Chat Sách đánh giá: ∗∗∗*/5

Tôi đã đọc nhiều tác phẩm khác của Haruki Murakami rồi nhưng mãi đến gần đây đọc Rừng Na Uy. Vào khoảng chừng năm 2002 – 2003 khi phong trào đọc Rừng Na Uy rộ lên, tôi không thích theo phong trào của đám bạn nên đã không đọc quyển sách này. Buồn cười thay, một câu nói nổi tiếng trong sách lại là “Nếu chỉ đọc những sách mọi người đều đang đọc, cậu sẽ chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ mà thôi.” Nghĩ lại, nếu đã đọc quyển này từ trước thì có lẽ tôi sẽ không yêu thích văn chương Haruki Murakami đến thế. Nhờ đó tôi phát hiện ra sau hơn 25 năm viết văn, âm điệu và cảm xúc trong văn học Murakami không thay đổi nhiều. Nhiều tác phẩm truyện ngắn hay truyện dài của ông đều như những bản sao của Rừng Na Uy. Qua tác phẩm này, tôi thấy rõ sự ảnh hưởng của các tác giả phương Tây như F. Scott Fitzgerald, J.D Salinger, John Updike, Hermann Hesse, v.v… Dường như Haruki Murakami đã cố đem tất cả những cái đẹp trong văn học phương Tây vào một tác phẩm rất phương Đông, góp phần tạo nên một nét văn hóa mới trong văn học Nhật Bản. Nhưng tôi cũng có cảm giác như mình bị… lừa: có rất nhiều nét tương đồng giữa Rừng Na Uy và Núi Thần của Thomas Mann. Thậm chí, từ tình tiết Toru Watanabe thích đọc Núi Thần, cho đến việc Naoko vào sống ở “nhà nghỉ Ami”, và những lời độc thoại theo dòng suy nghĩ của nhân vật rất giống với văn chương triết lý của Thomas Mann. Tôi nghĩ Haruki Murakami có khả năng quan sát và sáng tạo hơn thế thay vì chỉ có thể xây dựng một cốt truyện ăn khách dựa vào Núi Thần. Nhưng tôi nghĩ có lẽ đây là một tác phẩm đối với ông đỗi rất bình thường như những tác phẩm ông từng viết nghiệp dư, chỉ viết về những thứ mình yêu thích mà không nghĩ đến việc nó sẽ nổi tiếng, cho nên trong đó vẫn có những tình cảm cá nhân rất thật của tuổi trẻ được ông ghi chia sẻ mà không cần dùng văn chương lòe loẹt để viết lại.


Cộng tác tin tức Gác Sách, đăng ngày 11 tháng 5, 2015. Link bài viết.