Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(21)
Nhật trình: Sol 431
Tôi đã tính xong vụ đóng đồ. Làm thì khó hơn là chỉ ngồi đó nghe.
Tôi có hai toa xe có áp suất: rover và xe tải.
Chúng được nối với nhau bằng ống dẫn, nhưng chúng cũng không ngốc đâu. Nếu một toa bị mất áp suất, toa kia sẽ lập tức đóng đường ống chung lại.
Có một logic ác nghiệt trong việc này: Nếu rover bị thủng thì tôi chết. Chẳng lý do gì để dự trù tránh khỏi việc đó. Nhưng nếu toa tải bị thủng thì tôi sẽ không sao. Điều này có nghĩa rằng tôi nên đặt tất cả những thứ quan trọng vào rover. Nếu tôi mà chết thì đem tất cả mấy thứ quý giá xuống mồ với mình luôn.
Còn mọi thứ được cho vào toa tải đều phải sống được trong tình trạng gần như chân không với nhiệt độ lạnh cóng. Chẳng phải tôi trông chờ chuyện ấy, nhưng bạn biết đó. Lên kế họach cho những tình huống xấu nhất.
Chẳng có chỗ dư gì nhiều. Nó có hai bảng pin Hab cồng kềnh, máy điều hòa không khí, máy tạo ôxy và máy trữ sưởi tự chế của tôi. Máy trữ sưởi nằm trong rover thì tiện hơn, nhưng nó phải ở gần đường dây trả khí về máy điều hòa.
Sẽ chật chội lắm đây, nhưng vẫn còn một vài chỗ trống. Và tôi biết ngay làm thế nào để lấp đầy nó: Khoai tây!
Không chuyện “xấu” nào có thể xảy đến với đám khoai này đâu. Chúng vốn đã chết rồi. Tôi đã để nó bên ngoài cả mấy tháng nay rồi. Ngoài ra, chúng nhỏ nhưng không mong manh dễ vỡ. Chắc không thể chứa hết tất cả ngoài ấy, một số khoai tây phải ngồi trong rover với tôi.
Cả con rover cũng sẽ chật kín đồ đạc. Khi tôi lái xe, tôi sẽ xếp phòng ngủ gần cửa khóa khí, để sẵn sàng có thể thoát ra ngoài trong tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, tôi sẽ đem hai bộ áo du hành EVA còn dùng được bên mình và bất cứ thứ gì cần kíp cho việc sửa chữa: Dụng cụ, đồ phụ tùng, keo dán tôi dùng đã gần hết, máy tính chính của toa tải (phòng hờ!) và 620 lít nước thánh.
Và một cái thùng nhựa dùng làm toilet. Với một cái nắp đóng kín mít.
***
“Cậu Watney sao rồi?” Venkat hỏi.
Mindy giật mình nhìn lên từ màn hình của mình. “Tiến sĩ Kapoor?”
“Tôi nghe nói cô chụp được một bức hình cậu ta đang làm chuyến EVA à?”
“Ừ, đúng vậy,” Mindy vừa nói vừa đánh máy. “Tôi để ý thấy mọi thứ lúc nào cũng có thay đổi lúc 9 giờ sáng giờ địa phương. Con người thường giữ một thói quen nên tôi kết luận rằng anh ta bắt đầu làm việc vào giờ đó. Tôi chỉnh cho mọi thứ ngay ngắn lại một chút để có thể thu về mười bảy tấm hình giữa 9 giờ đến 9 giờ 10. Anh ấy xuất hiện trong một trong những bức hình ấy.”
“Nghĩ khá lắm. Tôi xem hình được không?”
“Đương nhiên,” cô đáp. Cô mở bức hình trên màn hình của mình.
Venkat nhìn vào bức ảnh mờ căm. “Hình này là rõ nhất rồi đó hả?”
“À hình được chụp từ quỹ đạo,” Mindy nói. “NSA (National Security Agency – Cơ quan An ninh Quốc gia) đã nâng cao chất lượng hình ảnh bằng phần mềm tốt nhất mà họ có.”
“Chờ chút, gì cơ chứ?” Venkat lắp bắp. “NSA hả?”
“Vâng, họ gọi điện và đề nghị giúp đỡ chúng ta. Đó cũng là phần mềm họ dùng để nâng cao hình ảnh do thám từ vệ tinh đấy.”
Venkat nhún vai. “Thật kỳ diệu ki thấy bao nhiêu tệ quan liêu được cắt bỏ khi tất cả mọi người đều ủng hộ cho sự sinh tồn của một con người.” Ông chỉ tay về màn hình. “Cậu Watney đang làm gì đây?”
“Tôi nghĩ cậu ta đang chất đồ gì đó vào rover.”
“Lần cuối cùng cậu ta làm việc với con rover là khi nào?” Venkat hỏi.
“Cũng lâu lắm rồi. Sao anh ấy không viết tin nhắn cho chúng ta thường xuyên hơn nhỉ.”
Venkat nhún vai. “Cậu ta bận mà. Cậu ta làm việc trong hầu hết khoảng thời gian khi trời còn sáng, và sắp xếp mấy hòn đá để đánh vần tin nhắn mất thời gian và công sức lắm.”
“À này…” Mindy nói. “Sao ông lại đích thân đến đây? Chúng ta có thể nói hết mấy chuyện này qua email mà.”
“Thật ra tôi đến để nói chuyện với cô,” ông nói. “Sẽ có sự thay đổi trong trách nhiệm của cô. Từ giờ trở đi, thay vì quản lý những vệ tinh xung quanh sao Hỏa, nhiệm vụ duy nhất của cô là quan sát Mark Watney.”
“Cái gì?” Mindy nói. “Vậy còn việc điều chỉnh và sắp xếp đường bay thì sao?”
“Chúng tôi sẽ giao việc đó cho những người khác,” Venkat nói. “Từ giờ trở đi, cô chỉ tập trung vào việc kiểm tra hình ảnh từ Ares 3.”
“Đây là một sự giáng cấp,” Mindy nói. “Tôi là kỹ sư quỹ đạo, và giờ ông biến tôi thành một kẻ nhìn trộm được tôn vinh.”
“Chỉ ngắn hạn thôi,” Venkat nói. “Và chúng tôi sẽ đền bù cho cô mà. Vấn đề là, cô đã làm việc này mấy tháng rồi và cô là một chuyên gia trong việc nhận biết chi tiết của Ares 3 từ những hình ảnh vệ tinh. Chúng tôi chẳng còn ai có khả năng làm điều đó cả.”
“Vì sao chuyện này đột nhiên quan trọng thế?”
“Cậu ấy sắp hết thời gian rồi,” Venkat nói. “Chúng ta không biết cậu ấy đã cải tiến rover đến đâu. Nhưng chúng ta biết cậu ấy chỉ còn 16 ngày để làm thôi. Chúng ta cần biết chính xác cậu ấy đang làm gì. Tôi có đám truyền thông và cả mấy tay thượng nghị sĩ cứ liên tục hỏi tình hình của cậu ta. Ngay cả Ngài Tổng thống cũng gọi điện cho tôi vài lần rồi.”
“Nhưng nhìn thấy tình trạng của anh ấy thì có ích gì,” Mindy nói. “Chúng ta cũng chả làm được gì nếu anh ấy chậm trễ. Đây là một nhiệm vụ công cốc.”
“Cô làm việc cho chính phủ bao lâu rồi thế?” Venkat thở dài.
Nhật trình: Sol 434
Đã đến lúc phải thử cái đồ quỷ sứ này rồi.
Điều này làm lộ ra một vấn đề. Không như chuyến đi đến Pathfinder, lần này tôi phải lấy những hệ thống duy trì sự sống ra khỏi căn Hab. Khi bạn đem máy điều hòa không khí và máy tạo ôxy ra khỏi căn Hab, bạn còn lại một… cái lều. Một cái lều tròn to không thể duy trì sự sống.
Chuyện ấy không liều lĩnh như ta tưởng. Như thường lệ, phần nguy hiểm về hệ thống duy trì sự sống là quản lý lược CO2. Khi mức CO2 trong không khí lên đến 1%, ta sẽ bắt đầu có triệu chứng ngộ độc. Nên tôi cần giữ cho nó dưới mức ấy.
Thể tích bên trong căn Hab chừng 120,000 lít. Khi hít thở bình thường thì phải mất hơn hai ngày tôi mới đưa mức CO2 lên đến 1% (và thậm chí khi đó tôi chẳng hao hụt mức O2 nào cả). Cho nên đưa máy điều hòa và máy tạo ôxy vào con rover một thời gian thì cũng an toàn thôi.
Cả hai thứ đều to quá khổ để có thể nhét vừa vặn vào cửa khóa khí của toa tải. May cho tôi là chúng được gửi đến sao Hỏa với hướng dẫn “cần lắp ráp một số bộ phận”. Chúng quá to để có thể gửi nguyên máy lên được, nên chúng cũng dễ dàng tháo rời ra thôi.
Sau vài chuyến ra vào, tôi đem tất cả những bộ phận của chúng vào toa tải. Tôi đem từng phần một vào cửa khóa khí. Nói cho bạn biết nha, lắp ráp chúng lại bên trong thật là phiền toái. Gần như chẳng đủ chổ để chứa mấy thứ ba linh tinh. Nên cũng chẳng có chỗ cho vị anh hùng gan dạ của chúng ta.
Rồi tôi đem BPBNCMĐH ra. Nó ngồi ngay bên ngoài căn Hab như một chiếc máy lạnh trung tâm để ngoài trời dưới Trái Đất. Theo cách nào đó thì nó chính là chiếc máy ấy. Tôi kéo nó ra toa tải và cột nó vào chiếc kệ tôi đã đóng riêng cho nó. Rồi tôi kết nối nó với đường dây đi xuyên qua “bong bóng” dẫn vào bên trong của khoang có áp suất của toa tải.
Máy điều hòa cần đưa khí ra BPBNCMĐH rồi khí được trả về phải sôi bong bóng trong thùng trữ nhiệt. Và, nó cần một thùng áp suất đển thải CO2 nó thu được trong không khí.
Khi rút sạch ruột toa tải để có chỗ trống, tôi để dành một thùng chứa lại cho việc này. Vốn nó được dùng để chứa ôxy, nhưng cái thùng thì vẫn là cái thùng. Cảm ơn Chúa là tất cả những đường dây dẫn và van đều được làm theo một chuẩn cho suốt phi vụ. Chẳng phải là một sai lầm đâu. Họ cố tình làm vậy để việc bảo trì thuận tiện hơn. Bằng cách đó chúng tôi có thể sửa bất cứ thứ gì trong phi vụ một cách dễ dàng hơn.
Sau khi mọi thứ được lắp ráp xong, tôi kết nối chúng vào nguồn điện của toa tải và quan sát chúng bật điện lên. Tôi chạy chẩn đoán toàn diện cho cả hai máy để xác định chúng hoạt động bình thường. Rồi tôi tắt máy tạo ôxy. Bạn nhớ rằng, tôi chỉ cần dùng nó mỗi 5 sol.
Tôi qua bên con rover, điều này có nghĩa là tôi phải làm một chuyến EVA phiền phức chỉ để đi chừng 10 mét. Từ bên đó tôi theo dõi tình trạng của hệ thống duy trì sự sống. Cũng đáng để ghi chú rằng tôi không thể theo dõi các máy móc thật từ rover (vì chúng ở trong toa tải hết), nhưng rover có thể cho tôi biết tất cả thông tin về không khí. Ôxy, CO2, nhiệt độ, độ ẩm, vân vân. Mọi thứ vẫn bình thương.
Mặc áo EVA vô lại, tôi mở một lon CO2 cho vào không khí của rover. Tôi quan sát máy tính của rover nổi trận xung thiên khi nó thấy mức CO2 vọt đến mức độ chết người. Rồi, sau một thời gian, mọi thứ lại trở về mức độ bình thường. Máy điều hòa đang làm nhiệm vụ của mình. Giỏi đấy nhóc à!
Tôi để các thiết bị chạy còn mình thì trở về văn Hab. Nó sẽ ở đó một mình suốt đêm và sáng mai tôi sẽ kiểm tra nó. Đó không phải là một kiểm định thật sự, vì tôi không có ở đó để hít thở ôxy và thải ra CO2, nhưng làm từng bước một thôi.
Nhật trình: Sol 435
Đêm qua thật quái lạ. Tôi biết theo lẽ hợp lý thì chẳng chuyện tồi tệ gì sẽ xảy ra chỉ trong một đêm, nhưng thật hơi mất bình tĩnh khi biết tôi chẳng có hệ thống duy trì sự sống nào ngoài các máy sưởi. Mạng sống của tôi phụ thuộc vào mấy phép tính toán tôi làm sẵn từ trước. Nếu tôi viết sai một dấu hoặc cộng sai hai số, tôi sẽ chẳng bao giờ thức dậy nữa.
Nhưng tôi đã thức, và máy tính chính cho thấy mức CO2 hơi tăng lên như tôi đã dự đoán. Xem ra tôi sống thêm sol nữa.
“Sống thêm sol nữa” có thể là một tên phim James Bond hay tuyệt cú mèo.
Tôi kiểm tra con rover. Mọi thứ đều ổn. Nếu tôi không lái nó, một đợt sạc pin cũng đủ cho máy điều hòa hoạt động hơn một tháng (khi không bật máy sưởi). Đó là một biên an toàn khá tốt đấy chứ. Nếu chuyện khủng hoảng gì xảy ra, tôi sẽ có thời gian sửa chữa chúng. Tôi sẽ bị giới hạn bởi lượng ôxy tiêu thụ thay vì lượng CO2 bị khử đi, và ôxy thì tôi có thừa.
Tôi quyết định đã đến lúc kiểm định phòng ngủ.
Tôi đi vào trong rover, gắn phòng ngủ vào cửa khóa khí từ bên trong. Nhưng tôi đã đề cập lần trước, đây là cách duy nhất để làm thế. Rồi tôi cho nó bắt đầu chạy trong khi sao Hỏa chưa sinh nghi.
Như dự tính, áp suất bên trong rover thổi bật vải bạt ra cho nó phình lên. Sau đó, hỗn loạn. Áp suất bất ngờ làm phòng ngủ nổ tung như cái bong bóng. Nó xì hơi ngay, khiến cả nó và con rover đều rỗng hết khí. Khi ấy tôi còn đang mặc áo EVA, tôi đâu có ngu. Cho nên tôi đã được…
Sống Thêm Một Sol! (Với diễn viên Mark Watney trong vai… có lẽ vai Q. Tôi chẳng ra dáng James Bond chút nào.)
Tôi lôi cái phòng ngủ xì hơi vào căn Hab và kiểm tra nó một cách tổng thể. Nó nổ ngay chỗ đường may nơi bức tường giao với trần nhà. Cũng hợp lý. Đó là góc vuông trong một khoang có áp suất. Vật lý ghét mấy thứ như vậy lắm.
Trước tiên, tôi dán nó lại, rồi tôi cắt một dải băng dính của vải bạt còn dư lại và dán lên trên đừơng may. Giờ độ dày và nhựa resin dán của nó đều gấp đôi lên. Có lẽ nhiêu đó cũng đủ. Đến thời điểm này tôi chỉ đoán mò thôi. Kỹ năng thực vật học của tôi chẳng ích gì trong việc này cả.
Ngày mai tôi sẽ kiểm định lần nữa.
Nhật trình: Sol 436
Tôi dùng hết viên caffeine rồi. Vậy là không còn miếng cà phê sao Hỏa nào cho tôi.
Thế nên sáng nay tôi mất nhiều thời gian hơn mới tỉnh ngủ được, và cả ngày đầu tôi đau như búa bổ. Một cái lợi của việc được sống trong một dinh thự trị giá vài tỷ trên sao Hỏa: Nguồn ôxy nguyên chất vô biên. Vì lý do nào đó, nồng độ O2 cao sẽ tiêu diệt mọi cơn đau đầu. Không biết tại sao. Cũng chả quan tâm đâu. Điều quan trọng là tôi không phải chịu đau đớn.
Tôi kiểm định phòng ngủ lần nữa. Tôi dùng quy trình y như ngày hôm qua. Lần này nó không nổ. Vậy có nghĩa là nó tốt? Tôi không biết. Đó là chỗ dở hơi của phân tích hỏng hóc. Nếu phòng ngủ bị hư khi tôi đang ngủ trong đó, tôi sẽ chết. Nó sẽ duy trì được bao lâu nhỉ?
Hy vọng rằng nếu nó nảy sinh một lỗ rò rỉ, quá trình đó sẽ đủ chậm để tôi có thể phản ứng. Nhưng ai mà biết được chứ.
Sau vào phút đứng nhởn nhơ trong bộ EVA, tôi quyết định dùng thời gian của mình cho việc hữu ích hơn. Có lẽ tôi sẽ không thể rời khỏi khi phòng ngủ còn gắn chặt vào cửa khóa khí, nhưng tôi có thể vào rover và đóng cửa lại.
Làm vậy xong, tôi liền cởi bỏ bộ áo EVA không thoải mái chút nào này. Phòng ngủ nằm phía bên kia cửa khóa khí, nhưng vẫn còn đầy áp suất. Thế nên tôi vẫn còn đang làm kiểm định, nhưng tôi không cần phải mặc áo EVA.
Tôi cần một lượt kiểm định dài (tôi chọn đại 8 giờ) nên tôi đã ở trong con rover cho đến lúc đó.
Tôi dành thời gian lên kế họach cho chuyến đi. Chẳng có gì thêm vào những thứ tôi đã biết. Tôi sẽ đi thẳng đến Mawrth Vallis, rồi đi theo hướng đó đến khi ra khỏi đấy. Nó sẽ đưa tôi đi đường chữ chi, nhưng đa số là về hướng Schiaparelli.
Sau đó là đến Arabia Terra. Mỗi miệng núi lửa đại diện cho hai sự thay đổi độ cao ác nghiệt. Cái đầu leo lên, cái sau leo xuống. Tôi cố gắng hết sức để tìm đường ngắn nhất vòng qua nó. Tôi chắc chắn mình sẽ phải điều chỉnh đường đi khi tôi lái đi thật. Không có kế họach sống còn nào trong trường hợp gặp phải quân địch.
***
Mitch ngồi xuống ghế của mình trong phòng hội nghị. Cũng vẫn mấy ma cũ: Teddy, Venkat, Mitch và Annie. Nhưng lần này còn có Mindy Park và một tay nào đó Mitch chưa từng gặp.
“Gì thế, Venk?” Mitch hỏi. “Sao lại có họp đột xuất thế này?”
“Chúng ta có tiến triển mới,” Venkat nói. “Mindy, cô cập nhật mọi người đi.”
“Ừ, vâng,” Mindy nói. “Trông có vẻ như Watney đã hoàn thành việc bổ sung bong bóng vào toa tải. Hầu như nó dùng thiết kế mà chúng ta đã gửi cho anh ấy.”
“Có biết nó vững vàng đến đâu không?” Teddy hỏi.
“Khá là vững chắc,” Mindy đáp. “Nó đã được phình lên vài ngày rồi mà không có sự cố nào. Anh ấy còn làm một cái gì như… cái phòng.”
“Phòng?” Teddy hỏi.
“Nó được làm từ vải bạt căn Hab, tôi nghĩ vậy,” Mindy giải thích. “Nó kết nối với cửa khóa khí của rover. Tôi nghĩ anh ấy cắt một khúc từ căn Hab ra để xây nó. Tôi không biết mục đính của nó là gì.”
Teddy quay sang Venkat. “Cậu ta làm vậy chi?”
“Chúng tôi nghĩ đó là một khu làm việc,” Venkat nói. “Sẽ có nhiều việc cần làm cho MAV khi cậu ta đến Schiaparelli. Sẽ dễ dàng hơn nếu cậu ta có bộ EVA. Cậu ta có lẽ dự tính sẽ làm càng nhiều thứ trong đó càng tốt.”
“Thông minh đấy,” Teddy nói.
“Watney là một anh chàng thông minh,” Mitch nói. “Còn việc đưa hệ thống duy trì sự sống vào đó thì thế nào rồi?”
“Tôi nghĩ anh ấy đã làm xong,” Mindy nói. “Anh ấy di chuyển BPBNCMĐH ra ngoài.”
“Xin lỗi,” Annie ngắt lời. “BPBNCMĐH là cái gì?”
“Đó là bộ phận bên ngoài của máy điều hòa,” Mindy nói. “Nó nằm bên ngoài căn Hab, nên tôi nhận thấy ngay khi nó biến mất. Có lẽ anh ấy kê nó trên rover. Chẳng có lý do gì để di chuyển nó nên tôi đoán là anh ấy đã nối kết được hệ thống duy trì sự sống.”
“Tuyệt vời,” Mitch nói. “Mọi thứ đã sắp xong rồi.”
“Đừng ăn mừng vội, Mitch,” Venkat nói. “Đây là Randall Carter, một trong những nhà khí tượng học sao Hỏa của chúng ta. Randall, nói họ nghe những điều anh kể với tôi.”
Randall gật đầu. “Cảm ơn, Tiến sĩ Kapoor.” Anh quay máy tính xách tay của mình để trình bày một bản đồ sao Hỏa. “Trong vài tuần vừa qua, một cơn bão bụi đang bắt đầu trong khu vực Arabia Terra. Độ lớn thì cũng không to gì mấy. Nó sẽ không cản trở việc lái xe.”
“Vậy vấn đề là gì?” Annie hỏi.
“Đó là một cơn bão bụi với vận tốc thấp,” Randall giải thích. “Gió thổi chậm, nhưng đủ nhanh để đem theo những hạt bụi nhỏ trên bề mặt và khuấy động nó thành một đám mây dày đặc. Mỗi năm có chừng năm sáu cơn bão như thế. Vấn đề là, nó kéo dài mấy tháng, nó bao phủ một khu vực rộng lớn trên hành tinh, và nó sẽ làm cho khí quyển đặc đi vì cát bụi.”
“Tôi vẫn chưa thấy vấn đề là gì,” Annie nói.
“Ánh sáng,” Randall nói. “Tổng lượng ánh mặt trời đến được bề mặt rất thấp trong khu vực có bão. Ngay lúc này đây, nó ở mức 20% so với bình thường. Và chiếc rover của anh Watney được cung cấp điện từ những bảng pin mặt trời.”
“Chết tiệt,” Mitch dụi mắt nói. “Và chúng ta không thể cảnh báo cho cậu ta.”
“Vậy cậu ấy sẽ có ít điện hơn.” Annie nói. “Cậu ấy không thể sạc pin lâu hơn được sao?”
“Với kế họach hiện tại cậu ta đã sạc pin cả ngày rồi,” Venkat giải thích. “Với 20% mức ánh sáng bình thường, sẽ mất thời gian gấp năm lần để có đủ lượng điện tương đương. Nó sẽ biến chuyến đi 45 sol của cậu ta thành chuyến đi 225 sol. Cậu ta sẽ bị lỡ chuyến bay tạt ngang của Hermes.”
“Hermes không đợi cậu ta được sao?” Annie hỏi.
“Đó là một chuyến bay tạt ngang,” Venkat nói. “Hermes không thể đi vào quỹ đạo sao Hỏa. Nếu họ làm thế, họ sẽ không thể trở về. Họ cẫn giữ vận tốc cho đường quỹ đạo khứ hồi.”
Sau một hồi im lặng, Teddy nói, “Chúng ta chỉ có thể hy vọng cậu ấy tìm ra cách. Chúng ta có thể theo dõi tình hình của cậu ta và…”
“Không, chúng ta không thể,” Mindy cắt ngang.
“Chúng ta không thể?” Teddy hỏi.
Cô lắc đầu. “Vệ tinh không thể nhìn xuyên qua bụi cát. Một khi anh ấy đi vào vùng chịu ảnh hưởng, chúng ta không thể nhìn thấy gì cả cho đến khi anh ấy trở ra ở đầu kia.”
“Ôi…” Teddy nói. “Cứt thật.”
Nhật trình: Sol 439
Trước khi liều mạng mình trong chiếc máy quái dị này, tôi cần phải kiểm định nó.
Và không phải mấy trò kiểm định lẻ tẻ tôi làm bữa giờ. Đương nhiên, tôi đã kiểm tra việc phát điện, hệ thống duy trì sự sống, bong bóng của toa tải, và phòng ngủ. Nhưng tôi cần phải kiểm định mọi thứ hoạt động cùng lúc.
Tôi sẽ đóng đồ cho chuyến đi dài ngày, và lái vòng tròn. Tôi sẽ không bao giờ lái xa căn Hab hơn 500 mét, nên tôi sẽ không sao nếu chuyện bất ổn gì xảy ra.
Tôi dành ngày hôm nay cho việc đóng đồ vào căn Hab và toa tải cho việc kiểm định. Tôi muốn trọng lượng giống như trong chuyến đi thật. Cộng thêm nếu đồ đạc bên trong có thể di dời lung tung hoặc bị vỡ thì tôi muốn biết điều đó ngay lúc này.
Tôi nhượng bộ điều thường thức này một chút: Tôi bỏ gần hết lượng nước dự trữ lại trong căn Hab. Tôi đem theo 20 lít, không hơn không kém vừa đủ cho việc thử nghiệm.Có rất nhiều cách có thể khiến tôi mất áp suất trong cái động cơ quái vật mà tôi vừa chế ra này, và tôi không muốn tất cả lượng nước của mình bốc hơi hết nếu điều đó xảy ra.
Trong chuyến đi thật tôi sẽ có 620 lít nước. Tôi bù vào khối lượng ấy bằng cách đổ 600 kí đá sỏi chung với những đồ dự trữ khác.
Dưới Trái Đất, các trường đại học và cơ quan chính phủ sẵn sàng chi hàng triệu đô để có vài hòn đá sao Hỏa này. Còn tôi thì dùng chúng để dằn xe.
Tôi làm thêm một kiểm định nhỏ tối nay. Tôi đảm bảo các bảng pin còn tốt và đầy điện, rồi ngắt nguồn điện từ căn Hab đến con rover và toa tảỉ. Tôi sẽ ngủ trong căn Hab, nhưng tôi mở hệ thống duy trì sự sống của rover. Nó sẽ điều chỉnh không khí qua đêm, và ngày mai tôi sẽ biết nó dùng hết bao nhiêu điện. Tôi đã quan sát lượng điện tiêu thụ khi nó nối kết vào căn Hab và cái đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng đây mới chính là bằng chứng thật sự. Tôi goi nó là “Kiểm định Rút dây”.
Có lẽ có không phải là cái tên hay nhất.
***
Phi hành đoàn Hermes tập trung trong khoang Rec.
“Hãy báo cáo tình hình vắn tắt,” Lewis nói. “Tất cả chúng ta đều chậm trễ những việc khoa học được phân công. Vogel, anh trước đi.”
“Tôi sữa dây cáp hỏng trong VASIMR 4,” Vogel báo cáo. “Đó là dây cáp dày cuối cùng của chúng ta. Nếu một sự cố khác tương tự xảy ra, chúng ta sẽ phải tết những dây cáp mỏng hơn mới truyền được cường độ điện đó. Ngoài ra, hiệu suất điện từ lò phản ứng cũng đang suy giảm.”
“Johanssen,” Lewis nói. “Lò phản ứng bị gì vậy?”
“Tôi phải chỉnh nó xuống,” Johanssen nói. “Là vì cái quạt làm mát. Chúng không tỏa nhiệt nhiều như trước nữa. Chúng đang bị mờ đi.”
“Sao chuyện đó có thể xảy ra chứ?” Lewis nói. “Chúng nằm bên ngoài con tàu. Chẳng có gì để mà phản ứng với chúng được.”
“Tôi nghĩ chúng bắt được bụi hoặc những rò rỉ không khí nhỏ từ chính Hermes. Cách này hay cách khác, chắc chắn là chúng đang bị mờ đi. Vết xỉn màu kết nối với lưới mắt cá vi mô, và điều đó giảm đi diện tích bề mặt. Ít diện tích bề mặt hơn có nghĩa là ít nhiệt tiêu tan đi hơn. Nên em giới hạn lò phản ứng vừa đủ để chúng ta khỏi nhận thêm nhiệt lượng.”
“Có khả năng nào để sửa chữa quạt làm mát không?”
“Nó ở tỉ lệ hiển vi,” Johanssen nói. “Chúng ta cần một phòng lab. Thường họ hay thay các mạch ấy sau mỗi phi vụ.”
“Chúng ta có thể duy trì điện cho động cơ trong suốt thời gian còn lại của phi vụ hay không?”
“Được, nếu tốc độ xỉn màu không tăng lên.”
“Được rồi, nhớ lưu ý đến nó. Beck, hệ thống duy trì sự sống thế nào?”
“Ì ạch,” Beck nói. “Chúng ta đã ở trong không gian lâu hơn khả năng xử lý của nó. Có cả đống đầu lọc mà bình thường chúng ta sẽ thay thế sau mỗi phi vụ. Tôi phát hiện ra cách chùi sạch chúng trong bể dung dịch hóa học tôi chế tạo trong phòng lab, nhưng nó ăn mòn chính đầu lọc luôn. Giờ chúng ta tạm ổn, nhưng ai biết cái gì sẽ hư hỏng tiếp theo?”
“Chúng ta biết những chuyện này sẽ xảy ra,” Lewis nói. “Con tàu này được thiết kế để đi một phi vụ 396 ngày, và chúng ta cần làm sao cho nó hoạt động đến hết 898 ngày. Chúng ta có mọi sự trợ giúp của NASA nếu có hư hỏng gì. Chúng ta chỉ phải liên tục bảo trì ngay khi cần. Martinez, buồng ngủ của anh bị gì thế?”
Martinez nhíu mày nhăn mặt. “Nó đang muốn nướng tôi chín. Hệ thống điều khiển thời tiết không hoạt động nổi nữa rồi. Tôi nghĩ chính là do ống dẫn bên trong tường chứa chất lỏng làm nguội. Tôi không thể lấy chúng ra vì chúng được xây dựng bên trong vò tàu. Chúng ta có thể dùng buồng ấy để chứa những thứ không nhạy cảm với nhiệt độ, nhưng chỉ có thể làm được vậy thôi.”
“Vậy bữa giờ anh ngủ ở đâu?”
“Trong cửa Airlock 2. Đó là nơi duy nhất tôi có thể ngủ mà không vướng chân ai cả.”
“Không ổn rồi,” Lewis lắc đầu nói. “Nếu xi bị hở, anh chết ngay.”
“Tôi không thể nghĩ ra chỗ nào khác để ngủ,” anh nói. “Con tàu khá chật chội rồi, và nếu tôi ngủ trong hành lang thì tôi sẽ ngáng đường mọi người.”
“Được rồi, từ nay trở đi, ngủ trong phòng của Beck. Beck có thể ngủ với Johanssen.”
Johanssen đỏ mặt và bối rối cúi đầu xuống.
“Ô này…” Beck nói, “Cô biết chuyện đó à?”
“Anh nghĩ tôi không biết?” Lewis nói. “Đây là một con tàu nhỏ thôi mà.”
“Cô không giận à?”
“Nếu đây là một phi vụ bình thường thì tôi đã giận,” Lewis nói. “Nhưng chúng ta đã đi quá xa lề lối rồi. Miễn đừng để chuyện này làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của hai người là tôi sẽ thấy vui ngay.”
“Câu lạc bộ xa hàng triệu dặm,” Martinez nói. “Sướng!”
Johanssen càng đỏ mặt hơn và vội lấy tay che mặt mình.
Nhật trình: Sol 444
Càng ngày tôi càng giỏi việc này. Có lẽ sau khi vụ này kết thúc tôi có thể làm người thử sản phẩm rover sao Hỏa.
Mọi chuyện diễn biến tốt đẹp. Tôi dành năm sol chạy vòng tròn. Trung bình mỗi sol tôi chạy được 93 km. Nhiêu đó nhiều hơn sự mong đợi của tôi. Định hình nơi này phẳng và trơn tru, nên đó là hoàn cảnh tốt nhất. Một khi tôi lên đồi và đi vòng những tảng đá lên thì sẽ không đi được nhiều đến thế.
Phòng ngủ thật đã quá. To, rộng và thoải mái. Ngày đầu tiên tôi gặp vấn đề nhỏ về nhiệt độ. Lạnh chết cha nó luôn. Con rover và toa tải điều hòa nhiệt độ của nó bình thường, nhưng bên trong phòng ngủ mọi thứ không đủ ấm.
Câu chuyện của đời tôi.
Con rover có máy sưởi điện dùng một cái quạt nhỏ để đẩy không khí. Tôi không dùng nó vì RTG cung cấp đủ nhiệt lượng tôi cần. Tôi tháo cái quạt ra và nối nó vào nguồn điện gần cửa khóa khí. Khi nó có điện rồi tôi chỉ việc chỉa nó thổi về phía phòng ngủ.
Có là một giải pháp kỹ thuật thấp, nhưng dùng được. Có nhiều nhiệt lượng nhờ vào RTG. Tôi chỉ cần nó lan tỏa đều mọi nơi. Cuối cùng thì chỉ một lần thôi, entropy[1] cũng đứng về phía tôi.
Tôi hình thành thói quen cũng khá nhanh. Thật ra, mọi thứ quen thuộc đến đáng sợ. Tôi đã làm việc này suốt 22 ngày khổ sở trong cuộc hành trình đến Pathfinder. Nhưng lần này, tôi có phòng ngủ nên mọi thứ khác hẳn. Thay vì co ro trong rover, tôi có căn Hab nho nhỏ của riêng mình.
Quy trình thì như bạn đã dự đoán. Sau khi thức giấc, tôi ăn khoai tây cho bữa sáng. Rồi, tôi xì hơi phòng ngủ từ bên trong. Cũng hơi chật vật, nhưng tôi nghĩ ra cách làm.
Đầu tiên, tôi mặc áo EVA vào. Rồi tôi đóng cửa khóa khí bên trong, để của bên ngoài mở (chính là cánh cửa nối liền với phòng ngủ). Việc này tách biệt phòng ngủ ra khỏi rover, chỉ với tôi ở trong đó. Rồi tôi ra lệnh cho cửa khóa khí giảm áp suất. Nó nghĩ rằng nó chỉ bơm hơi ra khỏi một không gian nhỏ, nhưng thật ra nó xì hơi cả phòng ngủ.
Sau khi áp suất thoát hết, tôi kéo vải bạt vào và xếp nó lại. Rồi tôi tháo nó khỏi khoang ngoài và đóng cửa bên ngoài lại. Chỗ này là chỗ gò bó nhất. Tôi phải chia sẻ khu cửa khóa khí với toàn bộ phòng ngủ đã được xếp lại trong khi nó điều áp trở lại. Khi có áp suất rồi, tôi mở cửa bên trong và gần như là té nhào vào bên trong rover. Rồi tôi cất phòng ngủ đi, và trở ra cửa khóa khí để ra ngoài sao Hỏa như thường lệ.
Đó là một quy trình phức tạp, nhưng nó tháo rời được phòng ngủ mà không cần phải giảm áp trong cabin. Bạn nên nhớ là trong rover có tất cả đồ đạc của tôi mà mấy thứ đó thì không thích chơi trong tình trạng chân không cho lắm.
Bước tiếp theo là thu dọn các bảng pin mặt trời tôi đã trải ra ngày hôm trước và xếp chúng lên rover và toa tải. Rồi tôi kiểm tra nhanh chóng toa tải. Tôi đi vào từ cửa khóa khí và cơ bản làm nhìn sơ một cái xem mọi hệ thống thế nào. Thậm chí tôi còn không tháo áo EVA ra. Tôi chỉ muốn đảm bảo không có chuyện bất thường rõ rệt nào.
Rồi, tôi trở vào trong rover. Khi đến bên trong, tôi cởi bỏ áo EVA và bắt đầu lái. Tôi lái gần 4 giờ thì hết điện.
Sau khi tôi dừng xe, tôi mặc lại áo EVA và ra ngoài bề mặt sao Hỏa. Tôi xếp bảng pin ra để sạc.
Rồi tôi dựng phòng ngủ lên. Cũng chỉ là quy trình ngược lại của cách mà tôi đã dùng để xếp phòng ngủ về. Xét cho cùng thì chính cửa khóa khí thổi phình nó lên. Và suy ra thì phòng ngủ chỉ là bộ phận mở rộng của cửa khóa khí.
Mặc dù có thể nhưng tôi không phình nó lên một cách vội vã. Tôi đã làm điều đó trong lúc kiểm định vì tôi muốn tìm chỗ rò rỉ. Nhưng đó không phải là ý hay. Thổi phồng nó một cách vội vã tạo nhiều va chạm và tăng áp suất đột xuất cho nó. Một ngày nào đó nó sẽ bị nứt ra. Tôi không thích cái lúc căn Hab bắn tôi như bắn đại bác. Nên tôi không hứng thú lặp lại việc đó.
Khi phòng ngủ được dựng lên xong, tôi có thể cởi áo EVA và thư giãn đến hết ngày. Hầu như tôi chỉ xem mấy chương trình TV thời 70 chán ngắt. Gần như cả ngày chẳng thể phân biệt được tôi và một kẻ thất nghiệp khác nhau gì mấy.
Tôi làm theo quy trình đó suốt bốn sol, rồi đến “Ngày Khí”.
Ngày Khí hóa ra cũng gần giống hệt mấy ngày còn lại, nhưng không phải lái 4 tiếng. Khi tôi dựng các bảng pin lên, tôi mở máy tạo ôxy và để nó làm những việc đổ dồn từ CO2 mà máy điều hòa đã dự trữ.
Sau khi xong, việc kiểm định của tôi đã hoàn tất. Nó chuyển hóa tất cả CO2 thành ôxy, và nó dùng hết điện lượng còn lại trong ngày để làm điều đó.
Việc kiểm định thành công. Tôi sẽ sẵn sàng vào đúng thời điểm đã định.
Nhật trình: Sol 449
Hôm nay là một ngày trọng đại. Tôi sẽ lên đường đi Schiaparelli.
Chiếc rover và toa tải đều được đóng đồ xong hết. Hầu như đồ đạc đã ở trong đó từ ngày chạy kiểm định. Nhưng giờ tôi còn đem theo nước lên xe nữa.
Tôi dành những ngày còn lại vừa rồi chạy chẩn đoán tổng thể cho mọi thứ. Máy điều hòa, máy tạo ôxy, RTG, BPBNCMĐH, pin, hệ thống duy trì sự sống của rover (trong trường hợp tôi cần một hệ thống dự phòng), pin mặt trời, máy tính rover, cửa khóa khí, và tất tần tật những bộ phận có chỗ lưu động được hoặc có thiết bị điện tử. Thậm chí tôi còn kiểm tra mỗi động cơ mô tô nữa. Có cả thảy tám cái, mỗi bánh xe một cái, bốn trên rover và bốn trên toa tải. Động cơ mô tô của toa tải sẽ không được cung cấp điện, nhưng cũng tốt khi có sẵn để phòng hờ.
Mọi thứ đã sẵn sàng. Không có vấn đề nào tôi có thể phát hiện.
Căn Hab giờ chỉ còn cái vỏ. Tôi đã cướp hết những bộ phận thiết yếu và cả một khúc vải bạt to tướng. Tôi bốc lột hết từ căn Hab tội nghiệp tất cả những thứ nó có thể cho tôi, và ngược lại nó đã giữ cho tôi sống hơn một năm rưỡi nay. Nó như là Cây Ban Phước.
Hôm nay tôi thực hiện việc tắt máy lần cuối. Các máy sưởi, đèn đuốc, hệ thống máy tính chính, vân vân. Tất cả các bộ phận tôi đã không chôm chỉa cho chuyến đi đến Schiaparelli.
Tôi có thể để chúng chạy tiếp. Cũng chẳng ai quan tâm cả. Nhưng quy trình ban đầu cho Sol 31 (vốn dĩ là ngày cuối cùng của phi vụ bề mặt) là tắt căn Hab hoàn toàn và xì hơi nó. NASA không muốn có một cái lều đầy khí ôxy dễ phát nổ cạnh MAV khi nó cất cánh, nên họ đã thêm quá trình tắt điện hoàn toàn vào phi vụ.
Tôi đoán rằng mình đã làm thế để bày tỏ lòng tôn kính với những thứ vốn thuộc về phi vụ Ares 3. Một phần nhỏ nhoi của Sol 31 mà tôi đã chẳng thể nào có được.
Sau khi tắt hết mọi thứ, sự yên lặng rùng rợn là thứ duy nhất ở lại. Tôi đã dành 449 ngày lắng nghe những âm thanh từ máy sưởi, lỗ thông hơi và quạt. Nhưng giờ nó lặng như tờ. Một loại im ắng sởn gai ốc, ma mị thật khó mà miêu tả. Tôi đã từng đi xa căn Hab, nhưng lúc nào cũng có rover hoặc áo EVA. Lúc nào cũng có máy móc hoạt động.
Nhưng giờ không có thứ gì cả. Tôi chưa bao giờ nhận ra sao Hỏa câm lặng đến nhường nào. Nó là một thế giới sa mạc với một bầu khí quyển có cũng như không để truyền âm thanh. Tôi có thể nghe thấy cả nhịp tim của mình.
Dù sao thì, nhiêu đó triết lý sến sện là đủ rồi.
Giờ tôi đang ở trong con rover. (Chuyện này cũng hiển nhiên thôi, với máy tính căn Hab đã offline vĩnh viễn.) Tôi có hai tấm pin đầy, tất cả mọi hệ thống sẵn sàng và tôi có 45 sol lái xe dưới chân mình.
Schiaparellie hoặc là chết!
[1] Entropy: một khái niệm vật lý, chỉ sự hỗn loạn.
Photo Credit: NASA