Chat Sách đánh giá: ∗∗∗/5

Quyên là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, xuất bản năm 2009, kể về câu chuyện của cô gái Việt đi vượt biên từ Nga sang Đức sau khi khối Đông Âu sụp đổ. Có nhiều lý do khiến người ta muốn bỏ xứ mà đi, không phải chỉ bỏ quê nhà lên thành phố, mà băng xuyên núi rừng, vượt ngàn biển khơi qua xứ người để tìm cuộc sống mới. Có khi người ta chạy trốn chiến tranh, đem con cái vượt biển để rồi chết khi chưa cập bến như cậu bé Syria ba tuổi làm rúng động thế giới. Có khi người ta muốn tìm một tấm passport nước ngoài, chấp nhận mang bầu hơn 30 tuần tuổi đi máy bay gần 20 tiếng để sinh con rơi trên máy bay. Những chuyện như vậy, thật buồn là nó chẳng hiếm hoi. Vì cái gì mà người ta đánh liều mạng sống của mình, bỏ lại những quen thuộc sau lưng đi tìm cái xa lạ? Sang được đất khách, có chắc là mọi chuyện tốt đẹp hơn? Quyên (phần nào) đã trả lời cho người đọc những câu hỏi đó.

Quyên kể về người phụ nữ trẻ tên Quyên theo chồng đi vượt biên. Nửa đường chồng bỏ cô đi trước, khiến cô bị tay đưa người giữ lại, cưỡng hiếp rồi sống với hắn một năm đến lúc mang thai, rồi hắn thương cô, đưa cô vượt biên vào trại tị nạn để đoàn tụ với chồng. Nhưng chồng cô không chấp nhận cái thai ngoài giá thú của vợ, đánh đập cô, ruồng bỏ cô. Cô tự tử và được một người Sri Lanka da đen tên Kumar cứu, nhưng cô thấy trông hắn… đen đúa ghê gớm nên cô bỏ trốn. Rồi cô được tên Phi, một người nhập cư có chút tài sản, cứu lần hai, khi chưa kịp trao thân trả ơn cho hắn thì vợ hắn nhào ra làm nhục cả hai. Một cuộc đổ máu xảy ra, cô bỏ chạy để Phi vào vòng lao lý một mình (!?!). Rồi cô gặp lại Kumar và hai người phát sinh tình yêu, cùng nhau gây dựng sự nghiệp nho nhỏ nơi xứ người…

Tôi chỉ kể đến đây thôi vì kể hết thì bạn đọc không cần đọc truyện nữa. Nhưng sơ sơ như thế cũng có thể thấy được thân phận của cô Quyên cũng trôi nổi không kém nàng Kiều của Nguyễn Du, còn tay chồng Dũng của cô thì cũng nhu nhược không kém gì Kim Trọng và Thúc Sinh. Xét về tính cách nhân vật và nội dung của câu chuyện, Quyên cũng như Truyện Kiều là hai tác phẩm… dở. Nó dở đối với tôi vì nhân vật Quyên và nàng Kiều đều chẳng có sự trưởng thành sau nhiều chuyện xảy ra. Họ là mẫu phụ nữ khi gặp chuyện muốn trả ơn đàn ông thì chỉ có biết mỗi cách duy nhất là cởi nút áo rồi banh toạc chân. Họ là những người phụ nữ cam chịu số phận, mặc đời đưa đẩy. Cô Kiều còn có cái cớ là cô ấy sinh ra trong thời phong kiến, còn cô Quyên, hình như câu chuyện của cô ấy xảy ra trong khoảng thời gian 1995-2005 (cái thời điện thoại di động vừa xuất hiện ấy thì không thể nào ngay sau khi tường Berlin sụp đổ được)? Không phải tôi không tin những khó khăn mà Quyên phải trải qua, nhưng thật khó mà đồng cảm được với Quyên khi tôi từng chứng kiến những người tị nạn cũng gặp nhiều khó khăn cùng cực nhưng họ chẳng phải dang chân ra bao giờ. Ngoài ra tính cách của Quyên cũng không phải là mẫu phụ nữ tôi thấu hiểu: Cô không muốn tha thứ cho Hùng nhưng lại thấy ghen khi nghĩ rằng Hùng có bạn gái mới, ban đầu cô không chấp nhận Kumar vì anh xấu xí nhưng cô có thể chấp nhận Phi khi chưa biết gì về hắn,… Có lẽ chính là cái dở của tác phẩm chính là cái cách mà Nguyễn Văn Thọ đã bắt Quyên gặp phải quá nhiều khó khăn, như thể câu chuyện của cô là câu chuyện của mười nhân vật khác nhau được gọp lại, cộng thêm tính cách của người phụ nữ tên Quyên quá mâu thuẫn phức tạp, khiến độc giả thấy bội thực. 

Tuy không thích tác phẩm vì những điều lắt nhắt trong cốt truyện cũng nhưng cách viết của tác giả, nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một tác phẩm đáng đọc. Tôi có thể nhận ra đây là một tác phẩm được viết hoàn toàn xuất từ những quan sát của tác giả với cộng đồng người Việt xa xứ… Đó là những con người chịu khó đùm bọc nhau khi con tàu còn lênh đênh trên biển hay khi họ cùng nhau vượt rừng qua vùng đất mới, nhưng ngay khi tàu cập bến, chân bướt sang biên giới thì họ quay lưng với nhau: đó chính là cộng đồng người Việt trong trại tị nạn dè bỉu cô Quyên, người chồng Dũng có thể nhẫn tâm bỏ vợ lại trong rừng nhưng không thể chấp nhận được vợ có chửa hoang, những người Việt ngay cả ở xứ người cũng tìm cách cướp chén cơm của nhau như cái cách bà vợ Phi đã cạnh tranh giật khách của người đồng hương, v.v. Quả thật những người tốt xấu thì ở chủng tộc nào cũng có, nhưng tôi tự hỏi vì sao những điều tôi từng quan sát ở xứ người cũng giống với những gì tác giả Nguyễn Văn Thọ viết xuống? Vì vốn dĩ thế gian này có nhiều người Việt xấu nhiều hơn người Việt tốt? Hay vì vốn dĩ chúng ta luôn nhìn một đất nước khác một chủng tộc người khác với thái độ: nơi ấy tốt hơn, con người kia tốt hơn… Phải chăng đó chính là sự bắt đầu của mọi di dịch, đi tìm những điều tốt đẹp hơn?


 

Trailer phim Quyên, đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình


 

Công ty phát hành Nhà sách Hàn Thuyên
Nhà xuất bản NXB Thanh Niên
Kích thước 14.5 x 20.5 cm
Author Nguyễn Văn Thọ
Số trang 459
Ngày xuất bản 08-2015