Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗∗/5

Không có gì phải bàn cãi rằng quyển tiểu thuyết The Godfather (Bố Già) là một quyển tiểu thuyết viết về những người đàn ông và thế giới giang hồ “đàn ông” của họ. Nhưng bóng dáng những người phụ nữ trong câu chuyện không hề nhỏ bé, dù chỉ vài nhân vật nữ chính trung tâm, nó cũng mở ra cho tôi thấy một góc nhìn của Mario Puzo về những người phụ nữ của thời đại những năm 1960.

 

Kay Adams
Kay Adams - The Godfather
Kay Adams – The Godfather

Theo tôi thì trong truyện Mario Puzo phác họa Kay Adams như một đại diện cho những người phụ nữ theo chủ nghĩa nữ quyền (feminism), thích được sự bình đẳng, hoặc ít ra chính cô ta cho mình là một loại người như vậy. Cô sinh ra trong một gia đình tôn giáo khuôn mẫu và được học lên đại học, một điều ít thấy cho những phụ nữ thời ấy.  Nhưng cô lại có tính “nổi loạn” thích được tự do tình dục trước hôn nhân. Tuy nhiên, trong mắt tôi cô vẫn chẳng phải mẫu phụ nữ tự chủ điển hình, hay nói trắng ra là cô cũng chỉ thuộc dạng mấy cô ả ngu ngốc nhưng thích tỏ ra vẻ tân tiến. Sau nhiều năm không gặp Michael, việc đầu tiên cô làm là lên giường với hắn vì cô cho là sex là nhu cầu của cả nam và nữ. Rồi ngay lập tức sau khi ngủ với Michael, cô nhận lời cầu hôn của hắn. Ngay cả khi hắn nói rõ trong lời cầu hôn hắn cũng chẳng có tình yêu nào cho cô, cô vẫn chấp thuận, có lẽ với hy vọng hão huyền của đám phụ nữ nói chung rằng một ngày nào đó mình sẽ thay đổi được hắn:

 

I wont be telling you what happened at office every day. I won’t be telling you anything about my business. Youll be my wife but you wont be my partner in life, as I think they say. Not an equal partner. That cant be. (Chapter 25)

 Tối tối anh sẽ không bàn luận, nói với em những gì thuộc về công việc của anh đâu. Em sẽ là vợ anh nhưng không phải là bạn của anh, như người ta thường nói. Em không thể sẽ là bạn với nghĩa bình đẳng với anh được. (Trịnh Huy Ninh – Đoàn Tử Huyền dịch)

 

Có người con gái với lòng tự tôn nào vừa gặp lại người yêu cũ (người đã không thèm liên lạc với mình sau ba năm), nhận được một lời cầu hôn như thế lại chấp nhận ngay… Một cuộc hôn nhân vốn dĩ không bình đẳng, đã giao kết sòng phẳng từ đầu. Thế nhưng cô vẫn dằn vặt hắn ở cuối truyện vì đã giết tên em rể Carlos, đòi hỏi Michael giải thích trắng đen, đủ trò ăn vạ mà các bà vợ thích mè nheo chồng cho được mới thôi, để rồi khi nhận được một lời giải thích giả dối thì lại thấy hụt hẫng. Mãi cho đến khi Tom Hagen giải thích cho cô biết lý do thật sự thì cô mới miễn cưỡng nguôi ngoai. Có thể Kay Adams có được một sự tôn trọng nào đó từ Michael, nhưng chắc chắn cô không có chút tôn trọng nào từ một độc giả như tôi.

 

