Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗∗/5
Trước hết tôi muốn nói rằng đây là một quyển sách một ngày nào đó tôi phải dành chút thời gian để đọc lại. Đây là một quyển sách sau khi đọc xong tôi hoàn toàn bất ngờ vì nó được viết cách đây hơn 30 năm, nhưng những viễn cảnh mà nó vẽ ra cho tương lai của nhân loại vẫn khiến tôi thấy rùng mình. Margaret Atwood đã rất thành công trong việc tổng hợp tất cả những điều cực đoan nhất về sự bất bình đẳng giới tính trong các xã hội Đông Tây vào tác phẩm, và điều đáng sợ nhất là ngay cả trong thời điểm này vào năm 2015, tuy một xã hội phản địa đàng như Gilead không tồn tại, nhưng khi đọc những bản tin tức về những sự bất công đang xảy ra ở khắp nơi, tôi tự hỏi điều đó có đúng hay không? Xin gửi đến bạn đọc bài bình luận (có rút gọn) được đăng trên trang The Verge vào ngày 20 tháng 12 năm 2014 của Adi Robertson: Does the Handmaid’s Tale hold up? (Tạm dịch: Chuyện Người Tùy Nữ có còn hợp thời hay không?)
***
Vài tuần trước, tôi kể với mọt người bạn rằng mình đang đọc quyển The Handmaid’s Tale (Tựa Tiếng Việt: Chuyện Người Tùy Nữ). Anh ấy liền hỏi, “Nó giống như 1984 dành cho những người bênh vực bình quyền cho phụ nữ đúng không?” Đại khái là vậy, tôi nói. Nhưng nó đáng sợ hơn nhiều. Nó viết về chuyện bạn sẽ mất tất cả những quyền lợi bạn đang có, và chẳng có người đàn ông bạn quen biết nào thèm quan tâm. Rồi tôi nói có lẽ anh sẽ phản bội tôi nếu họ khóa tất cả các tài khoản ngân hàng của phụ nữ. Đó là đỉnh điểm cho sự hoang mang của tôi, nhưng nó vẫn ở lì đó thêm vài ngày nữa khi tôi vừa đọc trên tàu điện ngầm vừa nửa cố ý nửa vô thức tìm cách trốn chạy sang Canada thế nào. 1984 chỉ cho mấy người nhẹ bóng vía.
Như một lời cảnh báo về chính quyền chuyên chế, 1984 đã trở nên quá hòa nhập vào văn hóa đến nỗi nó có thể bao hàm bất cứ thứ gì. Dựa trên một lần tìm kiếm trên Tin tức Googles, tất cả những thứ như net neutrality[1], định vị GPS, album mới của ban nhạc U2[2], và “sự chịu đựng” đều là những khái niệm xuất phát từ trường phái Orwen. Thật là một sự an ủi, một sự phổ biến gần như phi chính trị về điều đó, vì tất cả chúng ta đều có thể vui vẻ thống nhất rằng thế giới của 1984 thật độc ác, nhưng rồi chúng lại vô tình vạch ra những lý tưởng của chính mình làm thế nào để đến được đó. Big Brother (Anh Lớn) là bất kỳ ai bất đồng quan điểm với bạn – không chỉ riêng ai, không thể biết được, hoàn toàn vô lý, và phai nhạt đi thành những điều vô nghĩa. The Handmaid’s Tale dám chỉ mặt kẻ thù, và nếu bạn là phụ nữ, kẻ thù có thể là tất cả những người bạn từng yêu thương.
