vần một tin nhắn cho NASA. Chắc bọn họ đang lo lắng.

 

***

 

Mindy đọc lớn tin nhắn Morse. “Lật. Đang sửa.”

“Cái gì? Chỉ thế thôi à?” Venkat nói qua điện thoại.

“Anh ấy chỉ nói nhiêu đó thôi à,” cô báo cáo, điện thoại kẹp trên cổ còn tay vừa đánh máy một email cho những người liên quan.

“Chỉ ba chữ? Chẳng có gì về tình trạng sức khỏe của cậu ta? Thiết bị thì sao? Đồ dự trữ thế nào?”

“Ông bắt chẹt được tôi rồi đấy,” cô nói. “Anh ấy viết lại một báo cáo tình trạng chi tiết. Chỉ là tôi quyết định nói dối mà chẳng vì một lý do gì cả.”

“Buồn cười nhỉ,” Venkat nói. “Còn dám hóm hỉnh với một tay ở trên cô những bảy vị trí trong công ty. Để coi sau này cô ra sao.”

“Ôi, thôi rồi,” Mindy nói. “Có lẽ tôi sẽ mất việc làm kẻ biến thái nhìn lén xuyên hành tinh? Tôi đoán mình sẽ phải dùng bằng Thạc sĩ chuyên ngành cho công việc nào khác rồi.”

“Tôi nhớ cái lúc cô còn e thẹn.”

“Giờ tôi là paparazzi không gian rồi. Thái độ đó đi đôi với công việc.”

“Được rồi, được rồi,” Venkat nói. “Thôi gửi email đi.”

“Gửi rồi.”

 

Nhật trình: Sol 499

Hôm nay tôi khá bận rộn và tôi làm xong nhiều thứ lắm.

Người tôi bắt đầu hơi ê ẩm rồi. Tôi phải ngủ trên bức tường của con rover. Phòng ngủ không thể bung ra được khi cửa khóa khí nằm ngửa mặt lên trời. Nhưng tôi cũng dùng phòng ngủ được chút đỉnh. Tôi xếp nó lại rồi dùng nó làm giường nằm.

Nhưng cũng đủ để nói rằng bức tường của rover vốn không được làm để ngủ trên đó. Nhưng sau một củ khoai sáng và viên Vicodin giảm đau, tôi đã thấy đỡ hơn nhiều.

Ban đầu tôi cho là nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là sửa toa tải. Nhưng rồi tôi đổi ý. Sau khi xem xét nó kỹ càng, tôi quyết đình rằng tự mình không bao giờ có thể lật nó lên. Tôi cần con rover.

Nên hôm nay tôi chú tâm vào việc lật con rover lại trước.

Tôi đem tất cả dụng cụ của mình cho chuyến đi này, vì tôi cho là mình sẽ cần chúng để chỉnh sửa MAV. Ngoài những thứ đó tôi còn đem theo một sợi dây cáp. Sau khi tôi thiết lập mọi thứ ở khu MAV, pin mặt trời và pin năng lượng của tôi sẽ ở một vị trí cố định. Tôi không muốn di chuyển con rover vòng quanh mỗi khi tôi cần dùng máy khoan ở phía bên kia MAV. Nên tôi đem theo một dây cáp điện có thể tôi có thể chứa vừa vặn bên trong xe.

Đó là một thứ tốt nữa. Bởi vì nó còn có thể dùng làm dây kéo.

Tôi lục tìm sợi dây cáp to nhất mình có. Nó cũng là sợi tôi dùng để cung cấp điện và thủ tiêu Pathfinder. Tôi gọi nó là “Dây cáp may mắn.”

Tôi cắm một đầu dây vào pin năng lượng và đầu kia vào máy khoan khét tiếng. Rồi tôi đi đem máy khoan đi dạo để tìm chỗ đất nào rắn chắc. Khi tìm được chỗ, tôi đi tiếp đến khi đường dây cáp không thể đi xa hơn được nữa. Tôi dùng mũi khoan 1 mét để khoan một lỗ sâu nửa mét vào tảng đá, rồi rút dây điện, và cột nó vòng quanh đế mũi khoan.

Rồi tôi quay lại con rover và vột đầu dây lên giàn giá trên nóc xe ở khúc cao hơn. Giờ tôi có một sợi dây dài, căng, nằm vuông góc với rover.

