Revenge: Eleven Dark Tales

Người dich: Du Ca

Hiệu đính: conruoinho

Bản dịch chưa có sự đồng ý của tác giả

Truyện được dịch từ nguyên bản tiếng Anh


MỤC LỤC

0102 – 03 – 04 – 05 – 06 – 07 – 08 – 09 (Hết)


BÀ J GIÀ

Căn hộ mới tôi ở thuộc tòa nhà nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Từ cửa sổ của mình, phong cảnh tuyệt vời của thị trấn hiện lên như một cánh chim xòe ra như cái quạt bên dưới và bãi biển ở phía xa xa. Một nhà biên tập mà tôi quen đã giới thiệu chỗ này cho tôi.

Ngọn đồi trồng rất nhiều cây ăn trái như: nào cây nho, nào là cây đào và một ít cây sơn trà Nhật Bản. Còn lại thì trồng kiwi. Vườn cây ăn quả ấy thuộc về bà chủ nhà của tôi, Bà J, nhưng bà ấy đã già và sống một mình, và hình như bà ấy đã để mặc chúng nó mà chẳng hề quan tâm tới. Chẳng có dấu hiệu nào của người chăm sóc vườn, và ngọn đồi lúc nào cũng yên tĩnh. Tuy vậy, cây cối vẫn sai trĩu quả đẹp mắt.

Đám cây kiwi đặc biệt phát triển rậm rạp đến mức vào những đêm trăng sáng có gió thổi qua, cả sườn đồi xào xạc như thể được bao phủ bởi đám dơi màu xanh thẫm. Đôi khi tôi tưởng tưởng bọn chúng có thể bay đi bất cứ lúc nào rồi.

Ngày hôm sau tôi nhận ra rằng tất cả quả kiwi đã biến mất khỏi một phần của vườn cây ăn trái, dù tôi chẳng thấy ai thu hoạch chúng cả. Vài ngày sau thì quả chúng lại trĩu đầy các nhánh cây. Có lẽ vì tôi có thói quen viết về đêm và ngủ cho đến khi gần trưa, nên vì thế mà tôi chỉ đơn giản là đã không thấy các công nhân làm việc.

Tòa nhà có ba tầng và hình chữ U. Ở trung tâm tòa nhà là một khu vườn rộng rãi, với cây khuynh diệp tỏa bóng mát rộng lớn khi trời quá nắng. Bà J có trồng cà chua, cà rốt, cà tím, đậu xanh và ớt để bà biếu tặng cho những người thuê nhà mà bà thích, tôi nghĩ vậy.

Căn hộ của bà ấy đối diện trực tiếp với cái sân của căn hộ tôi. Bà ấy chỉ treo một tấm rèm trên cửa sổ; còn những cái khác thì không có và trông có vẻ bà ấy chẳng hề nóng lòng muốn thay chúng. Bất cứ khi nào tôi ngước nhìn từ bàn làm việc của mình, tôi ắt hẳn sẽ thấy tấm rèm đơn chiếc ấy.

Dựa vào những gì mà tôi có thể nhận ra được, thì Bà J  đã trải qua một cuộc sống êm đềm và đơn điệu. Mỗi ngày khi tôi thức dậy, qua cửa sổ tôi có thể trông thấy bà ấy đang ngồi trước tivi, dùng bữa trưa một cách buồn chán. Nếu bà ấy có vô tình làm đổ cái gì đó, bà ấy sẽ lau sạch nó bằng cái khăn bàn hoặc ống tay áo. Sau bữa trưa, bà ấy sẽ đan len, hay đánh bóng các bình ấm, không thì chợp mắt một tí trên chiếc ghế trường kỷ để giết thời gian. Và trước trời tối, lúc tôi bắt đầu đi xuống để làm việc muộn, thì tôi nhất định sẽ thấy bà ấy đã thay chiếc áo ngủ sờn mòn và lê bước tới giường ngủ.

Tôi tự hỏi bà ấy được bao nhiêu tuổi. Có lẽ đã hơn tám mươi rồi, tôi đoán vậy. Bà ấy đứng không vững nữa và liên tục đụng mấy cái ghế hay hất ngã vài thứ trên bàn. Thế nhưng lúc trong vườn, bà ấy bỗng trở thành một người khác hẳn; bà ấy dường như trẻ hơn vài tuổi và hoàn toàn thoải mái khi tưới hay đóng cọc cho cây, hoặc bắt sâu bọ bằng cái nhíp của bà ấy. Tiếng lách cách của chiếc kéo khi bà ấy thu hoạch vụ mùa vang lên một cách thích thú xuyên qua cái sân nhỏ.

***

Một con mèo hoang hóa ra lại trở thành lý do Bà J tặng tôi món rau củ đầu tiên.

“Đồ bẩn thỉu!” bà ấy thét lên, khua khua cái xẻng. Tôi lén đặt con mèo về phía khu vườn cây ăn trái. Trông nó già tương tự như Bà J và có vẻ như bị bệnh ngoài da nữa.

Tôi mở cửa sổ nói to lên rằng bà ta nên dựng thông kim xung quanh luống đất, nhưng mà bà ta chỉ đáp lại bằng cách quay lại và bước về phía tôi, hình như vẫn còn giận dữ tột bậc.

“Tôi không thể chịu đựng chúng được!” bà nói. “Chúng bới các hạt giống mà tôi chỉ vừa mới gieo xuống, còn ị thối ình trong vườn tôi, và sau đó còn dám gây ồn ào khiến tôi bị đinh tai nhức óc luôn.”

“Trồng thông kim xung quanh các luống cây sẽ giữ chúng ở xa bà,” tôi nhắc lại.

“Cô nghĩ coi tại sao chúng cứ nhất định sẽ đến đây và phớt lờ mọi bãi rào khác? Tôi bị dị ứng với lông của chúng. Nó khiến tôi bị hắt hơi liên tục.”

“Mấy con mèo ghét cái gì có đầy gai,” tôi nhẫn nại nói. “Vì vậy thông kim…”

“Phải có ai đó lén lút cho chúng ăn rồi. Nếu mà cô thấy bất cứ ai cho chúng thức ăn, phiền cô bảo họ ngừng ngay lập tức được không?” Khi đưa ra yêu cầu cuối cùng, bà ấy bước đều về phía căn hộ tôi thông qua cửa bếp. Lời chỉ trích kịch liệt nhằm vào lũ mèo cuối cùng cũng kết thúc, bà ấy nhìn quanh với một sự tò mò bị che giấumột cách vụng về, săm soi bàn làm việc của tôi, tủ đồ và các bức tượng bằng kính nhỏ trên bậu cửa sổ. “Vậy, cô là một ‘nhà văn’ à,” bà ta nói, như thế bà ta đã khám phá ra một từ thật khó mà phát âm được vậy.

“Đúng vậy.”

“Chẳng có gì sai khi sáng tác cả,” bà ta nói. “Nó thật thú vị và yên tĩnh. Trước đây một nhà điêu khắc đã từng sống trong căn hộ này. Điều đó thật khủng khiếp. Tôi gần như bị điếc bởi mớ tiếng đập ầm ầm ấy.” Bà ta vỗ nhẹ lên tai mình rồi đi qua về phía kệ sách và bắt đầu lướt các ngón tay lên tên các tựa sách. Bà ta đọc sai hết cả – có lẽ mắt bà ta có vấn đề, hoặc đơn giản là bà ta không biết cách đọc chúng.

Bà J cực kì mảnh khảnh. Gương mặt bà ta hẹp và cái cằm thì dài và nhọn, còn mũi thì tẹt, mắt thì cách nhau một khoảng xa tạo một khoảng trống kì lạ trên khuôn mặt bà ấy. Khi bà ta nói chuyện, mớ răng bà ta dường như nghiến vào nhau với mỗi từ phát ra, và tôi lo ngại rằng bộ răng giả ấy có thể văng ra khỏi miệng bà ta mất.

“Chồng bà làm gì?” tôi hỏi bà ta.

“Chồng tôi á? Lão ta chẳng là gì cả ngoài là một tên đê tiện say bí tỉ. Tôi tự lo đời mình, sống bằng việc cho thuê tòa nhà và làm mat-xa.” Khi đã chán với kệ sách, bà ta bước tới máy đánh chữ của tôi và thận trọng gõ nhẹ vào một hay hai nút chữ, như thể nó là cái gì đó rất nguy hiểm vậy. “Lão ta cờ bạc đến sạc nghiệp hết mọi thứ mà tôi đã kiếm được và thậm chí chẳng chết được cho ra trò. Lão uống xỉn đến mức mất tích dưới biển luôn rồi.”

“Khi nào bà có thời gian tôi muốn có một buổi mát-xa,” tôi nói, cố gắng thay đổi chủ đề vì sợ bà ta sẽ lải nhải mãi về chống bà ta. “Tôi ngồi cả ngày nên lưng tôi đau kinh khủng.”

“Tất nhiên rồi,” bà ta nói. “Bất cứ khi nào cô muốn. Đôi tay già nua này có một chút sức mạnh đấy.” Sau đó bà ta liền bẻ các khớp ngón tay kêu răng rắc đến mức tôi nghĩ bà ta có thể đã bẻ gãy các ngón tay mình mất rồi. Khi rời đi, bà ta đã cho tôi năm quả ớt vừa mới hái trong vườn ra.

***

Khi tôi thức dậy vào hôm sau, toàn bộ cái sân trong đã được phủ đầy cây thông kim. Chúng được trồng từ thân cây khuynh diệp lấy từ nhà kho – trồng ở khắp mọi nơi chỉ ngoại trừ luống rau mà thôi.

Tôi nhìn xuống từ cửa sổ phòng mình thấy một trong những người thuê nhà đang hỏi về cây lá kim, và bà J đang giải thích với họ rằng chúng dùng để xua đuổi lũ mèo đi xa. “Đám mèo ghét nhựa thông,” bà ta nói. “Bà tôi đã dạy tôi vài năm trước khi tôi còn trẻ.” Tôi phân vân không biết bà ấy đã bao giờ là một cô gái chưa; không hiểu sao tôi cảm thấy bà ấy luôn luôn là một bà già kể từ ngày bà ấy sinh ra.

Vào một đêm, Bà J có một vị khách – hình như là một dịp cực hiếm luôn. Một người đàn ông to lớn, trung niên xuất hiện trong phòng bà ấy. Trăng sáng, tròn và có màu cam, đèn cửa sổ phòng bà ấy sáng hơn mọi hôm. Người đàn ông nằm xuống giường, và bà ta thì ngồi lên trên người ông ta.

Lúc đầu tôi nghĩ bà ta sẽ bóp cổ ông ta. Xem ra bà ta mạnh hơn tôi hình dung; bà ấy đè ông ta với toàn bộ sức nặng của mình, và kẹp chặt cổ ông ta bằng đôi bàn tay khỏe mạnh của bà ấy. Trông như thể ông ta sắp chết đến nơi trong khi bà ta thì ngày càng mạnh, vắt kiệt sự sống từ cơ thể ông ta.

Lần mát-xa cuối rất lâu. Bóng đêm bao trùm giữa hai cánh cửa sổ được lấp đầy bởi hương của cây thông kim.

Bà J bắt đầu đến phòng tôi thường hơn. Bà ta dùng trà và nói chuyện luôn miệng về các thứ như – cái đầu gối đau nhứt của bà ta, giá gas cao, thời tiết nóng nực khó chịu – rồi sau đó lại về nhà mình. Để giữ gìn mối quan hệ tốt với bà chủ nhà mình, tôi đã cố gắng tỏ ra lịch sự hết mức có thể. Và cứ mỗi chuyến viếng thăm bà ấy lại mang tặng tôi thêm nhiều rau quả hơn.

