Keep on reading

Please Look After Mom (Hãy Chăm Sóc Mẹ) by Shin Kyung Sook

Chat Sách đánh giá: ∗∗∗*/5

 

Tôi muốn thích quyển sách này nhưng không làm sao thích được. Nó không hẳn là một tác phẩm dở, nhưng nó không vượt qua được những lời khen ngợi xung quanh nó. Nó gợi lên nhiều cảm xúc qua những câu chuyện kể lại của từng người con và người bố, nhưng nó cũng thần tượng hóa người mẹ với tất cả những hy sinh trong suốt cuộc đời cho những người xung quanh. Dường như không ai vượt qua được người mẹ siêu cấp này. Đó chính là lý do tôi không thích tác phẩm.

Xét về mặt văn chương, có lẽ tôi không thấy ấn tượng với giọng văn dịch trong truyện (bản dịch Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê).  Tôi vẫn thích những bản dịch hướng nguồn, nhưng khi đọc đến đoạn ô-mô-niô-ma, tôi tự hỏi nếu đoạn này dịch hướng đích, thành mẹ thì có phải hay hơn không? Cái tiếp theo nữa là “ngôi” dịch: Trong bản dịch tiếng Anh, theo tôi được biết thì họ theo nguyên bản tiếng Hàn giữ ngôi hai (you), nhưng khi bản dịch ra tiếng Việt, thì những đại từ được chuyển theo cách “thuần Việt” thành “cô” đã làm mất đi sự tương tác giữa người kể và người nghe trong lối kể chuyện của Shin Kyung-Shook, để lại cho người đọc chỉ còn câu chuyện của ngôi ba (she) mà thôi. Tôi nghĩ, nếu bắt đầu đọc bản tiếng Anh trước, tôi sẽ thích tác phẩm hơn: vì khi ấy, người mẹ “siêu cấp” này trong ngôi hai, chính là mẹ của tôi chứ không phải mẹ của “cô ấy.”

Cái mà tôi không hài lòng về câu chuyện, chính là nó kể quá nhiều từ góc nhìn của nhiều nhân vật: Mỗi người con, người bố và cả vài người xung quanh đều nhận ra người mẹ ấy là một phần cuộc sống của mình. Những cảm xúc của các nhân vật: nhớ thương mẹ, hối hận vì không tìm thấy mẹ, không đối xử tốt với mẹ, v.v. đều là những cảm xúc chân thật. Nhưng tôi cũng nghĩ đến đoạn người con dâu vợ Hyung-chol đốp chát lại với anh: khi không có mẹ ở đây thì tất cả mọi thứ phải dừng lại sao? Có lẽ những nhân vật trong câu chuyện chưa dung hòa được, khi một người đi mất đùng một cái họ lại ỏm tỏi với nhau, đến cuối truyện họ cũng chưa kịp nhận ra rằng chính những người xung quanh đây cũng cần được trân trọng.

Tôi thấy bất ngờ nhất là hành trình đến Rome của cô con gái, và hình ảnh trong bức tượng Pietà của Michaelangelo.  Sự trốn chạy của cô con gái trong khi các anh chị em mình vẫn lo lắng tìm kiếm càng khẳng định rằng người mẹ ấy đã thật sự đi mất rồi. Nhưng hình ảnh mẹ Pietà thì ngược lại, đó là hình ảnh người mẹ khóc con, mẹ Maria khóc Chúa Jesus, hình ảnh tượng trưng cho những đau đớn to lớn mà một người mẹ có thể chịu đựng trong kiếp này. Có lẽ đó là một hình ảnh đẹp và khéo léo nhất trong câu chuyện: Không những dùng một sự tương phản để kết thúc truyện, mà lại còn lồng được ảnh hưởng phương Tây vào một câu chuyện đầy mùi kim chi của nông thôn Hàn Quốc.

pleaselookaftermom_pieta_chatsach
Pietà by Michaelangelo (wiki)

 

 

Originally published: 2008
Playwright: Shin Kyung-sook
Genres: Novel
Country: South Korea
Translator: Chi-young Kim
Published in english: 2011
Awards: Asian Literary Prize

Công ty phát hành Nhã Nam, NXB Hà Nội
Kích thước 13 x 20.5 cm, 323 trang
Author Shin Kyung Sook
Dịch giả: Lê Nguyễn Lê, Lê Hiệp Lâm
Ngày xuất bản 12-2013

 

 

 

« »
%d bloggers like this: