Chat Sách đánh giá: ∗∗∗/5
(Góc đường Trần Phú, Q5, TP. HCM)
Một trong những điều tôi tiếc nuối nhất về việc học hành khi còn ở Việt Nam là chưa bao giờ học để biết cảm nhận mỹ thuật là gì. Ngoài cái tên họa sĩ Bùi Xuân Phái thì tôi chưa từng nghe nói đến một họa sĩ nào ở Việt Nam. Nhưng tôi vẫn nhớ suốt năm năm liền đạp xe trên đường Trần Phú, Quận 5 để đến trường, dọc hai bên đường là các cửa hàng tranh nằm san sát nhau. Tôi nhớ mình đã thấy nhiều bức tranh sơn dầu của các danh họa nổi tiếng từ Đông sang Tây, thỉnh thoảng nếu may mắn tôi còn thấy các họa sĩ ngồi vẽ trước lề đường nữa. Mãi đến khi học tập ở phương Tây, đi thăm các bảo tàng nghệ thuật ở nước ngoài và được nhìn ngắm những bức tranh cả mấy trăm năm tuổi, tôi mới bắt đầu hiểu sơ sơ vì sao hình ảnh, sắc màu, nét vẽ có thể làm người ta mê mệt đến thế. Do đó, khi đọc quyển The Art Forger (Tạm dịch: Người giả tranh), tôi đã rất muốn yêu thích nó.
(Bức tranh biến mất ở Bảo tảng Isabelle Stewart Gardner)
Ngày 18 tháng 3 năm 1990, Bảo tàng Isabelle Stewart Gardner tại thành phố Boston xảy ra một vụ trộm. Hai người đàn ông giả trang cảnh sát đột nhập, hạ gục và trói chặt hai bảo vệ của bảo tàng, sau đó trốn đi với mười ba bức tranh tổng giá trị hơn 500 triệu đô la, bao gồm những bức họa nổi tiếng như Storm on the Sea of Galilee (Bão trên Biển Galilee) của Rembrant, The Concert (Hòa nhạc) của Vemeer, và nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Degas, Manet, v.v. Đến tận bây giờ, vụ trộm vẫn chưa được phá và không ai biết số phận của những bức tranh nổi tiếng ấy ra sao. Đó là câu chuyện khởi điểm cho tác phẩm The Art Forger. Claire Roth là một họa sĩ và tài năng của cô vẫn chưa được công nhận, nên cô chấp nhận công việc của một nhà sao chép tranh trẻ tuổi. Sau một cuộc tình chóng vánh với người thầy họa sĩ nổi tiếng Isaac Cullion và bị ông cướp đoạt một bức vẽ của mình đem đi triển lãm, tên tuổi của cô phần nào bị ô uế trong làng hội họa. Một cơ hội tình cờ khiến một nhà sưu tầm của phòng triển lãm danh tiếng Markel G nhờ cô sao chép bức vẽ nổi tiếng của danh họa Degas từ bản vẽ bị ăn cắp trong vụ trộm nổi tiếng. Nhưng trong quá trình sao chép ấy, cô phát hiện ra chính bức tranh ấy cũng chỉ là một bản sao chép mà thôi. Và cuộc phiêu lưu để tìm kiếm bức tranh thật bắt đầu từ đó.
(Tranh Woman Drying Herself trong series Bath của Degas)
Một câu chuyện như thế thật sự có rất nhiều khả năng để phát triển thành một câu chuyện hay, nhưng nó vẫn còn thiếu một điều gì đó, cứ như thể câu chuyện phải được kết thúc bằng dấu chấm thì BA. Shapiro chỉ dùng một dấu phẩy. À, ngoài ra còn có một cuộc tình chóng vánh khác với Markel, khiến quyển sách lao vào con đường chick-lit… rẻ tiền. Nhưng thay vì than vãn về cuộc tình xao lãng ấy, tôi xin tóm tắt ở đây vài điểm tôi không thích trong tác phẩm:
- Có lẽ điều mà tôi và nhiều độc giả thích nhất trong câu chuyện chính là những nghiên cứu tỉ mỉ của Shapiro về hội họa. Bà đã rất thành công trong việc miêu tả chi tiết những đường nét, tầng lớp, và màu sắc trong kỹ thuật vẽ tranh từ những thế kỷ trước lẫn những thao tác và mánh khóe trong việc tái tạo tranh sao cho nó giống như một bức tranh đã khô cả trăm năm. Có những kỹ thuật hong khô tranh tôi thấy khá thú vị vì ngay cả trông công nghiệp chúng tôi cũng dùng những kỹ thuật tương tự như thế để lão hóa sản phẩm. Nhưng hỡi ôi nếu tôi phải nghe BA. Shapiro nhắc đến từ “phenyl formaldahye” và thần dược tính của nó với mọi loại vật liệu thêm một lần nữa trong sách thì chắc tôi điên mất.
- Tôi thích cái cách mà câu chuyện đã đặt ra những câu hỏi với độc giả: Nếu một bức tranh không phải được một họa sĩ tên tuổi vẽ thì nó có đáng giá hay không? Làm thế nào mà người ta có thể định giá một bức tranh khi vẻ đẹp của một thứ gì đó đều phụ thuộc vào người xem mà thôi? Nhưng tôi không nghĩ câu chuyện đã trả lời được câu hỏi của chính mình đưa ra. Đúng, có lẽ tài năng của Claire quá vượt trội đến nỗi bức vẽ của cô được các chuyên gia nhầm giả thành thật. Nhưng đối với tôi, một tài năng đến từ sự sao chép thì đó vẫn không thể nào sánh bằng sự sáng tạo nguyên bản được. Do đó, cái mà người ta đánh giá cao và chịu chi trả hàng trăm triệu cho một bức tranh không phải là trả cho công vẽ hay cho gì cả, nhưng là cho tính nguyên bản mà phương Tây họ hay gọi là “originality”. Xét cho cùng, cuối cùng Claire cũng nổi tiếng nhưng chẳng phải vì cái “originality” của cô, mà chỉ từ cái sao chép của cô, khiến tôi cảm thấy hơi… uất ức, như thể truyện đang cổ súy cho sự sao chép, và cam chịu rằng người ngày nay chẳng thể nào tạo ra được cái đẹp như người ngày xưa.
- Điều mà tôi không thích nhất trong truyện, hoặc nói trắng ra là điều đã khiến tôi không đánh giá cao quyển sách này, chính là trong cái sự đạo đức giả tạo của Claire. Tôi công nhận rằng Markel chẳng tốt lành gì khi ngay từ đầu đã có ý định giữ lại bức danh họa cho riêng mình thay vì hoàn nguyên khổ chủ như anh đã nói với cô, và anh ta đáng bị pháp luật trừng phạt vì điều ấy. Nhưng cả thế giới đều có thể sỉ vả sự tham lam bức danh họa của anh ta, trừ Claire ra. Chính cô đã đồng ý sao chép bức họa khi cô tưởng nó là thật, và không vì lý do nào khác ngoài việc muốn có tiền và muốn được đích tay chạm vào một bức họa đã thất lạc; chính cô cũng hiểu rõ bức tranh giả cô đang vẽ sẽ được dùng để lừa gạt tiền triệu đô từ một nhà sưu tầm nào đó cũng ham hố cái “originality” như cô và Markel. Do đó, đến cuối câu chuyện, cô lại đâm ra trách mắng Markel đã lừa gạt mình, tôi thấy nó thật quá giả dối. Cái đạo đức nghề nghiệp ban đầu không có bỗng dưng nhảy xổ ra ở cuối truyện và cái cách cư xử như thể mình là “nạn nhân” của Claire khiến tôi phát ngán. Tôi thấy câu chuyện được đầu tư nhiều ở một số mặt, nhưng lại không đầu tư vào sự logic trong tính cách nhân vật, hoặc cũng có thể đối với tác giả đó là điều hợp lý, nếu thật vậy thì tôi thấy nó quá dỡ đi.
Photo Credit: VnExpress.Net, NPR.org, Wikiart.org
Du Ca
September 8, 2015 — 8:28 pm
Chất lượng các bài viết review của em ngày càng tiến bộ đó Ruồi. Trong các bài viết của em không có sự sáo rỗng mà là sự đúc kết từ kiến thức em có được trong cuộc sống và công việc. Nên cách nhìn của em về các vấn đề trong truyện nó có nét rất riêng và tạo cảm giác tin tưởng cho người đọc. Cho nên cang ngày chị càng thích đọc mấy bài review của em hơn.