The Handmaid’s Tale là câu chuyện ngụ ngôn cảnh báo tượng trưng trong phong trào phụ nữ, nhưng chẳng bao lâu sau khi đọc nó vào thời trung học, tôi bỏ xó nó vào lĩnh vực thơ cả nhưng có giọng văn chương cường điệu nhuốm màu khoa học viễn tưởng và một thời đại chính trị nào đó của Mỹ. Câu chuyện được viết nào năm 1985, với bối cảnh chế độ Thiên Chúa giáo chính thống chuyên quyền được gọi là Gilead (chơi chữ của “God Lead” tức Chúa dẫn dắt) trong đó phụ nữ chỉ là tài sản, tôi đã đọc nó khi ông George W. Bush còn trong nhiệm kì, khi cả nước đang tranh cãi về vấn đề giáo dục giới tính bằng cách “kiêng cữ”, vũ hội tinh khiết[3], và Nhà thờ Baptist Westboro[4]. Thời gian trôi qua và tôi cảm thấy quyển sách ấy dần không còn hợp thời nữa. Nhưng rồi tôi đọc nó lại lần nữa khi internet đang tranh cãi xem những lời xúc phạm giới tính có nên được xem là chuyện thường ngày ở huyện hay không, tôi quyết định đó là lý do chính xác mà nó vẫn còn có ý nghĩa.
Tất cả những gì tôi vẫn còn nhớ từ Chuyện Người Tùy Nữ là một tương lai phản địa đàng được vẽ khá sơ sài. Nước Mỹ trong sách đã bị khóa chặt với thế giới bên ngoài và con người được tách riêng theo giới tính một cách nghiêm ngặt, phụ nữ được chia làm nhiều tầng lớp dựa theo khả năng sinh sản và vâng lời. Những thảm họa môi trường và chiến tranh đã tàn phá đất nước, và những lãnh đạo của Gilead thống trị bằng những phương pháp được rút ra từ những nhà độc tài khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới. Tùy nữ là những phụ nữ mắn đẻ, thứ ngày càng hiếm hiếm hoi trong đế chế này. Một người phụ nữ làm Tùy nữ tên Offred (theo nghĩa đen là “of Fred”, tức thuộc về Fred, người chủ của gia đình), có nhiệm vụ mang thai hộ cho người vợ của chủ nhân cô, nhưng cô thường xuyên có nguy cơ bị đưa đến một trại tập trung ở một nơi hẻo lánh nơi những người người già và vô sinh bị bắt lao động cho đến chết. Dưới những dòng văn xuôi mượt mà, nó dùng những ý tưởng cố tình bắt chước, và nó được viết sau cả thế kỷ so với những tác phẩm khoa học viễn tưởng cực kỳ nguyên bản về sự bình quyền cho nữ giới như những tác phẩm của tác giả James Tiptree, Jr hay A Walk to the End of the World (Tạm dịch: Bước đi đến tận cùng thế giới) và Swatika Night (Tạm dịch: Đêm Swatika) của tác giả Joanna Russ, những tác phẩm mà đã nhắc đến những bối cảnh tương tự, với ít chất văn chương nhưng đậm chất tiên đoán thú vị hơn.
Trên cả những thứ đó, quyển sách này không thể chối cãi là một sản phẩm của thời đại của nó theo một cách mà ban đầu tôi đã không nhận ra, nó tràn ngập những ám chỉ đến tập thể đồng tính nữ theo chủ trương phân lập, AIDS, v.v. Có những cú đánh mạnh tàn bạo và khá là trực tiếp vào những người Thiên Chúa giáo chống chủ nghĩa bình quyền cho phụ nữ như Phyllis Schlafly và nhà truyền phúc âm trên truyền hình Tammy Faye-Bakker. Và nó vạch ra khá rõ ràng làm thế nào mà những lãnh đạo Gilead có thể lên nắm quyền – một nhóm tôn giáo nửa vời thảm sát các nhà chính trị hàng đầu và đóng tài khoản ngân hàng của phụ nữ – điều này khiến việc tranh bác bỏ tính hiện thực của nó thật dễ dàng. Nhưng sự hình thành của Gilead càng phi thực tế thế nào, thì sự lãnh đạm trong những phản ứng của công chúng về điều càng là một lối biếm họa chính xác đến ghê tởm của đời thực. Không như Winston Smith trong 1984, Offred nhớ rõ về thế giới xưa cũ. Và sự kinh khiếp thật sự trong quyển sách không chỉ đến từ tương lai quái dị mà nhiều hơn chính là từ quá khứ.
Atwood nhắc đến sự ghét kết hôn mỉa mai và đưa ra ý kiến rằng việc phân biệt giới tính đã kết thúc từ lâu trước khi ai đó nghĩ đến việc đưa từ “feminist” (người theo chủ nghĩ bình quyền nữ giới) vào danh sách những từ bị cấm của tạp chí Time. Khi Offred suy tưởng về những thứ mình đã mất, cô không thể làm điều đó mà không vấp phải sự sỉ nhục nho nhỏ rằng vẫn còn nhiều phụ nữ cho rằng việc thờ ơ, giả vờ chỉ là những thoái thác chẳng quan trọng trong một thế giới, ngoại trừ những thứ này, thì cũng hợp tình hợp lý: tránh ra đường một mình vào ban đêm, sự nghiệp của chồng là quyền từ lúc lọt lòng còn của mình chỉ là thứ phụ yếu, biết rõ sẽ bị đối xử như một mục tiêu ở bất cứ nơi nào đặt chân đến. Offred dành cả quyển sách tìm kiếm người chồng thất lạc của cô, điều mà lần đầu đọc sách tôi thấy nó lãng mạn. Trong lần đọc thứ hai, tôi thấy nó khiến tôi bực dọc hơn nhiều. Trong ký ức của cô, Luke có dụng ý tốt và tử tế. Nhưng lúc nào cũng có một sự căng thẳng, khi anh bác bỏ nỗi lo sợ của cô về những thứ mà sau đó đã trở thành chính trị thần quyền diệt chủng vì những người duy nhất bị ảnh hưởng là phụ nữ. “Chỉ là một công việc thôi,” anh nói với cô sau khi cô bị sa thải theo luật hôn nhân.
Ký ức của cô đủ mờ nhạt để có thể không bao giờ biết rõ được suy nghĩ nào trong đó là đúng. Cũng như ký ức của cô về mẹ mình, một người theo chủ nghĩa bình quyền nữ giới cấp tiến, người đã khiển trách cô về tính tự mãn và đã không biết trân trọng “bao nhiêu phụ nữ đã đổ xương máu, bao nhiêu xe tăng đã phải đấu tranh” để có được ngày hôm nay khi người chồng nấu vài món ăn trong gia đình. Đó là một tuyên bố kỳ lạ, cực đoan và ngớ ngẩn – nhưng chỉ là khi nghĩ lại về quá khứ, nó lại trở nên hoàn toàn phù hợp.
Một trích dẫn của Margaret Atwood thường được nhắc đến: “Đàn ông sợ đàn bà cười họ. Đàn bà sợ đàn ông giết họ.” Nhưng sự giết chóc trong The Handmaid’s Tale chỉ gián tiếp mà thôi. Không như những quyển sách phản địa đàng khác về giới tính, đa số đàn ông không đàn áp đàn bà vì họ ghét hay sợ đàn bà, mà là vì họ không đủ thấu cảm để yêu thương đàn bà khi mọi thứ trở nên bất tiện. “Tốt hơn chẳng bao giờ có nghĩa là tốt hơn cho tất cả mọi người,” chủ nhân gia đình của Offred nhắc cô nhớ khi ông cố kết bạn với cô. “Lúc nào no cũng có nghĩa là tệ hơn cho ai đó.” Và phụ nữ từ bỏ tất cả bằng cách thông cảm quá mức và tìm về nhau để ủng hộ người đàn ông họ yêu thương.
Hầu như bất cứ người Mỹ nào tôi quen đều chỉ trích địa ngục chắp vá của Atwood. Nhưng nhiều người, cả nam và nữ (dù ít hơn), nghĩ rằng chỉ ra những tính ghét kết hôn phóng đại thật quá ngớ ngẩn, dễ gây xao lãng, phản tôn giáo, hoặc mang tính ghét đàn ông. Phụ nữ là 50 phần trăm của dân số, nhưng chỉ cần cho họ 33 phần trăm thời gian xuất hiện trên phim thay vì 17 phần trăm, hoặc 30 ghế trong Thượng viện thay vì 20[5], thế là chúng ta đã sống trong một cơn ác mộng mẫu hệ rồi. Chúng ta thậm chí còn không thể tưởng tượng ra một thế giới bình đẳng, trong đó đàn ông và đàn bà đối mặt với những nguy hiểm như nhau, có những cơ hội như nhau, và có quyền năng ngang bằng nhau là như thế nào. Một phần nào đó, sự bình đẳng đó có lẽ thậm chí còn không thể đạt được. Nhưng chúng ta tự đưa mình vào vị trí giả vờ rằng chúng ta đã đến đó rồi, chịu chấp nhận chủ nghĩ quân bình, ở đó những phụ nữ bất đắc dĩ bao dung, sự chênh lệch về tiền lương, những thống kê không đếm được số lượng các vụ hãm hiếp, và tình trạng không được đại diện đầy đủ thường trực trong hầu hết những vấn đề công cộng chỉ là những sở thích cá nhân. Nếu chúng ta còn không thể được tin tưởng để chỉ tên những thứ quá rõ ràng, thì làm sao chúng ta có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng chúng ta có thể nhận ra một phản địa đàng khi chúng ta nhìn thấy nó?
Thế giớ của 1984 chưa từng tồn tại. Cũng như thế giới trong Brave New World, hoặc A Clockwork Orange, hoặc bất cứ tác phẩm phản địa đàng nào kể về tình cảnh của con người. Nhưng để tái tạo The Handmaid’s Tale bạn chỉ cần đi ngược vài trăm năm hoặc đi một đất nước khác. Một người hoang tưởng, trong trường hợp này, chỉ là một người phụ nữ đang sở hữu tất cả những sự thật.
(Don’t let the bastards grind you down.)
[1] Net Neutrality: Tính trung lập của internet, một tranh cãi ở Mỹ rằng tất cả các trang web trên internet đều như nhau, và do đó, các công ty viễn thông không có quyền ngăn chặn đường truyền khiến một số trang web tải nhanh hay chậm hơn.
[2] Ý nhắc đến sự kiện xảy ra vào khoảng tháng 10 năm 2014 khi Apple quảng cáo cho album mới của U2 bằng cách tự động tải nó vào tất cả cá chương trình Itunes của người sử dụng, bất kể họ có muốn hay không.
[3] Nguyên bản: purity balls, chỉ những vũ hội của cha và con gái trẻ, trong đó đứa con gái lập lời thề sẽ giữ trọn trinh tiết cho đến khi kết hôn.
[4] Nhà thờ Baptist Westboro là một nhà thờ tin lành cực đoan ở bang Kansas, chuyên biểu tình chống các đảng phái được họ cho là “mất đạo đức” như nhóm người đồng tính, người Do Thái, v.v.
[5] Trong Thượng Viện Mỹ có 100 ghế cho Đại biểu. Trong Thượng Viện Canada (nơi Atwood sinh sống) có 105 ghế.
Author Margaret Atwood
Cover artist Tad Aronowcz, design; Gail Geltner, collage (first edition, hardback)
Country Canada, Language English
Genre Dystopian novel, science fiction, speculative fiction
Publisher McClelland and Stewart
Publication date: 1985 (hardcover)
Photo Credit: Wikipedia, Sunsetsandfireworks.wordpress.org, Courtney Enos
uyen
October 18, 2016 — 12:26 pm
bạn có bản ebook của truyện này bằng tiếng việt ko
conruoinho
October 19, 2016 — 9:13 am
Mình không có ebook hen bạn. Bạn có thể tìm sách này ở nhà sách Kafka hoặc một số nhà sách trên mạng.