Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗/5

Đây không hẳn là một cuốn trinh thám, theo tôi nó nghiêng về khía cạnh tâm lý nhân vật hay tựu chung là câu hỏi mà tác giả Higashino Keigo đặt ra cho độc giả trong Thánh Giá Rỗng: Rằng có hình phạt nào hoàn hảo nhất dành cho tội phạm giết người đồng thời giảm nhẹ được những tổn thương của gia đình bị hại hay không?

Trong Thánh Giá Rỗng, Hamaoka Sayoko vẫn luôn luôn muốn áp dụng án tử đối với hành vi giết người dưới mọi tình huống bởi những đau thương mà cô và gia đình đã trải qua trong quá khứ. Án phạt này làm tôi liên tưởng đến bộ phim Bao Thanh Thiên, “giết người đền mạng”, cho dù anh/chị giết người vì bất cứ lý do gì. Cá nhân tôi không đồng tình với án phạt này của nhà Tống nên cũng không đồng ý với quan điểm của  chị Sayoko. Đó là án phạt chỉ xét ở khía cạnh pháp luật một cách cứng nhắc mà không xét đến hoàn cảnh dẫn đến sự việc hay nói cụ thể là cái tình khi xét đến bản án. Tử hình không phải hoàn toàn không có ý nghĩa, đối với tên Hirukawa, bản án tử hình đối với hắn có thể là vô nghĩa, nhưng ít ra, khi hắn chết đi, sẽ không còn một người nào phải chịu thêm đau đớn do hắn gây ra nữa. “Giết người sẽ bị tử hình – cái lợi lớn nhất của nguyên tắc này chính là, kẻ giết người sẽ không thể giết thêm ai được nữa.” Câu nói này rất phụ hợp cho tên hung thủ Hirukawa.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra trong truyện, đó là “Liệu phạt tù phạm nhân thì có giúp họ không tái phạm pháp sau khi ra tù hay không?”, “Vậy phạt tù có ý nghĩa gì nếu sau khi ra tù họ lại tái phạm?” Đến đây chắc các bạn cũng đã có câu trả lời cho riêng mình rồi. Tôi thiết nghĩ phạt tù có ý nghĩa răn đe người phạm tội không nên phạm tội, tuy nhiên, nó chỉ có ý nghĩa khi người phạm tội có lòng ăn năn hối cãi, nhận thức được việc mình đã làm, còn ngược lại cũng vô nghĩa. Ví như gần đây tôi có xem một bộ phim tên là Fortidens Skygge (Sát Nhân Bí Ẩn), một cựu chiến binh Iraq đã bị buộc rời khỏi quân ngũ khi cho thấy có dấu hiệu chống đối xã hội và sau ngày giải ngũ, anh ta có đi điều trị bệnh tâm lý, sau đó bác sĩ đã thấy bệnh ổn định nên cho xuất viện. Nhưng sau khi ra viện anh ta đã giết một cô bé 15 tuổi. Sau bị bắt ở tù 6 năm, nhưng sau khi ra tù anh ta lại giết tiếp. Anh ta tự nhận mình không thể ngừng tay được. Vậy đây có thể được xem là một bệnh lý hơn là phạm tội có chủ đích hay không, giống như tật nghiện ăn cắp vặt của 4 cô gái mà Yasoko đã làm phóng sự.

Cũng như đã nói ở trên, điều quan trọng nhất ở người phạm lỗi là họ cảm thấy như thế nào sau khi phạm tội. Nếu họ thực sự hối lỗi về hành vi trong quá khứ của mình, thì dù có tránh được sự trừng trị của pháp luật thì họ cũng không tránh được sự dằn vặt lương tâm như trường hợp của Nishina Fumiya và Iguchi Saori. 21 năm sống không có niềm vui thực sự tự đáy lòng, một người tìm cách sống thật tốt, cố gắng cứu giúp được nhiều người nhất trong khả năng của mình; một người luôn tìm mọi cách hủy hoại bản thân, thậm chí nhiều lần tìm đến cái chết nhưng bất thành. Nếu họ không nói ra, thì sẽ chẳng ai phát hiện và họ sẽ chẳng phải đi tù, ấy nhưng họ đâu trốn được nhà tù do chính họ dựng lên. Tuy nhiên, khi lật ngược lại vấn đề, tôi bị ám ảnh bởi câu nói của Fumiya, “Tôi đã làm ra một chuyện dại dột. Cho dù có lấy cớ vì còn trẻ dại không biết, thì việc tôi đã làm ra cũng không thể tha thứ. Lúc đó không thiếu cách giải quyết thay vì hành động dại dột ấy. Đương nhiên, chuyện quan hệ tình dục là một chuyện, đáng lẽ khi tôi biết cô ấy mang thai, tôi nên thành thật nói với ba mẹ tôi và cô ấy. Ngày ấy, tôi lại chỉ sợ những thứ nhỏ nhặt, rằng sẽ bị ba mẹ mắng, sẽ phải chia tay với cô ấy. Thậm chí, tôi ngày ấy đã có cái suy nghĩ không chín chắn rằng nếu chuyện vỡ lở ra sẽ ảnh hưởng đến con đường tương lai của mình.” Ừ, “sợ những thứ nhỏ nhặt” ấy chính là nỗi sợ chung của hầu như tất cả những đứa trẻ vị thành niên chứ không mỗi mình Fumiya và Saori. Cái thánh giá mà Fumiya và Saori đeo trên vai suốt 21 năm ấy quá nặng nề và tàn nhẫn, nó hoàn toàn không phải chỉ là một cây thánh giá rỗng, nhưng ở cái tuổi khát khao khám phá và non nớt đó, ai sẽ dạy hai người nhỏ tuổi ấy các kỹ năng cần thiết khi gặp tình huống này? Và xa hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm chính về những tội lỗi trong quá khứ mà hai người đã phạm phải, hỡi các ông bố bà mẹ, các vị thầy cô giáo cả kính? Và có bao nhiêu Saori và Fumiya trên đất nước hình chữ S này? Tôi nghĩ hẳn không ít đâu khi tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên của VN leo thang ngày càng cao trên bản đồ thế giới.

Can đảm đối diện với tội lỗi mình đã gây ra, dù có muộn màng đi chăng nữa thì mới mong có được chút thanh thản trong tâm hồn. Đúng vậy, chỉ khi ta thực sự đối diện với lỗi lầm ấy một cách quang minh chính đại, thì ít ra ta đã thực sự gửi một lời xin lỗi chân thành đến người mà ta đã từng tổn thương. Không có một hình phạt nào toàn vẹn cho cả đôi bên cả cũng như mọi vật trên thế giới này đều chỉ có tính tương đối mà thôi. Có một câu nói của luật sư Hirai về chế độ tử hình: “Mỗi vụ án là một câu chuyện khác nhau, thân nhân người bị hại cũng khác nhau, vậy mà lại có chung một cái kết là tử hình để chấm dứt câu chuyện. Tôi nghĩ mỗi vụ án nên có một cái kết riêng phù hợp với nó.” Dù rằng không hoàn toàn đồng ý với ý kiến xóa bỏ án tử hình của Hirai, nhưng tôi đồng ý với câu nói trên của ông, mỗi vụ án nên có một cái kết riêng cho nó.


NXB Văn Học
Cty phát hành: Skynovel
Dịch giả: Nguyễn Hải Hà
Năm xuất bản: 10/2016
Số trang: 384
Giá bìa: 98.000 VNĐ