Keep on reading

North and South by Elizabeth Gaskell

Chat Sách đánh giá: ♥♥♥♥♥/5

Kể từ khi đọc Persuasion (Thuyết Phục) của Jane Austen thì chưa có tác phẩm lãng mạn nào có thể đánh bật nó ở vị trí số một trong lòng tôi, nhưng ngay khi đọc North & South vài ngày trước, tôi nghĩ có thể đặt nó ngang ngửa ở vị trí đầu bảng. Có thể phần lớn cũng nhờ vào bộ phim chuyển thể của BBC trình chiếu năm 2004 do Richard Armitage & Daniela Denby-Ashe thủ vai.

North-and-South

North & South (Bắc & Nam) mang một chút hơi hướm lãng mạn kiểu Pride & Prejudice (Kiêu Hãnh & Định Kiến) nhưng được Elizabeth Gaskell lồng vào những căng thẳng giữa tầng lớp chủ xưởng và lao động sau sự bùng phát của Cách mạng Công Nghiệp. Margaret Hale là một “quý cô” miền Nam được nuôi dạy theo phong cách quý tộc ở London. Khi cha cô quyết định từ bỏ nhà thờ vì những quy định tréo ngoeo khắc nghiệt đặt ra thời ấy, mẹ con cô buộc phải cùng cha dọn lên Milton, một thành phố công nghiệp ở miền Bắc. Lên miền Bắc, cha cô bắt đầu việc dạy kèm. Một trong những học trò của cha cô – người chủ Xưởng dệt Marlborough trẻ tuổi tài năng, John Thorton, tuy hơi bất ngờ với sự kiêu kỳ của Margaret nhưng đồng thời cũng bị sự tự tin và vẻ đẹp đơn thuần của cô cuốn hút. Ngược lại, Margaret không ưa nổi những cách suy nghĩ công nghiệp hóa thiếu tình người của anh. Xuyên suốt nhiều trang sách là những cuộc “đấu khẩu” của John Thornton và Margaret về những bất đồng quan điểm về xã hội và con người. Đương nhiên, sau những hiểu lầm và những sự kiện xung quanh tranh chấp giữa chủ và công nhân, cuối cùng thì hai người cũng nhận ra tình yêu của mình và có một cái happy ending.

North-and-South-mrs-thornton
Sinéad Cusack trong vai Mrs. Thornton

Khỏi bàn cãi nhiều về sự yêu thích của tôi với đôi nhân vật chính. Nhưng tôi bất ngờ là tôi cũng thích nhân vật bà Thornton, mẹ của John Thornton, một mẫu hình mẹ chồng nhăn nhó khó ưa đến lý tưởng. Đừng ai hòng động đến cậu con trai hoàn hảo của bà. Công bằng mà nói thì John Thorton cũng là một mama’s boy chính hiệu: Anh tâm sự với bà về công việc và cả tình cảm cá nhân, thậm chí còn về mặt mày ủ ê với mẹ sau khi bị nàng Margaret từ chối lời cầu hôn; và bà Thornton hoàn toàn có lý do để tự hào về đứa con trai của mình: Sau khi cha mất năm 14 tuổi, anh một tay lo lắng cho mẹ và em gái, vượt qua những khó khăn để trở thành một chủ xưởng thành công ở tuổi 30. Suốt nhiều năm liền, đời sống ấm no và hạnh phúc của bà và em gái là mối ưu tiên số 1 của John Thornton thế mà vị trí đó nay sắp rơi vào tay Margaret; tình cảm mẹ con của họ sâu sắc đến nỗi chỉ cần nhìn sơ qua bà cũng đoán được ngay con bà đang rơi vào lưới tình với cô gái miền Nam khó ưa, ngay khi anh còn chưa nhận ra tình cảm của mình với Margaret. Nhưng tôi thích sự thẳng thắn của bà: Thích là nói thích, không thì nói không. Nhưng dù thích hay không bà cũng tôn trọng quyết định của con trai mình, bà không tạo áp lực cho con, mà ngược lại còn chấp nhận nhường nhịn mọi chướng tai gai mắt để con được hạnh phúc. Dù thích hay không, bà giữ lời hứa với mẹ của Margaret, đến khuyên nhủ cô về những khuôn phép lễ nghi khi bà hiểu lầm cô tay trong tay dạo phố đêm với một người đàn ông lạ. Thế nên mặc dù cảm thấy bị xúc phạm mà lại không thể giải thích mọi hiểu lầm, nhưng cuối cùng chính Margaret cũng phải thừa nhận với bà rằng cô thấu hiểu lý do vì sao bà làm thế. Bà khiến người đọc cũng như cô con dâu sắp vào cửa nhà bà, vừa yêu vừa ghét, nhưng không thể không kính nể.

