Revenge: Eleven Dark Tales

Tác giả: Yoko Ogawa

Người dịch: Du Ca
Hiệu đính: conruoinho

Bản dịch chưa có sự đồng ý của tác giả


Mục lục

0102 – 03 – 04 – 05 – 06 – 07 – 08 – 09 – 10 – 11 (Hết)


BUỔI CHIỀU Ở HIỆU BÁNH MÌ

Đó là một ngày Chủ nhật tươi đẹp. Bầu trời không mây đầy nắng vàng. Ngoài quảng trường, cành lá rung rinh theo cơn gió lướt qua các mặt đường. Mọi thứ dường như chập chờn tranh tối tranh sáng: mái nhà của quán kem, vòi uống nước, ánh mắt của con mèo hoang, ngay cả cái kệ của tháp đồng hồ cũng phủ đầy phân chim bồ câu.

Các gia đình và du khách thì tản bộ ngang qua quảng trường, tận hưởng ngày cuối tuần. Tiếng cót két phát ra từ một người đàn ông ở góc phố, đang bện bong bóng thành các con thú. Bọn trẻ vây quanh xem ông ấy làm, tất cả đều bị mê hoặc. Gần đấy, một người phụ nữ ngồi trên một băng ghế dài đan len. Đâu đó vang lên tiếng còi xe. Một bầy bồ câu bay vụt lên không trung, khiến cho một đứa bé giật mình khóc ré lên. Người mẹ liền vội bế đứa bé vào lòng dỗ dành.

Bạn có thể nhìn say đắm bức tranh hoàn hảo này cả ngày mà không chán – một buổi chiều tà tắm trong ánh nắng và sự an nhàn – và có lẽ chưa bao giờ để ý đến một chi tiết riêng lẻ nào ngoài quảng trường, hoặc sự mất tích.

***

Khi tôi đẩy cánh cửa xoay của một hiệu bánh mì và bước vào trong, tiếng ồn của quảng trường lập tức biến mất, và thế vào đó bằng hương thơm ngọt ngào của vani. Cửa hiệu trống trơn.

“Xin chào,” tôi gọi ngập ngừng. Không có tiếng trả lời, vì thế tôi quyết định ngồi xuống một chiếc ghế đẩu trong góc và đợi vậy.

Đó là lần đầu tiên tôi ở trong hiệu bánh mì, một cửa hiệu nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ và giản dị. Bánh ngọt, bánh nướng, và sô-cô-la được bày bán cẩn thận trong hòm kính, và các hộp bánh ngọt thì được xếp trên các kệ ở hai bên. Tại quầy thu tiền bên cạnh máy tính tiền là một cuộn giấy gói màu cam đẹp mắt và giấy gói kẻ ô vuông màu xanh nhạt.

Mọi thứ trông thật ngon mắt. Nhưng tôi biết cái tôi muốn mua trước khi bước vào cửa hiệu là gì: hai cái bánh bơ giòn dâu tây. Tất cả chỉ có thế.

Chuông tháp đồng hồ reo lên bốn lần. Một lần nữa bầy chim bồ câu lại bay vút lên trời xanh và băng qua quảng trường, đậu ngay phía trước cửa hiệu hoa. Người bán hoa bước ra với vẻ mặt cau có và cái giẻ lau để ve vẩy đuổi chúng ra ngoài, và rồi một đám lông xám xôn xao bay vào trong không trung.

Không có dấu hiệu nào cho thấy bất cứ ai ở trong cửa hiệu, và sau khi chờ thêm chút nữa tôi đã tính đến việc từ bỏ và rời đi. Nhưng tôi chỉ mới tới thị trấn này và tôi thì chả biết cái hiệu bánh mì nào ngon khác nữa. Có lẽ thật ra là họ cố ý để khách hàng chờ đợi như thể đây chính là tượng trưng cho sự tự tin của họ hơn là sự khiếm nhã. Ánh sáng trong cái hộp trưng bày bằng kính rất dễ chịu và dịu mắt, mấy cái bánh ngọt trông thật xinh đẹp, và cái ghế đẩu thì thật thoải mái – tôi thích chỗ này, mặc kệ cái dịch vụ của nó.

Một người phụ nữ mặc quần sooc, đầy đặn bước qua cửa xoay. Tiếng ồn từ quảng trường lại vào theo cô ấy rồi giảm dần. “Không ai ở đây à?” chị ta gọi to. “Cô ấy có thể đi đâu chứ?” chị ta hỏi thêm, quay đầu lại mỉm cười nhìn tôi. “Có lẽ cô ấy phải ra ngoài làm chút việc vặt. Tôi chắc là cô ấy sẽ trở về ngay thôi.” Cô ấy ngồi xuống bên cạnh tôi và tôi gật nhẹ đầu chào chị ấy.

“Tôi nghĩ là mình có thể đến quầy tính tiền và phục vụ chị,” người phụ nữ nói. “Tôi biết rõ cách làm việc quanh đây, tôi bán đồ gia vị cho họ mà.”

“Chị thật tử tế, nhưng tôi không gấp,” tôi nói.

Chúng tôi cùng đợi chủ quán. Chị ta xếp lại khăn choàng cổ, chân nhịp nhịp vài cái, và áy náy bồn chồn siết chặt cái ví da màu đen của mình – hình như thường được dùng để thu tiền hàng của chị ta. Tôi nhận ra chị ta đang cố gắng nghĩ ra một chủ đề nào đó cho cuộc đối thoại.

“Mấy cái bánh trông hấp dẫn quá,” cuối cùng chị ta nói. “Họ sử dụng các gia vị của chúng tôi, nên chị biết đấy không có gì không đáng tin cả.”

“Thế thì thật yên tâm,” tôi nói.

“Chỗ này thường rất tấp nập. Nên hôm nay nó trống huơ trống hoác thế này trông thật lạ. Thường có một dòng người xếp hàng bên ngoài cơ.”

Người ta đi ngang qua cửa hàng – vài cặp tình nhân trẻ, những ông già, mấy vị khách du lịch, một tay cảnh sát đi tuần – nhưng không ai để ý đến cửa hiệu bánh mì. Người phụ nữ quay lại nhìn ra ngoài quảng trường, và di di ngón tay chị ấy vào trong mái tóc gợn sóng màu trắng. Bất cứ khi nào chị ấy nhúc nhích trong chỗ ngồi của mình, chị ấy lại phát ra một cái mùi kì cục; mùi của dược thảo và của trái cây chín nẩu lẫn trong cái tạp dề bằng nhựa của chị ấy. Nó nhắc tôi nhớ lại khi tôi còn bé, và cái mùi của nhà kính nhỏ trong vườn nơi ba tôi dùng để trồng cây phong lan. Tôi bị cấm không được mở cửa; nhưng có một dạo, tôi đã làm mà không có sự cho phép đó. Mùi của phong lan không hoàn toàn khó chịu, và đây là sự liên hệ thú vị khiến tôi thấy thích người đàn bà lớn tuổi này.

“Tôi rất vui khi thấy họ có bánh bơ giòn dâu tây,” tôi nói, chỉ vào hộp bánh. “Chúng là nguyên chất. Không có mứt, hay quá nhiều quả rắc trên đó, hay những cái tượng nhỏ mà họ dùng để trang trí. Chỉ có dâu và kem thôi.”

“Đúng vậy,” chị ta nói. “Tôi có thể đảm bảo chúng rất tuyệt. Món ngon nhất trong cửa hiệu này đấy. Cái chân được làm bằng vani đặc biệt của chúng tôi.”

“Tôi mua chúng cho con trai tôi. Hôm nay là sinh nhật nó.”

“Thật ư? Ồ, tôi hi vọng hôm nay là một sinh nhật hạnh phúc. Cậu ấy bao nhiêu tuổi rồi chị?”

“Sáu. Nó sẽ mãi sáu tuổi mà thôi. Nó đã mất rồi.”

***

Nó chết cách đây mười hai năm. Bị ngạt hơi trong một tủ lạnh bỏ hoang trên một khu đất trống. Ban đầu khi tôi vừa nhìn thấy nó, tôi không nghĩ rằng nó đã chết. Tôi nghĩ nó chỉ xấu hổ để nhìn vào mắt tôi vì nó đã trốn ra ngoài ba ngày rồi.

Đứng bên cạnh tôi khi ấy là một bà già tôi chưa bao giờ thấy trước đó, dáng vẻ bà bàng hoàng, và tôi nhận ra chắc hẳn bà ấy chính là người đã tìm thấy nó. Tóc bà ấy bù xù, mặt thì nhợt nhạt, và đôi môi thì run run. Bà ấy trông còn tệ hơn đứa con trai đã chết của tôi.

“Mẹ không giận đâu, con biết mà,” tôi nói với nó. “Đến đây nào và để mẹ ôm con một cái nào. Mẹ mua bánh bơ giòn dâu tây cho sinh nhật của con nè. Chúng ta cùng về nhà thôi con.”

Nhưng nó không động đậy. Nó cuộn người trong một tư thế khéo léo để vừa vặn nằm giữa các kệ và hộp trứng, cặp chân thì gập lại một cách cẩn thận và mặt nó rúc vào giữa hai đùi. Sống lưng cong của nó khuất vào khoảng không gian chật hẹp tăm tốisau lưng nó nên tôi chẳng thể thấy được gì nữa. Da cổ nó bắt sáng từ cánh cửa mở ra. Nó trơn nhẵn, được bao phủ trong ánh sáng dịu nhẹ – Tôi biết rất rõ mọi thứ mà.

“Không đâu, không thể vậy,” tôi nói với người bà lão bên cạnh. “Nó chỉ đang ngủ mà thôi. Nó đã không ăn cái gì rồi, và nó xấu hổ thôi. Để tôi đưa nó về nhà và không cố đánh thức nó. Nó cần được ngủ, đến chừng nào nó muốn thức dậy thì dậy. Nó sẽ dậy trễ, tôi chắc điều đó.”

Nhưng bà ấy không trả lời tôi.

***

Phản ứng của người phụ nữ trong cửa hiệu với câu chuyện của tôi không như những gì tôi đã từng gặp trong quá khứ. Không có bất cứ dấu hiệu nào của sự thương cảm hay ngạc nhiên hay thậm chí là vẻ bối rối. Nếu cô ấy chỉ giả vờ đáp lại một cách hờ hững thì tôi sẽ đoán ra được ngay. Nỗi đau mất đi đứa con trai đã dạy tôi cách đọc vị người khác, và tôi có thể khẳng định ngay lập tức người phụ nữ này là chân thật. Cô ấy không tỏ ra hối hận vì hỏi tôi câu hỏi ấy và cũng không chỉ trích tôi việc đem một chuyện mang tính cá nhân như thế đi thổ lộ với một người xa lạ.

“Ừm,” cô ấy nói, “chị thật may mắn khi chọn hiệu bánh mì này đấy. Chẳng đâu có bánh ngọt ngon hơn ở đây đâu; rồi con trai chị sẽ thích cho mà xem. Và họ sẽ tặng kèm hộp bánh sinh nhật miễn phí nữa. Chúng rất đáng yêu – có màu đỏ, xanh, hồng, hay vàng và các màu khác cùng với hoa, hay bướm hay các con vật nữa, bất cứ điều gì chị muốn.”

Cô ấy cười một cách rụt rè, theo cách dường như rất hợp với không gian yên tĩnh của hiệu bánh. Tôi đã thấy mình rất kinh ngạc tự hỏi liệu cô ấy có hiểu rằng con trai tôi đã chết hay không. Hoặc có lẽ cô ấy đã chứng kiến quá nhiều người chết.

***

Một thời gian dài sau khi tôi nhận ra rằng con trai tôi sẽ không quay về với tôi nữa, tôi đã giữ bánh bơ giòn dâu tây mà chúng tôi định ăn với nhau. Ngày này qua ngày kia tôi chứng kiến nó mốc meo dần. Trước tiên, lớp kem phủ chuyển sang màu nâu và tách ra khỏi chất béo, khiến lớp giấy kính biến màu. Sau đó, các quả dâu tây bị khô đi, nhăn nhúm lại trông như những cái đầu của em bé bị biến dạng vậy. Còn bánh xốp thì bị cứng lại và vỡ vụn ra, và cuối cùng là mốc xuất hiện.

“Mốc cũng khá đẹp đó chứ,” tôi bảo với chồng tôi thế. Các vết lốm đốm tăng gấp bội, phủ đầy bánh bơ giòn với đủ màu sắc bắt mắt.

“Vứt nó đi thôi,” chồng tôi nói.

Tôi có thể nhận ra là anh ấy đang giận. Nhưng tôi không hiểu tại sao anh ấy lại nói một cách cay nghiệt như thế về chiếc bánh sinh nhật của con trai chúng tôi. Thế là tôi đã ném cái bánh vào mặt anh ấy. Nấm mốc và vụn bánh phủ đầy tóc và má anh ấy, và một thứ mùi khủng khiếp bốc lên khắp phòng. Nó như hơi thở của chết chóc.

***

Những chiếc bánh bơ giòn dâu tây được trưng bày ở bên phải trên kệ trên cùng của bánh nướng, ở vị trí nổi bật nhất của cửa hiệu. Mỗi bánh được phủ lên ba quả dâu tây. Trông chúng được bảo quản tốt lắm, không có dấu hiệu của mốc meo gì cả.

“Tôi nghĩ là mình phải đi rồi,” người phụ nữ đứng tuổi nói. Cô ấy đứng lên, vuốt thẳng chiếc tạp dề, và nhìn lướt ra ngoài cửa sổ về phía quảng trường, giống như đang tìm kiếm lần cuối cùng xem cô gái cửa hiệu bánh có trở lại hay không.

“Tôi sẽ đợi thêm chút nữa,” tôi nói.

“Được,” cô ấy nói, bước tới gần chạm vào tay tôi. Tay cô ấy chai sạn và nhăn nheo – do công việc cô ấy – và có dính đất bẩn trong kẻ móng tay. Dù vậy, bàn tay cô ấy ấm áp và  an ủi, có lẽ như hơi nóng từ những cây nến sinh nhật nhỏ mà cô ấy đã nói đến. “Tôi định đi kiếm ở hai chỗ mà cô chủ quán có thể ở đó, và nếu tôi tìm thấy cô ấy, tôi sẽ báo cô ấy về thẳng đây luôn.”

“Cảm ơn chị,” tôi nói.

“Không có gì… Tạm biệt.”

Kẹp cái ví dưới cánh tay, cô ấy quay trở ra. Khi cô ấy bước qua cánh cửa xoay, tôi để ý thấy cái dây đeo tạp dề sau lưng của cô ấy bị rớt ra. Tôi đã cố chặn cô ấy lại nhưng quá trễ. Cô ấy biến mất vào đám đông trên quảng trường, còn tôi thì chỉ còn lại một mình.

***

Nó là một đứa trẻ thông minh. Nó có thể đọc to sách tranh yêu thích của nó từ đầu cho tới cuối mà không mắc lỗi nhỏ nào. Nó có thể dùng giọng điệu khác nhau cho mỗi nhân vật – heo con nè, hoàng tử nè, robot nè, cả ông già nữa. Nó thuận tay trái, có vầng trán rộng và một nốt ruồi trên dái tai. Khi tôi bận nấu cơm tối, nó thường đặt các câu hỏi mà tôi chẳng biết cách trả lời như thế nào. Như Ai đã phát minh ra các chữ cái Trung Quốc? Tại sao con người lớn lên? Không khí là gì? Chúng ta sẽ đi đâu khi chúng ta chết đi?

Sau khi nó mất, tôi bắt đầu thu thập các mẩu báo cắt ra về các trường hợp trẻ em chết thảm. Mỗi ngày tôi đi tới thư viện và tập hợp các bài báo từ báo và tạp chí, sau đó sao chép chúng lại.

Một cô bé mười một tuổi bị cưỡng hiếp và chôn trong rừng. Một cậu bé chín tuổi bị một tên bệnh hoạn bắt cóc bởi và sau đó được tìm thấy trong một thùng chứa rượu với hai cái mắt cá chân bị cắt rời. Một đứa bé mười tuổi đang làm việc trong một xưởng làm đồ sắt bị trượt chân trên một lối đi hẹp và ngay lập tức bị tan chảy trong lò nấu kim loại. Tôi sẽ đọc to những bài báo này lên, ngâm nga chúng như những bài thơ.

***

Tôi đã không chú ý đến chuyện này trước đây như thế nào? Tôi hơi nhổm lên để nhìn xuyên qua quầy tính tiền. Ô cửa bên cạnh máy tính tiền mở một nửa, và tôi có thể nhìn vào trong nhà bếp. Một phụ nữ trẻ đang đứng bên trong với khuôn mặt ngoảnh đi. Tôi có thể gọi cô ấy nhưng tôi ngưng lại. Cô ấy đang nói chuyện với ai đó qua trên điện thoại, và cô ấy đang khóc.

Tôi không thể nghe gì cả, nhưng tôi có thể thấy vai cô ấy run run. Tóc cô ấy được tóm lại một cách gọn gàng dưới cái mũ lưỡi trai màu trắng. Dù có vài đốm kem và sô-cô-la, nhưng tạp dề cô ấy trông gọn gàng và được buộc chặt. Phom người cô ấy mảnh khảnh như một cô gái nhỏ vậy.

Tôi ngồi lại cái ghế đẩu và nhìn ra ngoài quảng trường. Người bán bong bóng vẫn làm các con thú cho đám trẻ con. Bầy bồ câu thì túm tụm đây đó, và người phụ nữ thì vẫn tiếp tục đan trên chiếc ghế dài. Không có gì thay đổi cả, ngoại trừ cái bóng của tháp đồng hồ trải dài hơn và mỏng hơn.

Căn bếp thì cũng gọn gàng ngăn nắp như cửa hiệu. Bát, dao, máy trộn, túi bột, cái rây – mọi thứ cần cho công việc hàng ngày được xếp gọn đâu ra đấy. Chiếc khăn lau bát dĩa đã được giặt sạch và khô ráo, sàn nhà không một vết bẩn. Cô gái đứng giữa chúng, nỗi buồn của cô đã quá quen thuộc với căn bếp tinh tươm này. Tôi chẳng nghe thấy gì, không một từ, không một tiếng động. Tóc cô ấy rung nhẹ theo tiếng nấc của cô ấy. Cô ấy nhìn xuống máy tính tiền, dựa cả người vào bếp lò. Tay phải thì nắm chặt cái khăn ăn. Tôi không thể nhìn thấy biểu cảm của cô ấy, nhưng sự đau đớn của cô ấy quá rõ ràng qua cách cô ấy siết chặt quai hàm lại, cổ cô ấy tái nhợt, và các ngón tay siết chặt chiếc điện thoại.

Lý do khiến cô ấy khóc không quan trọng với tôi. Mà có lẽ chẳng có lý do nào cả. Nước mắt cô ấy có một sự thuần khiết thế nào đó.

***

Cánh cửa chiếc tủ lạnh sẽ không mở cho dù bạn có đẩy nó mạnh cỡ nào, dù bạn đập nó thình thịch bao lâu nữa. Chẳng ai nghe các tiếng thét cả. Bóng tối, đói khát, và sự đau đớn. Bóp nghẹt bạn từ từ. Một ngày kia tôi chợt nhận ra mình cần phải nếm mùi đau đớn như đứa con trai tôi đã chịu đựng.

Trước tiên, tôi ngắt điện cái tủ lạnh và dọn sạch đồ trong đó: sa-lat khoai tây đêm qua, thịt xông khói, trứng, cải bắp, dưa chuột, rau bi-na đã héo, sữa chua, vài lon bia, thịt lợn – tôi lôi mọi thứ ra và ném sang một bên. Nước sốt cà chua đổ đầy hết ra ngoài, trứng vỡ, kem chảy hết. Nhưng bây giờ thì tủ lạnh trống trơn, nên tôi hít sâu một hơi, cuộn mình lại như một quả bóng, và lau chùi bên trong tủ lạnh.

Khi cánh cửa đóng lại, bóng tối bao trùm tất cả. Tôi không thể kể thêm mắt tôi có mở ra hay nhắm lại hay không, và tôi đã nhận ra rằng nó chẳng khác gì cả. Các thành của tủ lạnh vẫn lạnh. Cái chết từ đâu mà đến đây?

***

“Em nghĩ là em đang làm cái quái gì thế hả?” chồng tôi nói khi anh ấy giật mạnh cửa tủ lạnh ra.

“Em đang đến với con.” Tôi cố gắng đẩy cánh tay đang run lên của anh ấy ra và đóng cửa tủ lạnh lại.

“Đủ rồi,” anh la lên, kéo tôi ra khỏi tủ lạnh. Anh ấy tát tôi một cái. Sau đó bỏ đi để mặc tôi lại.

***

Không một ai trong đám đông trên quảng trường biết rằng người phụ nữ trẻ đang khóc bên cạnh lò nướng trong bếp. Chỉ mình tôi chứng kiến thôi.

Khi mặt trời bắt đầu lặn xuống dưới mái của lâu đài thị trấn, ánh hoàng hôn xuyên qua cửa sổ tối tăm. Chỉ còn vài đứa trẻ xem người đàn ông trình diễn xoắn các con vật bằng bong bóng trên quảng trường. Một nhóm người tập trung quanh tháp đồng hồ để chụp ảnh triễn lãm các thiết bị tự động khi chuông điểm năm tiếng.

Tôi biết tôi buộc phải gọi cô gái thôi, rồi sau đó tôi có thể mua bánh và rời đi, nhưng tôi kiềm chế lại. Chiếc tạp dề cứng nhắc của cô ấy quá lớn nên trông cô ấy như nhỏ hơn và yếu ớt hơn. Tôi để ý thấy mồ hôi trên cổ cô ấy, cổ tay áo nhăn lại và các ngón tay dài, và tôi tưởng tượng cô ấy trông như thế nào khi đang làm việc. Tôi có thể thấy cô ấy lấy các bánh xốp nóng hổi ra khỏi lò, trét kem lên, và xếp mỗi trái dâu tây bằng sự cẩn thận chu đáo. Tôi dám chắc cô ấy sẽ làm những cái bánh bơ giòn ngon nhất thế giới này cho xem.

***

Vài năm sau cái chết của con trai tôi, khi tôi bắt đầu sống một mình, tôi nhận được một cú phone kì cục. Âm thanh không giống nhưng rõ là một chàng trai trẻ. Cậu ấy phát âm có chút rụt rè, nhưng nói năng lịch sự khi nhắc đến tên con trai tôi.

“Gì cơ?” tôi thở khó nhọc, chết lặng đi một lúc.

“Cậu ấy có ở nhà không ạ?” Cậu ta nói.

“Không, nó không có,” tôi ráng kiềm chế để trả lời.

“À sau khi… cháu chỉ muốn nói chuyện với cậu ấy về buổi họp mặt về lớp trung học chúng cháu. Cô có biết khi nào cậu ấy về không ạ?”

Tôi bảo với cậu bé là nó không ở nhà, rằng nó sống ở nước ngoài, đi học rồi.

“Ồ, tiếc quá ạ,” cậu bé nói. “Cháu rất mong để gặp được cậu ấy.” Cậu bé tỏ vẻ thất vọng một cách chân thật.

“Tụi cháu là bạn à?”

“Vâng ạ. Chúng cháu cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ sân khấu. Cậu ấy là chủ tịch còn cháu là phó chủ tịch.”

“Câu lạc bộ sân khấu?”

“Chúng cháu thắng cuộc thi thành phố và đi tiếp giải quốc gia. Cô có nhớ, chúng cháu diễn vỡ Man of Flame. Cậu ấy đóng vai Van Gogh, còn cháu đóng vai anh trai ông ấy, Theo. Cậu ấy luôn là một diễn viên chính, một anh chàng đào hoa, và cháu là bạn đồng mưu của cậu ấy. Không chỉ trên sân khấu mà ngay cả trong cuộc sống nữa ạ. Cậu ấy luôn nổi bật.”

Không biết tại sao việc cậu bé ấy nói về một người hoàn toàn khác mà tôi chẳng thấy phiền hà. Tôi cũng chẳng cố gắng đính chính lại với cậu bé. Con trai tôi đã đọc các sách ảnh của nó rất tốt nên nó đã hoàn toàn có thể có một vai diễn chính trong một vở kịch vào một ngày nào đó.

“Thế cậu ấy vẫn diễn chứ cô?”

“Ừm…”

“Thật ư? Cháu mong vậy. Cô có thể báo cho cậu ấy là cháu gọi tới được không ạ?”

“Đương nhiên rồi, cô sẽ nói.”

Sau khi cậu bé cúp máy, tôi vẫn giữ điện thoại trên tai một lúc nữa, lắng nghe tiếng o o của tín hiệu. Tôi không bao giờ được nghe cậu ấy nói lần nữa.

***

Chuông tháp đồng hồ bắt đầu vang lên. Bầy bồ câu vỗ cánh bay lên bầu trời. Tiếng chuông thứ năm vang lên, cánh cửa bên dưới cái đồng hồ mở ra và cuộc diễu binh của các bức tượng nhỏ đầy sức sống múa xoay tròn ra bên ngoài – vài người lính, một con gà, và một bộ xương. Vì cái đồng hồ đã rất cũ kĩ rồi, nên những bức tượng cũng đã bạc màu đi ít nhiều, cử động thì cứng nhắc và khó khăn. Đầu của con gà xoay lại như thể kêu quang quác vậy; còn bộ xương thì nhảy tưng tưng. Rồi sau đó, từ cánh cửa, một thiên thần xuất hiện, vỗ liên tục đôi cánh vàng.

Cô gái trong bếp đã gác điện thoại. Tôi nín thở. Cô ấy nhìn xuống điện thoại chút nữa, sau đó thở sâu một hơi và dùng khăn ăn chấm khô nước mắt mình.

Tôi tự nhắc đi nhắc lại điều tôi sẽ nói khi cô ấy xuất hiện trong ánh sáng đang mờ dần của cửa hiệu: “Vui lòng cho tôi hai bánh bơ giòn dâu tây.”