Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(9)
Nhật trình: Sol 79
Đã là buổi chiều ngày đi đường thứ tám của tôi. Cho đến thời điểm này, chuyến Sirius 4 vẫn thành công tốt đẹp.
Tôi đã bắt đầu quen với những việc hằng ngày. Mỗi sáng tôi thức dậy lúc bình minh. Trước hết tôi kiểm tra định mức ôxy và CO2. Rồi tôi ăn một khẩu phần cho bữa sáng và uống một ly nước. Sau đó, tôi đánh răng, sử dụng càng ít nước càng tốt, và dùng dao cạo điện để cạo râu.
Con rover không có toilet. Theo kế hoạch chúng tôi phải dùng hệ thống cải tạo trong bộ áo du hành cho việc đó. Nhưng nó chẳng hề được thiết kế để giữ “sản lượng” của hai mươi ngày “làm việc.”
Nước tiểu ban sáng của tôi được đổ vào một hộp nhựa có thể đóng mở được. Khi tôi mở hộp, con rover bốc mùi nồng nặc như thể nó là cái toilet công cộng bên đường cao tốc vậy. Tôi có thể đem nó ra ngoài và để nó tự sôi lên và bốc hơi đi. Nhưng tôi đã làm việc cật lực mới làm được nhiêu đó nước, và còn lâu tôi mới hoang phí chúng đi. Tôi sẽ cho nó vào máy lọc nước khi tôi về đến nhà.
Phân bón của tôi còn quý giá hơn. Nó rất cần thiết cho nông trại khoai tây của tôi và tôi là nguồn phân bón duy nhất trên sao Hỏa. May thay, khi bạn ở trong không gian quá lâu, bạn học được cách đi đại tiện vào một cái túi. Và nếu bạn nghĩ mở cái hộp nước tiểu ra là chuyện kinh khủng, thử tưởng tượng “mùi hương” của nó mỗi khi tôi “thả neo.”
Rồi tôi đi ra ngoài để thu về các bảng pin mặt trời. Vì sao tôi không làm việc ấy vào buổi tối hôm trước? Bởi vì cố gắng tháo gỡ và chất chồng các bảng pin trong tình trạng tối đen như mực đến là chết tiệt chẳng phải là chuyện sung sướng gì. Nhờ kinh nghiệm không mấy tốt đẹp mà tôi đã học được điều đó.
Sau khi cột chặt các bảng pin, tôi trở vào trong, mở nhạc dở tệ của thời 70, và bắt đầu chạy. Tôi lăng xăng chạy ở vận tốc 25km/giờ, tốc độc tối đa của con rover. Bên trong cũng thoải mái. Tôi mặc cái quần sọt được tôi cắt ngắn trong vội vã và một chiếc áo mong manh, còn RTG thì nung nóng mọi thứ phía trong. Khi bên trong nóng không thể chịu được tôi tháo vật liệu cách nhiệt được dán vào thân xe bằng băng keo đa dụng. Khi bên trong bắt đầu lạnh, tôi lại dán nó lại.
Tôi có thể đi gần 2 giờ đồng hồ cho đến khi hết pin. Tôi làm một chuyến EVA chóng vánh để đổi dây cáp, rồi chạy tiếp cho đến hết phần còn lại của một ngày lái xe.
Địa hình rất bằng phẳng. Sườn xe bên dưới của con rover cao hơn tất cả những tảng đá ở khu này, và những ngọn đồi đều chỉ hơi thoai thoải, trơn tru nhờ những cơn bão cát của vài niên kỷ vừa qua.
Khi bảng pin kia hết cũng là lúc làm một chuyến EVA nữa. Tôi kéo các bảng pin mặt trời xuống khỏi nóc xe và đặt chúng trên mặt đất. Cứ vài sol, tôi lại sắp chúng thành một hàng. Giờ thì tôi để đại chúng xuống đâu đó miễn gần con rover, chẳng qua cũng chỉ do lười biếng mà thôi.
Rồi tiếp theo là phần nhạt nhẽo đáng kinh ngạc của ngày. Tôi ngồi lơ ngơ suốt 12 giờ đồng hồ chẳng có gì để làm. Và tôi bắt đầu chán ngấy con rover này rồi. Kích cỡ bên trong của nó to chừng chiếc xe tải van. Nghe ra dường như có nhiều chỗ lắm, nhưng bạn thử bị mắc kẹt trong chiếc van suốt 7 ngày xem. Tôi mong ngóng đến ngày được chăm sóc đám khoai tây của mình trong căn Hab rộng rãi.
Tôi nhớ quê hương Hab của mình. Chuyện này khốn nạn đến mức nào chứ?
Tôi có vài chương trình TV chán phèo của những năm 70 để xem, và cả đống tiểu thuyết Poirot để đọc. Nhưng tôi dành phần lớn thời gian của mình nghĩ về Ares 4. Một ngày nào đó tôi phải làm cuộc hành trình ấy. Làm thế nào mà tôi có thể sống sót chuyến đi 3.200 km trong cái chiếc xe quỷ này? Sẽ mất chừng 50 ngày. Tôi cần máy lọc nước và máy ôxy, có lẽ cả vài pin chính của căn Hab, rồi một mớ pin mặt trời để sạc tất cả mọi thứ… tôi sẽ để hết mấy thứ ấy ở đâu? Những suy nghĩ ấy quấy rầy tôi suốt những chán chường dài đăng đẳng này.
Cuối cùng thì trời cũng tối và tôi thấy mệt. Tôi nằm giữa đống thức ăn, thùng nước, thùng ôxy dự trữ, một chồng bộ lọc CO2, thùng nước tiểu, bịch phân, và vài vật dụng cá nhân. Tôi có vài bộ quần áo để làm ra trải giường, cùng với mền và gối. Căn bản là mỗi đêm tôi đều ngủ trên đống rác.
Nói đến ngủ… Ngủ ngon nhé.
Nhật trình: Sol 80
Theo tính toán của mình thì tôi cách chiếc Pathfinder chừng 100 km. Nói đúng ra thì nó là “Trạm Tưởng niệm Carl Sagan.” Nhưng dù có tôn trọng Carl cách mấy, tôi có thể gọi nó bất cứ cái tên quỷ nào tôi muốn. Tôi là Vua Sao Hỏa.
Như tôi đã nói, chuyến đi này vừa dài vừa chán. Và tôi vẫn còn một chuyến về. Nhưng này, tôi là một phi hành gia. Những cuộc du hành dài mòn mỏi còn hơn cổ cò chính là nghề của tôi.
Định vị thì hơi khó khăn.
Pha vô tuyến dùng để định vị của căn Hab chỉ có thể đi xa được đến 40 km, xa hơn nữa thì tín hiệu rất yếu. Tôi biết đó sẽ là vấn đề khi tôi lên kế hoạch cho chuyến đi phượt nho nhỏ này, nên tôi đã nghĩ ra một kế hoạch tuyệt diệu không thực hành được.
Máy tính có một bản đồ chi tiết, nên tôi kết luận rằng mình có thể định vị bằng những điểm mốc địa hình. Tôi đã sai. Hóa ra bạn không thể định vì bằng điểm mốc địa hình nếu bạn không thể tìm ra bất kỳ một điểm mốc meo nào.
Khu hạ cánh của chúng tôi nằm trên một đồng bằng của một dòng sông đã cạn từ mấy kiếp. Nếu có một mẩu hóa thạch tí ni nào, đó chính là nơi để tìm kiếm. Ngoài ra, nước đã kéo gạch đá và mẩu đất từ những nơi cách cả ngàn cây số đến đây. Chỉ cần đào bới chút là chúng tôi có thể có được lịch sử địa chất khái quát.
Điều đó thật tuyệt cho khoa học, nhưng nó có nghĩa là căn Hab nằm trong một khu đất hoang không sử dụng được cũng không có đặc điểm đáng chú ý nào.
Tôi cân nhắc chuyện làm một chiếc compa. Con rover có nhiều điện và trong mớ đồ y tế có kim. Chỉ một vấn đề: Sao Hỏa không có cực tính.
Thế nên tôi phải định vị bằng Phobos (vệ tinh tự nhiên lớn nhất của sao Hỏa). Nó đánh vòng quanh sao Hỏa nhanh đến nỗi mỗi ngày nó mọc lặn đến hai lần, đi từ Tây sang Đông. Đó không phải là hệ thống chính xác nhất, nhưng dùng cũng được.
Mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn vào Sol 75. Tôi đến một thung lũng khi nó mọc lên ở hướng Tây. Nơi đó địa hình bằng phẳng nên lái cũng khá dễ dàng, tôi chỉ cần men theo vành đai của những ngọn đồi mà đi. Tôi gọi nó là “Thung lũng Lewis”, đặt theo tên vị thủ lãnh can đảm của bọn tôi. Một con mọt địa chất như cô hẳn sẽ thích nơi đó.
Ba sol sau, Thung lũng Lewis mở rộng ra thành một vùng đồng bằng lớn. Thế rồi, lại một lần nữa, tôi chẳng có điểm mốc nào để lần theo và lại dùng Photo để dẫn đường cho mình. Có lẽ có là một dấu hiệu. Phobos là vị thần của sự sợ hãi. Thật chẳng phải một dấu hiệu tốt.
Nhưng hôm nay, vận mệnh của tôi cuối cùng cũng thay đổi. Sau hai sol trời lang thang trên sa mạc, tôi tìm thấy một thứ có thể dùng để định vị. Đó là một cái miệng núi lửa đường kính 5km, nó quá nhỏ nên thậm chí tên cũng chưa được đặt. Nhưng với tôi, đó là Hải đăng của Alexandria. Một khi nó trong tầm nhìn của tôi, tôi biết chính xác mình đang ở đâu.
Và thực tế là hiện giờ tôi cắm trại gần chỗ nó đây.
Cuối cùng tôi cũng đi qua hết các vùng trống trải trên bản đồ. Ngày mai, tôi sẽ dùng Hải đăng để định vị, và sau đó là miệng núi lửa Hamelin. Tình hình của tôi rất tốt đây.
Giờ thì, phải làm nhiệm vụ kế tiếp thôi: Ngồi chơi xơi nước không có gì làm 12 giờ đồng hồ.
Tốt hơn hết tôi nên bắt đầu!
Nhật trình: Sol 81
Suýt nữa thì đến được Pathfinder trong ngày hôm nay, nhưng tôi lại hết pin. Chỉ còn 22km nữa mà thôi!
Thật là một hành trình chẳng có gì đáng để nói đến. Định vị không vấn đề gì. Ngay khi Hải đăng xa dần đi thì vành đai Hamelin liền hiện ra.
Tôi đã rời khỏi Acidalia Planitia khá lâu rồi. Giờ tôi đã ở sâu trong vùng Ares Vallis. Đồng bằng sa mạc nay nhường chỗ cho định hình gồ ghề, rải rác khắp nơi là những vật chất phóng ra từ miệng núi lửa và chẳng hề bị đất cát chôn vùi. Điều này làm cho chuyện lái xe bình thường trở thành một việc vặt; tôi phải chú tâm hơn.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn đang chạy qua phong cảnh vương vãi đá. Nhưng khi tôi đi xa hơn nữa về hướng Nam, càng ngày càng có nhiều tảng đá và càng ngày chúng cũng càng to hơn. Tôi phải đi vòng qua vài hòn còn không thì phải chịu rủi ro rằng hệ thống treo (dưới gầm xe) có thể bị hư hỏng. Tin tốt là tôi không phải đi thế này quá lâu nữa. Khi đến chỗ Pathfinder rồi, tôi có thể vòng lại và đi đường khác.
Thời tiết vẫn rất tốt. Không có những cơn gió đáng báo động, không có bão. Tôi nghĩ mình may mắn đây. Nhiều khả năng rằng vết bánh xe của con rover từ mấy ngày qua vẫn còn đấy. Tôi có thể lần theo nó mà về Thung lũng Lewis.
Sau khi dựng lên vài bảng pin mặt trời, tôi đi bộ một tí. Tôi không bao giờ đi khỏi tầm nhìn của con rover; điều cuối cùng tôi muốn làm là đi bộ mà lại còn bị lạc. Nhưng tôi chẳng thể nào leo nổi vào cái ổ chuột chật chội hôi hám ấy. Ít ra là không phải ngay lập tức.
Thật là một cảm giác kì lạ. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi cũng là người đầu tiên. Bước ra khỏi rover? Người đầu tiên đến đó. Leo đồi? Người đầu tiên leo đồi? Đá một hòn đá? Hòn đá đó chưa hề di chuyển suốt một triệu năm rồi!
Tôi là người đầu tiên lái xe đường dài trên sao Hỏa. Người đầu tiên sống trên sao Hỏa hơn 31 ngày. Người đầu tiên trồng trọt trên sao Hỏa. Đầu tiên, đầu tiên, đầu tiên!
Tôi chẳng hy vọng được đi đầu về phương diện nào cả. Tôi là phi hành gia thứ 5 bước ra khỏi MDV khi hạ cánh, điều đó có nghĩa là tôi là người thứ 17 đặt chân lên sao Hỏa. Thứ tự trước sau đã được quyết định từ cách đây vài năm. Một tháng trước khi cất cánh, tất cả bọn tôi đều xăm hình “Số sao Hỏa” của mình. Johanssen suýt nữa thì từ chối xăm số “15” của cô vì sợ đau. Đây, một người phụ nữ đã sống sót khi bị luyện tập liên tập trong máy ly tâm, sao chổi nôn mửa, hạ cánh cứng, và chạy cuộc đua 10k. Một người phụ nữ sửa chửa hệ thống máy tính mô phỏng của MDV khi bị quay vòng vòng đầu chỏng xuống đất. Nhưng cô lại sợ kim xăm.
Ôi, tôi nhớ đám bọn họ.
Tôi là người đầu tiên ở một mình trên một hành tinh.
Thôi, nhiêu đó sướt mướt là đủ rồi. Ngày mai, tôi sẽ là người đầu tiên tìm lại được một máy thăm dò sao Hỏa.
Nhật trình: Sol 82
Chiến thắng! Tôi đã tìm thấy nó!
Tôi biết mình đang ở đúng khu vực khi tôi nhìn thấy Twin Peaks ở xa xa. Hai ngọn đồi nhỏ cách chỗ hạ cánh chưa đến một cây số. Còn tốt hơn nữa là chúng nằm ở phía xa hơn trong khu. Tôi chỉ phải làm mỗi việc là nhắm thẳng hướng mà đi cho đến khi tìm thấy máy Lander (Hạ cánh).
Và nó kia rồi! Ngay chỗ nó nên ở!
Giai đoạn hạ cánh cuối cùng của chiếc Pathfinder là một khối tứ diện được bong bóng bao bọc. Những chiếc bong bóng hấp thụ mọi va chạm khi hạ cánh. Khi nó dừng hẳn lại, chúng sẽ xì hơi vài hộp tứ diện sẽ bung ra để lộ máy thăm dò.
Thật ra nó có hai bộ phận riêng biệt. Máy Hạ cánh, và chiếc rover tên Sojourner. Máy Hạ cánh không di chuyển, còn Sojourner thì lang thang vòng quanh và quan sát kỹ lưỡng đá sỏi trong khu vực. Tôi sẽ đem cả hai thứ đó về, nhưng phần quan trọng nhất là máy Hạ cánh. Đó là bộ phận có thể liên lạc được với Trái đất.
Tôi sung sướng loạng choạng chạy đến đó.
Tôi không thể giải thích mình đang vui đến nhường nào. Thật sự mất rất nhiều công sức để đến đây, và tôi đã thành công.
Máy Hạ cánh bị chôn vùi gần như phân nữa. Với một chút đào bới nhanh chóng và cẩn thận, tôi đã có thể phơi bày ra phần lớn của nó, mặc dù hộp tứ diện to đùng và máy chiếc bong bóng xì hơi vẫn nằm la liệt ẩn dưới bề mặt.
Sau khi kiểm tra một lúc, tôi tìm thấy con Sojourner. Tên nhóc này cách máy Hạ cánh chỉ hai mét. Tôi nhớ mang máng lần cuối cùng họ nhìn thấy nó thì nó nằm xa hơn. Có lẽ nó đã đi vào tình trạng đối phó những chuyện bất ngờ và bắt đầu đi lượn vòng quanh máy Hạ cánh, cố gắng liên lạc.
Tôi nhanh chóng bỏ con Sojourner vào rover của mình. Nó nhỏ, nhẹ, và nằm gọn vừa vặn trong khu cửa khóa khí. Còn máy Hạ cánh lại là chuyện khác.
Tôi chẳng có hy vọng nào trong việc có thể đem toàn bộ chiếc máy về căn Hab. Chỉ là nó quá lớn đi. Đã đến lúc tôi phải đóng vai trò kỹ sư cơ khí rồi đây.
Máy thăm dò được gắn vào bảng trung tâm của hộp tứ diện. Ba mặt còn lại được gắn vào một cái bản lề kim loại. Bất cứ người nào ở JPL cũng sẽ nói với bạn, máy thăm dò là thứ mong manh dễ vỡ. Trọng lượng là một mối lo ngại nghiêm túc, do đó chúng không được làm để chịu đựng nhiều sự hành hạ khắc nghiệt.
Khi tôi lấy cái xà beng nạy cái bản lề, chúng mở bung ra ngay!
Rồi mọi chuyện trở nên khó khăn. Khi tôi cố nâng tổ hợp bảng trung tâm lên, chúng chẳng nhúc nhích nữa.
Cũng như ba bảng kia, bảng trung tâm có mấy chiếc bóng xì hơi nằm bên dưới.
Qua vài thập kỷ, đám bóng bay này đã rách toạc ra và giờ thì chúng chứa đầy cát.
Tôi có thể cắt bỏ mấy chiếc bong bóng, nhưng tôi phải đào bới chúng lên trước. Cũng chẳng khó gì, chỉ là cát mà thôi. Nhưng ba chiếc bảng kia lại ngáng đường.
Tôi nhanh chóng nhận ra mình cóc thèm quan tâm đến tình trạng của mấy bảng kia. Tôi quay về con rover của mình, cắt vài miếng vật liệu vỏ căn Hab, rồi tết chúng lại thành một sợi dây thừng đơn sơ nhưng chắc chắn. Tôi không thể nói rằng nhờ mình mà nó chắc chắn. Phải cám ơn NASA về chuyện đó. Tôi chỉ làm cho nó thành hình dây thừng mà thôi.
Tôi cột một đầu dây vào một tấm bảng, đầu kia cột vào rover. Con rover được làm ra để vượt qua loại địa hình gồ ghề khắc nghiệt nhất, thường là cả ở những góc độ dốc. Có thể nó không nhanh, nhưng lực xoáy của nó thì khỏi phải chê. Tôi kéo tấm bảng như một thằng redneck (người da trắng quê mùa lỗ mảng) đang kéo lê một gốc cây.
Giờ tôi có chỗ để đào bới. Mỗi khi đào ra được một quả bóng, tôi cắt nó đi. Cả quá trình mất khoảng một giờ đồng hồ.
Rồi tôi nhấc bổng tổ hợp bảng trung tâm lên và tự tin khiêng nó về con rover!
Ít ra thì đó là điều tôi muốn làm. Cái vật chết bầm này vẫn còn nặng như quỷ. Tôi đoán nó chừng 200 kg. Ngay cả với lực hút trên sao Hỏa thì như thế vẫn quá nhiều. Tôi có thể khiêng nó đi vòng quanh căn Hab dễ dàng, nhưng nhất nó lên khi đang mặc đồ du hành EVA bất tiện thế này? Thật là miễn bàn đi.
Rồi tôi lôi nó xềnh xệch về con rover.
Chiến công tiếp theo của tôi: Đưa nó lên nóc xe.
Hiện giờ nóc xe còn trống trãi. Ngay cả khi pin gần như còn đầy, tôi vẫn sắp xếp chúng ra để sạc khi ngừng lại. Sao lại không chứ? Năng lượng miễn phí mà.
Tôi đã tính toán trước. Trên đường đến đây, hai chồng pin mặt trời phủ đầy cả nóc xe. Trên đường về, chúng chỉ có thể chất thành một. Hơi nguy hiểm: vì chúng có thể rơi xuống. Nhưng cái chính là thật chẳng dễ mà chất chồng chúng cao như thế được.
Tôi cũng không thể ném sợi dây sang bên kia con rover và kéo nó lên phía bên hông được. Tôi không muốn làm nó bị hư. Ý tôi là, nó đã hư sẵn rồi, từ năm 1997 họ đã mất liên lạc với nó. Nhưng tôi không muốn làm nó hư thêm.
Tôi nghĩ ra được một giải pháp, nhưng trong một ngày mà lao động chân tay nhiêu đó là quá đủ với tôi, và ánh sáng ban ngày của tôi cũng sắp qua rồi.
Giờ tôi đang ở trong con rover, nhìn con Sojourner. Dường như nó vẫn ổn. Không có trầy trụa nào phía bên ngoài. Có vẻ như chẳng bộ phận nào bị ánh mặt trời nướng quá chín. Lớp vật chất tạp nham dày đặc trên sao Hỏa đã bảo vệ nó khỏi như hư hỏng lâu dài từ mặt trời.
Có thể bạn nghĩ Sojourner không có ích gì mấy với tôi. Nó không thể liên lạc được với trái đất. Vậy tại sao tôi lại quan tâm đến nó?
Bởi vì nó có nhiều bộ phận di chuyển được.
Nếu tôi thiết lập được liên lạc với NASA, tôi có thể nói chuyện với họ bằng cách cầm một trang chữ đứng trước ống kính của máy Hạ cánh. Nhưng làm thế nào mà họ có thể nói chuyện lại với vơi? Những bộ phận di chuyển được duy nhất trên máy Hạ cánh là mấy chiếc antenna có hệ số khuếch đại cao (và chúng sẽ phải chỉa mũi về hướng Trái đất) và hộp ống kính. Chúng tôi phải nghĩ ra một hệ thống mà NASA có thể đáp lại bằng cách quay đầu ống kính. Chuyện này sẽ chậm đến là đau đớn đây.
Nhưng con Sojourner có bảy bánh xe độc lập có thể quay ở tốc độ tương đối nhanh. Dùng chúng để liên lạc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu không có gì, tôi sẽ vẽ ký tự lên bánh xe, rồi đưa một cái gương chiếu vào ống kính của nó. NASA sẽ tự hiểu ra và bắt đầu đánh vần chữ gửi về cho tôi.
Tất cả những điều này là giả định trường hợp tôi có thể sửa cho máy radio của máy Hạ cánh hoạt động trở lại.