Tôi đi đến giữa sợi dây và kéo nó theo chiều ngang. Lợi thế đòn bẩy từ con rover thật to lớn. Tôi chỉ hy vọng nó không làm vỡ mũi khoan trước khi nó lật con rover lại.

Tôi lùi lại, tiếp tục kéo dây thêm nữa. Một bên phải chịu thua thôi, và đó sẽ không phải là tôi đâu. Tôi có Archimedes bên phe mình. Con rover cuối cùng cũng lật lại.

Nó đáp xuống đất bằng bánh xe của mình, hất tung tóe một đám mây bụi mềm. Đó là một cú đáp xuống yên tĩnh. Tôi đứng đủ xa để bầu khí quyển mong manh ấy chẳng có hy vọng nào trong việc truyền tải âm thanh đến chỗ tôi.

Tôi tháo sợi dây điện ra, và phóng thích cho mũi khoan nữa, rồi trở về con rover. Tôi chạy một đợt kiểm tra tổng thể. Đó là một nhiệm vụ chán như con gián nhưng tôi vẫn phải làm. Mọi hệ thống lớn nhỏ đều hoạt động bình thường.

JPL quả đã làm rất tốt trong việc chế tạo con rover. Nếu tôi về lại được Trái Đất, tôi sẽ mua cho Bruce Ng một ly bia. Đúng ra là tôi nên mua mỗi người trong bộ JPL một ly bia.

Nếu tôi về lại được Trái Đất ai tôi cũng mua bia cho hết.

Dù sao đi nữa, với con nằm lại trên bánh xe, đã đến lúc làm việc với toa tải. Vấn đề là, tôi đang ở trong miệng núi lửa.

Khi tôi bị lật rover thì tôi đã đi xuống gần hết bờ cầu dốc rồi. Và bờ cầu lại nằm cạnh rìa Tây của miệng núi lửa. Từ chỗ của tôi nhìn ra thì mặt trời lặn rất sớm. Tôi nằm trong bóng mát của bức tường phía Tây. Và chuyện này thật bất lợi vô cùng.

Sao Hỏa không phải Trái Đất. Nó không có bầu khí quyển dày đặt để bẻ cong ánh sáng và cũng không có những hạt li ti để phải chiếu ánh sáng xung quanh. Nó cũng ở trong tình trạng gần như là chân không. Nếu mặt trời không thể trông thấy được, thì tôi ở trong bóng tối. Phobos cho tôi chút ánh trăng, nhưng không đủ để làm gì cả. Deimos là một thằng vô dụng chẳng giúp ích được ai cả.

Tôi không muốn phải để toa tải nằm trên bong bóng thêm một đêm nữa, nhưng chẳng có cách nào khác. Tôi đoán nó sẽ sống còn thêm một ngày như thế nữa. Giờ chắc nó đã ổn định rồi.

 

Nhật trình: Sol 500

Sáng nay tôi tỉnh giấc, bong bóng toa tải vẫn chưa nổ. Đó là một khởi đầu tốt đẹp.

Toa tải là một thử thách khó khăn hơn rover. Tôi chỉ cần phải lật ngang rover. Với toa tải tôi phải lật ngửa nó ra. Điều đó đòi hỏi nhiều lực hơn mẹo đòn bẩy nho nhỏ hôm qua.

Bước đầu tiên là lái rover đến gần toa tải. Rồi bước tiếp theo là đào đất.

Ôi Chúa ơi cái việc đào đất.

Toa tải nằm chổng chân lên trời, chúi mũi xuống dốc. Tôi quyết định rằng cách tốt nhất là tận dụng con dốc và lăn toa tải qua mũi nó. Cơ bản là cho nó nhảy lộn mèo một cú rồi đáp xuống bằng bánh xe.

Tôi có thể làm được điều này bằng cách cột dây cáp vào đuôi toa tải và dùng rover để kéo. Nhưng nếu tôi cố làm thế mà không đào một cái lỗ trước, toa tải chỉ trượt dài trên mặt đất mà tôi. Tôi cần nó lật nghiêng lên một cái. Tôi cần một cái lỗ đủ to để mũi toa rơi vào đó.

Nên tôi đào một cái lỗ. Một cái lỗ rộng một, mét dài ba mét, sâu một mét. Phải tốn hết bốn giờ lao động cực nhọc trong đau khổ thì tôi mới làm xong.

Tôi nhảy vào bên trong rover là lái xuống dốc, kéo theo toa tải với xe mình. Như tôi hy vọng, mũi xe rơi vào trong cái lỗ và lật ngược lên. Từ chỗ đó, nó đáp xuống bánh xe của mình và hẩy lên một chùm khói bụi.