North-and-South-contrast

Khác với Pride & Prejudice, khi những thành kiến giữa hai bên chỉ gói gọn trong thành kiến về tính cách và con người của Lizzie và Mr. Darcy, thành kiến trong North & South được thể hiện qua sự khác biệt trong từng tiếng địa phương của văn phong, cách ứng xử của con người và bao trùm cả những định kiến mà đến ngày nay xã hội vẫn chưa thể dung hòa 100%: Vùng quê trong lành so với những khu công nghiệp bụi bặm, chẳng quốc gia nào muốn phát triển lại không trải qua một/những giai đoạn “chọn cá hay chọn thép”, và chỉ có trong những tác phẩm văn học như North & South hay The Jungle[1]  mà đại chúng mới bắt đầu được biết đến những bí mật đằng sau những nhà máy kín cổng cao tường. Bên cạnh đó là sự va chạm giữa hai tầng lớp giàu nghèo trong xã hội. Điều thú vị là nhân vật John Thornton là một người nghèo từ hai bàn tay trắng đi lên, nên anh cho rằng vận mệnh của một người luôn nằm trong tay họ, anh công bằng và lo cho công nhân của mình, nhưng anh là chủ không bao giờ cho họ có cái quyền phản kháng lại mệnh lệnh của mình. Trong khi đó, Margaret vốn chẳng giàu có như anh, tính tình tuy kiêu kỳ chẳng nhún nhường những kẻ có địa vị cao sang hơn cô, nhưng lại có một sự cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của những công nhân, cô luôn tin rằng cuộc đời của một người luôn bị ảnh hưởng bởi những sự kiện và môi trường xung quanh, rằng đôi khi con người không thể nắm giữ vận mệnh của mình và những người may mắn giàu có hoặc phất lên cần gánh lấy một phần trách nhiệm xã hội để cứu giúp những người không may mắn bằng họ. Nghe quen chứ? Đó chính là sự khác biệt cơ bản của hai đảng phái Cộng Hòa và Dân Chủ (lúc nó chưa biến thể thành Donald Trump vs Hilary Clinton như ở Mỹ) ở những quốc gia đa đảng. Không chỉ đánh vào vấn đề xã hội, Gaskell còn đi vào phạm vi tôn giáo qua sự kiện ông Hale, cha cô Margaret, quyết định từ bỏ nhà thờ vì bất đồng về niềm tin giữa những dòng Thiên chúa giáo khác nhau ở nước Anh thời đó. (Chi tiết lịch sử này tôi chưa hiểu rõ lắm nên xin phép không đi sâu). Thông qua những cuộc thảo luận của ông Hale và người công nhân Higgins, Gaskell còn dám nói đến quan điểm của những người tin và không tin. Những va chạm tôn giáo ấy ngày nay không chỉ gói gọn giữa những người cùng tin vào (tất cả hay một phần) cuốn Kinh Thánh, mà nó đã bùng phát lên đỉnh điểm va chạm của nhiều tôn giáo khác nhau.

North-and-South-final-scene

Và giữa những mịt mờ khói bụi Milton, có một tình yêu nở hoa, như bông hoa hồng John Thornton đã hái ở Helstone, nơi quê nhà của Margaret. Tình yêu của họ đơm hoa qua sự trưởng thành của cả hai. Qua những lời chê trách của Margaret, Thornton bắt đầu đặt mình vào vị trí của những người công nhân, và qua sự cao thượng và niềm tin của Thornton, Margaret cũng dần học được cách khiêm tốn. Với tình yêu và sự trưởng thành ấy, Elizabeth Gaskell đã vẽ nên một bức tranh hoàn hảo đầy tính lạc quan: Tất cả mọi sự khác biệt, dù vì lý do gì, đều có thể dung hòa, chỉ cần đôi bên lùi một bước để có thể nhìn xa và rộng hơn về hoàn cảnh xung quanh của đối phương. 


[1] The Jungle (1906) của Upton Sinclair, một tác phẩm viết về sự phát triển của công nghiệp ở một số thành phố ở Mỹ, tiết lộ những hoàn cảnh làm việc khắc nghiệt của công nhân đồng thời dẫn đến sự thay đổi về luật lệ trong công nghiệp thực phẩm.


Photo Credit: DukeofBookingham.tumblr.com, frockflicks.com, rpowell.livejournal.commisslittlesplendid.wordpress.comlaughingwithlizzie.blogspot.com

Publisher Chapman & Hall, 1855
Editor: Charles Dickens

« »
%d bloggers like this: