Chat Sách: ∗∗/5
Nếu mục đích của tác giả là làm cho người đọc thấy kiệt quệ với những diễn biến tâm lý điên loạn của bà mẹ trẻ Sarah thì có lẽ ông đã thành công. Sau vài chương đầu mở hàng hấp dẫn với văn chương sắc bén, những chương còn lại càng đọc tôi càng thấy mệt mỏi với gia đình nhà Moorcraft trong giọng văn ngày càng đơn giản đến nổi tôi tự hỏi có phải chính tác giả đã dốc hết tài năng vào vài chương đầu và chỉ còn có thể dùng từ ngữ trong lớp Tập Làm Văn để viết phần còn lại?
Angus và Sarah Moorcraft (Có lẽ tên thật của họ là More Crap?) có hai đứa bé gái song sinh tên Kirstie và Lydia – một gia đình xinh đẹp hạnh phúc với chú chó Beany, một mẫu gia đình hoàn hảo đúc trong khuông ra để nhét vào một câu chuyện trinh thám tâm lý điển hình. Năm hai đứa bé 6 tuổi, một tai nạn không may đã xảy ra làm thiệt mạng bé Lydia. Và mọi thứ càng dồn dập hơn khi Angus mất việc còn Sarah trầm uất vì mất con. Trong hoàn cảnh túng thiếu, Angus và Sarah “may mắn” được thừa hưởng một địa sản ở một hòn đảo ngoài bờ biển Scotland, thế là gia đình ba người họ dắt díu nhau dọn từ London ra sống ở hòn đảo cô lập Torran để bắt đầu lại từ đầu. Có lẽ nhà Moorcraft này chưa đọc And Then There Were None (Mười Người Da Đen Nhỏ) của Agatha Christie hay The Shining của Stephen King chứ mỗi lần tôi nghe cốt truyện có một hòn đảo cô lập hoặc một ngôi nhà ở khu hoang vu là tôi biết ngay chẳng có chuyện tốt lành gì sắp xảy ra: Vợ chồng sẽ nghi kỵ, tai nạn thường chẳng phải tai nạn, và song sinh sẽ có những hành động bí ẩn của song sinh (đây chẳng phải lần đầu tiên mà một đôi song sinh được đưa vào truyện trinh thám để bấn loạn người đọc với những hành vi tâm linh tương thông của họ) .
Có lẽ do đã liệu trước những diễn biến sắp tới nên hứng thú đọc truyện của tôi không còn như ban đầu nữa. Ở đảo hoang trường mới, cô bé Kirstie càng ngày cư xử càng giống Lydia và với những hành động bất thường ấy, đương nhiên cô bé chẳng có bạn bè nào trong lớp. SK Treymane nhảy từ lời dẫn chuyện của Sarah sang Angus nhằm tạo “hiệu ứng đặc biệt” rằng đôi vợ chồng này hoàn toàn không tin tưởng nhau và không chia sẻ những chi tiết mình biết về tai nạn hôm ấy. Làm sao có thể tin tưởng nhau khi cả hai đều từng ngoại tình, và họ nghĩ rằng họ “tha thứ” cho nhau. Làm ơn đi, chi tiết ngoại tình lúc nào cũng là quả bom nổ chậm trong những câu chuyện gia đình khác thường.
Nhưng cái mà tôi không thể nào đặt niềm tin của mình vào câu chuyện chính là nó được xây dựng từ chi tiết cốt lõi rằng bà mẹ không thể nhận ra hai đứa song sinh của mình. Chuyện này chỉ hay xảy ra ở tuổi sơ sinh và hiếm khi xảy ra khi cặp song sinh đã ở tuổi 6 7, khi ấy cha mẹ thường đã nhận biết một đặc điểm nào nó duy nhất, vì song sinh dù cùng trứng (monozygotic/identical twins) thì cũng có một điểm nào đó khác nhau chứ không thể hoàn toàn giống nhau được. Và điều nực cười nhất là nếu không thể nhận ra đứa nào là đứa nào thì làm quái gì lại đi mua cho chúng quần áo y hệt nhau để rồi một đứa xảy ra tai nạn thì không biết đứa đó là đứa nào?!? Có thể những sự hỗn loạn lầm lẫn đều chỉ xảy ra trong tưởng tượng của bà mẹ Sarah sau cú sốc, nhưng những hành động dẫn đến sự hỗn loạn đó không thuyết phục được tôi. Chưa hết, sau khi cho rằng mình lầm lẫn thì dù đã tổ chức đám tang cho một đứa, Sarah lại muốn tổ chức đám tang lần nữa cho đứa kia?!? Đây chính là một trong những chi tiết khiến tôi thấy mệt mỏi với cư xử thất thường của cô ả xuyên suốt phần còn lại của câu chuyện. Tôi ghét cô ta, và cả gia đình cô ta nữa. Cứ hở chút là cô ta lên cơn giận dữ của mình, nghi kỵ tất cả từ bản thân cho đến chồng con, tuy Angus mới là người có “lịch sử” bạo lực nhưng tôi thấy chính Sarah mới là kẻ có thể gây chuyện, thậm chí không dưới một lần cô ta muốn đánh đứa bé Emily học chung lớp với con mình, muốn đánh gã chồng, và cả cô giáo của con. Ôi gần nửa sau của truyện tôi chỉ muốn gào rống lên như Angus đã nói với cô ta: “Shut up. Shut. The. Fuck. Up.”
Photo Credit: Naniblog.com