Rồi tôi ngồi đó một hồi, chết điếng người ngạc nhiên rằng kế hoạch của mình thật sự đã thành công.

Và giờ trời lại sụp tốt rồi. Tôi nóng lòng muốn đi khỏi cái bóng chết tiệt này. Tôi chỉ cần một ngày lài xe về hướng MAV nữa là sẽ đi xa khỏi bức tường. Nhưng giờ lại là một đêm tối sớm.

Cả đêm nay tôi không có toa tải để quản lý hệ thống duy trì sự sống cho mình. Có thể nó đã được lật lại, nhưng tôi hoàn toàn không biết mấy thứ quỷ bên trong còn hoạt động hay không. Con rover vẫn còn nhiều đồ dự trữ cho tôi.

Tôi dành thời gian còn lại của buổi tối để tận hưởng một củ khoai. Và khi nói “tận hưởng” thì ý tôi muốn nói là “ghét nó quá tôi muốn giết người.”

 

Nhật trình: Sol 501

Tôi bắt đầu một ngày với trà không gì. Trà không gì dễ làm lắm. Trước tiên, lấy chút nước nóng, sau đó thêm vào không gì cả. Tôi thử nghiệm với vỏ khoai tây cách đây vài tuần. Nói ít lại về việc đó thì tốt hơn.

Hôm nay tôi đánh bạo đi vào bên trong toa tải. Chẳng phải nhiệm vụ dễ dàng. Bên trong thật chật chội, tôi phải bỏ bộ áo EVA của mình lại trong cửa khóa khí.

Đầu tiên tôi phát hiện bên trong cực kỳ nóng bức. Phải mất vài phút tôi mới hiểu ra tại sao.

Máy điều hòa vẫn hoạt động hoàn hảo, nhưng nó chẳng có việc gì để làm cả. Nó không được kết nối với rover, nên nó chẳng phải xử lý chút CO2 nào. Khí quyển bên trong toa tải vẫn bình thường, sao lại phải thay đổi chứ?

Vì chẳng có gì cần điều hòa, khí không được bơm ra BPBNCMĐH để đông lạnh – cách ly. Và do đó chẳng quay trở vào dưới dạng chất lỏng cần được đun nóng.

Nhưng nhớ này, con RTG lúc nào cũng tỏa nhiệt. Bạn không thể bắt nó ngưng được. Nên nhiệt cứ tích tụ lại. Cuối cùng, mọi thứ đến một điểm cân bằng và nhiệt tỏa ra từ vỏ xe cũng nhanh như RTG có thể thêm vào. Nếu bạn tò mò, điểm cân bằng chính là ở nhiệt độ oi ả 41 độ C.

Tôi chạy một chẩn đoán toàn diện trên máy điều hòa và máy tạo ôxy và tôi xin vui vẻ báo cáo rằng chúng vẫn hoạt động hoàn hảo.

Thùng nước của RTG thì trống rỗng, cũng không phải là chuyện ngạc nhiên gì. Nó là một cái thùng không nắp, và nó vốn không có dự ý định nằm lộn ngược như thế. Sàn toa tải có rất nhiều vũng nước khiến tôi phải mất một hồi lâu mới thấm hết nước qua bộ đồ liền thân của mình. Tôi đổ nước đầy thùng từ bể chứa kín mà tôi đã bỏ vào toa tải trước đó. Bạn có nhớ tôi cần thùng nước đó để đường dẫn khí về có chỗ mà nổi bong bóng qua. Đó chính là hệ thống sưởi của tôi.

Mấy cái ống dẫn nối rover và toa tải được thiết kế khá bền vững, chúng bị tháo ra mà không vỡ vụn. Tôi gắn chúng lại dễ dàng và hai toa xe lại có thể chia sẻ hệ thống duy trì sự sống.

Cái chính tôi cần phải sửa chính là móc kéo. Nó hư hỏng hoàn toàn. Nó lãnh đủ lực trong vụ va chạm. Nhưng như tôi đã nghi, móc kéo của toa tải không hề hấn gì. Nên tôi thay nó với rover và kết nối hai toa xe lại.

Như đã kể, vụ va chạm nhỏ này ngốn của tôi hết 4 sol Giờ tôi đã có thể tiếp tục hành động.

Đại loại vậy.

Nếu tôi lại gặp phải một hố cát bột thì sao? Lần này tôi may mắn. Nhưng lần sau chưa chắc thoát được dễ dàng như thế. Tôi nghĩ đây là một tai nạn kỳ quái. Vấn đề ở chỗ một bánh xe nằm trong đất rắn chắc còn bánh kia nằm trong cát bột mềm.

Tôi cần một phương pháp để chắc chắc mặt đất trước mặt tôi an toàn. Ít nhất trong khoảng thời gian còn đi trên cầu. Khi vào hẳn Lưu vực Schiaparelli rồi thì tôi sẽ có thể yên tâm đi trên địa hình cát quen thuộc.

Nếu tôi có thể có được bất cứ thứ gì, đó sẽ là cái radio để hỏi NASA tìm một lối đi an toàn xuống cầu. À mà không, nếu tôi có thể có được bất cứ thứ gì, đó sẽ là một Nữ hoàng sao Hỏa da xanh lá xinh đẹp đến cứu tôi và nàng sẽ được học một thứ thuộc về Trái Đất gọi là “yêu đương âu yếm.”

Đã lâu rồi tôi chưa thấy một người phụ nữ nào. Chỉ nói vậy thôi đủ rồi.

Dù sao thì, để đảm bảo mình không đâm sầm lần nữa, tôi sẽ… Nghiêm túc đấy nhé… đã không gặp phụ nữ cả vài năm rồi. Tôi đâu đòi hỏi gì nhiều. Và tin tôi đi, ngay cả dưới Trái Đất, một kỹ sư cơ khí kiêm nhà thực vật học chẳng phải là những tay có mấy quý cô đứng xếp hàng trước cửa. Nhưng mà, thôi đi.

Dù sao thì, tôi sẽ lái chậm hơn. Như là… sên bò vậy. Như thế sẽ giúp tôi có đủ thời gian phản ứng nếu một bánh xe bị lún xuống. Ngoài ra, vận tốc thấp hơn sẽ giúp tôi có thêm lực xoay, và giảm khả năng tôi bị mất sức kéo.

Đến tận lúc này thì tôi đã lái 25 km/giờ, nhưng giờ tôi phải giảm xuống còn 5 km/giờ. Tôi vẫn còn ở phần trên của cầu, và cả bờ cầu chỉ 40 km thôi. Tôi sẽ đi chậm thôi để an toàn xuống được chân cầu. Sẽ mất khoảng 8 giờ.

Ngày mai tôi sẽ làm thế. Hôm nay tôi lại hết ánh sáng ban ngày nữa rồi. Còn một khích lệ nữa là: Một khi đi xuống bờ cầu dốc, tôi có thể đi đường thẳng đến MAV, và nó sẽ đưa tôi tránh xa vách tường miệng núi lửa. Tôi sẽ được tiếp tục tận hưởng cả ngày trời sáng thay vì chỉ phân nữa.

Nếu tôi trở về được Trái Đất, tôi sẽ nổi tiếng, đúng không nào? Một phi hành gia dũng cảm đánh bại số phận, đúng không? Tôi cá là mấy cô rất thích điều đó.

Càng có thêm động cơ thúc đẩy sự sinh tồn.

 

***

 

“Xem ra anh ta sửa chữa mọi thứ rồi,” Mindy giải thích. “Và tin nhắn của anh ấy hôm nay là ‘GIỜ TỐT HƠN RỒI’  nên tôi đoán là anh ấy đã sửa cho mọi thứ hoạt động trờ lại.”

Cô quan sát những gương mặt rạng nở nụ cười quanh phòng họp.

“Tuyệt quá,” Mitch nói.

“Tin tốt lành,” giọng Bruce vang ra từ loa điện thoại.

Venkat nghiêng người về phía trước nói vào loa: “Kế hoạch chỉnh sửa MAV đến đâu rồi Bruce? JPL sẽ sớm sẵn sàng với quy trình đó chứ?”

“Chúng tôi đang làm không ngơi nghỉ cho xong đây,” Bruce nói. “Chúng tôi đã vượt qua mất khó khăn lớn. Giờ chỉ tính thêm những chi tiết nhỏ.”

“Tốt, tốt,” Venkat nói. “Có gì bất ngờ tôi cần biết không?”

“Ừm…” Bruce nói. “Vâng, có vài thứ. Đây có lẽ không phải là chỗ tốt để bàn. Một hai ngày nữa tôi sẽ đem quy trình về Houston. Khi đó chúng ta sẽ nghiên cứu nó.”

“Đáng ngại đấy,” Venkat nói. “Nhưng không sao. Chúng ta sẽ bàn tiếp sau.”

“Tôi có thể lan truyền tin tức không?” Annie hỏi. “Sẽ thật hay nếu tối nay được xem tin nào khác chứ không phải những tin tức về vụ tai nạn rover.”

“Đương nhiên rồi,” Venkat nói. “Sẽ rất tuyệt khi có tin tốt thay đổi không khí một chút. Mindy, còn bao lâu thì cậu ta sẽ đến MAV?”

“Vận tốc bình thường của cậu ta là 90 km/sol,” Mindy nói, “anh ấy sẽ đến đó khoảng Sol 504. Nếu đi chậm thì Sol 505. Anh ấy thường chạy vào buổi sáng sớm, xong vào ban trưa.” Cô kiểm tra một cái app trên máy tính. “Trưa Sol 504 sẽ là 11:41 sáng thứ Tư ở Houston đây. Trưa Sol 505 là 12:21 trưa ngày thứ Năm.”

“Mitch, ai đang xử lý vụ liên lạc với MAV của Ares 4?”

“Đội điều hành phi vụ Ares 3,” Mitch đáp. “Nó sẽ ở trong phòng điều khiển 2.”

“Tôi cho là anh sẽ ở đó?”

“Đương nhiên là tôi sẽ ở đó.”

“Tôi cũng vậy.”

 

Nhật trình: Sol 502

Mỗi năm vào Lễ Tạ ơn, gia đình tôi thường lái xe từ Chicago về Sandusky, một chặng đường 8 tiếng lái xe. Đó là nơi dì tôi sống. Lúc nào bố tôi cũng lái xe, và ông là người lái chậm nhất, cẩn thận nhất từng chạm tay vào bánh lái.

Nói nghiêm túc đấy. Ông lái như thể ông đang thi lái xe không bằng. Chẳng bao giờ vượt quá vận tốc giới hạn, luôn để tay ở vị trí kim đồng hồ 10 giờ và 2 giờ trên bánh lái, chỉnh gương chiếu hậu trước khi khởi hành, kiểu cận thận nào cũng có.

Thật sự rất tức muốn hộc máu. Chúng tôi cứ tàn tàn trên xa lộ, xe hơi chạy vụt qua hết trái rồi phải. Vài người còn bấm còi inh ỏi bởi vì, thành thật mà nói, lái xe ở vận tốc giới hạn biến bạn thành mối nguy hại trên đường. Tôi chỉ muốn nhảy ra và đẩy cho xe đi nhanh hơn.

Cả ngày hôm nay tôi cảm thấy thế đó. Năm km/giờ nói trắng ra chính là vận tốc đi bộ. Và tôi ì ạch lái kiểu đó suốt tám tiếng.

Nhưng vận tốc chậm như thế đảm bảo tôi sẽ không rơi vô một cái hố cát bột nào nữa trên đường đi. Và đương nhiên tôi đã không gặp thêm cái nào nữa. Tôi đã có thể lái vận tốc tối đa mà chẳng phải vấn đề gì. Nhưng thôi thà chậm mà chắc.

Tin tốt lành là tôi đã đi xuống khỏi bờ cầu dốc. Tôi cắm lều ngay khi địa hình bằng phẳng trở lại. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ lái xe hôm nay. Tôi có thể đi xa hơn, tôi vẫn còn chừng 15% nguồn pin, nhưng tôi muốn tận dụng thu về càng nhiều ánh sáng mặt trời cho pin mặt trời khi có thể.

Cuối cùng thì tôi đã ở trong Lưu vực Schiaparelli. Cũng cách xa tường miệng núi lửa nữa. Từ hôm nay trở đi tôi mỗi ngày tôi sẽ có đủ cả ngày ánh sáng.

Tôi quyết định đã đến lúc cho một dịp rất đặc biệt. Tôi ăn phần ăn có tên “Sống sót một sự kiện đáng lý đã giết chết tôi”. Ôi chúa ơi, tôi quên mất thức ăn thật nó ngon làm sao.

Nếu may mắn, tôi sẽ được ăn “Đến nơi” trong vòng vài sol nữa thôi.

 

Nhật trình: Sol 503

Hôm qua tôi đã không sạc nhiều như tôi thường làm. Bởi vì tôi đã kéo dài thời gian lái xe, tôi chỉ sạc được 70% trước khi trời tối. Nên hôm nay việc lái xe sẽ được rút ngắn lại.

