Keep on reading

The Great Gatsby (Gatsby Vĩ Đại) by F. Scott Fitzgerald

Đánh giá của tôi: ♥♥♥♥♥/5

Đã gần 13 năm từ lần đầu đọc The Great Gatsby, những ngày đầu đặt chân đến Mỹ cứ nghe họ nói The American Dream (Giấc Mơ Mỹ), và nghe giải thích đi giải thích lại tôi cũng không hiểu nó là thế nào. Tôi nhớ nó làm tôi liên tưởng đến những ngày ấy ở Salinas, mỗi tuần một lần đài Lifetime đều chiếu phim Pleasantville, cứ thế tuần nào tôi cũng xem phim ấy khi làm bài tập về nhà. Nhưng tôi xem đi xem lại đến cả chục lần và cũng không hiểu vì sao phim từ trắng đen chuyển sang có màu.  Có nhiều thứ trong những ngày thơ ngây (dù khi ấy vẫn tưởng mình quỷ quyệt) ấy dù sống đi sống lại nhiều lần trong những ký ức vẫn không thể vượt quá giới hạn hiểu biết của mình về cuộc đời ở Mỹ. Cuộc đời ấy, khi còn ngu dốt không thấy rõ bên trong trái tim của những người xung quanh, mới vui vẻ làm sao.

… That’s the best thing a girl can be in this world, a beautiful little fool.

… Đó là điều tốt đẹp nhất một đứa con gái có thể trở thành trong thế giới này, một đứa ngốc xinh đẹp.

Tình cờ thay, chàng diễn viên Toby Mcguire trong Pleasantville hơn 10 năm sau lại vào vai Nick Carraway, người dẫn chuyện trong tiểu thuyết The Great Gatsby. Dường như anh quay trở lại để kể tiếp câu chuyện Pleasantville ở West Egg. Thật ra chẳng có điểm tương đồng nào trong cốt truyện của Gatsby Vĩ Đại và phim Pleasantville (tạm dịch: Làng thú vị). Nếu có thì chỉ là sự liên tưởng từ không gian trữ tình trong nền phim trắng đen và tiếng jazz dịu êm đến sôi động của những bữa tiệc ở dinh thự của Gatsby. Cũng như bao người khác, nghĩ đến quyển sách tôi lại nghĩ đến những bức hình trắng đen của Louis Armstrong với ống kèn trumpet, hay những cô gái tóc bob tân thời với ống tẩu phì phà thuốc điệu nghệ.

Có phân tích cho rằng tác phẩm có giá trị phê phán đạo đức suy đồi trong xã hội xa xỉ hoang phí thời ấy, từ cuộc sống của nàng Daisy xinh đẹp hững hờ cho đến những tiệc tùng xa hoa vô độ của Gatsby. Những sự khác biệt về các tầng lớp xã hội chia rẽ con người. Sự trống rỗng và cô đơn của những kẻ có tiền. Tình yêu tình dục. Người giàu người nghèo. Tất cả thượng vàng hạ cám của xã hội Mỹ đều hiện hữu trong tác phẩm. Đôi mắt thăm thẳm của bác sĩ T. J. Eckleburg có thể nhìn đăm đăm từ Valley of Ashes (Thung lũng Tro tàn), nhưng chúng ta có quyền phê phán hay không? Quyển sách được mở đầu với một đoạn văn gần như hay nhất thời đại văn chương này:

In my younger and more vulnerable years my father gave me some advice that I’ve been turning over in my mind ever since.
“Whenever you feel like criticizing any one,” he told me, “just remember that all the people in this world haven’t had the advantages that you’ve had.”

Trong những năm tháng tuổi trẻ và dễ tổn thương hơn, cha đã cho tôi một lời khuyên mà từ đó trở đi nó vẫn âm vang trong tâm trí tôi.
“Bất cứ khi nào con cảm thấy như phải phán xét ai đó,” ông nói với tôi, “chỉ cần nhớ rằng tất cả mọi người trên thế giới này chẳng có những lợi thế như con đã có.”

Có phân tích khác cho rằng tác phẩm phản ánh sự phát triển và tuột dốc của định nghĩa Giấc Mơ Mỹ theo nghĩa đen đến từng con chữ. Cuộc đời của Gatsby từ tay trắng đi lên và giấc mơ hạnh phúc với nàng Daisy vỡ vụn sau một án mạng nàng gây ra trong cơn thác loạn say xỉn. Những ngày tháng tươi đẹp không bao giờ vĩnh cữu, nhưng những ngày tháng đau đớn thì đi đến vô tận. Câu chuyện như một lời cảnh báo cho những giấc mơ hão huyền, để rồi nó kết thúc với việc Nick Carraway về quê nhà của mình, trở về tỉnh lẻ của nước Mỹ, nơi mà những giá trị sống vẫn chưa bị mất đi, bỏ lại hào quang New York đằng sau.

For a moment the last sunshine fell with romantic affection upon her glowing face; her voice compelled me forward breathlessly as I listened – then the glow faded, each light deserting her with lingering regret, like children leaving a pleasant street at dusk.

Chỉ một chốc thôi, ánh hoàng hôn cuối cùng rơi xuống gương mặt tỏa sáng của nàng với một tình cảm lãng mạn chan chứa; giọng nàng buộc tôi phải nín thở tiến tới khi tôi chăm chú lắng nghe – nhưng rồi ánh hào quang ấy mờ dần đi, mỗi tia sáng rời bỏ nàng với một nỗi ân hận kéo dài, như khi lũ trẻ con rời khỏi con đường thú vị vào buổi chiều tà.

Có nhiều nhiều nữa những phân tích mọi mặt tốt xấu trong câu chuyện của Gatsby, nhưng đó không phải là lý do tôi yêu quyển sách ấy. Thật sự thì tôi không nhớ vì sao mình bắt đầu yêu thích nó. Có thể đó là quyển sách tiếng Anh đầu tiên tôi đọc (hết) khi vừa đặt chân đến Mỹ. Có thể những bài giảng của nó gắn liền với những ngày tháng tươi đẹp ở Salinas. Có thể có một lý do khác vào thời điểm ấy và một lý do khác vào thời điểm này. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng tình yêu ấy đến rất tự nhiên, như thể khi đọc con chữ sôi nổi mà u buồn của F. Scott Fitzgerald thì bỗng dưng chúng không chạy vào não để tiếp thu mà chạy thẳng vào tim để hấp thụ.

Nếu phải chỉ vào một điều gì làm tôi nhớ nhất, có lẽ đó là ngọn đèn màu xanh lá bên bờ East Egg. Có lẽ trong tôi có một sự ngu dại, hoặc tôi ước mình được ngu dại mãi như Gatsby, mãi mãi tin vào ngọn đèn màu xanh. Trong tất cả những đen tối của cuộc đời, Gatsby vẫn giữ một niềm hy vọng le lói nhưng cháy mãnh liệt bên trong. Không cần phải bàn cãi chuyện Daisy không xứng đáng với những tình cảm ấy, nhưng tôi không thể không ngưỡng mộ một con người có niềm tin thắp sáng con đường đi của mình, và có thể giữ vững niềm tin đó. Tôi nhớ đến đoạn cuối phim Dawson’s Creek (Ngã Rẽ Cuộc Đời), Jen đã nói với con gái của mình trong băng thu hình lại trước khi ra đi:

God. I’ve never really believed in god. In fact, I’ve spent a lot of time and energy trying to disprove that god exists. But I hope that you are able to believe in god, because the thing that I’ve come to realize, sweetheart… is that it just doesn’t matter if god exists or not. The important thing is for you to believe in something, because I promise you that that belief will keep you warm at night, and I want you to feel safe always.

Thiên Chúa. Mẹ chưa từng tin vào Chúa Trời. Thật sự, mẹ dành rất nhiều thời gian và năng lượng cố phản chứng sự tồn tại của Thiên Chúa. Nhưng mẹ hy vọng con có thể tin vào Thiên Chúa, vì có một điều mẹ đã nhận ra, con yêu… rằng Chúa có hiện diện hay không cũng chẳng quan trọng. Điều quan trọng rằng con hãy tin vào một điều gì đó, vì mẹ hứa với con rằng niềm tin sẽ sưởi ấm cho con mỗi đêm, và mẹ muốn con luôn cảm thấy an toàn.

 

Niềm tin. Hy vọng. Thật sự đó mới là những thứ xa xỉ trong cuộc sống vàng bạc của cải không mua được. Đó là thứ Gatsby có, và anh cũng biết điều đó. Có thể Giấc Mơ Mỹ đã lụi tàn, nhưng không có nghĩa rằng anh sẽ ngừng theo đuổi nó. Có thể nàng Daisy phù phiếm, nhưng không có nghĩa rằng anh sẽ hết yêu. Có thể cả thế giới đều sống gian dối trong những bữa tiệc linh đình, nhưng anh vẫn sống thật với chính mình. Đó là thứ mà tôi yêu thích nhất về Gatsby: tính ương bướng và kiên trì không ngừng nghỉ, cả sự lãng mạn ngốc nghếch thậm chí trong nỗi tuyệt vọng . Đó mới là sự vĩ đại trong tính cách đặc trưng của Mỹ mà phải hơn 10 năm cố gắng sống, học tập, và làm việc ở đây tôi mới hiểu. Đó là họ và là tôi, theo đuổi những ước mơ của mình. Và vì thế tôi hiểu vì sao người Mỹ họ yêu chàng Gatsby Vĩ Đại.

Gatsby believed in the green light, the orgiastic future that year by year recedes before us. It eluded us then, but that’s no matter–tomorrow we will run faster, stretch out our arms farther…. And one fine morning– So we beat on, boats against the current, borne back ceaselessly into the past.

Gatsby tin vào ngọn đèn màu xanh lá, vào tương lai truy hoang mà mỗi một năm càng rời xa chúng ta. Nó lãng tránh chúng ta, nhưng không hề gì — ngày mai chúng ta lại chạy nhanh hơn, vươn đôi tay ta rộng hơn… Và một ngày đẹp trời nào đó — Nên chúng ta cứ tiếp tục, giăng thuyền ngược dòng chảy, không ngừng rẽ hướng về quá khứ.

Ngày 10 tháng 4, 2015
Kỷ niệm 90 năm ngày sách Gatsby Vĩ Đại được xuất bản lần đầu tiên


Thông tin sách:
The Great Gatsby, xuất bản ngày 10 tháng 4, năm 2015 (Charles Scribner’s Son)
Author: F. Scott Fitzgerald


Ghi chú để bày tỏ sự bất bình (nhưng sẽ không dành thêm thời gian để phân tích thêm): Những quyển sách dịch tựa sách thành Đại gia Gatsby của Nhã Nam chỉ đáng vứt vào sọt rác. Những lời giải thích của dịch giả chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của ông mà thôi.

« »
%d bloggers like this: