Người Sao Hỏa
Tác giả: Andy Weir
Người dịch: conruoinho
Thể loại: Khoa học viễn tưởng (scifi)
Truyện dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
Truyện dịch từ bản Advance Read nên có thể không giống hoàn toàn với bản xuất bản.
Mục Lục
1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 – 10 – 11 – 12 – 13 – 14 – 15 – 16 – 17 – 18 – 19 – 20 – 21 – 22 – 23 – 24 – 25 – 26
(22)
Nhật trình: Sol 458
Mawrth Vallis! Cuối cùng tôi cũng đến đây!
Thật ra thì đây chẳng phải thành tựu ấn tượng gì. Tôi chỉ mới đi có 10 sol thôi. Nhưng cũng là một mốc quan trọng tốt cho tâm lý.
Bữa giờ con rover và hệ thống duy trì sự sống hoạt động thật đáng ngưỡng mộ. Ít ra cũng tốt như sự mong đợi dành cho những thiết bị được dùng gấp mười lần tuổi thọ của nó.
Hôm nay là Ngày Khí thứ hai (ngày đầu tiên cách đây 5 sol rồi). Khi tôi lên chương trình, tôi nghĩ rằng Ngày Khí sẽ là một ngày chán chường. Nhưng giờ tôi lại trông ngóng đến những ngày ấy. Đó là những ngày nghỉ của tôi.
Một ngày bình thường của tôi là thức dậy, xếp phòng ngủ, cất pin mặt trời đi, lái xe bốn tiếng, dựng pin mặt trời, giương phòng ngủ ra, kiểm tra mọi hệ thống (đặc biệt là khung gầm xe và bánh xe của rover), rồi tạo một tin nhắn bằng mật mã Morse để báo cáo tình hình với NASA nếu tôi có thể tìm đủ sỏi đá gần đó.
Vào Ngày Khí, tôi thức giấc và mở máy tạo ôxy lên. Các bảng pin đã được trải sẵn đó. Mọi thứ sẵng sàng. Rồi tôi ngồi thư giãn bên trong phòng ngủ hoặc trong rover. Tôi có nguyên ngày cho riêng mình. Phòng ngủ đủ chỗ để tôi không cảm thấy như mình đang bị giam giữ, và máy tính có cả đống chương trình TV dở hơi chiếu đi chiếu lại cho tôi thưởng thức.
Đúng ra hôm qua tôi đã đi vào địa phận Mawrth Vallis. Nhưng tôi chỉ biết điều đó khi nhìn vào bản đồ. Cửa vào của thung lũng rộng đến nỗi tôi không thể thấy vách của các hẽm núi từ bất cứ phương hướng nào.
Nhưng giờ tôi chắc chắn mình ở bên trong hẽm núi. Phía bên dưới bằng phẳng và dễ đi. Đó chính là thứ tôi đang mong đợi. Thật tuyệt diệu; thung lũng này không phải được tạo thành bởi một dòng sông chảy chầm chậm xói mòn nó ra. Nó được tạo thành bởi một cơn đại hồng thủy trong vòng một ngày. Đó có thể là một cảnh tượng kinh hãi đáng để xem.
Một suy nghĩ quái đản: Tôi không còn ở trong Acidalia Planitia nữa. Tôi đã sống ở đó 457 sol, gần một năm rưỡi, và tôi sẽ không bao giờ trở về đó nữa. Tôi tự hỏi có một ngày nào đó tôi sẽ hoài niệm về nó không.
Nếu “có một ngày nào đó,” tôi sẽ vui vui vẻ hoài niệm nó. Nhưng giờ thì tôi chỉ muốn về nhà.
***
“Chào mừng bạn trở lại với Báo Cáo Mark Watney của CNN,” Cathy nói với ống quay. “Chúng ta đang nói chuyện với vị khách mời quen thuộc, Tiến sĩ Venkat Kapoor. Tiến sĩ Kapoor, tôi đoán là mọi người đều muốn biết: Có phải Mark Watney sắp tiêu tùng rồi không?”
“Hy vọng không phải vậy,” Venkat trả lời. “Nhưng cậu ấy có một thử thách thật sự sắp tới.”
“Theo như dữ liệu vệ tinh gần đây nhất của bên ông, cơn bão bụi trong Arabia Terra không có vẻ dịu đi chút nào cả, và nó sẽ che chắn 80 % ánh sáng mặt trời?”
“Đúng thế.”
“Và nguồn điện duy nhất của chính là bảng pin mặt trời, đúng không?”
“Vâng, đúng vậy.”
“Chiếc rover tạm thời của anh ấy có thể hoạt động với 20 % điện lượng hay không?”
“Không, chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra cách để khiến nó hoạt động được như thế. Nội hệ thống duy trì sự sống của cậu ấy đã ngốn điện nhiều hơn thế rồi.”
“Còn bao lâu thì anh ấy sẽ đi vào khu vực Tau[1]?”
“Hiện giờ cậu ta vừ đi vào khu vực Mawrth Vallis. Với vận tốc di chuyển hiện tại, cậu ta sẽ đến rìa khu vực Tau vào sol 471. Tức còn 12 ngày nữa.”
“Chắc hẳn anh ấy sẽ thấy có điều gì không ổn,” Cathy nói. “Với tầm nhìn bị hạn chế, chẳng mất bao lâu để anh ấy có thể nhận ra bảng pin mặt trời sẽ gặp sự cố. Anh ấy không thể quay về vào thời điểm đó sao?”
“Thật không may, mọi thứ đều không có lợi cho cậu ấy,” Venkat nói. “Rìa cơn bão không phải là một vạch mức thần kỳ. Nó là một khu vực mà cát bụi dày đặc hơn. Và nó sẽ càng ngày càng đặc hơn theo hướng cậu ấy đi. Cát bụi hơi phảng phất, mỗi ngày sẽ tối tăm hơn ngày hôm trước một chút thôi. Rất khó nhìn thấy để nhận ra.”
Venkat thở dài. “Cậu ấy sẽ đi cả trăm cây số, và tự hỏi vì sao hiệu suất các bảng pin mặt trời giảm dần, rồi mới nhận ra được tầm nhìn có vấn đề. Và cơn bão đi về hướng Tây còn cậu ấy đi về hướng Đông. Khi đó đã đi quá sâu không thể trở ra.”
“Có phải chúng ta chỉ quan sát một bi kịch sắp diễn ra?” Cathy hỏi.
“Lúc nào cũng có hy vọng,” Venkat nói. “Có lẽ cậu ta sẽ phát hiện điều đó sớm hơn chúng ta dự tính và quay lại kịp lúc. Có lẽ cơn bão sẽ tan biến bất ngờ. Có lẽ cậu ấy sẽ tìm được cách để các hệ thống duy trì sự sống tiếp tục họat động với ít điện lượng hơn trong ta tưởng. Bây giờ Mark Watney là chuyên gia sinh tồn trên sao Hỏa. Nếu có ai đó có thể làm được điều đó, thì chính là cậu ta.”
“Mười hai ngày,” Cathy nói với ống quay. “Cả thế giới đều đứng xem, nhưng bất lực không giúp được gì.”
Nhật trình: Sol 462
Lại một ngày không có biến cố. Ngày mai là Ngày Khí, nên hôm nay cũng giống như đêm thứ sáu của tôi.
Tôi đã đi nửa chặng đường xuyên Mawrth Vallis rồi. Đúng như tôi kỳ vọng, mọi thứ đều dễ dàng. Không có sự thay đổi độ cao nào. Cũng chẳng có chướng ngại vật. Chỉ có cát nhẵn nhụi và đá nhỏ hơn nửa mét mà thôi.
Có lẽ bạn đang suy ngẫm xem tôi định vị thế nào. Khi tôi đi đến Pathfinder, tôi quan sát Phobos di chuyển trên bầu trời để kết luận hướng Đông Tây. Nhưng Pathfinder là một chuyến đi dễ dàng so với lần này, và hầu như tôi đã dùng cảnh thiên nhiên để dẫn đường.
Lần này tôi không thể làm liều kiểu đó. “Bản đồ” của tôi (với chút giá trị của nó) bao gồm những hình ảnh vệ tinh với độ phân giải quá thấp đến nỗi chẳng dùng cho việc gì được. Họ đã không dự trù việc tôi có thể đi xa đến mức này. Lý do duy nhất mà tôi có những hình ảnh khu vực Pathfinder với độ phân giải cao là vì họ đã đính kèm nó cho mục đích hạ cánh; trong trường hợp Martinez phải hạ cánh quá xa mục tiêu ban đầu.
Cho nên lần này, tôi cần một cách đáng tin cậy để điều chỉnh vị trí của mình trên sao Hỏa.
