Chat Sách đánh giá: 3/5*
Mới đầu nghe đến thể loại pháp y tui cũng muốn đọc thử lắm luôn vì từng xem bộ phim Đội khám nghiệm hiện trường. Nên khi chưa đọc truyện, tui đã dại dột đu xe lam xem phim Pháp Y Tần Minh của tác giả Tần Minh. Và hẳn nhiên, nó không những gây thất vọng tràn trề mà còn khiến tui ghét luôn nhân vật Tần Minh. Tui mới mang cái nỗi niềm này đi than thở với bạn mình, bạn ấy bảo đừng xem phim, hãy đọc truyện, nhân vật Tần Minh trong truyện không có “lemon question” như trong phim đâu. Nhưng mà tui lỡ ấn tượng cực kỳ xấu với nhân vật phim rồi nên mãi gần một năm sau mới dở truyện ra đọc lại từ đầu.
Có lẽ, trong những kiểu gây án thì kiểu không có động cơ gì mới gây đau đầu nhất cho các nhà điều tra. Những vụ án chính trong Người Sống Sót chính là loại như thế. Cô dâu, trẻ em, người già neo đơn, người giàu có,… không có một quy luật cụ thể nào nên khiến cho đội của Tần Minh không biết được rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra, vì thế cũng không biết tiếp theo sẽ là án gì? Liệu chăng đây là do một hung thủ hay do một nhóm người gây ra bởi các vụ án thường xảy ra song song ở hai nơi khác nhau trong khoảng thời gian gần nhau? Hung thủ luôn đi trước đội điều tra một bước. Manh mối thì quá sức nghèo nàn, thậm chí có lúc cả đội rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì không thấy lối ra cho những án này.
Đội của Tần Minh tập hợp những con người nhiệt huyết, vừa giỏi chuyên môn lại có tâm với nghề. Đặc biệt Tần Minh trong truyện tạo ấn tượng rất tốt với tui. Ông chú Tần Minh là một người điềm đạm, cẩn thận, tỉ mỉ, không kiêu ngạo, không hách dịch như cái phim trời đánh kia. Nhưng ngoài Tần Minh, Hàn Lượng và Đại Bảo là ok ra, tui thấy các nhân vật còn lại như những người tập sự. Đôi lúc theo dõi mạch truyện mà đọc thấy Thi Vũ hay Lâm Đào thốt lên những câu hỏi mà tui không thể nào hình dung được đó là câu hỏi của một pháp y hoặc một người tốt nghiệp học viện trinh sát? Ví dụ như: “Carbon dioxide có thể lấy mạng người à?” [Lâm Đào]. Có lúc tôi đã phải đọc lại cả trang để xem coi mình có bỏ sót chỗ nào hay không, nhưng không hề. Sự nhí nhố của các nhân vật này đôi lúc lại không đúng chỗ đúng lúc nữa.
Bên cạnh đó, có lẽ vì muốn truyền đạt kiến thức pháp y đến người đọc, nên các cuộc trao đổi giữa các nhân vật trong truyện như đang giảng bài. Mà đối tượng giảng là những người đọc chứ không phải với nhân vật trong truyện. Điều đó khiến cho cuốn truyện như là một cuốn sách giảng về pháp y hơn là tiểu thuyết về điều tra án của nhân viên pháp y. Nó giảm đi rất nhiều sự hứng thú khi đọc một cuốn truyện liên quan đến trinh thám.
Còn nữa, tuy là một chi tiết nhỏ nhưng tui thấy không kém phần quan trọng và nó cho thấy sự bất hợp lý trong công tác điều tra án. Đó là khi phao tin chị Bảo còn sống để nhử hung thủ ra mặt, mà bên điều tra lại không hề cử bất kỳ ai ngầm bảo vệ nhân chứng duy nhất của vụ án? Lường trước hậu quả và có các công tác chuẩn bị là việc quan trọng khi nhử mồi hung thủ, nhưng xem ra, cả đội và cấp trên đều quên béng là cần phải bảo vệ nhân chứng mất rồi.
Chê thì chê vậy, nhưng với bạn nào có hứng thú với đề tài pháp y thì vẫn có thể xem thử, nếu như chấp nhận bỏ qua những nhược điểm tui đã nêu ở trên. Nghe đồn rằng Phúc Minh rất hay bị lỗi biên tập nhưng trong cuốn này tui thấy chỉ bị vài ba lỗi đánh máy. Còn dịch thuật thì ô kê con dê, tôi cảm thấy hài lòng với bản dịch này.
NXB Dân Trí
Cty Phát hành: Phúc Minh Book
Năm xuất bản: 2017
Số trang: 560
Giá bìa: 155.000 VNĐ
Người dịch: Tú Phương