Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(17)
Nhật trình: Sol 192
Trời đất quỷ thần ơi!
Họ sẽ quay lại để cứu tôi!
Tôi còn không biết phản ứng thế nào nữa. Tôi nghẹn ngào quá!
Và tôi có cả núi việc phải làm trước khi có thể đón chuyến xe buýt ấy về nhà.
Họ không thể vào quỹ đạo. Và tôi không ở trong không gian khi họ bay ngang qua, nên điều duy nhất họ có thể làm là vẫy tay chào.
Tôi phải đi đến khu MAV của Ares 4. Ngay cả NASA cũng chấp thuận chuyện đó. Và khi vú em NASA khuyên bạn lái 3,200 km vượt địa hình, bạn biết rằng mình đang gặp rắc rối rồi.
Schiaparelli Crater ơi ta đến rồi đây!
À thì… không phải ngay lúc này. Tôi còn phải làm núi việc vừa nhắc đến kia.
Chuyến đi đến Pathfinder của tôi chỉ là một chuyến vi vu ngắn ngày so với cuộc du hành hoành tráng sắp diễn ra. Tôi đã đi đường tắt được với nhiều thứ vì tôi chỉ phải sống sót 18 sols. Nhưng lần này mọi chuyện khác hẳn.
Tính trung bình lần đi Pathfinder tôi đi 80km/sol. Nếu tôi có thể làm tốt như vậy khi đi đến Schiaparelli thì mất 40 sol. Cho là 50 đi cho chắc ăn.
Nhưng còn nhiều thứ cần thiết hơn ngoài chuyện đi lại. Khi đến đó, tôi phải cắm lều và làm cả đống điều chỉnh cho MAV. NASA ước lượng những công việc đó sẽ ngốn thêm 30 sol, cho là 45 đi cho chắc ăn. Tổng cộng chuyến đi và công việc điều chỉnh MAV cả thảy là 95 sol. Gọi chẵn 100 đi vì 95 nghe là muốn làm tròn rồi.
Cho nên tôi phải sống sót 100 sol mà lại ở xa căn Hab.
“Còn chiếc MAV thì sao?” Tôi nghe bạn đang hỏi (trong trí tưởng tượng đang bị kích thích của mình). “Bộ nó không có đồ dự trữ nào sao? Ít ra cũng có không khí và nước chứ?”
Không. Không có cái mẹ gì cả.
Nó có thùng khí, nhưng nó trống rỗng. Một phi vụ Ares dù sao thì cũng cần rất nhiều O2, N2 và nước. Để phi hành đoàn đong đầy nước cho MAV từ căn Hab thì dễ dàng hơn. May mắn cho đoàn của tôi là kế họach phi vụ đã giao cho Martinez việc đổ đầy các thùng chứa trong MAV từ Sol 1.
Chuyến bay tạt ngang sẽ vào Sol 549, nên tôi cần phải đi trước sol 449. Vậy tôi còn 257 sol để chuẩn bị mấy thứ quỷ này sẵn sàng.
Nghe có vẻ nhiều thời gian, đúng không?
Trong thời gian này, tôi cần điều chỉnh rover để đem theo máy điều hòa không khí, máy lọc ôxy và máy lọc nước. Tôi gọi chúng là “Bộ Ba To Đùng.” Cả ba cần ở trong một khu vực có áp suất, nhưng rover không đủ to. Cả ba cần được chạy liên tục, nhưng pin của rover không thể chịu đựng được gánh nặng như vậy lâu dài.
Con rover còn cần chứa đựng tất cả thức ăn của tôi, nước, bảng pin mặt trời, pin dự trữ, các dụng cụ, vài phụ tùng thay thế, và Pathfinder nữa. Là phương tiện liên lạc duy nhất của tôi với NASA, Pathfinder được chễm chệ ngồi trên nóc, với phong cách của Bà Ngoại Clampett[1].
Tôi có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng tôi cũng có nhiều người tài giỏi làm việc đó. Gần như cả hành tinh Trái Đất luôn ấy chứ.
NASA vẫn còn tính toán thêm các chi tiết, nhưng ý tưởng ban đầu là dùng cả hai rover. Một để lái, và một để làm toa xe móc tải theo những thứ ba linh tinh tôi phải mang theo.
Tôi phải thay đổi cấu trúc của toa xe móc đó. Và khi nói đến “thay đổi cấu trúc” thì ý tôi là “cắt một lỗ lớn trên vỏ xe”. Rồi tôi có thể đem Bộ Ba To Đùng vào đó và dùng vải bạt căn Hab để che đậy lỏng lẽo cái lỗ ấy. Nó sẽ phồng lên như bong bóng khi tôi đổ áp suất vào trong rover, nhưng nó sẽ chịu đựng được.
Làm thế nào mà tôi có thể cắt một khúc to ra khỏi vỏ rover? Tôi sẽ để vị trợ lý dễ thương của tôi, Venkat Kapoor, giải thích rõ ràng hơn:
[14:38] JPL: Tôi chắc là anh đang tự hỏi làm thế nào để cắt một lỗ trên rover. Thí nghiệm của chúng tôi cho thấy máy khoan mẩu đá có thể đi xuyên qua vỏ xe. Vấn đề mài mòn của mũi khoan cũng chỉ tối thiểu thôi (đá cứng hơn hợp chất carbon). Anh có thể cắt nhiều lỗ thành một hàng, rồi đục những phần còn lại giữa những lỗ đó. Tôi hy vọng anh thích việc khoan lỗ. Mũi khoan dày 1cm, mấy cái lỗ phải cách nhau 0.5cm, và độ dài của đường cắt là 11.4m. Tổng cộng 760 lỗ. Và mỗi lỗ mất 160 giây để khoan. Vấn đề: Mấy máy khoan không phải được thiết kế cho một dự án xây dựng. Nó vốn được dùng để lấy mẩu đá nhanh chóng. Pin chỉ đủ để dùng 240 giây. Anh có hai máy khoan, nhưng anh cũng chỉ có thể khoan 3 lỗ rồi phải sạc pin tiếp. Và việc sạc pin này mất 41 phút. Vậy tổng cộng 173 giờ làm việc, với giới hạn 8 giờ EVA mỗi ngày. Tính ra là 21 ngày khoan cắt, và vậy là quá nhiều. Tất cả những ý tưởng khác của chúng tôi đều xoay quanh sụ thành công của việc khoan cắt này. Nếu không làm được, chúng tôi cần thêm thời gian để nghĩ ra cách khác. Nêu chúng tôi muốn ăn nối máy khoan trực tiếp và nguồn điện căn Hab. Máy khoan cần nguồn 28.8 volt và dùng 9 amp. Đường duy nhất có thể cho ra nguồn điện ấy là đường điện sạc cho rover. Nó có 36V và tối đa 10A. Vì anh có hai cái nên chúng tôi thấy an toàn trong việc anh điều chỉnh một cái. Chúng tôi sẽ gửi hướng dẫn cho anh làm thế nào để giảm nguồn điện và lắp đặt một cái cầu dao trong đường dây, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng anh đã biết làm thế nào rồi.
Vậy là ngày mai tôi sẽ chơi với điện cao thế. Không thể tưởng tượng ra chuyện hư hại nào sẽ xảy ra!
Nhật trình: Sol 193
Hôm nay tôi đã xoay xở để không tự giết chết mình, mặc dù tôi đã làm việc với điện thế cao. À, chẳng hào hứng gì mấy đâu. Tôi ngắt những đường dây điện trước khi phá chúng tanh bành.
Nhưng đã được hướng dẫn, tôi chuyển dây cáp sạc của rover thành đường truyền nguồn điện cho máy khoan. Để lấy được điện áp chỉ là chuyện đơn giản bằng cách thêm một cái điện trở mà trong túi đồ nghề điện tử của tôi có cả mớ.
Tôi phải tự tạo cái cầu dao 9A. Tôi nối ba cái cầu dao 3A song song với nhau. Chẳng cách nào để một có thể cho dòng điện 9A chạy qua đó mà không ngắt cả ba cái nhanh liên tục.
Rồi tôi phải nối dây của máy khoan. Gần như làm y chang với việc tôi đã làm trên Pathfinder. Lấy pin ra và thay thế nó bằng đường dây điện từ căn Hab. Nhưng lần này thì dễ dàng hơn nhiều.
Pathfinder quá to thể có thể đi vừa vặn qua cửa khóa khí của tôi, nên tôi phải làm mấy việc nối dây điện ở bên ngoài. Bạn đã từng sửa chữa thiết bị điện tử khi mặc áo du hành không gian chưa? Thật phiền chết được. Có còn nhớ thậm chí tôi phải tạo ra một cái bàn làm việc bằng mấy thanh chống hạ cánh của MAV không?
Dù sao thì, máy khoan ra vào cửa khóa khí thật vừa vặn. Nó chỉ cao một mét, và có hình dáng giống một cái búa khoan. Chúng tôi đứng thẳng để lấy mẩu đất đá, giống mấy nhà phi hành gia của Apollo vậy đó.
Ngoài ra, không như trò chắp vá sơ sài tôi làm với Pathfinder, lần này tôi có sơ đồ hoàn chỉnh của máy khoan. Tôi tháo rời pin sạc và nối đường dây điện vào vị trí đó. Rồi tôi đem máy khoan và dây điện mới của nó ra ngoài và nối nó vào đầu sạc đã được chỉnh sửa của rover rồi cho máy chạy.
Nó hiệu nghiệm ngay lập tức! Máy khoan xoay vòng với sự tự do sung sướng. Bằng cách nào đó, tôi đã có thể làm đúng mọi thứ ngay trong lần thử đầu tiên. Sâu trong tâm trí tôi, tôi tưởng mình chắc đã nướng sống cái máy khoan ấy rồi.
Vẫn chưa hết nửa ngày. Tôi cho rằng sao lại không bắt đầu ngay vào việc khoan cắt nhỉ?
[10:07] WATNEY: Chỉnh sửa đường dây điện đã xong. Đã nối nó với máy khoan, và nó hoạt động thật tuyệt. Còn nhiều thời gian vào ban ngày. Gởi cho tôi hình dáng cái lỗ mà anh muốn tôi khoan. [10:25] JPL: Rất vui khi nghe điều này. Bắt đầu cắt nghe có vẻ được đó. Nhưng để nói cho rõ nha, đây là những chỉnh sửa dành cho Rover 1, bữa giờ chúng ta gọi nói là “toa tải.” Rover 2 (chiếc có những chỉnh sửa của anh cho chuyến đi đến Pathfinder ấy) trong thời gian này vẫn không có gì thay đổi đâu nhé. Anh sẽ cắt một khúc ra từ trên nóc xe, ngay trước chỗ cửa khóa khí ở đằng sau xe. Cái lỗ ít nhất phải dài 2.5 mét và rộng 2 mét vừa đủ cho ống dẫn áp suất. Trước khi cắt, nhớ vẽ hình dáng đó lên toa tải và đem toa tải đến chỗ mà ống kính Pathfinder có thể nhìn thấy. Chúng tôi sẽ báo cho anh biết là anh có vẽ đúng chỗ hay không. [10:43] WATNEY: Đã rõ. Chụp hình lúc 11:30 nếu không nghe thấy hồi âm của tôi.
Mấy chiếc rover được thiết kế với chức năng cài khớp vào nhau để chiếc này có thể kéo chiếc kia. Như thế thì chúng tôi có thể cứu phi hành gia khác nếu gặp rắc rối. Cũng vì lý do đó, rover có thể chia sẻ không khí cho nhau bằng những ống dẫn nối kết chúng lại. Đặc điểm nho nhỏ ấy sẽ cho phép tôi chia sẻ không khí với toa tải trong chuyến hành trình dài ngày của mình.
Tôi đã chôm cục pin của toa từ rất lâu rồi; nó chẳng còn khả năng di chuyển với năng lượng của nó nữa. Nên tôi cài nó vào chiếc rover được cải tiến tuyệt vời của mình và kéo nó đến một vị trí gần Pathfinder.
Venkat kêu tôi “vẽ” hình dáng cái lỗ tôi đang định cắt, nhưng ông ấy quên đề cập đến việc làm thế nào để cắt. Làm như tôi có một cây bút lông hiệu Sharpie có thể dùng được trên bề mặt sao Hỏa vậy. Nên tôi đành phá hoại chiếc giường của Martinez.
Mấy chiếc giường cũi đơn giản chỉ là mấy cái võng thôi. Một sợi dây nhẹ cân đan lỏng lẻo vào thứ gì đó thoải mái để ngủ. Mỗi một gram đều đáng kể đến khi làm đồ đạc để gửi lên sao Hỏa.
