Người Sao Hỏa

Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho

Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)

Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.

martianedit_464

Mục Lục

1 – 2 3 456 – 789101112 – 13 1415161718 – 1920 212223 – 242526


 (20)

 

Nhật trình: Sol 376

Cuối cùng tôi cũng chỉnh sửa con rover xong xuôi.

Phần khó nhất chính là làm thế nào để bảo quản các thiết bị duy trì sự sống. Những thứ còn lại chỉ là làm việc khó nhọc thôi. Rất nhiều việc khó nhọc.

Bữa giờ tôi không chăm chỉ viết nhật trình cho lắm, nên đây là phần tóm tắt:

Trước hết tôi đã hoàn thành việc khoan lỗ cũng nhờ cái khoan đã giết Pathfinder. Rồi tôi đục cả tỷ mảnh ở giữa mấy cái lỗ. Ok, chỉ 749 lỗ thôi nhưng có cảm giác như cả tỷ lỗ ấy.

Rồi tôi có một cái lỗ to thật to trên toa tải. Tôi mài dũa các góc cạnh để chúng không nhọn quá.

Bạn còn nhớ mấy cái lều bật chứ? Tôi cắt phần dưới của một cái và phần vải bạt còn lại của nó vừa đúng kích cỡ và hình dáng luôn. Rồi tôi dùng mấy mảnh băng dán để nối nó lại với bên trong của toa tải. Sau khi điều áp và dán tiếp các chỗ rò rĩ, tôi đã có một cái bong bóng to đẹp phình ra ngoài toa tải. Khu vực có áp suất đủ to để vừa vặn đủa chứa máy tạo ôxy và máy điều hòa không khí.

Một trục trặc nhỏ thôi: Tôi cần phải để BPBNCMĐH ra ngoài. Máy điều hòa có một bộ phận với cái tên giàu trí tưởng tượng là “Bộ phận bên ngoài của máy điều hòa”. Mắc gì mà chúng ta phải dùng cả đống năng lượng để đông lạnh thứ gì đó trong khi nhiệt độ bên ngoài đã lạnh còn hơn nước đã sẵn rồi?

Máy điều hòa bơm khí ra BPBNCMĐH để sao Hỏa đông lạnh nó. Nó làm việc này trong một ống dẫn chạy xuyên một cái van bên trong bức tường của căn Hab. Khí được truyền về qua một ống dẫn khác cũng y chang như vậy.

Đưa ống dẫn qua vải bạt bong bóng cũng không khó khăn gì mấy. Tôi có vài miếng van dự phòng. Cơ bản chúng chỉ là mấy miếng vải bạt căn Hab với kích thước 10 x 10 cm và có một cái van nằm chính giữa.

Sao tôi lại có mấy thứ này ư? Thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra trong một phi vụ bình thường nếu van của máy điều hòa bị hư hỏng. Họ sẽ phải hủy toàn bộ phi vụ. Gửi thêm phụ tùng dự phòng thì dễ dàng hơn rồi.

BPBNCMĐH cũng nhỏ thôi. Tôi làm một cái kệ để chất nó ngay bên dưới kệ để các bảng pin mặt trời. Ống dẫn và kệ đã sẵn sàng để sau này tôi sẽ chuyển BPBNCMĐH qua.

Vẫn còn nhiều thứ phải làm.
Tôi không vội vàng gì, bữa giờ tôi đã làm việc chậm rãi thôi. Mỗi ngày dành 4 giờ EVA để làm việc, thời gian còn lại tôi thư giãn trong căn Hab. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi nghỉ làm một ngày, đặc biệt là khi lưng tôi bị đau. Tôi không thể nào để cho mình bị chấn thương được.

Tôi sẽ cố viết nhật trình thường xuyên hơn. Giờ có khả năng tôi thật sự sẽ được cứu hộ, người ta có thể sẽ đọc được nó. Tôi sẽ chăm chỉ và viết mỗi ngày.

 

Nhật trình: Sol 380

Tôi sửa xong bể chứa nguồn sưởi.

Bạn còn nhớ mấy thí nghiệm của tôi với chiếc RTG và bồn tắm nước nóng? Cũng dùng nguyên lý đó, nhưng tôi nảy ra được một cải tiến: Dìm chiếc RTG xuống nước. Như vậy sẽ không bị thất thoát nguồn sưởi.

Tôi bắt đầu với một đồ chứa mẩu thử nghiệm cứng và lớn (thứ còn được những người không làm việc cho NASA gọi là ‘hộp nhựa’). Tôi dẫn ống chạy xuyên qua phần mở rộng phía trên xuống phần tường bên dưới. Rồi tôi quấn phần dưới thành hình xoắn ốc. Tôi dán chúng một chỗ như thế, và đóng xi lại ở đầu ống. Tôi dùng mũi khoan nhỏ nhất của mình để khoan cả đống lỗ trong cuộn dây. Làm như thế để khí được trả về đi vào trong nước thành những bong bóng nhỏ. Với diện tích bề mặt tăng lên, sưởi sẽ dễ dàng lan tỏa vào không khí hơn.

Rồi tôi lấy đồ chứa đựng mẩu thử nghiệm dẻo và cỡ trung (“bao hiệu Ziploc”) và thử khóa chiếc RTG bên trong. Nhưng chiếc RTG có hình dáng bất thường, và tôi không thể rút hết không khí trong bao ra. Tôi không thể cho phép tí không khí nào ở lại trong đó. Hơi nóng thay vì truyền vào trong nước thì một phần nào của chúng có thể đọng lại trong không khí, và điều đó có thể đun nóng nó lên và làm tan chảy cả cái bao.

Tôi thử vài lần, nhưng lần nào cũng còn một chút khí mà tôi không thể rút ra hết. Tôi đã rất bực bội cho đến khi tôi chợt nhớ ra mình có cửa khóa khí.

Tôi mặc áo du hành vào, ra cửa Airlock 2 và giảm áp cho đến khi đạt được chân không tuyệt đối. Tôi bỏ chiếc RTG vào túi và đóng khó lại. Một xi chân không hoàn hảo.

Tiếp theo là vài kiểm nghiệm. Tôi bỏ chiếc RTG trong bao xuống dưới đáy thùng và đổ đầy nước vào. Nó chứa được 20 lít, và RTG đun nóng nó rất nhanh. Mỗi phút nó lên được một độ. Tôi để nó tăng dần lên đến hơn 40 độ C. Rồi tôi nối đường dây trả khí của máy điều hòa vào chiếc máy tạm  thời của mình rồi quan sát kết quả.

Nó hoạt động như thần! Bong bóng khí nổi lềnh bềnh lên nhưng tôi đã mong muốn. Còn tuyệt hơn nữa là bong bóng làm sôi sục nước lên và phân bổ đều nhiệt lượng.

Tôi để nó chạy một giờ, và căn Hab bắt đầu lạnh dần lại. Nhiệt từ chiếc RTG không thể bắt kịp lượng nhiệt thất thoát từ diện tích bề mặt khổng lồ của căn Hab. Không vấn đề gì. Tôi đã xác đình rằng nhiêu đó là quá nhiều để giữ ấm cho con rover.

Tôi tháo đường dẫn khí trả lại khỏi máy điều hòa và mọi thứ trở lại như cũ.

 

Nhật trình: Sol 381

Tôi đã suy nghĩ về luật pháp trên sao Hỏa.

Vâng, tôi biết, đó mà một chuyện ngốc nghếch để nghĩ đến, nhưng tôi rảnh rỗi quá mà.

Có một hiệp ước quốc tế là không quốc gia nào được đòi chủ quyền của bất cứ thứ gì không thuộc về Trái Đất. Và có một hiệp ước khác là nếu bạn không ở trong bất cứ địa phận của quốc qia nào thì luật biển được áp dụng.

Cho nên sao Hỏa là “hải phận quốc tế.”

NASA là một tổ chức phi quân sự của Mỹ, và nó sở hữu căn Hab. Cho nên khi tôi ở trong căn Hab, luật pháp Mỹ hữu hiệu. Một khi tôi bước ra ngoài, tôi ở trong hải phận quốc tế. Rồi khi tôi trở vào trong con rover, tôi trở về vớ luật pháp Mỹ.

Chỗ này mới hay đây: Một ngày nào đó tôi sẽ đặt chân đến miệng núi lửa Schiaparelli và trưng dụng khu hạ cánh của Ares 4. Chẳng ai nói rõ đã cho phép tôi làm điều đó, nhưng họ không thể ra lệnh cho tôi cho đến khi tôi lên tàu Ares 4 và sử dụng hệ thống liên lạc. Sau khi lên tàu Ares 4, trước khi nói chuyện được với NASA, tôi sẽ điều khiên con tàu trong hải phận quốc tế mà chưa được cho phép.

Điều đó có nghĩa là tôi là một hải tặc!

Một hải tặc không gian!

 

Nhật trình: Sol 383

Bạn có lẽ đang tự hỏi thời gian rảnh rỗi tao làm gì. Tôi dành nhiều thời gian ngồi chơi xơi nước xem TV. Nhưng bạn cũng vậy thôi, cho nên đừng có mà phán xét.

Ngoài ra, tôi còn lên kế hoạch cho cuộc hành trình.

Pathfinder là một chuyến đi dễ như bỡn. Cả đoạn đường đều bằng phẳng không gồ ghề. Vấn đề duy nhất là định vị. Nhưng chuyến đi đến Schiaparelli sẽ phải đi qua những thay đổi địa hình lên cao rất khủng khiếp. 

Tôi có bản đồ vệ tinh sơ đẳng của cả hành tinh. Nó chẳng có nhiều chi tiết, nhưng dù sao cũng may mà có nó. NASA đâu nghĩ rằng tôi sẽ phải lang thang cả 3200 km từ căn Hab.

Acidalia Planitia (nơi tôi đang ở) tương đối thấp. Schiaparelli cũng thế. Nhưng giữa hai chỗ đó có những khúc lên cao xuống thấp cách nhau cả 10 km. Sẽ là một chuyến lái xe nguy hiểm lắm đây.

Mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái khi tôi còn ở Acidalia, nhưng đó chỉ là 650 km đầu. Sau đó là những địa hình lồi lõm miệng núi lửa của Arabia Terra.

Nhưng tôi có lợi thế. Và tôi thề đó là món quà của Thiên Chúa. Vì lý do địa chất nào đó, có một thung lũng tên Mawrth Vallis được đặt ở một vị trí hoàn hảo.

Hàng triệu năm trước nó là một dòng sông. Nhưng giờ nó là một thung lũng nhô ra chỗ địa hình nguy hiểm của khu Arabia và gần như trực tiếp đi về hướng Arabia Terra, và đầu ra khỏi thung lũng trông có vẻ là một đoạn lên dốc trơn nhẵn.

Tôi sẽ có 1350 km địa hình tương đối dễ dàng giữa Acidalia và Mawrth Vallis.

Còn 1850 km kia… ừ thì nó sẽ không đẹp đẽ gì lắ. Đặc biệt là tôi phải xuống dốc để đi vào chính Schiaparelli kia. Ôi chao.

Dù sao thì. Mawrth Vallis. Tuyệt.

 

Nhật trình: Sol 385

Điều khủng khiếp nhất trong chuyến Pathfinder là bị mắc kẹt bên trong con rover. Tôi phải sống trong một môi trường ngột ngạt đầy rác rưởi tạp nham và mùi hôi nồng nặc của cơ thể. Cũng giống mấy ngày học đại học.

Tắng tắng tăng!

Nói nghiêm túc thôi, thật khiếp đảm. Đó là hai mươi hai sol khổ sở thấp hèn.

Tôi dự đị sẽ bắt đầu đi đến Schiaparelli 100 ngày trước ngày cứu hộ (hoặc ngày chết) của mình, và tôi thề với Chúa là tôi sẽ tự ăn tươi nuốt sống mình nếu tôi phải sống trong con rover lâu đến thế.

Tôi cần một nơi ở mà trong đó tôi có thể đứng lên và đi vài bước mà chẳng đụng trúng thứ gì. Và không, ở ngoài với bộ EVA chết tiệt thì không tính. Tôi cần một không gian riêng, chứ chẳng phải một bộ đồ nặng 50 kí.

Nên hôm nay, tôi bắt đầu làm một cái lều. Một chỗ tôi có thể thư giãn trong khi sạc pin, một chỗ tôi có thể nằm thẳng cẳng ngủ.

Gần đây tôi đã hy sinh một trong hai chiếc lều bật để làm bong bóng cho toa tải. Chiếc kia vẫn trong tình trạng tốt như mới. Còn tuyệt hơn là nó có một bộ phận để nối kết với cửa khóa khí của rover. Trước khi tôi biến nó thành nông trại khoai tây, nhiệm vụ của nó vốn là phao cứu sinh cho rover.

Tôi có thể nối lều bật với cửa khóa khí của cái toa xe nào cũng được. Tôi sẽ nối nó vào rover thay vì toa tải. Con rover có máy tính và bộ điều khiển. Nếu tôi cần biết tình trạng của bất cứ thứ gì (như hệ thống duy trì sự sống hoặc pin đang sạc đến đâu) thì tôi cần có lối vào. Bằng cách này tôi sẽ bước vào được ngay. Không cần làm chuyến EVA.

Ngoài ra, trong cuộc hành trình, tôi sẽ xếp nó lại bên trong rover. Trong trường hợp khẩn cấp, tôi có thể lấy nó ra ngay.

Căn lêu bật là cơ sở cho “phòng ngủ” của tôi, nhưng không phải là tất cả. Nó không lớn lắm, không nhiều không gian hơn rover gì mấy. Nhưng nó có chỗ nối kết với cửa khóa khí, cho nên đó là một chỗ khá tốt để bắt đầu. Kế hoạch của tôi là nhân đôi diện tích sàn và chiều cao. Như vậy tôi sẽ có một không gian rõ to để thư giãn.

Vải bạt căn Hab cũng dẻo. Khi bạn đong đầy áp suất vào trong, nó có thiên hướng trở thành hình cầu. Đó không phải là hình dáng hữu dụng. Cho nên căn Hab và lều bật có vật liệu mặt sàn đặc biệt. Nó xếp lại thành những mảnh nhỏ không mở ra hơn 180 độ, do đó nó vẫn bằng phẳng.

Nền của lều bật hình lục giác. Tôi có một nền còn dư lại của bong bóng toa tải. Cho nên khi tôi làm xong, phòng ngủ của tôi sẽ có hai hình lục giác nằm cạnh nhau với những bức tường xung quanh và một mái nhà thô sơ.

Sẽ phải mất nhiều công sức dán ghép để biến nó thành sự thật lắm đây.

 

Nhật trình: Sol 387

Lều bật cao 1 mét 2. Nó vốn không được thiết kể để tạo sự thoải mái. Mà nó được làm thể cách phi hành gia nằm co ro trong khi những chờ đợi những người khác đến cứu họ. Tôi muốn nó cao 2 mét. Tôi muốn có thể đứng thẳng lưng bên trong. Tôi nghĩ vậy cũng không phải là đòi hỏi gì quá đáng.

Về mặt lý thuyết làm vậy cũng không khó. Tôi chỉ cần cắt vải bạt thành những hình dáng cho đúng, dán chúng lại với nhau rồi dán chúng vào phần vải bạt và mặt sàn đã có sẵn.
Nhưng vậy cần rất nhiều vải bạt. Khi bắt đầu phi vụ này tôi có 6 mét vuông và tôi đã dùng gần hết. Đa số dùng dán xi chỗ thủng khi căn Hab bị nổ.

Cửa Airlock 1 mắc dịch.

Dù sao thì, phòng ngủ của tôi sẽ dùng 30 mét vuông vật liệu. So với số lượng còn lại của tôi thì vậy quá là nhiều đi. May thay, tôi có một nguồn dự trữ khác cho vải bạt căn Hab: chính là căn Hab.

Vấn đề là (chú ý cho kỹ những lời tôi sắp nói đây, khoa học trong việc này khá là phức tạp đấy) nếu tôi cắt một lỗ trên căn Hab, không khí sẽ không còn lưu lại bên trong.

Tôi sẽ phải rút áp suất khỏi căn Hab, cắt mấy lỗ ra, và dán nó lại (thành một căn Hab nhỏ hơn). Hôm nay tôi dành thời gian nghiên cứu số đo và hình dáng chính xác của những mẩu vải bạt mà tôi sẽ cần. Và không tính sai vụ này lại là điều càng cần thiết hơn, nên tôi kiểm tra lại mọi tính toán những ba lần. Thậm chí tôi còn xây một bản mẫu bằng giấy.

Căn Hab là một mái vòm. Nếu tôi lấy vải bạt ở khúc gần mặt sàn, tôi có thể kéo phần vải bạt còn lại xuống và dán nó lại. Căn Hab sẽ trở thành mái vòm méo xẹo một bên, nhưng vậy cũng chẳng sao cả. Miễn là nó có thể giữ áp suất. Tôi chỉ cần nó “sống” thêm 62 sol mà thôi.

Tôi dùng bút lông Sharpie  vẽ những hình dáng đó lên tường. Rồi tôi dành khá nhiều thời gian đo đi đo lại để đảm bảo đi đảm bảo lại rằng những số đo ấy đã đúng.

Hôm nay tôi chỉ làm nhiêu đó. Nghe không có nhiều lắm, nhưng tính toán và thiết kế cũng mất cả ngày rồi. Giờ đã đến giờ ăn tối.

Tôi đã bắt đầu ăn khoai tây từ mấy tuần nay rồi. Về mặt lý thuyết thì với kế họach ăn ¾ khẩu phần, đáng lý tôi vẫn còn ăn thức ăn đóng gói. Nhưng khẩu phần ¾ không dễ duy trì chút nào, nên giờ tôi ăn khoai tây.

Tôi còn đủ thức ăn để sống đến ngày cất cánh, nên tôi sẽ không chết đói. Nhưng tôi ngán mấy củ khoai tây này đến tận cổ rồi. Hơn nữa, chúng cũng có nhiều chất xơ, cho nên… thôi ta chỉ nên nói là thật may sao tôi là người duy nhất sống trên hành tinh này.

Tôi để dành năm phần thức ăn cho những dịp đặc biệt. Tôi viết tên lên mỗi phần. Tôi sẽ ăn phần “Khởi hành” vào ngày tôi bắt đầu đi đến Schiaparelli. Tôi sẽ ăn “Nửa đường” khi tôi đến điểm 1600 km, và “Về đích” khi tôi đến nơi.

Phần thứ tư là “Sống sót một sự kiện đáng lý đã giết chết tôi” bởi vì mấy chuyện khốn nạn sẽ xảy ra, tôi biết chắc như thế. Tôi không biết nó là chuyện gì, nhưng nó sẽ xảy ra. Con rover sẽ bị hư hoặc tôi sẽ mắc chứng Chảy máu đến chết hoặc tôi sẽ gặp phải mấy người sao Hỏa thù địch hoặc chuyện tầm xàm nào thế đó. Khi tôi gặp sự cố (và nếu tôi sống sót) tôi sẽ ăn phần ăn đó.

Phần thứ năm để dành cho ngày tôi cất cánh. Nó được dán nhãn “Bữa tiệc ly.”

Có lẽ đó hông phải là một cái tên hay.

 

Nhật trình: Sol 388

Tôi bắt đầu ngày hôm nay với một củ khoai. Tôi ngốn sạch nó với một ly cà phê sao Hỏa. Đó là tên tôi đặt cho “ly nước nóng có viên sủi caffeine”. Tôi uống hết cà phê thật mấy tháng trước rồi.

Việc trước hết là tôi kiểm kê cẩn thận mọi thứ trong căn Hab. Tôi cần loại trừ những thứ có thể gặp vấn đề nếu bị mất áp suất không khí. Đương nhiên, mọi thứ trong căn Hab đều bị sập tanh bành trong lần giảm áp suất cách đây mấy tháng. Nhưng lần này mọi việc sẽ nằm trong tầm kiểm soát nên tôi phải làm cho đúng.

Vấn đề trọng tâm là nước. Tôi mất 300 lít nước thăng hoa khi căn Hab bị nổ. Lần này, chuyện đó sẽ không xảy ra. Tôi rút hết nước trong máy lọc và dán mấy thùng nước lại.

Việc còn lại chỉ là thu nhặt những thứ lặt vặt rồi tống chúng vào cửa Airlock 3. Bất cứ thứ gì tôi thấy rằng chúng sẽ chẳng hoạt động tốt trong tình trạng gần như chân không. Ba chiếc máy tính còn lại, đống bút viết, mấy chai vitamin (có lẽ cái này thì không cần thiết nhưng tôi không muốn rủi ro), đồ y tế dự trữ, vân vân.

Rồi tôi tắt mọi thứ của căn Hab trong vòng kiểm soát. Những bộ phận quan trọng đều được thiết kế để chịu đựng tình trạng chân không. Căn Hab bị xì hơi là một trong những tình cảnh mà NASA đã dự tính trước. Tôi tắt từng hệ thống một, gọn gàng sạch sẽ, cho đến khi tắt xong hết chúng và thứ cuối cùng là máy vi tính chính.

Tôi mặc áo du hành vào và rút hết áp suất trong căn Hab ra. Lần trước, vải bạt sụp đổ và làm xáo trộn tất cả mọi thứ. Vốn dĩ chuyện đó không thể xảy ra. Mái vòm của căn Hab hầu như được chống đỡ bằng áp suất không khí, nhưng còn có mấy cột chống linh hoạt vắt ngang bên trong để giữ vải bạt đứng thẳng. Đó vốn là cách để lắp ráp căn Hab lúc ban đầu.

Tôi quan sát vải bạt từ từ lún xuống trên những cây cột đó. Để xác định việc mất áp suất, tôi mở cả hai cách cửa của Airlock 2. Tôi để Airlock 3 yên đó. Nó sẽ duy trì áp suất cho những thứ lỉnh kỉnh bậy bạ bên trong.

Rồi tôi cắt nó tanh bành!

Tôi không phải là kỹ sư vật chất; thiết kế phòng ngủ chẳng tao nhã chút nào. Chỉ là một khuôn viên 2 mét và cái trần nhà. Không, nó sẽ không có những góc vuông và góc tường (khoang tàu có áp suất không thích những thứ đó). Nó sẽ phình lên thành một hình dáng tròn trịa.

Dù sao thì điều đó có nghĩa là tôi chỉ cần cắt hai miếng vải bạt to tổ bố. Một cho bức tường và một cho trần nhà.

Sau khi cắt nham nhở căn Hab, tôi kéo phần còn lại của vải bạt xuống sàn và dán xi nó lại. Bạn đã từng dựng lều cắm trại chưa? Khi đứng phía bên trong ấy? Và khi mặc một bộ đồ du hành? Phiền toái chết được.

Tôi tăng áp lên 1/20 atm để xem nó có giữ áp suất được không.

Ha ha ha! Đương nhiên là không! Rò rỉ tá lả luôn. Đã đến lúc tìm những chỗ thủng.

Dưới Trái Đất, những hạt be bé dính vào trong nước hoặc hao mòn thành hư vô. Trên sao Hỏa, chúng cứ lảng vảng. Lớp cát trên cùng cứ như một lớp bột tan. Tôi đem một cái bao ra ngoài và cạo dọc bề mặt. Tôi có vài hạt cát bình thường, nhưng tôi cũng lấy được nhiều bột nữa.

Tôi duy trì áp suất 1/20 atm trong căn Hab, lấp lại lượng khí đả rỉ ra. Tôi tôi thổi phù cái túi để những hạt nhỏ xíu nhất trôi lềnh bềnh. Ngay lập tức chúng bị hút về những chỗ bị rò rỉ. Mỗi khi tìm ra một lỗ thủng, tôi liền dùng nhựa resin để dán xi nó lại ngay.

Phải mất cả mấy giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng tôi củng có một không gian kín. Nói cho bạn nghe chứ, căn Hab giờ trông như ổ chuột. Một bên thấp hẳn hơn so với những phần còn lại. Tôi sẽ phải cúi người xuống khi đi qua bên đó.

Tôi điều áp cho đủ 1 atm và chờ một giờ đồng hồ. Không có chổ rò rỉ nào.

Một ngày dài mệt mỏi cả người. Tôi hoàn toàn kiện sức nhưng tôi không thể ngủ. Bất cứ âm thanh nào cũng làm tôi sợ muốn tè ra quần. Có phải căn Hab đang nổ tung không? Không? Ok… Cái gì thế!? Ồ, không gì hết? Ok…

Thật là một điều kinh khủng khi chính mạng sống của tôi lại phụ thuộc vào công trình chẳng ra làm sao của mình.

Đã đến lúc lấy một viên thuốc ngủ từ đống đồ y tế dự trữ rồi.

 

Nhật trình: Sol 389

Mấy viên thuốc ngủ có quỷ gì trong đó vậy!? Đã trưa trời trưa trật rồi.

Phải uống tới hai ly cà phê sao Hỏa tôi mới tỉnh ngủ một chút. Tôi sẽ không uống viên thuốc ngủ nào nữa đâu. Cũng chẳng phải tôi sẽ phải đi làm vào sáng sớm hay gì.

Mà thôi này, như bạn có thể thấy tôi chưa chết thế nào, căn Hab vẫn trụ được suốt cả đêm qua. Xi dán kín hoàn toàn. Xấu như quỷ, nhưng chắc chắn.

Nhiệm vụ hôm nay là phòng ngủ.

Lắp ráp phòng ngủ dễ dàng hơn dán căn Hab lại rất nhiều. Bởi vì lần này tôi không phải mặc áo EVA. Tôi ráp nguyên cái ấy bên trong căn Hab. Sao lại không chứ? Chỉ vải bạt thôi mà. Tôi có thể cuốn nó lại rồi đem ra khỏi cửa khóa khi sau khi xong.

Trước hết, tôi mổ xẻ phần còn lại của lều bật. Tôi cần giữ phần có mấu kết nối rover và cửa khóa khí và những phần vải bạt xung quanh nó. Phần vải bạt còn lại phải bỏ đi. Vì sao tôi phải cắt nát bét gần hết vải bạt chỉ để thay vải bạt vào đó? Đường may.

NASA giỏi trong việc chế tạo ra thứ này thứ kia. Còn tôi thì không. Phần nguy hiểm của cấu trúc này không phải là phần vải bạt. Mà chính là đường may. Và tôi sẽ có ít chiều dài đường may hơn khi không dùng vải bạt sẵn có của lều bật.

Sau khi cắt gần hết phần còn lại của lều, tôi dùng dải băng dán để nối hai mặt sàn của lều bật lại với nhau. Rồi tôi dán miếng vải bạt mới vào vị trí của nó.

Thật dễ dàng hơn nhiều khi không phải mặc bộ áo EVA. Dễ dàng hơn nhiều!

Rồi tôi phải kiểm định nói. Tôi lại làm việc đó bên trong căn Hab. Tôi đem bộ áo EVA vào trong lều và đóng cửa khóa khí mini lại. Rồi tôi bật áo EVA lên mà không gắn mũ áo vào. Tôi ra lệnh cho nó bơm áp suất lên 1.2 atm.

Phải đến một hồi sau nó mới lên được đến đó, và tôi phải tắt vài chuông báo động trên áo. (“Này, tôi chắc chắn rằng mũ chưa được gắn vào áo!”). Nó rút gần hết thùng nitơ, nhưng sau cùng nó cũng đưa áp suất lên được.

Rồi tôi ngồi gần đó chờ. Tôi thở, còn áo thì điều hòa không khí. Mọi thứ đều ổn. Tôi cẩn thận quan sát những chỉ số trên áo để xem nó có phải đong thêm khí “bị mất” nào không. Sau một giờ không có thay đổi đáng lưu ý nào, tôi tuyên bố kiểm định đầu tiên đã thành công.

Tôi quấn nó lại (nói đúng hơn là nùi một cục lại) và đem nó ra ngoài rover.

Bạn biết gì không, gần đây tôi mặc áo vào nhiều lắm rồi nhé. Tôi cá đó là một kỷ lục khác tôi đang nắm. Một phi hành gia sao Hỏa thông thường làm chừng 40 giờ EVA? Tôi đã làm vài trăm rồi.

Khi tôi đem phòng ngủ ra đến chỗ rover, tôi lắp ráp nó vào cửa khóa khí từ bên trong. Tôi tôi kéo dây cho nó bung ra. Tôi vẫn còn mặc áo EVA của mình, vì tôi không phải tên ngốc.

Nó mở bung ra ngay và lấp đầy khí trong vòng ba giây. Khu mở rộng của cửa khóa khí dẫn đến phòng ngủ, và hình như nó duy trì áp suất được.

Như lần trước, tôi để yên nó đó một giờ. Và cũng như lần trước, nó hoạt động thật tốt. Không như việc dán căn Hab, lần này tôi làm cái là được ngay. Gần như là vì tôi đã không phải mặc áo EVA để làm.

Ban đầu tôi dự định để nó yên đó qua đêm rồi kiểm tra lại vào buổi sáng. Nhưng tôi gặp phải một vấn đề: Tôi không thể ra ngoài nếu tôi làm thế. Con rover chỉ có một cửa khóa khí và phòng ngủ thì nối liền vào đó. Chẳng có cách nào để tôi thoát ra ngoài mà không phải tháo phòng ngủ ra, và cũng chẳng có cách nào để nối kết và điều áp cho phòng ngủ khi đứng bên ngoài rover.

Hơi đáng sợ ấy chứ. Lần đầu tiên tôi thử cái thứ này qua đêm sẽ là khi tôi nằm trong đó. Nhưng đó là chuyện để mai tính. Hôm nay tôi đã xong.

 

Nhật trình: Sol 390

Tôi phải đối mặt với sự thật. Tôi đã cải tiến xong con rover. Tôi không “cảm thấy” như mình đã xong. Nhưng nó đã sẵn sàng:

 

Thức ăn: 1,692 củ khoai tây. Thuốc vitamin.

Nước: 620 lít.

Chỗ ở: Rover, toa tải, phòng ngủ.

Không khí: Rover và toa tải chứ tổng cộng: 14 lít ôxy, 12 lít nitơ lỏng.

Duy trì sự sống: Máy tạo ôxy và máy điều hòa không khí. Đầu lọc CO2 dùng một lần đủ cho 418 giờ sử dụng khi khẩn cấp.

Điện: 36 kwh dự trữ. Mang theo điện dung của 29 pin mặt trời.

Sưởi: 1400 W RTG. Nguồn dự trữ tự chế để sưởi khí trả về từ máy điều hòa. Máy sưởi bằng điện của rover để phòng hờ.

Disco: Nguồn cung cấp đến hết cuộc đời.

 

Tôi sẽ rời khỏi đây vào sol 449. Vậy tôi còn 59 sol để kiểm định mọi thứ và sửa chữa bất cứ thứ gì không hoạt động đàng hoàng. Và quyết định cái gì đem theo và cái gì ở lại. Và phác thảo đường đi đến Schiaparelli từ bản đồ vệ tinh mờ căm. Và vắt óc cố mà suy nghĩ coi có còn quên thứ gì quan trọng hay không.

Từ sol 6 là tôi đã muốn bấm nút biến khỏi nơi này rồi. Giờ viễn cảnh rời khỏi căn Hab làm tôi sợ chết khiếp. Tôi cần một chút cổ vũ. Tôi tự hỏi: “Phi hành gia của Apollo sẽ làm gì?”

Ông ta sẽ nốc ba ly whiskey chua, lái chiếc Corvette đến bệ phóng, rồi bay vèo lên mặt trăng trong một máy tính điều khiển còn bé hơn con rover của tôi.

Kệ cha mấy ổng. Tôi mới là Hải tặc Không gian đây này!

 

 


Photo Credit: NASA.tumblr.com, Vox.com, Wikipedia.com , Techinsider.io
(Kỷ niệm ngày NASA công bố phát hiện trên sao Hỏa có dấu tích của nước. 29-Sep-2015)


Từ trái sang: Đụn cát được tường nước xói bao phủ — Tường nước xói trên những hình đa giác — Bề mặt không có cát bụi.
Hình ảnh những vách gồ ghề thay đổi màu sắc chứng minh có dòng chảy của nước. Những đường rãnh này chứng minh nước khoáng này có muối Perchlorate.

NASA-mars-water-chatsach

Lịch sử của nước trên sao Hỏa (tỷ năm)
Dòng chảy của nước trên sao Hỏa
Vòng tuần hoàn của nước trên sao Hỏa (Theo Martín-Torres và Zorzano)