Vĩ độ và kinh độ. Đó chính là chìa khóa. Cái đầu thì dễ thôi. Các vị thủy thủ thời xưa dưới Trái Đất đã tìm ra nó ngay lập tức. Trục nghiêng 23.5 độ của Trái Đất hướng về sao Polaris (sao Bắc Cực). Sao Hỏa có trục nghiêng 25 độ, nên nó hướng về sao Deneb (sao Thiên Tân).
Chế tạo một kính lục phân không khó lắm. Bạn chỉ cần một cái ống để nhìn xuyên qua, một sợi dây, một quả cân, và một thứ gì đó để đánh dấu mức độ. Tôi làm nó trong vòng một giờ.
Rồi tôi ra ngoài mỗi đên với kính lục phân tự tạo để ngắm sao Deneb. Hơi ngớ ngẩn nếu bạn nghĩ về điều đó. Tôi mặc áo du hành trên sao Hỏa và tôi định vị bằng một công cụ của thế kỉ mười sáu. Nhưng này, cách đấy dùng được.
Kinh tuyết là một việc hoàn toàn khác. Dưới Trái Đất, cách dễ nhất để xác định kinh tuyến đòi hỏi họ phải biết chính xác thời gian, rồi so sánh với vị trí của mặt trời trên bầu trời. Phần khó nhất đối với họ trong thời điểm ấy là chế tạo ra một đồng hồ có thể dùng được trên tàu (đồng hồ quả lắc không dùng được trên tàu). Tất cả các nhà khoa học hàng đầu thời đó đều cố giải mã vấn đề ấy.
May cho tôi là tôi có một đồng hồ chính xác. Có bốn máy tính nằm ngay trước mắt tôi đây. Và tôi có Phobos.
Phobos nằm cực gần với sao Hỏa, nó bay hết một vòng quanh hành tinh đỏ trong thời gian chưa đến một ngày sao Hỏa. Nên khi nó di chuyển từ Tây sang Đông (không như mặt trời và mặt trăng Deimos) và mỗi chu kỳ của nó là 11 giờ. Và theo lẽ tự nhiên, nó di chuyển theo một đường đi có thể dự đoán được.
Tôi có 13 giờ mỗi sol chỉ ngồi chơi trong khi chờ các bảng pin sạc xong. Điều đó đảm bảo rằng Phobos sẽ lặn ít nhất một lần trong khoảng thời gian ấy. Tôi ghi chú thời gian khi việc đó xảy ra. Rồi tôi bỏ con số ấy vào một công thức gớm ghiếc mà tôi đã tính sẵn để biết được kinh độ của mình.
Như vậy, tính ra được kinh độ cần có để Phobos lặn, và tính ra vĩ độ cần có của trời ban đêm để tôi có thể nhìn thấy được Deneb. Đó không phải là một hệ thống nhanh nhạy cho lắm. Nhưng tôi chỉ cần dùng nó một lần trong ngày. Tôi tính ra được vị trí mình đang đậu, và dùng nó để tính ngày du hành hôm sau. Đó là một phương pháp tính số xấp xỉ liên tiếp. Bữa giờ nó vẫn làm tốt lắm.
***
Mindy Park phóng to hình ảnh vệ tinh với sự dễ dàng do đã quen tay. Chỗ Watney cắm trại rõ rệt ngay ở giữa, những bảng pin được xếp ra hình vòng tròn chính là thói quen của anh ta.
Phòng ngủ phình lên. Cô kiểm tra thời gian in trên hình ảnh, đó là đúng giữa trưa giờ địa phương. Cô nhanh chóng tìm ra tin nhắn báo cáo tình hình; Watney luôn luôn xếp chúng sát cạnh rover khi có nhiều sỏi đá, thường là về hướng Bắc.
Để tiết kiệm thời gian, Mindy đã tự học mật mã Morse để mỗi buổi sáng khỏi phải dò từng chữ cái một. Cô mở email ra, gửi đi đến một danh sách ngày càng dài như tấm sớ – những người muốn biết tình trạng hằng ngày của Watney.
“ĐÚNG THEO KẾ HOẠCH ĐẾN NƠI SOL 495.”
Cô nhíu mày rồi viết thêm: “Ghi chú: Còn 5 sol nữa là đến khu vực Tau.”
Nhật trình: Sol 466
Mawrth Vallis là một khoảng thời gian vui sướng. Giờ tôi ở trong Arabia Terra.
Tôi vừa đi vào rìa khu ấy, nếu như tính toán vĩ độ và kinh độ của tôi đúng. Và mặc dù không có mấy bài toán đó, cũng khá rõ ràng là địa hình đang thay đổi.
Trong hai sol vửa qua, tôi dành hầu hết thời gian của mình đi lên một con dốc để đi lên vách hẽm núi phía sau của Mawrth Vallis. Dốc lên thoai thoải thôi, nhưng đi lên liên miên. Hiện giờ tôi ở một độ cao hơn trước nhiều. Adicalia Planitia (nơi căn Hab cô đơn đang thui thủi một mình) nằm 3000 mét dưới độ cao 0, và Arabia Terra chỉ dưới 500 mét thôi. Vậy tôi đã đi lên cao hai cây số rưỡi.
Bạn muốn biết độ cao 0 là gì? Dưới Trái Đất, đó là mực nước biển. Hiển nhiên trên sao Hỏa thì không phải vậy. Cho nên mấy tên mọt mặc áo trắng trong phòng thí nghiệm tập họp lại và quyết đinh độ cao 0 của sao Hỏa là ở vị trí bất kỳ nơi áp suất khí là 610.5 Pascal. Đó là cách chỗ tôi 500 mét về phía trên.
Giờ mới đến đoạn rắc rối đây. Ở Acidalia Planitia, nếu tôi đi sai đường, tôi chỉ cần đi về hướng mới theo dữ liệu thu thập. Sau đó, trong Mawrth Vallis, chẳng thể nào mà đi sai be bét được. Tôi chỉ cần đi theo hẽm núi.
Giờ tôi ở trong khu phố nguy hiểm. Loại khu phố mà bạn phải đóng cửa nẻo rover cho kỹ, và không bao giờ dừng hẳn lại ở một góc đường nào. À, không hẳn thế, nhưng đi sai là thê thảm lắm đây.
Arabia Terra có nhiều miệng núi lửa vừa to vừa hiểm trở và tôi phải lái xe vòng qua đó. Nếu tôi định vị quá kém cỏi, tôi sẽ tới ngay rìa miệng núi lửa nào đó. Tôi không thể nào lái lên lái xuống từng cái một. Đi lên dốc hao tốn rất nhiều năng lượng. Trên mặt đất bằng phẳng, tôi có thể đi 90 cây số một ngày. Đi lên một con dốc đứng, họa may tôi đi được 40 cây. Ngoài ra, lái xe lên dốc rất nguy hiểm. Một sai lầm rôi là xe tôi lăn cù mèo. Thậm chí tôi còn không muốn nghĩ đến tình cảnh đó.
Vâng, rồi sẽ đến lúc tôi phải lái xe xuống dốc để đi vào Schiaparelli. Chẳng có đường vòng nào đi quanh đó. Tôi sẽ phải đi thật cẩn thận.
Dù sao thì, nếu lỡ mà tôi đi đến rìa miệng núi lửa thì tôi phải đi ngược lại đến một chỗ khác có thể đi được. Và khu này như là một mê cung đầy những miệng núi lửa. Lúc nào tôi cũng phải cảnh giác đề phòng, quan sát mọi thứ mọi lúc mọi nơi. Tôi sẽ định vị bằng phong cảnh xung quanh cũng như dùng cả vĩ độ và kinh độ.
Thử thách đầu tiên của tôi là đi giữa hai miệng núi lửa Rutherford và Trouvelot. Cũng không khó lắm. Chúng cách nhau cả 100 km. Ngay cả chính tôi cũng không thể xôi hỏng bỏng không vụ này, đúng không nào?
Đúng không nào?
Nhật trình: Sol 468
Tôi xoay xở đi như luồng chỉ qua lỗ kim giữa Rutherford và Trouvelot một cách dễ dàng. Phải thừa nhận là lỗ kim này rộng đến 100 km, nhưng vậy thì sao chứ.
Bây giờ tôi đang tận hưởng Ngày Khí thứ tư của mình. Tôi đã đi được 20 sol. Đến giờ phút này, tôi vẫn đúng kế hoạch. Theo như bản đồ của mình, tôi đã đi được 1,440 km. Chưa đến nửa đường, nhưng cũng sắp rồi.
Suốt đường đi tôi đều thu thập mẩu đá và sỏi từ mỗi chỗ tôi cắm lều. Tôi cũng làm thế trên đường đến Pathfinder. Nhưng lần này, tôi biết NASA đang quan sát tôi. Nên tôi dán nhãn cho mỗi mẩu theo ngày sol hôm ấy. Họ có thể tương quan mẩu vật và vị trí của chúng sau.
Đây có thể là một nổ lực công cốc. Chiếc MAV sẽ chẳng chứa được nhiều trọng lượng khi tôi cất cánh. Để đến được Hermes, nó sẽ phải đạt được vận tốc thoát quỹ đạo, nhưng nó vốn chỉ được thiết kế để đi đến quỹ đạo mà thôi. Cách duy nhất để nó có thể đi nhanh hơn là phải “giảm béo”.
Ít ra việc sửa chữa cẩu thả sẽ là việc NASA phải tính cho ra, chứ không phải việc của tôi. Khi đến được chỗ MAV, tôi sẽ nối kết liên lạc với họ và họ sẽ cho tôi biết phải cải tạo những thứ gì.
Có lẽ họ sẽ nói: “Cảm ơn anh đã thu thập mẩu vật. Nhưng bỏ chúng lại đó nhé. Và một cánh tay của anh nữa. Cánh tay nào mà anh không thích ấy.” Nhưng có một cơ hội mong manh nào cho phép tôi đem chúng theo thì tôi đã thu thập chúng đây.
Những ngày đường sắp tới cũng dễ dàng thôi. Chướng ngại vật lớn nhất chính là Miệng núi lửa Marth. Nó ngay giữa đường thẳng tôi cần đi để đến Schiaparelli. Nếu đi vòng qua nó thì tôi phải đi thêm chừng một trăm cây số nữa, nên chuyện đó không thể nào. Tôi sẽ cố nhắm đến rìa phía Nam. Càng đi sát rìa thì tôi càng đỡ phí thời gian đi vòng quanh nó.
***
“Anh xem cập nhật ngày hôm nay chưa?” Lewis vừa hỏi vừa lấy phần ăn của mình ra khỏi lò vi ba.
“Rồi,” Martinez nói, nhâm nhi thức uống của mình.
Cô ngồi đối diện anh trên bàn trong phòng Rec. Cô cẩn thận mở túi thức ăn nóng hổi, để cho nó nguội một lát rồi mới bắt đầu ăn. “Hôm qua Mark đi vào khu vực bão bụi.”
“Ừ, tôi có nhìn thấy,” anh nói.
“Chúng ta cần đối mặt với khả năng cậu ta không đi đến Schiaparelli kịp,” Lewis nói. “Nếu điều đó xảy ra, chúng ta cần giữ vững tinh thần. Chúng ta còn một đoạn đường dài để về nhà.”
“Cậu ta đã chết một lần rồi,” Martinez nói. “Khi ấy nhuệ khí ai cũng suy sụp, nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Hơn nữa, cậu ta sẽ không chết đâu.”
“Mọi chuyện ảm đạm quá, Rick à,” Lewis nói. “Cậu ta đã đi sâu 50 km vào cơn bão rồi và mỗi sol cậu ta đi thêm 90 km nữa. Chẳng mấy chốc cậu ta sẽ đi đến chỗ không thể quay đầu lại được.”
Martinez lắc đầu. “Cậu ta sẽ vượt qua được, Chỉ huy. Nên có niềm tin chứ.”
Cô mỉm cười khổ sở. “Rick, anh biết tôi không tin vào tôn giáo mà.”
“Tôi biết,” anh nói. “Tôi không nói về niềm tin vào Thiên Chúa, tôi nói về niềm tinh vào Mark Watney. Hãy nhìn xem những rắc rối sao Hỏa đã mang đến cho cậu ta, thế mà cậu ta vẫn còn sống. Cậu ta sẽ sống qua trận này thôi. Tôi không biết bằng cách nào, nhưng cậu ta sẽ làm được. Thằng khốn ấy thông minh lắm.”
Lewis cắn một miếng thức ăn của mình. “Tôi hy vọng là anh đúng.”
“Có muốn cá $100 hay không?” Martinez cười nói.
“Đương nhiên không,” Lewis nói.
“Chứ còn gì nữa,” anh mỉm cười.
“Tôi chả bao giờ đánh cá một đồng đội của mình sẽ chết,” Lewis nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi nghĩ rằng cậu ta sẽ…”
“Blah blah blah,” Martinez ngắt lời. “Trong thâm tâm cô nghĩ cậu ta sẽ qua khỏi.”
Nhật trình: Sol 473
Ngày Khí thứ năm, và mọi chuyện vẫn tốt. Ngày mai là tôi sẽ đi dọc hướng Nam vào Miệng núi lửa Marth. Sau đó mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Tôi đang ở giữa một mớ miệng núi lửa tập trung thành tạo thành một hình tam giác. Tôi gọi nó là Tam giác Watney bởi vì sau những thứ tôi đã trải qua, mấy thứ quỷ trên sao Hỏa này phải được đặt theo tên của tôi.
Trouvelot, Beckquerel, và Marth là ba mũi nhọn của hình tam giác, còn có năm miệng núi lửa lớn khác chạy dọc các cạnh. Bình thường thì đây cũng chẳng phải vấn đề gì cả, nhưng với định vị cực kỳ sơ lượt của mình, tôi có thể dễ dàng đi vào vành môi của một trong đám bọn chúng rồi lại phải trở ra.
Sau khi đi qua Marth, tôi sẽ ra khỏi Tam giác Watney (vâng, tôi càng ngày càng thích cái tên ấy). Rồi tôi sẽ thẳng tiến Schiaparelli không ngừng nghỉ. Vẫn còn nhiều miệng núi lửa trên đường đi, nhưng chúng nhỏ thôi so với mấy cái này và đi vòng qua chúng sẽ không tốn bao nhiêu thời gian cả.
Tiến triển đến giờ vẫn rất tuyệt. Arabia Terra rõ ràng là nhiều sỏi đá hơn Acidalia Planitia nhưng không đến nỗi như tôi đã lo sợ. Tôi đã lái qua phần lớn sỏi đá ở đó, và chỉ đi vòng những hòn đá nào quá to thôi.
Tôi còn 1435 km nữa. Chiếc MAV của Ares 4 nằm trong khu vực Đông Nam của Schiaparelli. Mục tiêu chính của Ares 4 là quan sát những tác dụng lâu dài của khí hậu sao Hỏa trên những địa tầng sâu thẳm bị lộ ra bên trong miệng núi lửa.
Ít ra đó chính là kế hoạch ban đầu. Tôi sẽ lấy đi MAV của họ và Chỉ huy Lewis còn chưa đem Hermes trả về, cho nên chúng tôi đã phá hỏng đi mọi thứ. Có lẽ họ sẽ gửi lại một MAV khác và chờ đợi thời điểm thích hợp tiếp theo.
Tôi đã làm vài nghiên cứu về Schiaparelli và phát hiện vài tin tốt. Cách đi tốt nhất là thẳng trực tiếp trên hướng tôi đi. Tôi sẽ không phải lái theo vòng chu vi gì cả. Và đường vào cũng dễ tìm thôi, ngay cả khi kỹ năng định vị của bạn kém cỏi đi chăng nữa. Rìa Tây Bắc có một miệng núi lửa nhỏ, đó chính là mốc phong cảnh tôi sẽ tìm kiếm. Về phía Tây Nam của miệng núi lửa nhỏ ấy là một con dốc thoai thoải đi vào Lưu vực Schiaparelli.
Miệng núi lửa be bé ấy chưa được đặt tên. Ít ra là không có tên trên bản đồ tôi có đây. Nêu tôi gọi nó là “Miệng Cổng Vào.” Vì tôi có thể làm thế.
Còn một tin tức khác, các thiết bị của tôi bắt đầu có dấu hiệu tuổi già. Cũng không có gì ngạc nhiên vì nó đã vượt quá hạn sử dụng lâu lắm rồi. Hai sol vửa qua, pin mất nhiều thời gian hơn để sạc. Bảng pin mặt trời cũng không cung cấp nhiều điện lượng như trước nữa. Cũng chẳng phải chuyện lớn gì, tôi chỉ cần sạc nó lâu hơn chút nữa.
Nhật trình: Sol 474
À, tôi đã làm sai con mẹ nó rồi.
Chuyện này chẳng chóng thì chày cũng phải xảy ra. Tôi định vị kiểu gì mà đã đi đến đỉnh của Miệng núi lửa Marth. Nó rộng 100 km nên tôi không thể thấy tất cả mọi thứ, do đó tôi không biết mình đang ở chỗ nào trong vòng tròn ấy.
Đỉnh núi ấy chạy vuông góc với hướng tôi muốn đi. Nên giờ tôi chẳng biết mình nên đi hướng nào. Và tôi không muốn đi đường vòng dài đăng đẳng nếu có thể tránh khỏi được. Ban đầu tôi muốn đi vòng về hướng Nam, nhưng đi hướng Bắc gần như cũng là lối đi tốt khi tôi đã lạc hướng thế này.
Tôi phải chở Phobos mọc lại để tính kinh độ của mình, và tôi cần chờ đêm buông xuống để nhìn Deneb và tính vĩ độ. Cho nên hôm nay coi như tôi xong với việc lái xe. Tôi đã lái được 70 km thay vì 90 km như thường lệ. Như vậy cũng không phí bao nhiêu thời gian có thể dùng để đi đường cả.
Marth cũng không dốc lắm. Có lẽ tôi có thể lái xuống từ một bên và lái lên lại phía bên kia. Nó đủ to để tôi có thể cắm lều bên trong cho đêm nay. Nhưng tôi không muốn chịu những rủi ro không cần thiết. Dốc là đồ xấu xa và chúng ta nên tránh nó. Tôi đã cho mình thêm nhiều thời gian phòng hờ, nên lần này tôi sẽ dùng biện pháp an toàn.
Tôi dừng chuyến đi của ngày hôm nay và dựng mọi thứ lên để sạc pin. Có lẽ đó là một ý tốt vì dù sao thì pin mặt trời cũng đang trở chứng, như vậy sẽ cho chúng thêm chút thời gian để làm việc. Tối qua chúng lại làm việc không hiệu quả. Tôi kiểm tra mọi kết nối và kiểm tra cho chắc rằng chẳng có bụi cát nào trên đó, nhưng chúng vẫn không đạt 100%.
Nhật trình: Sol 475
Tôi gặp rắc rối.
Tôi đã quan sát Phobos mọc lặn hai lần ngày hôm qua và trông thấy Deneb tối qua. Tôi tận dụng mỏi khả năng để tính ra địa điểm của mình cho càng chính xác càng tốt, và kết quả không phải điều tôi muốn nhìn thấy. Theo như tôi nhận biết, tôi đã đi vào ngay tâm Miệng núi lửa Marth.
Chết… tiệt…
Tôi có thể đi hướng Bắc hoặc hướng Nam. Một trong hai hướng sẽ là đường đi tốt hơn đường kia, vì nó sẽ là đường đi ngắn hơn vòng ra miệng núi lửa.
Tôi kết luận rằng mình nên nổ lực một chút để tìm hiểu xem đường nào là tốt nhất, nên sáng nay tôi cuốc bộ một chuyến. Đoạn đường hơn một cây số đi đến đỉnh rìa núi. Đó là một chuyến đi bộ mà dưới Trái Đất người ta có thể làm ngay chẳng cần suy nghĩ, nhưng khi mặc áo EVA thì đấy là cả một thử thách gay go.
Tôi không thể đợi đến khi mình có cháu nội ngoại. “Khi ông còn trẻ, ông phải đi lên miệng núi lửa. Lên dốc đó nha! Còn mặc áo EVA nữa! Trên sao Hỏa đó nha, mấy đứa nhóc quỷ! Tụi bây nghe ông chư? Sao Hỏa đó!”
Dù sao thì, tôi cũng phải đi lên đó và ôi mẹ kiếp, thật là một quan cảnh tuyệt đẹp. Từ điểm lợi thế ở trên cao của tôi, tôi có một tầm nhìn toàn cảnh thật hoành tráng. Tôi đoán rằng mình có thể nhìn thấy tuốt bên kia Miệng núi lửa Marth, và có thể biết được đi hướng Bắc hay hướng Nam mới là đường vòng ngắn nhất.
Nhưng tôi không thể thấy gì ở xa xa. Có bụi mù trong không trung. Cũng không phải chuyện lạ gì, xét cho cùng thì sao Hỏa của có thời tiết và có gió và có bụi. Nhưng dường như nó mịt mờ hơn bình thường. Tôi đã quen với dải đất rộng mở của Acidalia Planitia, ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên xa xưa của tôi.
Rồi mọi chuyện trở nên quái lạ hơn. Tôi quay lại sau lưng và nhìn về hướng rover và toa tải. Mọi thứ vẫn ở chỗ cũ (trên sao Hỏa không có nhiều tên trộm xe đâu). Nhưng quan cảnh trông rõ ràng hơn nhiều.
Tôi nhìn về hướng Đông qua Marth lần nữa. Rồi nhìn về đường chân trời hướng Tây. Rồi Đông, rồi Tây. Mỗi lần quay là tôi phải quay cả thân người, vì bộ đồ EVA nó thích thế đấy.
Hôm qua tôi đi ngang một miệng núi lửa. Nó cách chỗ này 50 km về hướng Tây. Tôi có thể nhìn thấy nó trên đường chân trời. Nhưng nhìn về hướng Đông, tôi không thể thấy bất cứ thứ gì xa như thế. Miệng núi lửa Marth rộng 110 km. Với một tầm nhìn 50 km, đáng lý tôi nên thấy vành cong đặc trưng của rìa núi lửa. Nhưng tôi lại không thể.
Cái mẹ gì thế này?
Ban đầu, tôi không biết điều này có nghĩa gì. Nhưng tính không đối xứng trong việc này làm tôi thấy lo ngại. Tôi đã học bài học rằng phải nghi ngờ tất cả mọi thứ. Đó là khi một số việc bắt đầu hiện ra trong tâm trí tôi:
- Lý giải duy nhất cho tầm nhìn không cân xứng là một trận bão bụi.
- Bão bụi làm giảm hiệu suất của pin mặt trời.
- Pin mặt trời của tôi đã dần mất đi hiệu suất mấy sol rồi.
Từ đó, tôi kết luận hai điều như sau:
- Tôi đã đi vào một cơn bão bụi vài sol rồi.
- Khốn kiếp.
Tôi không chỉ ở trong một cơn bão bụi, mà nó còn dày đặc hơn khi tôi đi càng gần đến Schiaparelli. Vài giờ trước, tôi còn lo lắng vì phải đi vòng Miệng núi lửa Marth. Giờ tôi sẽ phải đi vòng qua một thứ còn to hơn nhiều.
Và tôi phải đi nhanh lên. Bão bụi di chuyển. Ngồi yên có nghĩa là tôi sẽ bị chôn vùi. Nhưng đi hướng nào đây? Giờ chẳng phải là việc hiệu quả hay không hiệu quả. Nếu tôi đi sai đường lần này, tôi sẽ ăn bụi rồi chết.
Tôi không có hình ảnh từ vệ tinh. Tôi chẳng cách nào biết được hình dáng và kích thước cơn bão, hay hướng đi của nó. Trời ạ, giờ tôi chịu từ bỏ bất cứ thứ gì để được nói chuyện với NASA 5 phút thôi. Mà giờ nghĩ lại, NASA chắc đang đứng ngồi không yên khi quan sát những sự kiện này.
Tôi không còn nhiều thời gian. Tôi phải tính ra làm thế nào để tính ra những thứ tôi cần để biết thêm về cơn bão. Và tôi phải làm ngay bây giờ.
Và ngay trong giây phút này đầu óc tôi trống rỗng.
***
Mindy lê chân đi đến máy tính của mình. Ca trực hôm nay bắt đầu lúc 2:10 buổi chiều. Thời khóa biểu của cô trùng khớp với thời khóa biểu hằng ngày của Watney. Cô ngủ khi anh ngủ. Watney chỉ cần ngủ vào buổi tối trên sao Hỏa, trong khi Mindy mỗi ngày phải đi sớm hơn 40 phút nữa, cô dán giấy kim loại lên cửa sổ để ngủ được lúc nào hay lúc ấy.
Cô đem hình ảnh vệ tinh mới nhất lên màn hình. Cô nhướng cặp lông mày. Anh ấy vẫn chưa cắm lều. Thường thì anh ấy lái xe vào buổi sáng, ngay khi trời vừa đủ sáng để định vị. Rồi anh lợi dụng ánh sáng mặt trời đứng bóng buổi trưa để tăng lượng pin sạc lên đến cực đại.
Nhưng hôm nay, anh vẫn chưa nhúc nhích, và đã gần đến trưa rồi.
Cô kiểm tra xung quanh rover và phòng ngủ tìm kiếm một tin nhắn. Cô phát hiện nó ở vị trí thông thường (phía Bắc của khu lều trại). Đọc tin nhắn bằng mật mã Morse, đôi mắt cô mở to ra.
“BÃO BỤI. ĐANG LÊN KẾ HOẠCH.”
Tay cô loạng choạng lấy di động của mình ra, ấn nút gọi số điện thoại riêng của Venkat.
[1] Tau (kí hiệu: τ) trong thiên văn học chỉ độ sâu quang học, tức đo lường lượng ánh sáng mặt trời không thể đi xuyên qua khí quyển.

Photo Credit: Music of the Spheres, Nerdlist