Chat Sách đánh giá: ♥♥♥♥♥/5
Đã viết về North & South còn chút hứng với thể loại romance (lãng mạn) nên viết luôn về Persuasion (Thuyết Phục) của Jane Austen. Nếu chưa đọc tiểu thuyết lãng mạn cổ điển này, bạn cứ thử tưởng tượng cốt truyện Bên Nhau Trọn Đời của Cố Mạn đem về thế kỷ 19 ở nước Anh. Persuasion là như thế, nó khắc khoải kéo dài, âm thầm chờ đợi. Có thể bạn yêu Hà Dĩ Thâm với tình yêu sâu sắc dài lâu của anh, nhưng tôi thấy anh ấy chỉ là một bản sao của Captain Wentworth.
Persuasion là tiểu thuyết cuối cùng Jane Austen hoàn thành vào năm 1816 trước khi qua đời vào năm 1817. Tuy nhiên, mãi đến năm 1818 thì nó mới được xuất bản trong cùng tập truyện với Northanger Abbey (Tạm dịch: Tu viện Northanger [1]).

Đem ra so sánh thì tác phẩm nổi tiếng nhất của Jane Austen, Pride & Prejudice (Kiêu Hãnh và Định Kiến) có thể được xem là đầy kịch tính với tính cách nóng rực nổ bừng như pháo hoa của Lizzy & Mr. Darcy, thì tính cách của cặp đôi Anne Elliot và Captain (Đại tá) Wentworth chỉ âm ỉ như ngọn lửa le lói trên bếp than hồng. Anne Elliot là một cô gái quý tộc lỡ thì. Cách đây 8 năm, cô từng có mối tình ngọt ngào với Frederick Wentworth, nhưng cuộc tình duyên bị gãy gánh khi Lady Russell, một người bạn thân thiết của gia đình cô, thuyết phục Anne từ hôn Wentworth vì khi ấy, anh chỉ là một chàng thủy thủ trẻ không đồng xu dính túi. Thất tình, Wentworth lao vào công việc, liều lĩnh lao theo những con tàu chiến và lập nhiều chiến công. Tám năm sau, anh trở về với danh hiệu Đại tá huy hoàng còn Anne, một cô gái đã 27 tuổi (tuổi ế của thời ấy) chẳng còn hy vọng được ai ngó ngàng đến còn gia đình cô cũng đang trên đà phá sản vì sự phung phí của cha và chị gái cô. Ngay lúc này vận mệnh lại cho cuộc đời của hai người giao nhau một lần nữa tại chốn cũ.
Phần lớn câu chuyện được kể từ những quan sát của Anne, độc giả dễ dàng nhận ra tuy Anne không trách cứ Lady Russell đã xui cô từ bỏ mối tình lớn nhất trong đời mình với Captain Wentworth, Anne luôn thấy đắng chát vì quyết định đó, vì cô vẫn còn yêu anh. Nhiều năm liền, cô không yêu ai và đã thêm 1 lần từ hôn một người đàn ông khác; cô nép đời sống của mình sau bức bình phong xa hoa của gia đình. Thế nhưng, cô không còn là cô gái trẻ yếu đuối, giờ cô đã biết làm chủ những quyết định của mình, nói lên chính kiến của mình về tài chính gia đình (dù không ai muốn nghe) cũng như luôn điềm tĩnh xử lý trước những tình huống khẩn cấp. Cô không còn vẻ đẹp tươi tắn như gái xuân nhưng chỉ vài cơn gió biển nhè nhẹ là sức sống ngời ngời của cô lại rạng chiếu trên gương mặt. (Cũng có thể nét xanh xuân ấy trở lại là nhờ vào sự tái xuất hiện của Captain Wentworth trong đời cô khiến Anne bắt đầu muốn vượt tấm bình phong mà tiến lên sân khấu.) Anne Elliot, chính là nữ chính mà ngay cả Jane Austen cũng phải thừa nhận rằng “đó là một nhân vật nữ chính gần như quá tốt đẹp cho chính tôi”.
Vì câu chuyện được kể qua những quan sát của Anne, độc giả cũng không biết nhiều về những suy nghĩ trong lòng Captain Wentworth. Theo Anne quan sát: Từ khi trở về, anh lạnh nhạt hờ hững với Anne, chỉ thỉnh thoảng để lộ ra rằng mình vẫn chưa tha thứ và chưa quên nỗi đau cô đã gây ra; thậm chí anh “thề” với mọi người anh chịu cưới bất kỳ ai, miễn cô ta có đầu óc của riêng mình, không bị lung lay bởi ai khác (như Anne đã từng). Nếu như những tình cảm John Thornton được miêu tả xuyên suốt câu chuyện qua chính lời tự sự của anh, thì tình cảm của Wentworth chỉ được thể hiện qua những cử chỉ âm thầm, tuy nhỏ nhặt nhưng không qua mắt được Anne. Mãi đến gần cuối truyện, Captain Wentworth mới dốc hết can đảm viết cho Anne một lá thư cầu hôn cô lần thứ hai. Lá thư ấy có lẽ đã được ghi vào lịch sử là lãng mạn nhất trong nền văn học thế kỷ 19th của Anh, nhưng có lời đồn là suýt chút nữa nó đã không được bao gồm vào chương sách.
“I can listen no longer in silence. I must speak to you by such means as are within my reach. You pierce my soul. I am half agony, half hope. Tell me not that I am too late, that such precious feelings are gone for ever. I offer myself to you again with a heart even more your own than when you almost broke it, eight years and a half ago. Dare not say that man forgets sooner than woman, that his love has an earlier death. I have loved none but you. Unjust I may have been, weak and resentful I have been, but never inconstant. You alone have brought me to Bath. For you alone, I think and plan. Have you not seen this? Can you fail to have understood my wishes? I had not waited even these ten days, could I have read your feelings, as I think you must have penetrated mine. I can hardly write. I am every instant hearing something which overpowers me. You sink your voice, but I can distinguish the tones of that voice when they would be lost on others. Too good, too excellent creature! You do us justice, indeed. You do believe that there is true attachment and constancy among men. Believe it to be most fervent, most undeviating, in F. W.
“I must go, uncertain of my fate; but I shall return hither, or follow your party, as soon as possible. A word, a look, will be enough to decide whether I enter your father’s house this evening or never.”
Thật ra cũng còn nhiều thứ để nói về tác phẩm này, như những bình luận của Jane Austen về lối sống hợm hĩnh thượng lưu của cha và chị Anne, hay những miêu tả về những ngôi nhà gạch vàng óng san sát nhau kiểu Georgia ở Bath, hay bờ biển sóng vỗ có gò đá cao cao ở Lyme… Nhưng những thứ đó không cuốn hút tôi bằng một tình yêu đẹp đã trải qua thử thách. Đôi khi tôi chỉ muốn đọc một thứ gì thật lãng mạn, và để thật thỏa mãn thì tôi lại lôi Persuasion ra đọc, nói đúng ra là đọc đi đọc lại lá thư tình của Captain Wentworth mà thôi. 🙂

phim chuyển thể của BBC năm 1995:
Phải nói là ban đầu tôi hơi bị sốc là vì sao Captain Wentworth và Anne Elliot lại được giao cho… hai ông bà già (Ciarán Hind & Amanda Root) này thủ vai. Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được tấm ảnh dưới đây khi hai người có vẻ trẻ trung một chút. Theo cốt truyện thì Anne chỉ chừng 27-28 và Captain Wentworth chỉ chừng 31-32, nhưng Ciarán Hind và Amanda Root làm tôi có cảm tưởng hai người họ sắp vào tuổi trung niên đến nơi. Nhưng mà xem xong cả hai phim thì tôi phải thừa nhận rằng họ diễn xuất hay hơn cặp Rupert Penry-Jones & Sally Hawkins, và phim 1995 cũng làm theo sát cốt truyện trong sách hơn. Ciarán Hind tuy không đẹp trai bằng Rupert Penry-Jones nhưng ông có phong thái của một lính thủy quân, và ông thể hiện ra được những đắn đo suy nghĩ của Captain Wentworth đúng như lời Anne Elliot miêu tả trong sách. Amanda Root chỉ vừa tròn 30 khi thủ vai Anne Elliot, cho nên thật sự mà nói có lẽ do thời ấy trang điểm xấu xí quá khiến cô già thêm cả chục tuổi, tuy vậy cô vẫn là nhân vật nữ chính xinh nhất trong phim. Và xét về mặt diễn xuất, theo tôi thì cô cũng thành công trong vai Anne, cô có sự chín chắn và dè dặt của Anne, không như nhân vật Anne của Sally Hawkins trong phiên bản 2007.

PHIM CHUYỂN THỂ CỦA BBC NĂM 2007:
Phiên bản này, đương nhiên với sự phát triển của kỹ thuật điện ảnh, so với phiên bản năm 1995 thì hơn hẳn mọi mặt về hình ảnh. Ôi sao mà tôi thích ngắm những cánh đồng cỏ xanh mướt của nước Anh, hay cảnh Captain Wentworth cưỡi ngựa hộ tống mọi người đi Lyme chơi, hay bờ biển dạt dào sóng vỗ, và cả những tòa nhà cổ kính ở Bath… Xét về mặt diễn viên, ngoại hình của Sally Hawkins phù hợp với cô gái lỡ thì xuống sắc, nhưng Captain Wentworth có lẽ quá… đẹp trai kiểu công tử cho vai diễn này, không có chút rám nắng của một thủy thủ. Tuy ít đất diễn hơn Sally Hawkins, Rupert Penry-Jones cũng có vài khoảnh khắc thành công khi thể hiện những sự ghen tuông âm ỉ với anh William Elliot, hoặc khi anh nhận ra những sai lầm của mình khi không giữ đúng mực lễ nghi với Louisa Musgrove. Về phần Sally Hawkins, tôi đổ thừa cho kịch bản của phim khiến cô suốt ngày mặt mày nhăn nhó như ai giựt hụi của cô, có chuyện gì cũng về viết nhật ký như đang ếm bùa chuẩn bị báo thù, chưa kể đến cuối phim họ còn bắt cô chạy marathon một vòng quanh Bath (xem bản đồ thì cũng chừng 2-3 cây số chứ chả chơi) để tìm Captain Wentworth, vừa chạy vừa đọc thư của anh nữa mới ghê! Chạy một vòng như thế xong rồi ngay lập tức, chưa được uống miếng nước nào, cô phải thở hổn hển nhận lời cầu hôn của anh. Nụ hôn cuối phim đáng lý là lúc ngọt ngào nhất lại khiến tôi thấy rùng mình vì chiều cao không cân xứng của hai người khiến Sally Hawkins phải nhón chân như đang thèm khát, còn Rupert Penry-Jones thì cứ đơ ra như khúc cây, miệng cười mỉm như… dê xồm! Ôi trời ơi!!! Nghĩ lại, chỉ có thể nói cảnh dễ thương nhất của hai người là khi họ mới gặp lại nhau ở Bath trong cơn mưa, Wentworth phát hiện anh không phải cưới Louisa và lập tức đến Bath để tìm Anne, khi anh nói về tình yêu của cậu bạn Benwick mà như đang thổ lộ tình cảm chung thủy của mình với Anne: “A man does not recover from such a devotion of the heart to such a woman! He ought not; he does not.”
[1] Abbey vốn nghĩa là tu viện, hoặc ý chỉ một toà nhà đã từng là tu viện. Theo cốt truyện Northanger Abbey, thì đây là dinh thự của gia đình Tilney, có tên gọi là Northanger Abbey chứ không phải là một tu viện.
Photo Credit: From BBC 2007 adaptation (Christine Hart’s quotesgram, clerkenwellfilms.com, Captain Wentworth’s Pinterest, okheresthething.tumblr.com, Bookcastle.blogspot.com, Austenonly.com, kalafudra.com, picspammy.livejournal.com)
Publisher John Murray
Publication date: 1818