Bà ta cũng bắt đầu nhận thư và bưu kiện giúp tôi mỗi khi tôi vắng nhà.

“Cái này của cô,” bà ta nói, đứng ngay cửa nhà tôi khi tôi vừa đặt chiếc ví xuống. Cùng lúc tôi có thể thấy mọi thứ xảy ra trong phòng bà ta thì bà ta cũng chẳng bỏ xót chuyện gì xảy ra với tôi. “Một chiếc xe tải giao hàng đã mang nó đến chiều nay,” bà ta nói thêm.

“Cảm ơn bà,” tôi nói. “Có lẽ bạn tôi gửi tới một ít sò điệp. Nếu bà thích, tôi sẽ mang sang biếu bà một ít sau khi nấu xong nhé.”

“Cô thật tử tế! Đó là món yêu thích của tôi đấy.”

Tuy nhiên tôi gần như choáng váng khi mở bưu kiện ra: các con sò điệp đã thối rữa hết cả. Túi đá lạnh đã tan ra quá lâu nên chúng đã không thể được ướp lạnh nữa. Khi tôi cạy nắp khóa bằng con dao, thì đám sò điệp cùng lục phủ ngũ tạng nó chảy ra ngoài thành một đống chất lỏng sền sệt.

Khi tôi kiểm tra phiếu giao hàng thì phát hiện nó đã được gửi tới cách đây hơn hai tuần rồi.

***

“Cô nhìn này!” Bà J gọi khi bước vào căn hộ tôi vào một ngày nọ.

“Gì thế ạ?” tôi hỏi. Tôi đang làm món sa-lat khoai tây cho bữa tối ở trong bếp.

“Một củ cà rốt,” bà ta nói, giơ nó lên với sự kiêu hãnh hiện rõ trên mặt.

“Nhưng hình dáng nó lạ quá,” tôi nói, tạm ngưng món khoai tây lại. Nó quả thực rất kì cục: một củ cà rốt hình bàn tay.

Nó thật bụ bẩm, như bàn tay em bé vậy, và thật hoàn hảo: với năm ngón tay, trong đó ngón cái thì mập mạp còn ngón giữa thì dài hơn hết. Còn cuống lá thì trông như nơ trang trí cổ tay.

“Tôi tặng cô đấy,” bà J nói.

“Bà chắc chứ ạ?” tôi nói. “Cái này rất hiếm đấy?”

“Đương nhiên rồi,” bà ta nói, và kề môi sát vào tai tôi thì thầm: “Tôi có tận ba củ lận. Vậy nên cho cô một củ. Nhưng đừng nói với ai nhé; người ta sẽ ghen tị đấy.” Tôi có thể cảm nhận được hơi thở ẩm ướt của bà ấy. “ Món sa-lát à?” Bà ta nói thêm. “Vậy là tôi cho cô củ cà rốt vừa đúng dịp đấy: Cà rốt là đúng thứ cô cần!” Bà ta cười thích thú.

Tôi cảm thấy hơi ấm mặt trời còn đọng lại khi rửa sạch củ cà rốt. Kì cọ cho nó đỏ tươi trở lại. Tôi chẳng có ý kiến ý cò gì nên cắt củ cà rốt chỗ nào trước, nhưng tôi quyết định tốt nhất là nên bắt đầu bằng việc cắt phăng đi năm ngón tay. Từng ngón một, chúng lăn cù mèo trên tấm thớt. Tối đó, món sa-lát khoai tây của tôi có trộn thêm ngón út và ngón trỏ nữa.

***

Hôm sau, gió mạnh thổi suốt cả buổi chiều đến tận tối khuya. Cơn gió lốc đã càn quét xuôi xuống sườn đồi len lỏi khắp khu vườn. Tôi có thể cảm nhận được sự đu mình trong gió của đám kiwi.

Tôi ở trong bếp, đọc bản thảo mà tôi mới hoàn thành. Bất cứ khi nào tôi hoàn thành một đoạn, tôi luôn đọc to nó lên một lần. Nhưng đêm đó tôi chắc chắn tiếng đọc đã bị át đi bởi tiếng gió rít qua đám cây ăn trái.

Khi nhìn lên cửa sổ qua bồn rửa bát, tôi thấy một bóng người trong khu vườn. Ai đó đang chạy xuống cái dốc thẳng đứng trong bóng tối. Dù chỉ thấy sau lưng, nhưng tôi có thể nói người đó đang khiêng một cái hộp lớn. Khi gió lặng đi một lúc, tôi còn có thể nghe rõ tiếng bước chân giẫm trên cỏ. Ở cuối sườn đồi, dáng người hiện rõ trong vòng ánh sáng phát ra từ đèn đường và tôi có thể thấy rõ đó chính là Bà J.

Tóc bà ta nẩy lên liên tục. Chiếc khăn lau bà ta nhét ở thắt lưng bay bay trong gió, có thể bay mất bất cứ lúc nào. Đáy thùng carton mà bà ấy khiêng phình ra do sức nặng bên trong nó. Cái đống ấy rõ ràng là nặng quá sức so với một người phụ nữ cỡ như Bà J, nhưng dường như bà cấy có thể xoay xởđược mà không gặp trở ngại gì nhiều. Mắt nhìn phía trước,  lưng đứng thẳng, bà ấy giữ thăng bằng vật ấy bằng kĩ năng đáng kinh ngạc – như thể chiếc hộp hầu như trở thành một phần thân thể bà ấy vậy.

Tôi đến bên cửa sổ và nhìn chằm chằm ra ngoài. Một cơn gió mạnh hơn đã thổi qua hàng cây và trong một khắc bà ta bị trượt chân, nhưng bà ta nhanh chóng điều chỉnh lại và tiếp tục bước đi. Tiếng xào xạc của đám cây kiwi ngày một to hơn.

Bà J đi vào cái bưu điện bị bỏ hoang ở dưới chân đồi. Lần nào tôi cũng đi qua cái bưu điện đó khi tôi ra ngoài đi dạo, nhưng tôi không biết ngày nay nó được sử dụng cho cái gì hoặc nó có thuộc quyền sở hữu của bà chủ nhà hay không.

Cuối cùng khi bà ấy trở lại căn hộ mình, là lúc bãi biển đằng đông bắt đầu bừng sáng những tia nắng đầu tiên. Bà ấy đã thay quần áo cho thoải mái hơn, súc miệng, chải tóc, và mặc cái áo ngủ cũ kĩ của mình vào người.

Bà ấy lại trở về Bà J mà tôi biết – người luôn va vào các vật dụng trên đường đi từ phòng tắm đến giường ngủ, người mà luôn gặp vấn đề với đơm khuy cho váy của mình. Tôi trở lại với việc đọc sách của mình, bản thảo đã bị thấm ướt trong lòng bàn tay đầy mồ hôi của tôi rồi.

Những ngày sau đó có nhiều hơn nữa các củ cà rốt hình bàn tay. Thậm chí sau khi mọi người trong tòa nhà đều nhận được cà rốt hình bàn tay đó, vẫn còn dư một ít để dành cho sau này. Vài củ trong số chúng dài và thon thả hơn, như bàn tay của người nghệ sĩ dương cầm; số khác thì cứng cáp hơn, như một thợ rừng vậy. Có đủ các loại hình như: bàn tay mập ú, bàn tay lông lá, bàn tay đầy vết bẩn,…

Bà J rất chăm chút cho việc thu hoạch chúng, bà xới đất xung quanh mỗi củ cà rốt và cầm nhẹ phần đầu của nó để nhổ lên, như thể nếu chúng mất đi dù chỉ một ngón tay thôi thì sẽ là một thảm kịch lớn vậy. Rồi sau đó bà ấy phủi sạch đám đất bám và giơ củ cà rốt lên dưới ánh sáng mặt trời để ngắm nhìn nó cho thỏa.

***

“Người cô cứng khủng khiếp,” Bà J nói. Tôi đã cố trả lời, nhưng mà bà ta đã giữ chặt lấy tôi khiến cho tôi chẳng thế hó hé được gì ngoài tiếng rên rỉ cả.

Bà ta bảo tôi nằm xuống giường, mặt tôi vùi vào gối, cả người trần trụi chỉ duy có cái khăn tắm quấn quanh eo. Sau đó bà ấy leo lên lưng tôi và ghìm chặt tôi xuống bằng sức mạnh kinh khủng khiếp.

“Cô ngồi suốt cả ngày đấy. Thật không tốt cho cô đâu.” Bà ta đấm thùm thụp vào đốt sống cổ tôi, ấn mạnh xuống phần thịt. “Xem này, xương xẩu quấn chịt lên như trái banh vậy.” Tôi thử nhúc nhích, để giảm bớt cơn đau ập tới, nhưng bà ấy đã khóa chặt tôi lại bằng hai chân mình, khiến tôi hoàn toàn bất động.

Các ngón tay bà ấy lạnh và khỏe như vâm, và có vẻ chẳng có chút da hay thịt nào trên chúng cả. Nó như thể bà ấy đang mát-xa tôi bằng các bàn tay toàn xương của mình vậy.

“Chúng ta cần cho mấy xương xẩu này thả lõng đã,” bà ấy nói. Cái giường kêu cọt kẹt và chiếc khăn tắm bắt đầu trượt xuống khỏi hông tôi. Bộ răng giả của bà ấy kêu lách cách. Tôi sợ là nếu bà ấy mà kéo dài lâu hơn nữa, chắc các ngón tay của bà ấy sẽ cạo mạnh lên da tôi, làm rách toạc thớ thịt ra, và cuối cùng là nghiến nát đám xương tôi mất. Cái gối đã ướt đẫm nước bọt của tôi, và tôi chỉ muốn thét lên mà thôi.

***

“Được rồi. Đứng sát vào nhau một chút. Bây giờ thì cười lên nào!”

Giọng tay phóng viên vang to lên xuyên qua cả cái sân trong khi anh ta tập trung vào cái máy ảnh. Có lẽ anh ta nghĩ rằng Bà J bị nặng tai. “Nào bà hãy cầm cái củ cà rốt giơ lên cao một chút… cầm cái phần cuống lá của nó í để chúng tôi có thể thấy được cả năm ngón tay của nó. Đúng rồi, bây giờ thì đừng động đậy nhé.”

Chúng tôi đứng ở ngay giữa luống rau, tay phóng viên đã giẫm chân lên những cây thông kim khi hắn ta điều chỉnh vị trí của mình để chụp bức ảnh. Những người thuê nhà khác thì quan sát một cách hiếu kì từ khung cửa sổ của họ.

Tôi đã cố gắng mỉm cười, nhưng không thể. Tất cả những gì tôi có thể là là giữ cho mắt mình mở to trong ánh nắng chói lòa ấy. Miệng tôi, tay tôi, mắt tôi – mọi thứ dường như đã tách rời từng khúc một và tôi cảm thấy cực kì không thoải mái. Thế nên tôi phải cảm ơn buổi mát-xa ấy, tôi đã hết đau nhức khắp cả người.

“Nào bây giờ các chị giả vờ nói vài thứ với nhau đi. Thư giãn đi thôi… và giơ cái củ cà rốt theo hướng này… Đó, cà rốt là nhân vật chính!”

Bà J đã cố gắng hết sức để ăn diện thật đẹp cho dịp này. Bà ấy đã son môi và trùm một cái khăn choàng lên đầu. Mép váy thì phủ tới mắt cá chân, còn chân thì mang một đôi giày cao gót kiểu cũ thay thế cho đôi sandal thường dùng.

Nhưng cái khăn choàng chỉ tổ làm nổi bật lên khuôn mặt hẹp của bà ấy, còn son môi thì lem luốc, và không hiểu vì sao mà trang phục và đôi giày cao gót của bà ấy lại đối chọi với màu củ cà rốt.

“Hãy làm cho chúng tôi trông thật đẹp,” bà bảo với tay phóng viên. “Trong cả đời mình, tôi chưa bao giờ được lên báo cả.” Bà ta phát ra tiếng cười khùng khục, và nụ cười đó đã làm xuất hiện các nếp nhăn quanh mắt bà ta.

Tít báo địa phương vào sáng hôm sau là: CỦ CÀ RỐT KÌ LẠ! HÌNH BÀN TAY VÀ MƠN MỞN TỪ KHU VƯỜN BÀ NGOẠI!

Ưỡn ngực ra phía trước để che bớt phom người mảnh khảnh của mình, Bà J đứng đó, nghiêng qua phải một chút vì đôi giày cao gót bà ta lún sâu xuống mặt đất; và dù bà ta có cười trong suốt buổi chụp hình, thì trong bức ảnh bà ấy trông gần như bị khiếp đảm. Nhưng mà củ cà rốt đặt trong tay bà ta thì lại thật hoàn hảo.

Tôi đứng kế bà ấy, tay cầm củ cà rốt của tôi. Cuối cùng thì tôi cũng đã có thể cười một chút, nhưng mắt tôi thì nhìn vào một hướng vô định và tôi rõ là căng thẳng và không được tự nhiên cho lắm.

Đám cà rốt xuất hiện trong bức ảnh còn lạ hơn nữa, như những bàn tay bị cắt cụt với những khối u ác tính, vẫn còn ấm hơi đất lủng lẳng trước mặt chúng tôi.

***

“Cô đã bao giờ gặp chồng bà ấy chưa?” viên thanh tra hỏi.

“Chưa, tôi chỉ vừa mới chuyển đến ở tòa nhà này thôi,” tôi trả lời.

“Bà ta kể là chồng bà ta đã chết à?” một viên sĩ quan khác hỏi.

“Vâng, bà ấy nói chồng bà ấy đã uống say và rơi xuống biển và chết… hay có thể bà ấy chỉ nói là ông ấy mất tích. Tôi thực sự không nhớ rõ nữa. Chúng tôi thực sự không thân lắm…”

Tôi liếc nhìn qua sân trong. Phòng Bà J trống không. Chiếc màn cửa đơn chiếc kia vẫn đu đưa trong cửa sổ.

“Bất cứ chi tiết nhỏ nào đều có thể giúp ích chúng tôi. Cô có để ý thấy bất cứ điều gì đáng nghi không?” một cảnh sát trẻ nói, cúi người bắt gặp cái nhìn chằm chằm của tôi. “Bất cứ điều gì?”

“Đáng nghi à?” tôi nói. “Đáng nghi… Có một lần, vào lúc nửa đêm, tôi đã thấy ai đó chạy xuống xuyên qua khu vườn… mang theo một cái hộp nặng. Họ đem nó vào trong cái bưu điện, cái đã bị bỏ hoang ở chân đồi đó.”

***

Cái bưu điện sau đó đã được lục soát và phát hiện chứa cả núi kiwi. Nhưng khi đám trái cây được dọn sạch, nó lộ ra thân hình xơ xác của một con mèo. Sau đó một chiếc máy đào được mang đến để lật cả khu vườn lên, làm tỏa ra mùi ngột ngạt của cây thông kim. Những người thuê nhà đứng bên cửa sổ phải bịt mũi lại.

Khi mặt trời lặn xuống sau rặng cây ăn quả, cái xẻng làm lộ ra một thi thể đang phân hủy trong khoảnh đất trồng rau. Khám nghiệm tử thi xác định cái xác đó chính là của chồng Bà J và ông ta đã bị siết cổ chết. Dấu máu của ông ta đã được tìm thấy trên chiếc áo ngủ của bà ấy.

Xác chết đã mất hai bàn tay, và chúng không bao giờ được tìm thấy, cho dù sau khi cả khu vườn đã được lục soát.


Photo Credit: JacquiWine’s Journal