Tôi đi được 63 km thì lại phải cắm lều. Nhưng tôi không lo. Vì tôi chỉ cách MAV có 148 km thôi. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ đến đó vào sol tới.

Trời đất quỷ thần, tôi thật sự sẽ đến đó được!

 

Nhật trình: Sol 504

Ôi ông bà ông vãi ơi thật tuyệt quá! Trời đất quỷ thần ơi! Trời đất quỷ thần ơi!

Ok bình tĩnh. Bình tĩnh.

Tôi đã đi được 90 km. Theo ước tính của mình, tôi chỉ còn cách MAV 50 km. Trong vòng ngày mai tôi sẽ đến nơi. Tôi rất phấn khởi về chuyện đó, nhưng đây mới là chuyện tôi thật sự thấy hào hứng: Tôi bắt được sóng từ MAV!

NASA đã cho MAV phát sóng gọi Ares về. Tại sao họ lại không làm thế? Chuyện đó hoàn toàn hợp lý. Không như những thiết bị sắp ngủm của tôi, MAV là một bộ máy mới toanh mới toe, hoạt động hoàn hảo, và sẵn sàng làm nhiệm vụ được giao. Và họ cho nó giả trang thành căn Hab của Ares 3 để con rover của tôi có thể bắt sóng và cho tôi biết nó đang ở đâu.

Đó là một ý tưởng đặc biệt xuất chúng! Tôi sẽ không phải lang thang tìm kiếm nó. Tôi sẽ đi thẳng đến đó.

Tôi chỉ bắt được tiếng bíp. Tôi sẽ có nhiều tín hiệu hơn khi đến gần hơn. Thật khó mà tưởng tượng các đụn cát sẽ ngăn cản tôi nghe MAV đang nói gì, nhưng nó lại có thể liên lạc với Trái Đất mà không có vấn đề nào. Chiếc MAV có ba hệ thống dư thừa để liên lạc với Trái Đất. Chúng cực kỳ trực tiếp và được thiết để để liên lạc theo tầm nhìn thẳng. Và chẳng có đụn cát nào giữa nó và Trái Đất khi liên lạc.

Bằng cách nào đó họ đã chỉnh sửa gì để tạo ra tín hiệu radio, dù nó yếu ớt cỡ nào. Nhưng tôi đã nghe thấy!

Tin nhắn của ngày hôm nay là “NHẬN TÍN HIỆU.” Nếu tôi có đủ sỏi đó, tôi sẽ viết thêm “Ý TƯỞNG TUYỆT”A. Nhưng khu vực ấy toàn cát không thôi.

 

***

 

Chiếc MAV chờ đợi ở khu Tây Nam Schiaparelli. Nó đứng thẳng với một chiều cao 27 mét ấn tượng, thân hình hình chóp của nó lập lòe chiếu sáng giữa ánh nắng ban trưa.

Chiếc rover trèo lên đụn cát gần đó, kéo theo toa tải theo sau. Nó đi chậm lại vài phút, rôi tiếp tục đi về hướng con tàu với vận tốc tối đa. Nó dừng hẳn ở cách đó hai mươi mét.

Ở đó nó dừng lại chừng mười phút trong khi phi hành gia bên trong mặc áo vào.

Anh phấn chấn vấp chân khi bước ra khỏi cửa khóa khí, ngã nhào xuống đất rồi trườn người đứng lên. Anh ngắm nhìn chiếc MAV, dùng cả hai tay ra hiệu cho nó, như thể anh không tin vào mắt mình.

Anh tung người lên không trung vài lần, bàn tay nắm chặt giơ lên cao. Rồi anh khụy một đầu gối xuống và tự cụng tay mình nhiều lần.

Anh chạy về phía con tàu, ôm lấy Thanh chống Hạ cánh B. Sau vài phút, anh tự tách mình khỏi cái ôm chặt rồi trình diễn thêm một vòng quạy quanh đó để ăn mừng.

Giờ đã mệt mỏi, phi hành gia đứng chống nạnh, nhìn lên những đường viền bóng mượt của kỳ công ngành kỹ sư trước mắt mình.

Anh leo những bậc thang lên tầng hạ cánh, với tay vào tầng đi lên và đi vào cửa khóa khí. Anh đóng cánh cửa lại sau lưng mình.


Photo Credit: Space.com

« »
%d bloggers like this: