Chat Sách đánh giá: ∗∗*/5
Ban đầu tôi chỉ cho quyển hồi ký Rosemary: The Hidden Kennedy Daughter (tạm dịch: Rosemary: Đứa con gái nhà Kennedy bị giấu kín) này 2 sao vì lối kể chuyện không mấy cuốn hút và lượng thông tin thu thập không mấy ấn tượng. Quyển sách chỉ vỏn vẹn 320 trang nhưng phần lớn là những chú thích và dẫn nguồn, khi đọc một loáng là xong. Lượng hình ảnh trong sách cũng không nhiều so với hình ảnh tôi google được trên mạng, đặc biệt không nhiều hình ảnh của Rosemary Kennedy sau cuộc phẫu thuật thùy não (lobotomy) năm 23 tuổi. Nhưng sau khi tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy có thể quyển sách đã có ảnh hưởng đến báo chí, vì những bài báo về Rosemary Kennedy tôi đọc được cũng được phát hành cùng thời gian với quyển sách, có lẽ nhằm tuyên truyền hoặc ăn theo “hào quang” của quyển sách mới nổi.

Rosemary Kennedy là con gái lớn nhất của gia tộc Kennedy. Vì một lỗi lầm của y tá trong lúc hộ sinh, Rosemary lớn lên với “một chút gì đó không bình thường”. Rosemary học hành chậm chạp hơn so với hai các anh chị em của mình, nhưng không vì thế mà mẹ cô, bà Rose Kennedy, bỏ cô ra khỏi khuôn khổ giáo dục khắc khe mà bà và Joe đã sắp xếp cho các con. Trong suốt 23 năm đầu, với sự che chở của mẹ và các anh chị em, Rosemary lớn lên như một thiếu nữ bình thường. Tuy đầu óc chỉ như đứa trẻ lớp 4, nhưng nhìn vào vóc dáng và gương mặt tươi tắn quyến rũ của Rosemary, chẳng mấy ai ngoại trừ những người trong gia đình nhận ra chứng chậm chạp của cô. Khi được đưa vào yết kiến Nữ hoàng Anh, vì vụng về cô vấp ngã một cái nhưng với đầu óc lơ đãng cô chẳng mảy may tươi cười đứng dậy đi tiếp, trong khi các quan khách đều âm thầm ngưỡng mộ sự tự tin của cô con gái nhà Kennedy, còn gia đình cô thì toát mồ hôi vì sợ lộ. Mặc khác, vì sự kiềm kẹp của gia đình bên cạnh khuyết tật mà chính Rosemary không nhận ra mình đang mắc phải đã khiến tính khí của Rosemary ngày càng khó lường. Thời gian ở Anh không bị mẹ quản giáo, Rosemary viết lại, chính những tháng ngày vui vẻ nhất của cô.

Khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra vào mùa thu năm 1939, cô và các anh chị em bị cha mẹ triệu hồi về Mỹ. Cũng trong thời gian ấy, người cha Joe Kennedy Sr. của cô bắt đầu tham gia vào chính trị, và một đứa con gái ngớ nga ngớ ngẩn không ai quản được là một trong những mối lo hàng đầu của ông Joe. Năm 1941, ông ra lệnh cho Rosemary tham gia một cuộc giải phẫu thùy não – một giải phẫu cắt bỏ một phần thùy não mà một vài bác sĩ thời ấy cho rằng nó có thể chữa các chứng bệnh tâm thần và giúp bệnh nhân cải thiện tâm lý và trở nên “bình thường” hơn. Ông Joe âm thầm giấu diếm bà Rose Kennedy đưa Rosemary đi giải phẫu, và bi kịch cuộc đời của Rosemary bắt đầu từ đấy. Cuộc giải phẫu hoàn toàn thất bại, khiến Rosemary từ một người chậm chạp trở thành một cô gái vĩnh viễn khuyết tật não và bại liệt nửa người. Cô được đưa vào một tu viện có đầy đủ tiện nghi và được hai người ma sơ chăm sóc. Cha cô, có lẽ vì xấu hổ với cảm giác tội lỗi với quyết định của mình, từ đó trở đi đã không còn đến thăm viếng cô nữa. Khi mẹ và các anh chị em hỏi về tung tích của cô, ông chỉ lãng tránh nói rằng cô đã đi học ở một trường nội trú để trở thành giáo viên. Dưới sự khắc khe của ông và những tham vọng chính trị trong gia đình, dần dần sự tồn tại của Rosemary đối với những thành viên của gia tộc Kennedy chìm vào trong quên lãng. Mãi cho đến khi ông Joe Kennedy qua đời vào năm 1969, bà Rose qua giấy tờ để lại của ông Joe mới tìm được tông tích của Rosemary.

Quyển sách không kể nhiều về những ngày tháng “ẩn dật” của Rosemary, cũng không đưa ra những so sánh về cách chữa trị chứng thiểu năng trí tuệ giữa thập niên 40 và thời hiện đại. Đa phần tác giả kể nhiều cách giáo dục con cái trong gia tộc Kennedy, những thành công về mặt tài chính và chính trị của bố con ông Joe, cũng như ca ngợi bà Eunice Kennedy, người em gái thân thuộc của Rosemary đã thành lập Special Olympics (Thế Vận Hội dành cho Người Khuyết Tật). Không phải là những thông tin ấy không có giá trị, nhưng tôi thấy cuộc đời của Rosemary vẫn còn quá lưu mờ so với ánh hào quang xung quanh những người Kennedy khác, trong khi câu chuyện của chính Rosemary tự nó đã để lại vị đắng chát trong miệng người đọc. Tôi không ngừng tự hỏi: Nếu Rosemary sinh ra vào thời nay thì sao? Và còn có bao nhiêu số phận khuyết tật bị lãng quên và giấu diếm đằng sau những “tu viện”?