Tôi tháo rời giường của Martinez và lấy sợi dây đem ra ngoài. Tôi dán nó vào vỏ toa tải theo đường mà tôi muốn cắt. Vâng, đương nhiên là băng keo đa dụng dùng được trong tình trạng gần như là chân không. Băng keo đa dùng chỗ nào cũng dùng được cả. Băng keo đa dụng thật mầu nhiệm và nó nên được thờ cúng.
Tôi có thể nhận ra NASA đang nghĩ gì. Phía sau toa tải có một cửa khóa khí mà chúng tôi sẽ không phá bừa. Vết cắt chỉ ngay phía trước nó, và vậy sẽ chừa ra nhiều chỗ cho Bộ Ba To Đùng đứng chành bành đó.
Tôi hoàn toàn không biết NASA dự định sẽ làm thế nào để cung cấp lực cho Bộ Ba To Đùng suốt 24.5 giờ mỗi ngày mà vẫn có đủ năng lượng để chạy xe. Tôi cá là họ cũng không biết. Nhưng họ rất thông minh; họ sẽ nghĩ ra cách thôi.
[11:49] JPL: Chỗ anh định cắt mà chúng tôi có thể thấy được trông tốt đấy. Chúng tôi cho rằng phía bên kia cũng giống hệt vậy. Giờ anh có thể bắt đầu khoan rồi. [12:07] WATNEY: Mấy em gái cũng nói vậy đó. [12:25] JPL: Có thiệt không đây, Mark? Có thiệt không đây?
Trước tiên, tôi làm giảm áp suất trong toa tải. Cứ gọi tôi là thằng điên đi, nhưng tôi không muốn máy khoan nổ tanh bành vào mặt tôi.
Rồi tôi chọn một điểm nào đó để bắt đầu. Tôi nghĩ dễ dàng nhất là bắt đầu ở bên hông. Tôi đã sai.
Bắt đầu từ trên nóc xe có lẽ tốt hơn. Làm từ bên hông thật phiền toái vì tôi phải cầm máy khoan song song với mặt đất. Đây chẳng giống mấy cái máy khoan tay hiệu Black & Decker của ba bạn. Cái máy này dài một mét và chỉ an toàn khi giữ tay cầm của nó.
Giữ cho mũi khoan đâm vào thật khó chết được. Tôi ấn nó vào vỏ xe và bật máy lên, nhưng nó cứ nhảy tứ tung khắp nơi. Nên tôi lấy cái búa cao su và chìa vít. Chỉ đập vài cái là tôi đã làm mẻ một lỗ nhỏ trên hợp chất carcbon.
Cái lỗ ấy làm chỗ dựa cho mũi khoan tì vào, nên tôi mới có thể giữ máy khoan yên một chỗ. Như NASA đã dự đoán, phải mất hai phút rưỡi mới có thể khoan xuyên thủng qua nó.
Tôi làm theo quy trình đó cho cái lỗ thứ hai và mọi chuyện dễ dàng hơn hẳn. Đến lỗ thứ ba thì đèn báo máy khoan trở nên quá nóng bị bật lên.
Nó chẳng được thiết kế để hoạt động liên tục lâu như vậy. May thay, nó cảm ứng được nhiệt độ quá mức và cảnh báo tôi. Nên tôi dựa nó vào bàn làm việc vài phút để nó nguội lại. Một điều bạn có thể miêu tả sao Hỏa: Nó rất lạnh. Bầu khí quyển mỏng tang không giỏi trong việc truyền nhiệt, nhưng cuối cùng nó làm nguội mọi thứ lại.
Tôi đã tháo rời nắp đậy máy khoan rồi (vì dây điện cần có đầu vào). Một tác dụng phụ thú vị là việc khoan cắt nguội đi càng nhanh hơn nữa. Mặc dù tôi cứ vài tiếng thì phải lau chùi nó sạch sẽ vì bụi đóng.
Đến lúc 17:00 khi mặt trời bắt đầu lặn, tôi đã khoan được 75 lỗ. Bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng vẫn còn cả mớ việc phải làm. Cuối cùng thì (chắc chừng ngày mai) tôi cũng sẽ phải khoan mấy cái lỗ mà tôi đứng dưới đất thì không với tới. Với mấy lỗ đó tôi cần thứ gì đó để đứng lên trên.
Tôi không thể dùng “bàn làm việc” của mình. Nó đang dùng để kê Pathfinder, và điều cuối cùng tôi muốn làm là phá hoại nó. Nhưng tôi còn có ba thanh chống hạ cánh của MAV. Tôi chắc chắn mình có thể làm một cái cầu hay thứ gì đại loại như vậy.
Dù sao thì mấy thứ đó là chuyện của ngày mai. Hôm nay là ngày được ăn một bữa toàn phần.
À yeah. Đúng thế đó. Hoặc tôi sẽ được cứu vào Sol 549, hoặc tôi sẽ chết ngắt ở đây. Điều đó có nghĩa là tôi có 35 ngày thức ăn dư. Lâu lâu tôi có thể ăn thỏa thích một bữa.
Nhật trình: Sol 194
Tôi tính trung bình mỗi lỗ ngốn 3 phút rưỡi. Đó bao gồm cả thời gian nghĩ xả hơi để máy khoan nguội xuống.
Tôi học được điều đó sau khi dành cả ngày khốn kiếp để khoan rồi lại khoan. Sau 8 giờ lao động cật lực chán chường, tôi có 137 lỗ để khoe mẽ.
Hóa ra xử lý những cái lỗ tôi với không tới cũng dễ dàng thôi. Rốt cuộc tôi chẳng cần cải tạo mấy thanh chống hạ cánh gì cả. Tôi chỉ cần có thứ gì đó để đứng lên. Tôi dùng cái thùng đựng mẩu địa chất (nó còn có tên là cái hộp).
Trước khi tôi bắt được liên lạc với NASA, tôi sẽ làm việc hơn 8 giờ. Tôi có thể ở ngoài này làm 10 tiếng trước khi phải dùng đến lượng khí “khẩn cấp”. Nhưng NASA có nhiều người hay lo ra lo vào và họ chẳng muốn tôi ở ngoài này hơn khả năng cho phép.
Tính luôn thành quả ngày hôm nay, tôi đã xong chừng ¼ của đường cắt. Ít ra thì ¼ của việc khoan này. Rồi rôi sẽ có 759 khúc nhỏ để đục ra. Và tôi không chắc hợp chất carbon này có thể chịu đựng những tác động đó đến đông. Nhưng NASA sẽ thử nghiệm cả ngàn lần dưới Trái Đất rồi cho tôi biết cách tốt nhất để làm được điều đó.
Dù sao thì với tốc độ này sẽ mất 4 ngày làm việc (chán phèo) để hoàn thành việc khoan cắt.
Thật sự thì tôi đã xem hết mấy chương trình TV thời 70 dở ẹc của Lewis. Và tôi đã đọc hết mấy quyển sách thể loại trinh thám bí ẩn của Johanssen.
Tôi lục tung đồ đạc của đám bạn phi hành gia của mình để tìm món giải trí. Nhưng tất cả những thứ Vogel đều bằng tiếng Đức, Beck thì chả mang theo gì ngoài mấy tạp chí y khoa, còn Martinez thì chẳng có đem cái khỉ gì cả.
Tôi chán khiếp đi được, nên tôi quyết định chọn một bài hát chủ đề!
Bài nào phù hợp chút. Và lẽ tự nhiên thì nó nên được lấy ra từ bộ sưu tầm đồ chán-quá-chúa-tôi-ơi từ thời 70 của Lewis. Nếu không như vậy thì thấy không đúng chút nào.
Có nhiều ứng cử viên tuyệt vời lắm nhé: Life on Mars (Cuộc sống trên sao Hỏa) của David Bowie, Rocket Man (Người Tên Lửa) của Elton John, Alone Again (Naturally) (Lại một mình nữa rồi, theo lẽ tự nhiên) của Gilbert O’ Sullivan.
Nhưng tôi an phận với Stayin’ Alive (Sống sót) của nhóm The Bee Gees.
Nhật trình: Sol 195
Lại một ngày trôi qua, lại một ngày đầy lỗ. Lần này có 145 lỗ (càng ngày tôi càng lên tay). Tôi đã xong được một nữa rồi. Chuyện này càng ngày càng nhàm.
Nhưng ít ra tôi có mấy tin nhắn động viên của Venkat để cổ vũ tôi!
[17:12] WATNEY: Hôm nay được 145 lỗ nhé. Tổng cộng 357 lỗ. [17:31] JPL: Đến bây giờ thì bọn này tưởng anh phải làm được nhiều hơn chứ.
Đồ khốn.
Dù sao thì đến đêm xuống tôi vẫn thấy chán. Vậy cũng là chuyện tốt thôi. Chẳng có hỏng hóc gì trong căn Hab, có một kế hoạch để cứu hộ tôi, và việc lao động tay chân khiến tôi ngủ thật ngon giấc.
Tôi nhớ việc chăm sóc đám khoai tây. Căn Hab chẳng còn như xưa khi thiếu vắng chúng.
Đất cát thì vẫn ở khắp mọi nơi. Chẳng có ích gì trong việc kéo lê chúng ra ngoài cả. Không có việc gì khá khẩm hơn để làm nên tôi làm vài thử nghiệm với chúng. Thật tuyệt diệu, vài con vi khuẩn vẫn còn sống sót. Bọn chúng vẫn mạnh khỏe và sinh sôi nảy nở. Thật quá ấn tượng khi ta xét thấy rằng chúng bị phơi bày trong tình trạng gần như chân không và nhiệt độ giá rét cùng cực hơn 24 giờ.
Sự phỏng đoán của tôi là nước đá đông tụ lại quanh một vài con vi khuẩn, để lại một bong bóng chứa đựng áp suất có thể khiến chúng sinh tồn bên trong, và cái lạnh ấy không đủ để giết chúng. Với hàng trăm triệu con vi khuẩn, chỉ cần vài con còn sống sót là chúng có thể ngăn chặn nạn diệt chủng.
Cuộc sống thật ngoan cường một cách diệu kỳ. Bọn chúng cũng như tôi, không đứa nào muốn chết cả.
Nhật trình: Sol 196
Tôi phạm sai lầm.
Tôi phạm sai lầm lớn. Tôi mắc phải một lỗi có thể sẽ giết chết tôi.
Tôi bắt đầu EVA lúc 8:45 như thường lệ. Tôi có chiếc búa và cái chìa vít và bắt đầu đục vỏ toa tải. Mỗi lần đục trước khi khoan cắt rất phiền phức, nên tôi đục sẵn lỗ cho một ngày khoan cắt luôn.
Sau khi đục ra được 150 viên cỏ tróc (này, tôi là người lạc quan nhé), tôi bắt đầu khoan.
Mọi việc cũng như ngày hôm qua và ngày hôm kia. Khoan xuyên qua, đặt mũi khoan vào chỗ mới. Khoan xuyên qua, đặt mũi khoan vào chỗ mới. Khoan lần thứ ba, để khoan qua một bên cho nguội xuống. Lặp lại quá trình ấy lần nữa rồi lần nữa cho đến giờ ăn trưa.
Đúng 12:00, tôi nghĩ giải lao. Tôi trở vào trong căn Hab, tận hưởng một bữa trưa ngon lành và chơi vài ván cờ với máy tính (tôi thua nó te tua). Rồi tôi trở ra để hoàn thành phần việc EVA còn lại của ngày.
Đúng 13:30 điểm thời gian sụp đổ của tôi, mặc dù lúc đó tôi chưa nhận ra điều đó.
Khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời thường được báo trước bởi những quan sát nho nhỏ. Một khối u bé teo trước giờ không hiện diện bên hông bạn. Về nhà với vợ bắt gặp hai ly rượu trong bồn rửa chén. Bất cứ khi nào nghe “Chúng tôi phải ngưng chương trình này…”
Đối với tôi, đó là khi máy khoan không khởi động lại.
Chỉ ba phút trước nó vẫn hoạt động bình thường. Tôi vừa khoan xong một lỗ và để nó qua một bên để nguội lại. Như mọi lần.
Nhưng khi tôi làm tiếp tục, nó lại chẳng hoạt động. Thậm chí đèn báo nguồn còn chẳng thèm bật sáng nữa.
Tôi không lo lắng lắm. Nếu cái gì cũng hỏng hóc, tôi vẫn còn một máy khoan. Phải mất vài giờ để nối dây điện cho nó, nhưng đó cũng chả phải khó khăn gì.
Đèn báo nguồn không sáng có nghĩa là có lẽ có thứ nào đó trong đường dây điện không ổn. Tôi liếc qua cửa sổ cửa khóa khí thì thấy đèn vẫn sáng trong căn Hab. Vậy có nghĩ là chẳng có vấn đề về điện lực trong hệ thống. Tôi kiểm tra ba chiếc cầu dao mới của mình, không còn nghi ngờ gì rõ ràng cả ba đều bị ngắt hết.
Tôi đoán là máy khoan đã hơi bị nhiều ampe. Không vấn đề gì to tát cả. Tôi nối lại cầu dao và tiếp tục làm việc. Máy khoan khởi động lại ngay, và tôi bắt đầu khoan lỗ.
Chẳng phải chuyện lớn gì, đúng không nào? Dĩ nhiên khi ấy tôi cũng nghĩ thế.
Tôi hoàn thành công việc trong ngày lúc 17:00 sau khi khoan được 131 lỗ. Không nhiều như hôm qua, nhưng tôi đã mất chút thời gian vì máy khoan gặp trục trặc.
Tôi báo cáo tiến triển của mình.
[17:08] WATNEY: Hôm nay được 131 lỗ. Tổng cộng 488 lỗ. Vài trục trặc nhỏ với máy khoan, nó ngắt mấy cầu dao. Chắc có vài chỗ chập mạch trong máy khoan, có lẽ ở những chỗ nối kết với đường dây điện. Có thể sẽ phải nối dây lại.
Hiện giờ Trái Đất và sao Hỏa chỉ cách nhau 18 phút. Thường thì NASA sẽ trả lời trong vòng 25 phút. Nhưng lần này chẳng có hồi âm nào cả. Nên nhớ là tôi thực hiện mọi hoạt động liên lạc từ Rover 2, và nó truyền tải tín hiệu qua Pathfinder. Tôi không thể ngồi ung dung trong căn Hab để chờ hồi âm; tôi phải ở trong rover cho đến khi họ báo tôi biết đã nhận được tin nhắn.
[17:38] WATNEY: Vẫn chưa nhận được hồi âm. Tin nhắn cuối cùng gửi cách đây 30 phút. Xin phản hồi.
Tôi đợi thêm 30 phút nữa. Vẫn không có trả lời. Nỗi lo sợ bắt đầu nhen nhúm.
Hồi lúc đám Nerd Brigade[2] ở JPL hack vào rover và Pathfinder để cài đặt phần mềm IM cho kẻ khốn khổ này, họ đã gửi cho tôi một tờ ghi chú để sửa chữa máy. Tôi cho chạy hướng dẫn đầu tiên:
[18:09] WATNEY: lenh_hethong: STATUS [18:09] HETHONG: Tin nhắn cuối cùng gửi 0 giờ 31 phút trước. Tin nhắn cuối cùng nhận 26 giờ 17 phút trước. Trả lời lệnh ping cuối cùng từ tàu nhận được 4 giờ 24 phút trước. CANHBAO: 52 ping chưa trả lời.
Pathfinder không còn liên lạc được với rover nữa. Nó đã ngừng trả lời ping từ 4 giờ 24 phút trước. Một bài tính nhẩm nhanh cho tôi biết ngay đó là vào lúc 13:30 hôm nay.
Cùng thời điểm máy khoan bị hỏng.
Tôi cố không phát hoảng lên. Hướng dẫn sửa chữa có một danh sách những thứ để thử làm nếu mất liên lạc. Chúng là (viết theo thứ tự):
- Xác định Pathfinder vẫn còn điện.
- Khởi động lại rover.
- Khởi động lại Pathfinder bằng cách ngắt rồi nối lại nguồn điện.
- Cài đặt phần mềm liên lạc trên máy tính của con rover kia rồi thử lại ở bên đó.
- Nếu cả hai rover đều không hoạt động, vấn đề có lẽ ở Pathfinder. Kiểm tra tất cả các kết nối kỹ càng. Quét dọn Pathfinder cho sạch bụi sao Hỏa.
- Dùng đá sỏi đánh vần tin nhắn bằng Morse Code, kể hết những việc đã thử làm. Vấn đề có thể sửa được bằng cách cập nhật Pathfinder từ xa.
Tôi chỉ mới làm được bước 1. Tôi kiểm tra kết nối của Pathfinder và cực âm nguồn đã không còn nối kết.
Tôi thấy phấn chấn! Thật là nhẹ nhõm! Với một nụ cười trên môi, tôi đi lấy dụng cụ sửa thiết bị điện tử để chuẩn bị nối kết nguồn cực âm lại. Tôi kéo nó ra con tàu do thám để lau chùi cho sạch sẽ (với khả năng có hạn khi dùng đôi găng tay trên áo phi hành này) và tôi để ý thấy có điều kỳ lạ. Phần cách nhiệt đã chảy hết.
Tôi cân nhắc về điều mới được phát hiện này. Phần cách nhiệt bị chảy thường có nghĩa đã bị đoản mạch. Cường độ dòng điện cao hơn khả năng chịu đựng của dây điện. Nhưng phần dây trần không bị đen hoặc cháy sém, và phần cách nhiệt của cực dương thì chẳng bị chảy chút nào hết.
Rồi sự thật phũ phàng khủng khiếp của sao Hỏa, từng việc từng việc một, bắt đầu hiện rõ ra. Sợi dây đã không bị cháy rụi hoặc cháy sém. Đó là kết quả của việc ôxy hóa. Và trong không khí lại chẳng có ôxy. Vậy có vẻ như xét cho cùng là bị đoản mạch thật. Nhưng cực dương vẫn không hề hấn gì, điện lực chắc chắn phải đến từ đâu đó…
Và cầu dao của máy khoan bị ngắt mạch cùng lúc…
Ôi… chết mẹ nó…
Thiết bị điện tử của Pathfinder bao gồm một cực tiếp đất nối với vỏ xe. Băng cách này nó không thể tích trữ tĩnh điện trong tình trạng thời tiết trên sao Hỏa (không nước cộng thêm thường xuyên có gió cát có thể tạo ra lượng tĩnh điện đầy ấn tượng).
Vỏ xe nằm trên tấm Panel A, một trong bốn tấm tứ diện đã đem Pathfinder lên sao Hỏa. Ba tấm bảng kia vẫn ở chỗ tôi bỏ nó lại tại Ares Vallis .
Giữa Panel A và bàn làm việc là những bong bóng Mylar mà Pathfinder đã dùng để hạ cách bằng cách lộn nhào. Tôi đã cắt bỏ gần hết chúng khi vận chuyển nó. Nhưng, vẫn còn nhiều chất liệu Mylar dính lại, đủ để chạm vào Panel A và vỏ xe. Tôi nên nhắc đến việc Mylar là một chất liệu có tính dẫn điện.
Lúc 13:30, tôi dựa máy khoan vào bàn làm việc. Nắp đậy máy khoan bị tháo ra để có chỗ cho dây điện nối vào. Bàn làm việc bằng kim loại. Nếu máy khoan dựa vào bàn làm việc theo một tư thế nhất định, nó có thể tạo ra một kết nối từ kim loại đến kim loại.
Và đó chính xác là điều đã xảy ra.
Điện di chuyển từ cực dương của máy khoan, qua bàn làm việc, qua chất liệu Mylar, xuyên qua vỏ Pathfinder, qua cả đống thiết bị điện tử nhạy cảm và không thể thay thế được, và truyền ra cực âm của máy Pathfinder.
Pathfinder hoạt động ở cường độ 50 milli ampe. Nó có 9000 milli ampe, chạy ngang dọc qua các thiết bị điện tử tinh vi, sẵn tiện nước hết mọi thứ trên đường đi. Cầu dao bị ngắt, nhưng đã quá muộn.
Pathfinder chết. Tôi thì mất khả năng liên lạc với Trái Đất.
Tôi lại một mình trơ trọi.
[1] Nguyên văn: Granny Clampett, là một nhân vật trong phim truyền hình The Beverly Hillbillies, trình chiếu ở Mỹ từ năm 1962 đến năm 1970. Granny Clampett nổi tiếng là bà chúa trong gia đình, lúc nào cũng thích mang súng và các con cháu đều rất sợ bà.
[2] Nerd Brigade: Một nhóm những nhà khoa học ở Mỹ có những dự án trên báo chí hoặc truyền hình để khuyến khích độc giả và khán giả yêu thích khoa học hơn. http://nerdbrigade.la/
Photo Credit: markmolchan.deviantart.com