Connie Corleone
Connie Corleone - The Godfather
Connie Corleone – The Godfather

Chẳng biết do cố tình hay cố ý mà Mario Puzo lại cho cô công chúa nhỏ nhà Corleone trở thành một con đàn bà bị chồng đánh chồng bỏ. Tôi luôn cho rằng kẻ đánh vợ mới là người có lỗi, chứ không thể nào lại đi trách nạn nhân bạo hành gia đình mấy câu kiểu như “mày ăn ở thế nào mà chồng mày đánh mày,” hoặc “mày ăn mặc thế nào mà bị đàn ông hãm hiếp,” v.v… Đàn ông đánh vợ hay bạo hành phụ nữ dù vì lý do gì đi chăng nữa cũng chẳng đáng mặt đàn ông, thế nên Carlos bị Michael xử tử hình là quá phải đạo. Nhưng cái cô Connie này, thật không thể không chỉ trích và căm ghét cô ta. Một người đàn bà hoàn toàn trong cương vị có thể chống trả, có tài chính gia đình, có cha có anh chống lưng, mà lại cam chịu bị chồng đánh tơi bời khi mang thai sáu bảy tháng. Đã vậy, cô ta còn ngu đến độ chấp nhận cam chịu sau khi nói chuyện với cha mẹ mình. Thật giống như vài năm trước đây, khi nữ ca sĩ nổi tiếng Rhianna bị người yêu Chris Brown đánh đến bầm mặt, tống cổ xuống xe hơi đang chạy, vài tháng sau lại thấy cô ta dung dăng dung dẻ với hắn; hay chuyện vợ sắp cưới của vận động viên bóng bầu dục Ray Rice bị hắn đấm vào mặt ngất xỉu trong thang máy, nhưng vẫn chấp nhận kết hôn với hắn. Toàn là những người đàn bà xinh đẹp có khả năng tài chính độc lập chứ chẳng phải mấy cô quê mùa còn sống trong những chế độ bảo thủ. Có trời mới biết những con đàn bà này ăn trúng bùa mê thuốc lú gì mà vẫn chịu đi theo những thằng đàn ông như thế, chẳng lẽ cái của quý to dài đủ khiến đàn bà trở nên hạ tiện như thế sao?

 

Lucy Macini
Lucy Macini
Lucy Macini

Câu trả lời là không. Của quý của đàn ông có thể làm đàn bà sướng, nhưng chưa đủ ma lực để khiến họ trở nên đĩ điếm hạ tiện đến độ đánh mất chính mình. Lucy Macini là một minh chứng cho điều đó. Mối quan hệ của cô và Sonny không có lý do đặc biệt nào khác ngoài tình dục. Những cái ham muốn của cô được miêu tả như một lẽ tự nhiên, nhưng cách cô cư xử chẳng tự hạ thấp bản thân mình như Connie. Trong thế giới của Bố Già, cô ta bỏ mặc chuyện mối quan hệ của mình chỉ là một cuộc tình ngoài giá thú. Tuy Sonny đã chết nhưng cô vẫn thương nhớ hắn, đúng ra là nhớ những trận mây mưa với hắn. Dù sau khi Sonny chết, Lucy được gia đình Corleone “bù đắp” cho nhiều tiền tài của cải, nhưng thực tế rằng ngay cả khi hắn còn sống cô cũng chẳng màng tiền bạc hay quyền lực của hắn.

Cũng hơi buồn cười và khó hiểu vì sao giữa một câu chuyện tranh hùng xưng bá của giới mafia lại được lồng vào cái bệnh phụ nữ bẩm sinh của Lucy, căn bệnh nhạy cảm được tay bác sĩ Jules miêu tả đến là kỹ càng, và các bản dịch đều không tài nào thô thiển một cách tự nhiên như bản gốc của Mario Puzo được.

Stop thinking of it in sexual terms. Stop thinking in your head that you have a big box no man can love because it won’t give his penis the necessary friction. What you have is a pelvic malformation and what we surgeons call a weakening of the pelvic floor. It usually comes after child-bearing but it can be simply bad bone structure. It’s a common condition and many women live a life of misery because of it when a simple operation could fix them up. Some women even commit suicide because of it. But I never figured you for that condition because yon have such a beautiful body. I thought it was psychological, since I know your story, you told it to me often enough, you and Sonny. But let me give you a thorough physical examination and I can tell you just exactly how much work will have to be done. (Chapter 22)

 Em đừng thèm nghĩ đến vấn đề công dụng của nó nữa coi… đừng sợ ngoại khổ quá đáng của nó làm đàn ông con trai bắt buộc phải chán ngán coi nào? Em phải coi giản dị như một cái tật, chẳng qua một số bắp thịt ở quanh chỗ đó đã bị dãn ra, trễ xuống. Đàn bà sanh nở nhiều dễ bị mà cũng có thể chỉ vì xương phát triển lệch lạc sao đó… điều chỉnh bằng giải phẫu thì quá dễ, tội gì ôm bụng chịu khổ cả một đời vô lý vậy? Anh không ngờ em lọt vào ca hãn hữu này vì cỡ người của em ngon lành quá mà? Anh cứ tưởng vì nguyên nhân tâm lý, sau cái chết của Sonny. Thôi, đi vô tắm đi… rồi ra anh khám bịnh thử coi? (Ngọc Thứ Lang dịch) 

Tôi tự hỏi, phải chăng Mario Puzo cho rằng phụ nữ trước hết cần dám thật sự tự do trong tình dục thì mới có thể tự do thật sự? Khi người phụ nữ dám mạnh dạn xem chuyện ấy thuộc về vấn đề sinh lý bình thường như đàn ông, thì tự khắc họ mới sống thoải mái như đàn ông được. Nếu nghĩ về thời điểm câu chuyện được xuất bản vào năm 1969, thì nhân vật Lucy Macini mới là người phụ nữ hiện đại hơn cả Kay Adams.

 

Apollonia Vitelli
Apollonia Vitelli & Michael Corleone - The Godfather
Apollonia Vitelli & Michael Corleone – The Godfather

Thật khó mà không yêu thích cô gái này. Cô xinh đẹp như thiên thần, có vẻ ngây thơ của nàng trinh nữ mới lớn, nhưng cũng có vẻ quyến rũ của người đàn bà được yêu thương. Theo tôi thì đây mới là tình yêu đích thực của Michael. Tình yêu sét đánh của Michael với Apollonia khiến hắn quên béng Kay. Vì cái chết của Apollonia mà hắn quyết định trở về giành lại “giang sơn”, dùng mọi thủ đoạn để đạt được quyền lực tuyệt đối với mục đích bảo vệ cho gia đình mình.

Apollonia ăn học ít, nhưng cô không hề ngu ngốc. Cô biết khi nào nên chủ động khi nào nên thụ động trong mối quan hệ giữa cô và Michael. Vốn trong truyện rất ít có những đoạn trò chuyện giữa cô và Michael, thậm chí hình như không có, nhưng đôi bên lại rất hiểu nhau, có thể thoải mái thinh lặng bên nhau, làm những việc thật bình thường như tập lái xe hay đi dạo phố. Nếu không bị đoản mệnh quá sớm, tôi nghĩ cô gái trẻ này hoàn toàn có khả năng trở thành một bà Trùm thứ thiệt – loại phụ nữ thấu hiểu vị trí của mình trong lòng người bạn đời và cả trong xã hội.

 

Bà Trùm
Carmella & Vito Corleone - The Godfather II
Carmela & Vito Corleone – The Godfather II

Bà Trùm không được nhắc đến nhiều trong sách, ít ra không nhiều trong tập 1. Nhưng mỗi lần xuất hiện, cả con người và cách cư xử của bà đều toát ra một vẻ tự chủ và uy nghiêm đúng với cương vị bà Trùm của mình. Cái đám đàn em của ông Trùm chẳng làm bà thấy khiếp sợ dù bà vẫn biết những quy tắc ngầm trong giới mafia. Và không xen vào chuyện của ông Trùm Don Vito, và dù không nói rõ ra, độc giả cũng có cảm giác bà hiểu rõ nhưng việc làm của ông. Bà không hề “ngây thơ” mù tịt về chồng mình như Kay Adams. Chính vì nhìn rõ được từng con người như thế, bà lại là người khuyên cô ta nên bỏ thằng con Michael của bà đi. Khi Connie hỏi bà rằng ông Trùm có đánh bà như Carlos đánh ả không, bà và chồng đã trả lời rằng bà chẳng làm việc gì khiến ông Trùm có lý do đánh đập bà cả. Trong một gia đình đặt nặng vai trò của người đàn ông, câu trả lời ấy khiến Connie nghĩ rằng bà cũng tuân phục ông, nhưng tôi lại cảm thấy ông Trùm không cư xử với bà như thế phần lớn là do sự tôn trọng của ông với bà. Bà không bù lu bù loa ngay cả khi thầm biết Sonny bị ám toán, nhưng vẫn điềm tĩnh chờ ông Trùm cho bà biết sự tình. Đằng sau người đàn ông thành công có một người phụ nữ mạnh mẽ. Đó chính là bà Trùm Carmela Corleone.

 


Photo Credit: The Godfather I & II movies