Đã đến lúc đi ngủ. Ngày mai tôi có nhiều việc lao động đến gãy lưng để làm. Tôi cần nghỉ ngơi.
Nhật trình: Sol 83
Ôi chúa ơi tôi đau nhức cả người.
Nhưng đó là cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra để đưa máy Hạ cánh an toàn lên nóc xe.
Tôi xây một chiếc cầu dốc bằng đá và cát. Giống như người Ai cập cổ đại đã làm. Và nếu Ares Vallis có một thứ gì, thì đó chính là đá!
Đầu tiên, tôi thử nghiệm để tìm ra xem con dốc đó phải thoải bao nhiêu độ. Chấc chồng một mớ gạc đá gần máy Hạ cánh, rồi tôi kéo nó lên, rồi kéo nó xuống. Rồi tôi làm cho nó dốc hơn, vân vân. Tôi kết luận mình có thể kéo nó lên trên một con dốc chừng 30 độ. Nếu dốc hơn nữa thì quá là nguy hiểm. Tôi có thể mất phanh và cho máy Hạ cánh lộn cù mèo xuống cầu.
Nóc xe cao chừng 2 mét so với mặt đất. Cho nên tôi cần một chiếc cầu dài chừng 4 mét. Tôi phải làm việc đây.
Vài hòn đá ban đầu thì dễ dàng. Nhưng rồi càng ngay chúng càng nặng càng nhọc hơn. Lao động tay chân cật lực trong bộ đồ phi hành thật là như muốn giết người. Mọi thứ đòi hỏi nhiều sức lực hơn vì bạn còn phải kéo theo bộ đồ 20 kg với bạn, và mọi cử động của bạn đều bị giới hạn. Sau 20 phút là tôi đã hổn ha hổn hển rồi.
Nên tôi chơi gian. Tôi tăng lượng hỗn hợp ôxy của mình lên. Thật sự nó rất có ích. Có lẽ tôi không nên tập thói quen đó. Và tôi không bị nóng. Bộ đồ tiết xuất nhiệt ra nhanh hơn khả năng tạo nhiệt của cơ thể tôi. Hệ thống sưởi chính là thứ giúp điều hòa nhiệt độ dễ chịu một chút. Những lao động tay chân tôi đang làm có nghĩa rằng bộ đồ không phải tự tạo nhiều nhiệt đến thế.
Sau vài giờ làm việc đến kiệt sức, cuối cùng tôi cũng xây xong chiếc cầu. Chẳng có gì ngoài một đống cát đá dựa vào con rover, nhưng nó cao bằng nóc xe.
Đầu tiên tôi giẫm chân thình thịch đi lên đi xuống chiếc cầu để đảm bảo nó đứng vững vàng, rồi tôi lôi máy Hạ cánh lên. Thành công như bị bỏ bùa ấy!
Tôi tươi cười hớn hở đưa máy Hạ cánh vào vị trí của nó. Tôi kiểm tra cho chắc chắn rằng nó được cột chặt an toàn, và tôi còn chất đống pin mặt trời thành một chồng to đùng (sao lại phí chiếc cầu chứ?).
Rồi tôi chợt nhận ra. Chiếc cầu sẽ đổ sập xuống ngay khi tôi lái đi, và đống đất cát sẽ có thể làm hư bánh xe và sườn xe bên dưới. Tôi phải tháo rời chiếc cầu để điều đó khỏi xảy ra.
Ôi trời ơi.
Phá cầu thì dễ hơn xây cầu nhiều. Tôi không cần phải cẩn thận đặt từng hòn đá vào một nơi cố định. Tôi chỉ ném chúng đại ở chỗ nào đó. Việc này chỉ ngốn của tôi một giờ đồng hồ!
Và giờ thì tôi xong rồi!
Ngày mai tôi sẽ về nhà, với chiếc radio bị hỏng hóc nặng 100 kg của tôi.
Photo Credit: NASA (Pathfinder), Seds.org